Kỳ Duyên
Và chúng ta, nợ nước Việt, nợ lịch sử dân tộc,
nợ các bậc tiền nhân- một sự phát triển mạnh mẽ, đầy khí phách để có thể bình
đẳng với các dân tộc lớn- cả trí tuệ, tài năng và phẩm cách.
Từ xa xưa, dân gian đã có câu tổng kết về cái sự vụng, vô ý vô tứ trong nết
ăn ở của con người: Bóc ngắn cắn dài. Cái sự vụng ấy, giờ đang
ứng nghiệm với hai địa danh, khiến dư luận XH được dịp bàn loạn. Nhưng có phải
là vô ý vô tứ không? Chắc là không.
Chúa Chổm và “hội chứng công tử Bạc Liêu”
Đó là vụ việc “vỡ nợ” của mấy cơ sở cấp ủy và t/p nọ. Đến mức một nữ kế
toán đã đập vỡ bình trà, chỉ tay vào mặt một quan chức. Hệt cảnh cơm chẳng
lành canh chẳng ngọt!
Mà ngọt sao được, nếu biết rằng, ở thời điểm chuyển giao giữa lãnh đạo
nhiệm kỳ cũ và mới, thành ủy nọ (khóa mới) liên tục nhận được các “trát đòi
nợ”. Hãnh diện chưa thấy đâu đã thấy mình biến thành “con nợ”, tổng cộng tới
2,819 tỷ đồng ở rất nhiều khoản. Từ khám sức khỏe, nợ bảo hiểm XH, đến soạn
thảo văn bản, tiếp khách, sách báo, tài liệu, quà tặng…v.v.. Thậm chí có những
món, chủ nợ đòi tới quá tam… năm bận, nợ vẫn hoàn nợ.
Gần đó, t/p khác cũng không chịu kém. Báo CA t/p HCM, ngày 03.12 cho biết,
hiện t/p này nợ tới 300 tỷ đồng, nhiều khoản nợ không biết lấy đâu chi trả.
Thậm chí không còn đủ tiền để trả lương cho công chức. Đọc báo cáo tình hình
ngân sách, không ít cơ quan chức năng giật mình trước kiểu quản lý kinh tế vung
tay quá trán khá lạ lùng. Năm 2012, ngân sách t/p có khoảng 494 tỷ đồng
nhưng chi hơn 555 tỷ đồng, mất cân đối gần 50 tỷ đồng. Năm 2013, ngân sách t/p
có 536 tỷ đồng, chi ngân sách gần 628 tỷ đồng, mất cân đối hơn 90 tỷ đồng.
Ngoài mất cân đối và nợ ngân sách tỉnh, t/p còn gánh hàng chục món nợ với số
tiền nhiều tỷ đồng.
Xưa, dân gian có thành ngữ nợ như chúa Chổm. Thế nên, mấy cấp ủy và
t/p nói trên hiện đang… giữ ngôi này.
Cũng không biết còn có bao nhiêu tỉnh, t/p xứng đáng với ngôi vị chúa
Chổm, bởi báo chí chưa đủ thông tin.
Nhưng dân gian cũng có khái niệm công tử Bạc Liêu, để nói về sự xài
sang, vô tội vạ. Có điều công tử Bạc Liêu xưa xài sang bằng tiền của gia
đình ông ta, còn ở đây nợ như chúa Chổm, bởi tiêu xài vô tội vạ “tiền
chùa”.
Cũng bởi tiêu xài vô tội vạ, cho dù nhân danh “phát triển nóng”, thì rút
cục cứ nợ năm trước “gối” vào năm sau.
Cái bình trà vỡ oan cũng bởi cái kiểu “gối” này đây!
Tiếc thay, từ lâu hiện tượng tiêu xài vô tội vạ, vung tay quá trán
không chỉ của hai địa chỉ này, mà đã biến thành hiện tượng của nhiều ngành- và
được gọi là “hội chứng công tử Bạc Liêu”. Hội chứng đó rất đa dạng.
Có hội chứng của các địa phương. Có hội chứng của… cả nước.
Đó là việc các tỉnh, t/p đua nhau xây dựng các trụ sở UBND (trung tâm hành
chính) của tỉnh mình.
Cách đây hai năm, ông Ksor Phước, Chủ tịch HĐ Dân tộc QH cho biết đã đi đủ
63 tỉnh thành, và thấy rằng, nhiều tỉnh trụ sở to như cung điện, rộng mênh
mông như công viên, trông như nơi du lịch thắng cảnh, đẹp và lộng lẫy nhưng rất
phản cảm khi mà tỉnh còn nghèo, đất nước còn nghèo. Cái sự phản cảm ấy vẫn
tiếp tục đua nhau xuất hiện.
Mở đầu, có thể kể đến TTHC t/p Đà Nẵng 37 tầng, cao nhất nước hiện nay, với
tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng. Rồi Nghệ An dự kiến xây dựng 27 tầng, chi phí
2.178 tỉ đồng. Rồi Khánh Hòa, tới 4.300 tỷ đồng. Hà Tĩnh, 1500 tỷ đồng. Bình
Dương, hơn 1400 tỷ. Tiếp đến Lai Châu, Cần Thơ, Hậu Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu,
Sóc Trăng, và mới đây là Hải Dương, dự kiến đầu tư khoảng 2.060 tỷ đồng. Điều
đáng nói, có những tỉnh nghèo, quanh năm “vác rá” xin hỗ trợ, nhưng nhất quyết
phải có trụ sở để đời, chẳng chịu thua chị kém em.
Đến nỗi đã có cả những câu đồng dao mới của dân gian chế giễu: Trong
những trụ sở to to/ Có những cái đầu nho nhỏ….
Đó còn là hội chứng xây tượng đài nghìn tỷ. Hội chứng này gây phản cảm và
bất bình nhất trong dư luận XH. Sau những tượng đài nghìn tỷ, là những tượng
đài trăm tỷ thi nhau xin xây dựng. Mà tượng đài đâu có ít. Thống kê ban đầu của
ngành văn hóa, cả nước hiện có 360 công trình tượng đài, kể cả các công trình
được xây dựng từ trước năm 1975. Nhưng đến nay có tượng đài nào hấp dẫn người
dân, để người dân khâm phục bởi tính tư tưởng, tính thẩm mỹ cao, có tiếng vang
trong làng điêu khắc thế giới? Hay hầu hết chỉ là những tượng “cổ động” phơi
lối mòn, đành chịu trơ gan cùng…. bia miệng?
Cũng không chỉ có các địa phương, “hội chứng công tử Bạc Liêu” còn lan rộng
khắp.
Đó là hiện tượng xe công, xe sang từng gây chấn động dư luận bởi sự lãng
phí tiền bạc. Nếu biết rằng, số lượng xe công của VN hiện lên tới 40.000 xe,
trung bình chi phí mỗi xe khá lớn, khoảng 320 triệu đồng/năm. Ước tính mỗi năm,
40.000 xe công tiêu tốn ngân sách nhà nước lên tới 12.800 tỷ đồng.
Đó là hiện tượng bộ máy cồng kềnh- hệ lụy của tầm tư duy ngắn hạn về tổ
chức bộ máy, về sự thay đổi tách nhập- nhập tách, người tìm ghế chứ không phải
ghế tìm người. Khiến chi phí phát sinh vô tội vạ, với một bộ máy hoành tráng
hình thức, nhưng lại rất…. khiêm nhường về hiệu quả.
Và nay, hiện tượng “hoàng hôn nhiệm kỳ” (ký tá hàng loạt chức vụ trước khi
nghỉ hưu), mà người có phát ngôn ấn tượng này là ĐBQH Lê Như Tiến. Thật ra,
hiện tượng này xuất hiện từ rất lâu. Có điều, nó nhân danh chức trách, bổn phận
trách nhiệm trong công tác cán bộ mà chẳng ai, dù biết mười mươi thì thầm to
nhỏ, cũng ngại mổ xẻ. Giờ đây, “hoàng hôn nhiệm kỳ” buộc phải chịu phơi mình
giữa thanh thiên bạch nhật.
Rất dễ dàng, bạn đọc, dư luận XH đều hiểu, đằng sau những dự án nghìn tỷ
xây trụ sở to, tượng đài hoành tráng, là tư duy nhiệm kỳ, là những tỷ lệ phần
trăm hoa hồng rất lớn, khiến cho các tỉnh, các nhóm lợi ích bất chấp dư luận,
điều tiếng, đeo đuổi đến giây phút cuối cùng bởi lợi ích khai thác được từ
chiếc ghế quyền lực. Cho dù mới đây, được biết, TTCP đã chỉ đạo tạm dừng việc
xây các trụ sở- TTHC các địa phương.
Nhưng cũng có những “hội chứng công tử Bạc Liêu”, tiếc thay, lại…. cộng
sinh từ chính cung cách quản lý lỏng lẻo ở tầm vĩ mô.
Người viết bài chú ý và tâm đắc với nhận xét của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn,
Giảng viên CT Giảng dạy kinh tế Fulbright, trả lời Tuần Việt Nam, ngày 09/12
mới đây, lý giải những hiện tượng nêu trên. Có những nguyên nhân mang tính
cục bộ, có nguyên nhân mang tính hệ thống. Nhưng, nguyên nhân hệ thống quan
trọng hơn cả. Chính nguyên nhân hệ thống đã tạo ra cái gọi là “tâm lý ỷ lại”. Đó
là cung cách quản lý ngân sách theo kiểu ràng buộc “ngân sách mềm” thay cho
việc lẽ ra phải ràng buộc “ngân sách cứng”.
Một bên là “nguồn sữa Thạch Sanh”, một bên là nguồn sữa phân cấp quản lý.
Chính nguồn sữa Thạch Sanh này đã khiến các địa phương cứ khóc là được… ti bầu.
Ôi chao. 30 năm đổi mới, mà quản lý Nhà nước không bước ra nổi tư duy bao
cấp, xin- cho.
Khiến chúa Chổm và hội chứng công tử Bạc Liêu có …. gien di
truyền.
“Ngõ cụt” và món nợ quốc gia
Mới đây, cả XH lại “nóng” lên bàn luận về một con số lạnh lùng: Đồng hồ nợ
công toàn cầu báo tin, tính đến 18 giờ (VN) ngày 11/10, nợ công của VN đã xấp
xỉ 92,641 tỉ USD. Với dân số gần 92 triệu dân, trung bình mỗi người dân Việt
hiện gánh 1.016 USD.
Điều đáng ngại, nợ công của VN hiện chiếm 46% GDP, tăng 9,6% so với năm
trước. Cùng kỳ năm 2014, tổng nợ công VN trên 84,563 tỉ USD (thấp hơn 8,078 tỉ
USD so với hiện tại), trung bình mỗi người Việt tại thời điểm đó gánh gần 933
USD nợ công. Năm 2013 tổng nợ công của VN khoảng 76,485 tỉ USD (thấp hơn 16,156
tỉ USD so với hiện tại). Tính ra, cứ sau 01 năm, nợ công VN tăng hơn 08 tỉ USD
(báo Thanh niên, ngày 12/10).
Cứ đà này, rất có thể nợ công VN tăng tỷ lệ thuận theo thời gian, nếu VN
không có những giải pháp mạnh ngăn chặn. Còn theo các chuyên gia kinh tế, nợ
công cao đang có khả năng đe dọa sự tăng trưởng của quốc gia
Mặc dù, cách tính nợ công của VN hiện vẫn có những tranh cãi không thống
nhất. Nếu như theo Bộ Tài chính, cách tính nợ công phải theo Luật Quản lý nợ
công, thì theo Học viện Chính sách và phát triển (Bộ KH& ĐT), so với cách
tính của Quỹ tiền tệ quốc tế và WB về nợ công VN, ngoài 03 khoản theo Luật (gồm
nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương), còn phải
tính cả số nợ của Ngân hàng Nhà nước, nợ của DNNN và nợ của các tổ chức bảo
hiểm và an sinh xã hội. Cách tính dựa theo Luật Quản lý nợ công hiện nay chưa
phản ánh đúng bản chất số nợ. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh
tế, thống kê trong nước và nước ngoài.
Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ, hẳn con số nợ công của VN thực chất còn
lớn hơn nhiều lắm.
Liệu những con số vỡ nợ của các địa phương nói trên, “hiện tượng công tử
Bạc Liêu” có liên quan gì đến con số nợ công tăng lên nhanh chóng? Chắc chắn là
có.
Tiếp xúc với các cử tri Q 4 (t/p HCM), mới đây, trước sự lo lắng của họ về
cái “ngõ cụt” của VN- nợ công cao, nợ nhiều, chi nhiều- người đứng đầu nước
Việt thẳng thắn thừa nhận vấn đề này. Ông cho rằng nợ công tăng cao có nguyên
nhân từ rất nhiều dự án đầu tư không hiệu quả: Một dự án giao thông mà sau
khi rà soát kỹ lại tiết kiệm được mười mấy ngàn tỉ tiền đầu tư. Như vậy thì
mình làm dự toán lớn quá, quản lý lỏng lẻo, bê bối quá… Những cái đó dân phản
ứng kinh khủng, gây bất lợi chính trị ghê gớm. (Lao động, ngày 08/12) Ông
cũng thừa nhận hiện tượng chống tham nhũng ở nước Việt bị xếp hạng trên dưới
100 quốc gia: Buồn, xấu hổ lắm!
Thật ra thì người dân Việt đã buồn và xấu hổ từ rất lâu. Nhưng liệu nước
Việt đã có những giải pháp gì để ngăn chặn nợ công tăng cao, phát triển bền
vững?
Đây cũng là ý tứ mà bà Victoria Kwakwa (Giám đốc Quốc gia của WB tại VN)
đặt câu hỏi cho người đứng đầu Chính phủ, tại Diễn đàn đối tác phát triển VN:
“VN sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng
trong 05 năm tới?”.
Chương trình 05 năm tới đó chính là kế hoạch phát triển mà người đứng đầu
CP tuyên bố: “Kinh tế phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 05 năm qua, trong
đó tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7% trên một nền kinh tế vĩ mô ổn định. Kiên
quyết đảm bảo nợ công trong ngưỡng an toàn. Giữ bội chi ngân sách dưới 4% (thay
vì 5-5,5% vài năm qua). Đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội. Tái cơ cấu hệ thống NH,
tái cơ cấu và phát triển xây dựng nông thôn mới…”(VietNamNet, ngày 05/12)
Ở góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế tư vấn: Việc
chuyển vai trò của Nhà nước từ sản xuất sang quản lý là rất cần thiết. Chính
phủ VN cần có những bước đi rút ra khỏi những lĩnh vực không cần tham gia.
Theo bà Victoria Kwakwa, những quyết định thay đổi vai trò của nhà nước như
vậy, sẽ giúp VN cải thiện năng suất lao động, tạo ra một môi trường kinh doanh
tốt hơn. Bởi theo bà, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, VN sẽ phải dựa
vào nguồn thu trong nước là chính. Trong khi đó, tỉ lệ thu ngân sách nhà nước
trên GDP cho thấy xu thế giảm trong 05 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Xu hướng
tăng năng suất lao động đang giảm dần, ở mức chưa đến 4% như hiện nay, là đáng
quan ngại và không đảm bảo giúp VN tăng trưởng nhanh và bền vững.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại diễn đàn, một trong những
điểm yếu của kinh tế VN là sự kiểm soát trực tiếp của NN, sự can thiệp vào nền
kinh tế bằng sở hữu các biện pháp hành chính. Các DNNN và DN cổ phần hóa chưa
có những thay đổi thực chất về quản trị DN. Mặt khác, sau 30 năm xây dựng kinh
tế thị trường, khu vực DN tư nhân của VN vẫn yếu và mong manh; 97% DN tư nhân
trong nước là DN vừa và nhỏ.
Dư luận XH hẳn còn nhớ, tháng 03/2015, cựu TT nước Anh Tony Blair sang thăm
VN cũng đã từng khuyến cáo và cho rằng, thực tiễn kinh tế của nhiều quốc gia
cho thấy, vai trò nhà nước không hiệu quả lắm trong việc điều hành các tổ chức
kinh tế, kinh doanh.
Rõ ràng, bóng đang ở trong chân của nước Việt. Chân sút nào sẽ quyết định,
làm bàn tăng trưởng?
Tại diễn đàn, câu trả lời của người đứng đầu CP khẳng định sẽ thực hiện
đầy đủ và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hiện đại, hiệu quả. Sẽ luôn ưu
tiên khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, cụ thể là hỗ trợ phát triển DN
vừa và nhỏ, coi đây là nội lực của đất nước, của nền kinh tế. Ngoài ra, theo
Luật Ngân sách mới, trong 05 năm tới, VN sẽ giữ bội chi ngân sách nhà nước dưới
4%/năm. Bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn liền với việc sử dụng hiệu
quả đầu tư công (Dân trí, ngày 5/12)
Như vậy, mọi việc còn trông đợi ở thì … sắp tới. Rõ ràng, những món
nợ của nước Việt chúng ta không ít.
Nền kinh tế thị trường nước Việt nợ một môi trường kinh doanh thực sự bình
đẳng, một cung cách quản lý, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.
Quản lý Nhà nước nợ nhân dân một nền quản trị quốc gia văn minh, dân chủ và
văn hóa, có nền tảng là sự công khai- minh bạch
Và chúng ta, nợ nước Việt, nợ lịch sử dân tộc, nợ các bậc tiền nhân- một sự
phát triển mạnh mẽ, đầy khí phách để có thể bình đẳng với các dân tộc lớn- cả
trí tuệ, tài năng và phẩm cách.
K.D.
Nguồn: Theo VietNamNet