Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN |
Năm 2016 là năm của Đại Hội XII đảng CSVN. Đây là một
sự kiện rất quan trọng đối với nhân dân, đất nước vì hiện đảng CS vẫn tự nhận
cái quyền cai trị để phát triển đất nước.
Trong năm 2015 đảng CSVN đã bỏ ra nhiều công sức để
chuẩn bị cho Đại hội, kể cả cho công bố các dự thảo văn kiện và mời nhân dân
đóng góp ý kiến. Gần đây nhất đã có 3 cuộc họp để đề ra tiêu chuẩn lựa chọn cơ
quan lãnh đạo là Ban chấp hành Trung ương, (BCHTU7), Bộ Chính trị (BCT) và đại
biểu đi dự Đại hội các cấp. Hai cuộc họp BCHTƯ 12 và 13 đã để gần hết thời gian
để đề cử các thành viên BCT, đặc biệt là về 4 vị trí tứ trụ: Tổng Bí thư (TBT),
Chủ tịch Nước (CTN),Thủ tướng TT), và Chủ tịch Quốc hội (CTQH).
Có vẻ như việc chuẩn bị cho Đại hội XII nghiêng về vấn
đề lực chọn nhân sự, phân chia ghế, phân bổ các vai vế chức quyền hơn là về nội
dung các văn kiện.
Đây vẫn là nếp đã quen thành vết mòn của các kỳ Đại
hội từ trước, đến nay vẫn chưa thay đổi. Điều này phản ánh cái tệ tham quyền cố
vị đã thành cố tật trong lãnh đạo. Bộ chính trị hiện nay làm ra vẻ như nội dung
các văn kiện đã thảo xong, đâu vào đấy, rất công phu, đầy đủ, sáng tạo, không
cần thêm bớt hay tranh luận, vì các đại biểu cũng giống như các đại biểu Quốc
hội đã quá quen việc theo nhau đưa tay biểu quyết đồng tình mà không cần hiểu
về nội dung là vấn đề gì. Đây cũng là cố tật chủ quan, coi thường quần chúng,
coi khinh trí thức kể cả trí thức đảng viên, coi thường các nhân sỹ lão thành
kể cả các đảng viên kỳ cựu, tự cho là văn kiện đã hoàn hảo tuyệt vời, không thể
có ai có ý kiến hay hơn. Từ đó, lãnh đạo cho rằng chỉ có vấn đề nhân sự là cần
quan tâm giải quyết, coi đó là vấn đề ưu tiên.
Vấn đề nhân sự gần đây nhất đã hé lộ là ông Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ ghế TBT, một điều «kinh khủng» vì như thế tình
trạng giáo điều, mụ mẫm, lú lẫn sẽ ngự trị thêm 5 năm ở cương vị tối cao. Lãnh
đạo coi sắp xếp xong nhân sự là Đại hội đã hoàn trhành 3/4 nhiệm vụ.
Thật ra còn một số vấn đề hệ trọng hơn nhiều.
Coi nhẹ việc hội họp, tranh luận kỹ để tìm ra học
thuyết, đường lối, mô hình cầm quyền là một sai lầm tai hại. Vì giữa học thuyết,
đường lối, chính sách và vấn đề nhân sự, bao giờ vấn đề trước cũng là vấn đề
quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến vận mệnh dân tộc, đến cuộc sống của
mỗi người dân, đến nền độc lập và phát triển của đất nước. Do đó sau khi vấn đề
học thuyết, đường lối, chính sách, mô hình cai trị, phát triển được định hình
ra sao, sai hay đúng, thì bất kể nhân sự nào trong BCT là những ai, bất kể
người nào nắm giữ 4 chức quyền cao nhất, tất cả đều phải thi hành theo, không
thay đổi gì được.
Do đó vấn đề nội dung các văn kiện phải là công việc
khẩn cấp nhất tại Đại hội XII. Huống gì mô hình cầm quyền và phát triển đất
nước hiện nay đã cũ kỹ, lạc hậu, xã hội sa sút; đảng CSVN đã suy thoái; tham
nhũng hoành hành. Chưa bao giờ nền cai trị toàn trị của một đảng duy nhất lại
bất lực vô hiệu như hiện nay. Mặt khác mô hình cai trị và phát triển cũng bế
tắc, càng đổi mới cải tiến thể chế, đất nước càng kém hơn trước.
Do đó chức năng hệ trọng nhất, trách nhiệm số một của
Đại hội XII phải là phát huy dân chủ, sáng tạo, thảo luận trong không khí hoà
nhã, triệt để , tranh luận công khai đến cùng kỳ lý nhằm tìm ra, xác định nội
dung cụ thể của một mô hình cai trị và phát triển đất nước tiền tiến, từ bỏ tận
gốc gác mô hình cũ hoàn toàn lỗi thời, phản dân chủ, phản tiến hóa. Nếu cần, nên
bỏ ra hơn 3/4 thời gian Đại Hội cho nội dung tối quan trọng này, thay đổi hẳn
nội dung bản dự thảo hiện có vì nó cực kỳ bảo thủ, cực kỳ giáo điều, cực kỳ
phản tiến bộ, chỉ dẫn đến những thất bại, đổ vỡ, phá sản về mọi mặt.
Có môt vấn đề quan trọng khác là trình độ chính trị
trình độ chính trị của lãnh đạo đảng hiện nay - cả BCHTƯ và BCT - tỏ ra quá
thấp kém, thua rất xa tập thể 127 người phần lớn là đảng viên vừa lên tiếng.
Trong xã hội đã có dư luận đánh giá lãnh đạo đảng ươn hèn hơn nhiều phụ nữ dũng
cảm dấn thân bị tù đầy, kém xa các thiếu niên 15, 16 tuổi và một số cựu chiến
binh kiên cường chống bành trướng, lại còn dốt nát, mụ mị, dở hơi so với một số
đảng viên trí thức có danh tiếng trong xã hội nhưng không còn tham gia lãnh
đạo.
Trong bế tắc như thế, rất nên có một quyết định sáng
suốt là hoãn Đại hội XII 1 hay vài ba tháng, thậm chí có thể là 1 năm để mở
những cuộc họp BCHTƯ với các chuyên gia VN trong và ngoài nước cùng một số
chuyên gia quốc tế như Ấn Độ, Nam Phi, Miến Điện, Ba Lan, Tiệp khắc… là những
nước giàu kinh nghiệm sống động về chuyển đổi tận gốc mô hình cai trị và phát
triển, mở ra con đường ổn định và phồn vinh lâu bền. Trong thời gian hoãn họp,
cần bắt tay ngay vào việc soạn thảo những văn kiện hoàn toàn mới, mang tính đột
phá, khai phóng, mở đường cho đất nước phát triển.
Nếu Đại Hội XII vẫn mù quáng không đếm xỉa đến bức thư
tâm huyết của 127 trí thức đảng viên và nhân sỹ, của 4 vị lão thành cách mạng
thì tự mình dẫn đảng CSVN đến số phận bi đát nhất, vì khi sự cai trị bất công,
dẫn đến vỡ nợ, xã hội suy đồi hỗn loạn thì nhân dân cùng với trí thức dân tộc,
dân oan cả nước, thế hế thanh niên tiến bộ, giới kinh doanh vừa và nhỏ chung
sức vươn mình đứng dậy xuống đường đồng loạt, dồn đảng CS ngoan cố thoái hóa
vào chỗ tuyệt vọng vô phương đối phó. Lúc ấy toàn thể Quân đội Nhân dân và các
cựu chiến binh đông đảo khắp nơi sẽ dứt khoát đứng về phía nhân dân, về phía
cha mẹ, anh chị em, bạn bè của mình để thực hiện cuộc Cách mạng dân chủ, tự
mình vẫy gọi nhau chung sức mở đường cho đất nước hồi sinh.
Tìm ra được mô hình mới mẻ, hợp thời đại về cầm quyền
và phát triển sẽ là đột phá quyết định, đóng góp quý báu vào bước đi lên của
lịch sử dân tộc. Nếu không đạt được điều ấy, chỉ lo việc chia và tranh giành
nhau chiếc ghế kiếm lợi riêng, thì Đại hội XII đã thất bại ngay từ trước khi
họp.
Quy luật lịch sử ngặt nghèo là như vậy.
Bùi Tín