Nguyễn Hòa Bình
“…Mỹ và đồng minh sẽ áp đặt và mạnh tay với Việt Nam, sẽ thúc đẩy làn sóng dân chủ thứ 4 đến với Việt Nam, sẽ lên tiếng mạnh mẽ và bảo vệ đối lập Việt Nam
B-52
Sự theo dõi và nghiên cứu tình hình chính trị thế giới đang có chiều hướng đổ về mặt trận Châu Á-Thái Bình Dương khi mặt trận Trung Đông đang đến hồi kết. Giữa các cường quốc có liên quan đến Syria đã có những đồng thuận tái thiết Syria trong thời gian sớm (2017-2018) và quyết tâm tiêu diệt lực lượng hồi giáo cực đoan (ISIS).
Nga đã thành công ở chiến trường Syria để tiến gần với phương Tây hơn, thậm chí là tổng thống Putin đang muốn gần với Mỹ. Nga muốn thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế nước nhà, họ biết rõ chỉ có một kỷ nguyên hòa bình thiết lập ở Châu Âu-Trung Đông mới làm cho nước Nga có một chỗ đứng xứng đáng của một cường quốc. Nga thành công không hẳn là do sự quyết đoán và các chính sách hợp lý của tổng thống Putin tung ra ở Syria. Nhưng không phủ nhận ông là một người biết nắm bắt cơ hội và thời cơ, quyền lực của ông chắc chắn sẽ được củng cố.
Nước Nga sẽ mở ra một trang sử mới khi gần với phương Tây và Hoa Kỳ. Một gương mặt mới có tài năng về ngoại giao và xử lý các cuộc khủng hoảng, rất có thể, bộ trưởng quốc phòng Sergey Kuzhugetovich Shoygu sẽ là người kế nhiệm tổng thống Putin, một tài năng thầm lặng giúp Putin giải quyết các vấn đề quân sự và giúp nước Nga vượt qua các cơn khủng hoảng.
Một lý do nữa khiến Nga mạnh tay vào chiến trường Syria mà không sợ Mỹ tung ra những chính sách quân sự dẫn đến sự sa lầy đó là chính sách "Xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương". Người Mỹ đã quá rõ về sự phức tạp trong chiến trường Trung Đông, cũng như lỗi lầm khi thực hiện chính sách phân biệt các người hồi giáo dòng Sunni để rồi ISIS từ đó mà phát triển.
Nếu nói Mỹ tránh đối đầu trực tiếp với Nga ở Trung Đông thì Nga cũng phải tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ ở Biển Đông. Lầu Năm Góc không muốn chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục bị trì trệ, không muốn có bất cứ bất ổn nào xảy ra ở Trung Đông và giữa NATO-Nga để các hạm đội hải quân chuyển về mặt trận Biển Đông một cách thoải mái.
Hiện nay, Trung Quốc đang đóng vai trò là một Liên Xô trong cuộc chiến tranh lạnh với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đang sử dụng chính sách "vừa đánh vừa xoa" đối với Trung Quốc, một mặt hợp tác phát triển kinh tế, mặt khác lại răn đe và lôi kéo Trung Quốc vào một cuộc chạy đua võ trang. Mỹ rất có thể đứng phía sau khiến IMF công nhận đồng nhân dân tệ (CNY) vào rổ tiền chính của quỹ, công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, vẫn giữ lập trường cứng rắn răn đe quân sự lôi kéo đồng minh kiềm chế sự bành trướng Trung Quốc bằng luật pháp quốc tế và các cuộc diễn tập quân sự-bảo vệ tự do hàng hải quốc tế. Hoa Kỳ muốn Trung Quốc rơi vào một cuộc chơi mà Hoa Kỳ là người chủ đạo cuộc chơi.
Chính sách vừa đánh vừa xoa của Hoa Kỳ vướng phải một vấn đề hết sức nghiêm trọng đó là "thời gian". Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa ở Trường Sa-Hoàng Sa và thiết lập lực lượng tàu ngầm hạt nhân hùng mạnh để tác chiến trước sự xoay trục quân sự của người Mỹ. Quân sự Trung Quốc đang mạnh dần, trong khi người Mỹ lại đang còn bế tắc về vấn đề đối thoại ngoại giao.
Năm 2020 không quân Hoa Kỳ sẽ làm chủ bầu trời khi F-35, UAV và máy bay ném bom tầm xa đưa vào hoạt động đồng loạt, nhưng lúc đó Trung Quốc đã làm chủ Biển Đông và sự trỗi dậy của lực lượng tàu ngầm hạt nhân là vấn đề nhức nhối của hải quân Hoa Kỳ. Câu hỏi được đặt ra là "Mỹ sẽ làm gì khi Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông?". Chấp nhận một cuộc xung đột để làm phá sản chính sách vừa đánh vừa xoa hay phải chia sẻ quyền lực với Trung Quốc?".
Người Mỹ thực dụng nhưng không bao giờ muốn có một quốc gia làm lung lay vị trí số 1 siêu cường của mình. Đáng lẽ Hoa Kỳ phải tung ra các chính sách mang đậm các giá trị dân chủ đối với Việt Nam trong thập niên trước. Hoa Kỳ đã không thuyết phục và lôi kéo được chính quyền Hà Nội, vẫn đang ban phát ân huệ cho chế độ Cộng Sản bằng một chỗ đứng trong TPP và các chính sách xóa bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương bờ biển cho Việt Nam.
Mục đích của Hoa Kỳ là hợp tác toàn diện với Việt Nam, muốn Việt Nam công nhận sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông, muốn Việt Nam là một đồng minh của Hoa Kỳ trong tương lai. Mỹ chỉ cần diễn tập với hải quân Việt Nam trong Biển Đông (nằm trong khu vực chủ quyền Việt Nam) là đủ làm phá sản "giấc mộng Trung Hoa" của Trung Quốc khi tiếp cận được lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đang ở Vịnh Bắc Bộ-căn cứ Nam Hải.
Hoa Kỳ đã chậm chạp khi chưa chuẩn bị tốt cho chiến lược xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương. Người Mỹ đã không thấy được thiện chí của chính quyền Hà Nội mà thay vào đó là sự đu dây và ngả nghiêng về phía người anh Trung Quốc. Chính quyền Hà Nội đang tạo áp lực lớn cho chính sách xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương để đổi lấy sự tồn tại của Đảng Cộng Sản Việt Nam và tiền tươi.
Người Mỹ đang cảm thấy mình cần phải mạnh tay với chính quyền Hà Nội, phải dùng mọi cách để lôi kéo chính quyền Cộng Sản Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc. Việc Mỹ thuê sân bay Singapore để B-52 tác chiến là một sự cảnh cáo nhắm đến Trung Quốc và cả Việt Nam. Khi xung đột xảy ra Việt Nam vẫn nằm trong sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian 2015-2020 chắc chắn Hoa Kỳ sẽ liên tục tung ra nhiều chính sách "vừa đánh vừa xoa" với Việt Nam từ kinh tế cho đến quân sự. Điều đó sẽ chắc chắn hơn nữa khi một tổng thống Đảng Cộng Hòa lên nắm quyền Nhà Trắng.
Chế độ Cộng Sản Việt Nam và Triều Tiên là hai lá bùa hộ mạng phòng thủ quân sự cho lục địa Trung Quốc, mất một trong hai Trung Quốc sẽ mệt mỏi và tốn kém kinh phí để thiết lập các lá chắn phòng không. Nền kinh tế Trung Quốc không mấy xán lạn và sẽ rơi vào cuộc chạy đua quân sự với Hoa Kỳ-Nhật Bản. Trung Quốc không có cơ hội thắng trước chính sách "vừa đánh vừa xoa" của Hoa Kỳ.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đứng trước hai sự chọn lựa, một là đoạn tuyệt với Trung Quốc, nghiêng về Hoa Kỳ-Đồng Minh-Luật pháp quốc tế-Các giá trị dân chủ. Hai là cùng Trung Quốc phiêu lưu trong một cuộc chơi nắm chắc phần thua và có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột.
Xung đột giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc không có lợi cho Cộng Sản Việt Nam. Sự lựa chọn này, một đứa trẻ cũng có thể chọn lựa một cách đúng đắn, Đảng CSVN có lẽ đang rất đau đầu vì sự đần độn. Sự ngụy biện ổn định hòa bình trong khu vực bằng chính sách đu dây sẽ làm cho cuộc xung đột giữa Trung-Hoa Kỳ chắc chắn sẽ xảy ra.
Tứ trụ lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam rất quan trọng đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Việt Nam, họ sẽ quyết định số phận của Đảng Cộng Sản thay vì vận mệnh của đất nước. Mỹ và đồng minh sẽ áp đặt và mạnh tay với Việt Nam, sẽ thúc đẩy làn sóng dân chủ thứ 4 đến với Việt Nam, sẽ lên tiếng mạnh mẽ và bảo vệ đối lập Việt Nam. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một cuộc chiến địa chính trị giữa các cường quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương mà trong đó Việt Nam là một mắt xích quan trọng.
Nguyễn Hòa Bình
Nguồn : Thông Luận