29 décembre 2015

Bất chấp bị đàn áp, Lao Động Việt quyết không bỏ cuộc


 


CTV Danlambao - Đầu tháng 10/2015 vừa qua, nhà cầm quyền CSVN cùng với 11 quốc gia khác đã ký kết vào Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, trong đó có điều khoản tôn trọng và bảo vệ quyền lợi người lao động, chấp nhận để công nhân tự do thành lập nghiệp đoàn độc lập.


Tuy nhiên, ngay sau khi đặt bút ký vào những cam kết nêu trên, chế độ cộng sản đã lập tức quay sang đàn áp bạo lực đối với những nhà hoạt động công đoàn độc lập tại Việt Nam.

Ngày 22/11/2015, hai thành viên Lao Động Việt là cô Đỗ Thị Minh Hạnh và ông Trương Minh Đức đã bị CA bắt bớ, đánh đập dã man khi cả hai đang dung luật sư tư vấn pháp lý cho các công nhân tại Đồng Nai để đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng.

Gần đây nhất, hôm 25/12/2015, lực lượng CA tiếp tục ra tay bắt bớ, đánh đập dã man đối với anh Hoàng Đức Bình khi anh này đang lưu trữ 4000 tờ rơi của Lao Động Việt, trong đó có nội dung trích dẫn lời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc thành lập công đoàn độc lập.

Ít nhất 8 nhà hoạt động khác cũng đã bị hành hung thô bạo khi đến trụ sở CA phường Hoà Thành, quận Tân Phú, Sài Gòn để đấu tranh đòi trả tự do cho anh Hoàng Đức Bình.

Những hành vi nêu trên một lần nữa lộ rõ bộ mặt tráo trở của CSVN, đặc biệt là trong vấn đề thực hiện những cam kết với quốc tế.

Đàn áp khủng khiếp

Bất chấp những hành vi đàn áp bạo lực của côn an cộng sản, người đại diện của Lao Động Việt là cô Đỗ Thị Minh Hạnh vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để thành lập công đoàn độc lập thực sự, qua đó có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người công nhân cả nước.

Đỗ Thị Minh Hạnh cũng là người bị bắt và đánh đập thô bạo khi đến trụ sở CA để đòi trả tự do cho anh Hoàng Đức Bình hôm 25/12/2015.













Sáng ngày 26/12/2015, ngay sau khi ra khỏi đồn CA, Đỗ Thị Minh Hạnh đã dành cho Danlambao một cuộc phỏng vấn. Cô cho biết:

“Ngày hôm qua, Hoàng Bình đã bị CA bắt đưa vào trụ sở công an phường Hòa Thành, Tân Phú vì lý do anh Hoàng Bình giữ giùm cho Minh Hạnh 4000 tờ rơi của LĐV để gửi đến những người công nhân.

Tờ rơi này là lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng Việt Nam phải có công đoàn độc lập. Và cũng vì lẽ đó mà anh Hoàng Bình đã bị bắt.

Các anh em đã tụ họp về trụ sở công an phường Hòa Thành để đòi người. Tại đây, công an đã sử dụng những lực lượng phụ nữ như là những con cọp muốn nuốt chửng con mồi, và những tay giang hồ với gương mặt hằm hằm đầy sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống những anh em đi đòi người.

Tôi đã chứng kiến việc em Phát bị đánh rất là dã man, bị lôi vào trong mặc dù em chỉ mới có 15 tuổi. Minh Hạnh còn chứng kiến được anh Bang vô cớ bị kéo vào phía trong. Minh Hạnh thì bị đánh vào mặt, bị cào cấu, bị bịt miệng và bị lôi kéo bởi gần 10 người phụ nữ. 

Đặc biệt hơn, có những em đi ngoài đường lỡ cầm máy ảnh chụp hình thì bị lôi, giật máy ảnh, điện thoại và bị đánh, bị ngắt bị nhéo tới mức độ vết thương bị chảy máu. Một em đã bị gãy tay, tay của em bị gãy trước rồi, đang trong quá trình hồi phục nhưng lại bị họ cố tình bóp cái tay đó mặc dù em đã van xin rằng đừng có bóp, mà em càng van xin thì họ càng bóp nhiều hơn. 

Khung cảnh ngày hôm qua không còn cái gì mà có thể diễn tả được, nó rất là khủng khiếp”.

Đạp đổ những cam kết với quốc tế

Từ trước tới giờ ở Việt Nam, chính quyền đâu muốn có một cái công đoàn độc lập, nhưng họ vẫn ký kết hiệp định TPP và trong đó những cái cam kết của họ là có công đoàn độc lập tại Việt Nam. Tuy nhiên, như vừa qua thì Minh Hạnh đi đến Đồng Nai thì cũng bị tấn công, và vừa qua người của LĐV cầm những tài liệu về lời nói của ông Nguyễn Tấn Dũng thì lại bị bắt, những người đi đòi người thì bị đàn áp khốc liệt như vậy thì đây quả là một điều đáng buồn cho VN khi mà họ đi ngược lại những ký kết mà họ đã ký kết trong hiệp định TPP.

Cái đi ngược này nó còn lộ liễu và khủng khiếp hơn cả những cái ký kết mà họ đã ký kết trước đây như WTO chẳng hạn.

Từ lúc mở đầu cho đến khi ký kết và hậu ký kết nói chung là có nhiều giai đoạn hồi hộp. Người ta vẫn theo dõi từ ban đầu cho tới ký kết xong, có nhiều người mơ ước khi mà TPP được ký kết thì VN có một nền dân chủ nhân quyền hơn khi mà họ thoát Trung. 

Thế nhưng, thực tế nó không phải như vậy, khi mà ký kết xong thì mọi thứ dường như đảo ngược hết. Tưởng chừng như đấu tranh cho nghiệp đoàn được bảo vệ hơn, nhưng mà hiện nay thì bị đàn áp rất là khốc liệt, hầu như là trên mọi phương diện, đối với tất cả những người đấu tranh cho nhân quyền không chỉ riêng gì nghiệp đoàn, chẳng hạn như LS Đài hay một số người khác như chị Lê Thị Thu Hà chẳng hạn. 

Điều này cho thấy được rằng, họ đang muốn phá TPP và muốn phá thật mạnh TPP, muốn đạp đổ tất cả những ký kết mà họ đã ký kết trước đó. 

Lo lắng

Minh Hạnh đang thực sự rất e ngại và lo lắng cho vấn đề nghiệp đoàn tại Việt Nam. Tình hình hiện nay cho thấy nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam khó mà thực hiện được. 

Qua sự việc những người đấu tranh cho tự do nhân quyền của VN vừa qua bị bắt là một đòn giáng rất mạnh, như là “món quà” rất đặc biệt mà họ muốn dành cho Mỹ, và những nước cùng ký kết trong hiệp định TPP. 

Sự đàn áp này theo Minh Hạnh thì họ đang thách thức, khẳng định với phía Phương Tây là họ đang “rất mạnh”. Không biết được rằng họ có mạnh thật sự hay không, Minh Hạnh không có một cái gì có thể chứng minh cho cụ thể. 

Họ sẵn sàng đạp đổ tất cả những gì mà họ đã ký kết: “Hãy chờ đấy, chúng tôi sẽ không để cho những cái ký kết trong TPP có thể thực hiện được”. 

Bằng cách nào? Bằng cách đàn áp, bắt bớ, sãn sàng bỏ tù những người đấu tranh cho nhân quyền đặc biệt là những người đấu tranh cho nghiệp đoàn độc lập.

Quyết tâm thành lập công đoàn độc lập

Qua nhiều sự việc, Minh Hạnh cũng đã nói chuyện với các anh em rằng: Lý tưởng và tình yêu với công việc của mình sẽ luôn tồn tại mãi. 

Có thể đoán trước rằng chúng ta có thể bị vào tù, như hiện nay anh Hoàng Bình cũng vậy. Rất là lo lắng cho anh, nhưng Minh Hạnh nghĩ rằng anh sẽ mỉm cười, vì anh đã thực hiện những điều tốt đẹp cho con đường của mình. Với các anh em cộng sự còn lại cũng vậy. 

Minh Hạnh đã từng ở tù, chẳng may bị ở tù thêm lần nữa thì cái đó cũng không thể gọi là cái gì đáng tiếc. Có thể các anh chị em sẽ buồn, nhưng hãy lấy đó làm tinh thần mà tiếp tục bước tiếp không nên bỏ cuộc mà hãy vững tin vào tương lai. 

Cho dù khó khăn đến thế nào thì chúng ta cũng phải cố gắng đấu tranh để Việt Nam có công đoàn độc lập thực sự và đúng nghĩa để bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Nguồn : 
DLAB