18 décembre 2015

Phái đoàn EU 'thất vọng' về chính quyền VN


 Ông Nguyễn Văn Đài

Phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam nói họ “đặc biệt thất vọng” trước việc luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt giữ.

Trong thông cáo phát đi ngày thứ Năm 17/12, ông Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Việt Nam nói EU và các đại sứ của các nước trong khối “bày tỏ quan ngại sâu sắc với cuộc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài hôm qua”.


Ngày 16/12/2015, Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt luật sư Nguyễn Văn Đài sau khi ra quyết định khởi tố ông về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Phái đoàn EU nói việc bắt giữ ông Đài “đặc biệt gây thất vọng".

Thông cáo cho biết ông Andrus Ansip, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã nêu vụ bắt giữ luật sư Đài trong phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu ngày 16/12 tại Strasbourg, Pháp.

Trước đó trong phiên đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam ngày 15/12, phái đoàn Châu Âu cho biết họ đã "nhắc lại những quan ngại sâu sắc về việc gây phiền nhiễu, bắt và giam giữ những nhà bảo vệ và hoạt động nhân quyền".

Trong thông tin được phái đoàn này đưa ra, họ đã nhắc đến những nhà hoạt động như ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anhbasam), bà Nguyễn Thị Minh Thúy, ông Đặng Xuân Diệu, ông Ngô Hào và bà Bùi Thị Minh Hằng đang bị giam giữ.

'Bàng hoàng'

Trong khi đó, Đặc ủy nhân quyền của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, ông Christoph Strässer cũng đã lên tiếng: “Tôi bàng hoàng khi biết tin ông luật sư Nguyễn Văn Đài, một người bảo vệ nhân quyền và một blogger, đã bị bắt giữ hôm nay tại Việt Nam.”
Ông Nguyễn Văn Đài trong một cuộc gặp gỡ các nhà ngoại giao
Trong một tuyên bố trên kênh chính thức của Đại sứ quán Đức, ông Strässer đề nghị: “Tôi yêu cầu các cơ quan chính quyền Việt Nam từ bỏ những buộc tội đối với ông Nguyễn Văn Đài và trao trả tự do cho ông ấy ngay lập tức”.


Nói về cuộc bắt giữ, ông Phil Robertson- phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch - nói với BBC Tiếng Việt: "Vấn đề là Việt Nam biết đối thoại nhân quyền diễn ra mỗi năm một lần. Họ có thể nói bất cứ gì họ muốn trong hội nghị, và ngay sau hội nghị họ quay trở lại với những chiến thuật hung hãn để đàn áp các sự việc như chúng ta thấy hôm nay."

Trước đó, ngày 6/12, ông Nguyễn Văn Đài cáo buộc đã bị tấn công và gây thương tích khi ông có một cuộc gặp nhằm phổ biến kiến thức về nhân quyền tại Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số tám nhà đối kháng Việt Nam được một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng hồi tháng 2/2007.

Năm 2007, ông bị bắt và kết án bốn năm tù giam và bốn năm quản chế tại địa phương theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Ông ra tù năm 2011.
Nguồn: Theo BBC 
 
Đặc ủy nhân quyền Strässer tuyên bố về việc bắt giam nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài ở Việt Nam

16.12.2015 (Bộ Ngoại giao Đức) - Đặc ủy của chính quyền Liên Bang về Chính Sách Nhân Quyền và Trợ Giúp Nhân Đạo, Christoph Strässer đã lên tiếng về việc bắt giam nhà bảo vệ nhân quyền Nguyễn Văn Đài:
Tôi đã bị sốc khi được tin nhà bảo vệ Nhân Quyền, Luật sư và Blogger Nguyễn Văn Đài đã bị bắt giam hôm nay ở Việt Nam. Tôi nhận biết ông là một người đối thoại nhiệt thành khi gặp hồi tháng sáu ở Hà Nội, một người dấn thân cho tự do ý kiến ở đất nước ông.
Hoàn cảnh của ông đã là đề tài của cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Âu châu và Việt Nam ngay trong ngày trước khi ông bị bắt. Tôi đòi hỏi nhà chức trách Việt Nam hãy hủy bỏ các cáo buộc đối với ông Nguyễn Văn Đài và trả lại tự do ngay cho ông ta.
Việt Nam đang theo đuổi một quá trình cải cách trên nhiều phương diện. Đồng thời vẫn còn giam giữ nhiều người trong nhà tù ở Việt Nam chỉ vì họ công khai thể hiện ý kiến và phê bình nhà nước và đảng cộng sản. Tôi kêu gọi nhà chức trách Việt Nam hãy trả tự do cho những người này và dẹp bỏ việc áp dụng những quy định hình sự giới hạn quyền  tự do ý kiến và biểu tình.

Tình trạng sâu xa:

Nguyễn Văn Đài là một luật sư nổi tiếng, ký giả và Blogger. Ông đã bị  tù từ 2007 đến 2011 vì "Tuyên truyền chống Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam". Sau đó bị quản chế mãi đến tháng 3.2015. Ngoài ra ông bị khai trừ khỏi Luật sư đoàn Việt Nam và bị Bộ tư pháp cấm hành nghề. Mới đây ông  được  tự do đi lại, nhưng  giới hạn ở trong nước vì không có hộ chiếu. Nguyễn Văn Đài đã bị đại diện cơ quan an ninh nhà nước hành hung vào ngày 6 tháng 12 khi dự một buổi sinh hoạt nhân quyền. (bản dịch của DĐVN21

Thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU tại Việt Nam về việc bắt giữ Luật sư Nguyễn Văn Đài (17/12/2015)

Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với việc bắt giữ ngày hôm qua đối ông Nguyễn Văn Đài, luật sư kiêm nhà hoạt động nhân quyền. Vào ngày 15 tháng 12 năm 2015, Cơ quan Anh ninh Điều tra của Bộ Công an đã quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Đài về hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 88, Bộ Luật Hình sự. Tòa án Nhân Dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định này. Có thông tin rằng ông Nguyễn Văn Đài bị hành hung vào tuần trước sau khi tham dự một buổi hội thảo về nhân quyền tại tỉnh Nghệ An.

Quyết định bắt và khởi tố ông Nguyễn Văn Đài đặc biệt gây thất vọng bởi vì nó diễn ra vào đúng ngày Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam thường niên được tổ chức tại Hà Nội và ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Bruc-xen và tại đây Việt Nam và EU đã chính thức công bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do song phương. Hơn nữa, Nghị viện châu Âu ngày hôm nay sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác giữa EU và Việt Nam. Ông Andrus Ansip, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày hôm qua đã nêu việc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đài trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu.

Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu và các Đại sứ của các Quốc gia Thành viên EU nhắc lại quyền cơ bản của tất cả mọi người là được quyền có ý kiến và bày tỏ ý kiến một cách hòa bình theo Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một thành viên.

Các Đại sứ nhắc lại những lời kêu gọi trước đây đối với Việt Nam trong việc thả tự do những người ủng hộ nhân quyền một cách hòa bình tại Việt Nam.

Liên minh châu Âu cũng bày tỏ sự sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong những vấn đề này và những vấn đề pháp quyền và nhân quyền khác.