30 décembre 2015

Trước HNTW14: Đường cùng, rứt dậu



Lịch sử sẽ điền tiếp những cái tên: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng vào danh sách những kẻ bán nước
 
Theo định kỳ, cứ 5 năm một lần Đảng CSVN sẽ tổ chức đại hội toàn thể để bầu ra một ban lãnh đạo mới, trong đó sẽ chỉ định các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhất cho bộ máy nhà nước. Đây là một việc làm thường lệ. Tuy vậy từ trước đến nay, chưa bao giờ thấy trước đại hội đảng lại có nhiều diễn biến đầy kịnh tính như lần đại hội này - Đại hội 12. Điều đáng chú ý là, trong cuộc đua nhằm tới chức vụ cao nhất trong Đảng CSVN hiện nay đã xuất hiện sự tác động của nước ngoài một cách công khai. 


Nội bộ phân hóa sâu sắc 

Nhận xét về việc chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ 12, người ta cho rằng ban lãnh đạo đã quá mải mê và mất nhiều thời giờ cho việc lựa chọn nhân sự, mà phần báo cáo chính trị liên quan đến chủ trương ,đường lối của Đảng CSVN trong 5 năm tới (2016-2020) đã không được quan tâm đúng mức. 

Việc trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt nam có sự chia rẽ sâu sắc là điều không thể chối bỏ. Đó là mâu thuẫn giữa phe bảo thủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một bên là phe "cải cách" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.  Đây không chỉ là sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa các cá nhân lãnh đạo đảng CSVN, mà là việc mâu thuẫn về chủ trương, chính sách và đường lối giữa 2 thế lực chính trị. Đó là một phe với chính sách đối ngoại thân và dựa hẳn vào Trung quốc, đối nghịch với chính sách chống sự bành trướng của Trung quốc và ngả về phương Tây của phe bên kia. Cũng như về đường lối kinh tế, cũng có sự khác biệt rất cơ bản giữa 2 phe. Trong lúc phe "cải cách" chủ trương theo đuổi một nền Kinh tế thị trường đầy đủ, lấy kinh tế tư nhân làm động lực để thúc đẩy nền kinh tế. Thì ngược lại, phe bảo thủ vẫn chủ trương "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", trong đó lấy kinh tế Quốc doanh làm chủ đạo. 

Việc ban lãnh đạo đảng thiếu thống nhất về đường lối và chính sách là nguyên nhân đã khiến họ quan tâm quá nhiều về công tác nhân sự. Hiện nay nội bộ lãnh đạo đảng CSVN đã phân hóa thành hai phe, với sự khác biệt cơ bản về các đường lối và chính sách. Điều đó cho thấy, vấn đề độc quyền lãnh đạo của đảng CSVN đã được ghi rõ trong điều 4 của Hiến pháp song cũng đã lung lay, khi mà một bộ phận không nhỏ các đảng viên đã và đang nghi ngờ sự chuyển hướng của người đứng đầu chính phủ - ông Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, họ cho rằng một khi quyền lực tối cao tập trung nằm trong tay ông Dũng, thì việc ông ta trở thành một vị tổng thống độc tài và sẽ xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN là nguy cơ có thật. Việc truyền thông tiết lộ rằng "Theo một quan chức cao cấp Việt Nam giấu danh tính, Nguyễn Tấn Dũng gần đây trong một buổi tiệc có nói rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có đi theo những giá trị phổ quát của thế giới, mới có thể tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam, nếu không sẽ vĩnh viễn không thể thay đổi diện mạo độc tài biến tướng này, nếu như không có cách nào cải cách, sẽ lập tức giải tán", là điều hoàn toàn có cơ sở.

Từ đấu đá...
 

Hội nghị Trung ương 13 phải họp kéo dài hơn dự kiến, song không đạt được kết quả trong việc lựa chọn ứng viên "đặc biệt", đó là người trong tứ trụ khóa 11 sẽ tiếp tục ở lại nắm trọng trách Tổng Bí thư Đại hội 12. Điều đó kéo theo việc biểu quyết danh sách ứng viên cho các chức vụ Thủ tướng, Chủ tịch Nước và Chủ tịch Quốc hội cũng không thực hiện được. Vì thế Ban Chấp hành TƯ phải giao lại cho Bộ Chính trị xem xét tiếp để trình Hội nghị TW14 sắp tới để biểu quyết thông qua. Điều đó cho thấy đề cử ai là quyền của Bộ Chính trị, song việc lựa chọn ai làm Tổng Bí thư thì là quyền của các Ủy viên trung ương Đảng. 

Đây cũng là một phần của lý do vì sao Hội nghị TW13 đã không đạt được kết quả như dự tính. Một phần phe của ông Trọng, được đa số thành viên Bộ Chính trị ủng hộ đưa ra các yêu cầu cho ứng viên chức danh Tổng Bí thư phải đảm bảo các yêu cầu như ... của ông Nguyễn Phú Trọng. Đó là: người miền Bắc, có trình độ lý luận, kiên định với Chủ nghĩa Marx-Lenin và là người thực sự trong sạch. Tất nhiêu những yêu cầu đó đã không được đa số các trung ương ủy viên không chấp nhận, mà theo họ tiêu chuẩn cho ứng viên chức danh Tổng Bí thư phải là người có dũng khí và trình độ, có bản lĩnh chính trị để có những quyết định đột phá cho đất nước trong tương lai. 

Các nhà quan sát đều có chung một nhận định rằng, sau Hội nghị TW13 tương quan giữa các phe phái trong đảng đang ở thế giằng co, tuy có phần nghiêng về phía phe "cải cách" của ông Nguyễn Tấn Dũng. Bên cạnh đó vấn đề thời gian càng ngày càng có lợi cho phe ông Dũng, vì việc chọn ứng viên "đặc biệt", người sẽ nắm trọng trách Tổng Bí thư Đại hội 12 là điều bắt buộc phải làm và chắc chắn phải thực hiện. Nếu Hội nghị TW14 sắp tới không ngã ngũ thì trong kỳ Đại hội 12, Ban Chấp hành trung ương vẫn phải biểu quyết thông qua. Và người có khả năng nắm chức vụ Tổng Bí thư Đại hội 12 sẽ là ông Nguyễn Tấn Dũng. 

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng từ ngày 23-27/12/2015 được thực hiện một cách nhanh chóng và rốt ráo như vậy? 

... đến mượn tay nước ngoài 

Ngay sau khi Hội nghị TW13 kết thúc (ngày 21/12/2015), thì theo "mật lệnh" chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng bắt đầu từ ngày 23-27/12/2015. Trên danh nghĩa, chuyến thăm Trung quốc lần này của ông Hùng theo lời mời của Chủ tịch Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, ông Trương Đức Giang. Song dư luận thì cho rằng thực chất là chuyến thăm này để báo cáo kết quả nhân sự Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12, sau Hội nghị TW13 với ban lãnh đạo Trung quốc. Sâu xa hơn, đó còn là việc đi xin kế sách của phía Trung quốc để giúp cho ông Nguyễn Phú Trọng giành được chức vụ Tổng Bí thư Đại hội 12. 

Ngay trong chuyến đi của ông Nguyễn Sinh Hùng đến Trung Quốc, thì chiều 27/12/2015, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua dự luật chống khủng bố đầu tiên của nước này đã khiến cho người ta nghi ngờ. Theo VTV cho biết: "Trong cuộc thảo luận lần này, khái niệm "khủng bố" được định nghĩa là mọi ý kiến hay hành động nhằm mưu đồ chính trị và hệ tư tưởng, thông qua bạo lực, hăm dọa, gây hoang mang trong xã hội, phá hoại an ninh công cộng, xâm phạm quyền và tài sản cá nhân và đe dọa các tổ chức chính phủ và quốc tế. Định nghĩa này đã được mở rộng hơn so với khái niệm trước đó đưa ra hồi tháng 2/2015, khi đó không đề cập đến quyền và tài sản cá nhân cũng như mục đích chính trị và hệ tư tưởng." Và theo luật chống khủng bố mới này của Trung quốc, thì quân đội Trung Quốc và các lực lượng cảnh sát vũ trang của nước này có thể thực hiện các sứ mệnh chống khủng bố ở nước ngoài nếu được Quân ủy Trung ương Trung Quốc chấp thuận, song phải được sự cho phép của Quốc Vụ Viện cùng với các thỏa thuận được ký kết với những nước hữu quan. 

Việc ngay lập tức, phía Việt nam, Đại tá Hà Minh Trân – Phó Cục trưởng Cục A67 cho biết“Tại Việt Nam… lực lượng Công an đã phát hiện 10 đối tượng khủng bố quốc tế là thành viên chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda và JI nhập cảnh vào Việt Nam”. Phải chăng đây là một hành động  nội công, ngoại kích mang tính dọn đường, nhằm cho phép quân đội nước Trung quốc có thể tham gia vào các hoạt động chống khủng bố ở Việt nam trong giai đoạn Đại hội 12 sắp tới? 

Chính vì thế, đầu giờ chiều ngày 28/12/2015, báo Tuổi trẻ có đăng bài "Ngăn chặn âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước" đã làm dư luận hết sức xôn xao. Điều đáng chú ý là, bản tin này nói về hoạt động của Chính phủ trong khuôn khổ một hội nghị và nội dung về vấn đề này chỉ vẻn vẹn 02 dòng, với nội dung "Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động, âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.". Song nó được đặt thành tựa đề của bài báo, khiến dư luận bức xúc và không biết tin đó có liên quan gì đến bản tin "5.200 cảnh sát, bộ đội tập phương án bảo vệ Đại hội Đảng 12" của phe ông Nguyễn Tấn Dũng đã triển khai sẵn sàng đối phó, trong khi không có báo chí chính thống khác đưa tin này.

Nghi vấn về chuyến thăm Trung quốc của ông Nguyễn Sinh Hùng cũng được báo chí nước ngoài đề cập tới. Dưới tựa đề "Việt Nam sắp đại biến, Chủ tịch Quốc hội cầu cứu Tập Cận Bình", một tờ báo Đài loan đã có nhận xét rằng: "Trong hai ngày 23- 24/12/2015, Tập Cận Bình và Du Chính Thanh tại Bắc Kinh đã lần lượt tiếp kiến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng. Giới quan sát cho rằng, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp diễn ra, cạnh tranh trên chính trường đang rất kịch liệt, người được mệnh danh “đả phá diện mạo độc tài biến tướng”* thuộc phe cải cách là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đang chiếm lấy ưu thế. Việt Nam sắp có biến cố lớn, Nguyễn Sinh Hùng thăm Bắc Kinh lần này có thể là để cầu tiếp viện." 

Và 29/12/2015 báo chí trong nước đưa tin, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo giàn khoan bán chìm Hải Dương 981 sẽ khoan thăm dò ở khu vực có tọa độ 17-29.53N, 110-57.18E từ ngày 28/12 đến 10/2/2016. Về mục đích của phía Trung quốc khi đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông lần này, trong suốt thời gian trước và sau Đại hội Đảng lần thứ 12, được các nhà bình luận cho rằng, đó là một hình thức gây hấn nhằm gây áp lực trực tiếp cho các trung ương Uỷ viên khi bỏ phiếu chọn lựa chức danh Tổng Bí thư Đại hội 12. Họ sẽ phải chọn ai, giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng? Song có lẽ đây là một tính toán sai lầm từ phía Trung quốc, vì hành động này tựa như đổ dầu vào lửa và một điều chắc chắn rằng, đa số các Ủy viên Trung ương có lòng với đất nước sẽ không bỏ phiếu cho những kẻ phản quốc. 

Điều đó cho thấy, trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN hiện nay đã có một phe đang dựa vào ngoại bang để hòng thâu tóm quyền lực vì quyền lợi của cá nhân và đồng bọn của mình và thực chất đây là việc rước Voi về giày mả tổ. Chắc chắn lịch sử Việt nam sẽ điền tiếp những cái tên: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng vào danh sách những kẻ bán nước trước đây, như: Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan... còn ô danh đến muôn đời. 

Kết 

Trong tâm thức của những người Việt có lương tri thì, không phải chỉ bây giờ mà hàng ngàn đời nay Trung quốc luôn là kẻ thù truyền kiếp, bởi vì dã tâm thôn tính Việt nam đã trở thành ý thức thâm căn cố đế của những nhà lãnh đạo Trung hoa. Bình luận về bài viết "Ngăn chặn âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước", có người nhận xét và cảnh báo rằng:

"Sáng ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng truyền đi một thông điệp quan trọng, cho thấy Trung Quốc đang can thiệp nghiêm trọng vào nội bộ VN, phe thân Trung Quốc gồm Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Phạm Quang Nghị,...đang dựa hơi Trung Quốc để lũng đoạn nội bộ VN, tấn công phe ông Nguyễn Tấn Dũng. Đây là lời "hiệu triệu" nội bộ của ông thủ tướng, nếu để phe thân TQ nắm quyền sau Đại hội 12, VN sẽ rơi vào thời kỳ bắc thuộc tăm tối. Nhân dân VN tiếp tục ăn thực thẩm bẩn nhập lậu của TQ, xài hàng dỏm của TQ, mất chủ quyền biển đảo vĩnh viễn vào tay Trung Quốc."

Tuy vậy, trên mạng xã hội cũng lan truyền một status của facebooker Truong Huy San với nội dung:·

Thủ tướng rất biết làm "nức lòng dân chúng" bằng những tuyên bố bóng bẩy [Hôm nay là: Ngăn chặn âm mưu can thiệp công việc nội bộ đất nước]. Kể từ sau "Nghị quyết TW 4", ông thường xuyên xuất hiện trước công chúng với lá bài chủ quyền.
Đành rằng Trung Quốc là kẻ duy nhất có khả năng đe dọa chủ quyền nhưng làm sao có thể chống Trung Quốc bằng miệng lưỡi.
Trong hai nhiệm kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã mở toang cửa cho Trung Quốc dùng công nghệ ô nhiễm, kém hiệu quả để khai thác Bauxite ở Tây Nguyên; đưa công nghệ luyện thép lò đứng đã bị truy đuổi ở chính Trung Quốc vào Vũng Áng; để cho công nghệ nhiệt điện đã từng hủy hoại môi trường Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ VN.
Bắc Kinh không thể nắm đầu VN bằng ý thức hệ, thứ mà cả Hà Nội lẫn họ đều chẳng ai tin. Bắc Kinh chỉ có thể nắm đầu những kẻ liên quan quá nhiều đến tiền bạc.

Sự lựa chọn ủng hộ ai và cách đánh giá thế nào là quyền của mỗi cá nhân và không ai có thể xâm phạm vào cái quyền ấy của họ. Tuy nhiên riêng cá nhân tác giả thì thấy rằng: Cho dù chúng ta không thể chống Trung Quốc bằng miệng lưỡi, nhưng ở cương vị người lãnh đạo quốc gia, thì dẫu bất lực (vì nhiều lý do) đến cỡ nào thì cũng nên biết "Ẳng" lên một tiếng cho người khác biết rằng mình biết đau, biết nhục. Vì làm như thế thì còn hơn ngàn vạn lần cái lũ lãnh đạo đang cõng Rắn về cắn Gà nhà. 

 
©                                                                                          Kami