Thanh Trúc, phóng viên RFA
Một số thành viên Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam và thân hữu gặp mặt trong dịp kỷ niệm một năm thành lập Ban Vận động. Hình do Văn Việt cung cấp |
Văn Việt, trang
web văn chương hay diễn đàn của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, một tổ chức xã hội
dân sự hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài
nước.
Đoàn kết tương
trợ tác giả
Mục đích của Văn
Việt là đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn làm thơ tiếng Việt, tạo
điều kiện nâng cao nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới
trong sáng tác, nghiên cứu, phê bình văn học và ngôn ngữ, bảo vệ quyền lợi vật
chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do
sáng tác, công bố tác phẩm cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của
mọi người.
Như vậy Văn Việt
là một tổ chức xã hội dân sự có vai trò nhiều phần khác biệt với Hội Nhà Văn
Việt Nam do nhà nước thành lập và nắm quyền kiểm soát. Nhà thơ Ý Nhi, tác giả
tập thơ nổi tiếng Người Đàn Bà Ngồi Đan, giải thích:
Tôi thích hai chữ “độc lập”, có lẽ hai chữ “độc lập quyến rũ tôi. Khi Văn
Việt ra đời, có thể gọi một cách to tát là cơ quan ngôn luận của Văn Đoàn Độc
Lập, thì tôi tham gia cùng với mọi người thôi.
-Nhà thơ Ý Nhi
“Thực ra thì Văn
Đoàn Độc Lập chưa có, chỉ mới có ban vận động để thành lập thôi. Khi thấy có
việc thành lập Văn Đoàn Độc Lập thì tôi hưởng ứng tại vì tôi đã ra khỏi Hội Nhà
Văn Việt Nam lâu rồi. Có lần tôi đã trả lời ở đâu đó rằng tôi thích hai chữ
“độc lập”, có lẽ hai chữ “độc lập quyến rũ tôi. Khi Văn Việt ra đời, có thể gọi
một cách to tát là cơ quan ngôn luận của Văn Đoàn Độc Lập, thì tôi tham gia
cùng với mọi người thôi.”
Con đường còn
rất xa, còn lắm chông gai nhưng Văn Việt quyết đi tới, là những lời cuối trong
thư ngỏ của ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, đăng trên Văn
Việt:
“Ở Việt Nam thì
việc lập hội chưa được công nhận, thế thì gọi là ban vận động để thành lập Văn
Đoàn Độc Lập thì có lẽ việc này hơi khác thường. Lâu nay chỉ có mỗi Hội Nhà Văn
Việt Nam thôi, giờ có thêm một cái nữa cộng thêm chữ “độc lập” nên là thấy nó
cũng hơi lạ chứ ở Mỹ hay những nơi khác thì việc này rất bình thường phải
không.”
Một trong những
thành viên trụ cột khác, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng:
“Mục tiêu của
chúng tôi chỉ muốn có một diễn đàn độc lập, không chịu một sức ép nào về chính
trị hay về tài chính của bất cứ một thế lực nào. Diễn đàn phải mang tính chất
tự do, tất cả những sáng tác, bài viết của những tác giả phải được quyền tự do
công bố và không có bất cứ một sự kiểm soát của ai cả. Điều đó ở Việt Nam rất
khó khăn và rất thiếu. Đã làm văn học và làm báo rất nhiều năm, chúng tôi cảm
thấy không chịu đựng nỗi sự thiếu thốn đó nữa, chúng tôi cảm thấy phải lập ra
một diễn đàn để được tự do làm cái việc mình thấy là đúng đắn, mình thích, nó
đơn giản thế thôi.”
Đối với ông
Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ đang giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn,
hình thành một Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam là lập Văn Việt là điều tất yếu
phải xảy ra:
Cuộc gặp gỡ của nhóm Văn đoàn Độc lập Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. |
Cách đây vài
năm, báo Nhân Dân từng lên án xã hội dân sự như một âm mưu của thế lực thù
địch. Đến bây giờ thì, ít nhất trên những diễn đàn chính thức, người ta không
nói như thế nữa. Đấy là một sự tiến bộ và cách đây một năm rưỡi Văn Đoàn Độc
Lập Việt Nam ra đời trên xu hướng của một tổ chức do anh em yêu mến nhau, cùng
nhau viết lách theo ý mình thích.”
Tóm lại, vẫn lời
nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hoàng Dũng, Văn Việt rồi Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam
là nơi qui tụ những thành phần trí thức, những người yêu văn chương chữ nghĩa ở
trong và ngoài nước:
“Ngày xưa PEN
Club, gọi là Văn Bút của Sài Gòn cũ do linh mục Thanh Lãng làm chủ tịch, tập
hợp trong đấy không phải chỉ người viết văn mà kể cả những người nghiên cứu về
ngôn ngữ học, văn học, sử học ... người ta cũng gọi là nhà văn. Cuốn sách của
nhà văn Võ Phiến về Văn Học Miền Nam thì những nhà văn trong đó rất là đa
dạng.”
Trang web vanviet.info
có hẳn một danh sách các thành viên gồm nhà văn, nhà thơ, học giả, sử gia, nhà
giáo, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học:
“Trang mạng của
Văn Việt Info là nơi những bài viết hay được post lên. Chính vì thế ngoài thành
viên Văn Việt đa số ở trong nước thì cũng có ngoài nước, Pháp, Mỹ, Canada...
Chuyện xưa nay chưa từng có. Văn Việt Info có cả một chuyên đề về văn học miền
Nam, tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng trước 75 ở miền Nam được đăng rất
trang trọng.”
Góp một tiếng
nói tán đồng
Trong một năm
rưỡi hoạt động, Văn Việt đã hoàn thành hai tuyển tập có tên Truyện Ngắn Văn
Việt Tập Một, và Truyện Ngắn Văn Việt Tập Hai, chưa nói đến Giải Thưởng Văn
Việt mà thành phần giám khảo gồm những cây viết trong nước lẫn ngoài nước:
“Hy vọng giải thưởng
nhỏ như thế cũng là góp một tiếng nói tán đồng một cách nhìn, tán đồng một cách
viết. Cũng không có gì lớn lao nhưng nếu không có bước đầu tiên thì làm sao có
việc tiếp sau được.”
Nhà thơ Nguyễn
Đức Tùng, hành nghề bác sĩ tại Vancouver, Canada, thường có những bài phê bình
trên diễn đàn Văn Việt, đồng thời với loạt bài 40 năm mà Văn Việt đã cho đăng
tới bài thứ 15, là thành viên ban giám khảo Giải Thưởng Văn Việt:
Tất cả chúng tôi trong ban biên tập Văn Việt cũng như những thành viên khác
đều rất tôn trọng những giá trị văn chương Việt Nam nói chung. Hiện chúng tôi
đang giới thiệu văn học miền Nam trước 75 một cách rất trân trọng và có hệ
thống.
-Nhà thơ Ý Nhi
“Tôi được những
anh chị ở trong nước như anh Nguyên Ngọc, anh Hoàng Hưng và chị Ý Nhi mời. Mục
đích của giải thưởng là mỗi năm một lần cổ võ sinh hoạt văn học nghệ thuật. Có
ba loại giải thưởng là giải thưởng về thơ, giải thưởng về văn xuôi và giải
thưởng về nghiên cứu và phê bình. Tôi được mời vào ban giám khảo của thơ cùng
với nhà thơ Thanh Thảo, nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Bùi Chát và nhà thơ Thi Hoàng.
Thứ nhất là
khuyến khích các tác phẩm hướng về các giá trị tự do, nhân bản và dân tộc. Hiện
nay trong nước do điều kiện đặc biệt của một chế độ thì ta biết ta biết rồi.
Văn Đoàn Độc Lập với diễn đàn của nó là Văn Việt cố gắng hết sức để tạo ra được
cái mới trong sinh hoạt văn học nghệ thuật và đặc biệt trong thơ. Một là nối
kết trong nước và ngoài nước, giữa các nhà văn nhà thơ từ các quá khứ khác nhau
và một số các vấn đề khác nhau trong lịch sử, cùng ngồi lại với nhau và làm
được công việc cho văn chương và cho thơ ca Việt Nam.
Thứ hai là tìm
cách nâng hoạt động lên một bước, hướng về các giá trị một nền văn học tự do,
nhân bản và hướng về các giá trị của dân tộc.”
Từ Hà Nội, nhắc
đến Văn Việt mà ông có bài đăng trên đó, nhà giáo Phạm Toàn tâm sự:
“Từ 1945 chúng
tôi như anh Dương Tường, anh Mạc Lân, tham gia giành độc lập cho đất nước. Cùng
với cuộc sống ấy chúng tôi thấy đời mình hoàn toàn thay đổi, chính cảm hứng ấy
dẫn chúng tôi đến chỗ làm thơ và viết văn. Thế nhưng càng sống, càng trải
nghiệm, càng viết càng gặp những cản trở thì chúng tôi bắt đầu nhận thấy ước mơ
của mình, hoài bão của mình đã đặt nhầm chỗ. Phải nói trong một thời gian rất
dài tôi không muốn viết gì nữa, không đọc gì nữa mà tập trung làm giáo dục rồi
thì cũng không đạt được.
Khi Văn Việt
hình thành, tôi in ngay truyện ngắn Ngọn Đèn Xanh viết về cuộc biểu tình năm
2011, truyện Jeanne D’Arc và Hai Bà Trưng mà người ta in nhưng người ta vứt đi
vì nó lộ rõ thái độ của tôi đối với quân xâm lược. Thế thì Văn Việt là cơ hội
để người nghệ sĩ chân chính có tác phẩm nghệ thuật và tấm lòng đồng cảm. Với tư
cách một nhà giáo cũng là người sáng tác tôi thấy nhãn giới, tầm nhìn của bạn
đọc Việt Nam, tầm nhìn của những người sáng tác văn học Việt Nam cực kỳ hạn
hẹp. Bây giờ Văn Việt chủ động mở rộng tầm mắt con người ra, thí dụ điểm lại
văn học miền Nam Việt Nam trong thời chiến là công rất lớn của anh Nguyên Ngọc,
anh Hoàng Hưng và ban biên tập. Phải nói làm như thế để cho những nhà văn, Việt
Nam với nhau thôi đã, không còn quay lưng lại với nhau. Còn thì văn học của thế
giới cũng được điểm đến, tràn vào, hàng chục tác giả, hàng trăm bài thơ của
những miền xưa nay không bao giờ với tới cả. Văn Việt còn là diễn đàn tự do
phát biểu, hội luận, cái nhìn đa dạng, đa phương, một thái độ khoan dung, khoan
thư đối với tất cả những gì trước đây cứ bị coi là khác mình tức là nó không
tốt.”
Tự do ngôn luận
trong văn chương là điều ông mải miết tìm kiếm, nhà văn Việt Nam sống tại Đức,
chủ trương cơ sở tư nhân VI-PEN với ước muốn nối kết nhịp cầu văn chương Việt
vào giòng văn chương bản xứ và ngược lại:
“Tôi là Thế
Dũng, đang sống ở Berlin, hội viên của Hội Văn Bút Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tôi
là cộng tác viên tham gia với tờ Khởi Hành của anh Viên Linh ở California từ
những năm 96, thí dụ thế. Cả đời tôi luôn đi tìm kiếm sự tự do cho ngôn luận
của mình. Văn Việt, còn gọi là Văn Đoàn Tự Do thì những người viết như tôi có
thể tiếp tục mở rộng phạm vi cũng như cái khả năng ngôn luận một cách tự do cho
nên tôi tham gia Văn Việt với tư cách thành viên của trong ban vận động sáng
lập Văn Đoàn. Tại đây tôi hy vọng có được một không gian tự do chữ nghĩa với
cuộc viết lách của người cầm bút.
Bất cứ ở diễn
đàn nào mà tự do ngôn luận có điều kiện cất cánh, ngay cả Hội Nhà Văn Việt Nam,
tôi vẫn sẵn sàng cộng tác nếu như ở đó người ta tôn trọng tự do ngôn luận.”
Bắt một nhịp
cầu, tạo một sự đồng cảm giữa những người cầm bút yêu tự do bên này bên kia bờ
đại dương là ước mơ sâu lắng của tất cả mọi người trong Văn Việt. Nhà thơ Ý Nhi:
“Tất cả chúng
tôi trong ban biên tập Văn Việt cũng như những thành viên khác đều rất tôn
trọng những giá trị văn chương Việt Nam nói chung. Hiện chúng tôi đang giới
thiệu văn học miền Nam trước 75 một cách rất trân trọng và có hệ thống. Cái thứ
hai là hàng chủ nhật thì có chuyên mục gọi là Thơ Việt Nam Ở Hải Ngoại, những
việc làm cụ thể đó đã chứng minh chúng tôi rất trân trọng những giá trị của văn
học Việt Nam. Đối với chúng tôi thực sự không có khoảng cách, thí dụ như tôi
với anh Nguyễn Xuân Thiệp, anh Tô Thùy Yên, anh Hoàng Xuân Sơn... nói chung rất
gần gũi mà có lẽ là nhờ văn chương, nhờ sự tin cậy lẫn nhau, nó tạo lên được
không khí hòa đồng ấm áp.”
Những cây viết
trẻ là yếu tố không thể thiếu của Văn Việt nếu muốn khuyến khích cổ vũ cho một
nền văn chương tự do và không bị ràng buộc. Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Dũng:
“Xuất hiện trên
Văn Việt có một số nhà văn trẻ ví dụ nhà văn ký tên là Di hay là Phùng Hạ
Nguyên chẳng hạn...”
Nhà thơ, dịch
giả Hoàng Hưng:
“Nếu có làm gì
cho giới trẻ thì chỉ bằng ý chí của mình, tình yêu của mình với văn chương thì
có lẽ chúng tôi truyền cảm hứng cho bạn trẻ về hoài bão xây dựng một nền
văn học Việt Nam đích thực, tự do và nhân bản.”
Sau cùng, một
khuôn mặt khác nữa của Văn Việt, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình, cư ngụ tại
Washington vùng Đông Bắc Hoa Kỳ:
“Phải nói Thanh
Bình rất vui mừng khi được đến với diễn đàn Văn Việt là vì những người đứng mũi
chịu sào là những người mình quí mến, nhất là tinh thần xiển dương cao độ độc
lập và tự do cho một nền văn học đi tới, đích thực và nhân bản để phục vụ con
người. Sự đóng góp của mình lúc này cũng chỉ rất nhỏ nhoi, nhưng hưởng ứng và
ủng hộ cũng là một cách thể hiện mình đồng cảm vì họ đã tạo được một sân chơi
mà có thể thu hút tất cả mọi người từ trong nước cho đến hải ngoại. Tinh thần
liên kết đó, cũng giống như tất cả anh chị em Văn Việt và Văn Đoàn Độc Lập, sẽ
mở ra một đội ngũ sáng tác trẻ, tài năng, tạo sinh khí mới, tiếp cận được với
văn học quốc tế.”
Đó là câu chuyện
về Văn Việt và sự vận động để thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam ở trong nước.
Mục Đời Sống
Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn tái ngộ
tối thứ Năm tuần tới.
Nguồn: Theo RFA