27 janvier 2017

Cả họ đều làm quan, thằng dân sống dưới gầm cầu




 Văn Quang

Tệ nạn đưa anh em thân thích họ hàng nội ngoại vào làm quan ở VN đã có rất nhiều năm nhà nước hứa rất hăng “kiên quyết loại bỏ tệ nạn này…” Nhưng, lại “nhưng,” đến nay vẫn xảy ra, đúng là “chuyện ở huyện.”



Cụ thể như bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện



- Ông Đào Đức Toàn, trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết dư luận về việc "cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện xảy ra tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội là có thật.”





Mỹ Đức là huyện thuần nông ở Hà Nội với nhiều danh lam thắng cảnh có tiềm năng để phát triển du lịch, như khu danh lam thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn. Tại đây có nhiều cán bộ UBND huyện là người nhà của bí thư huyện ủy và lãnh đạo UBND huyện.



Theo báo chí VN, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện có liên quan trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang (tái đắc cử nhiệm kỳ 2015-2020).



- Bà Lê Thị Vĩnh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, là cô ông Sang;
- Bà Đỗ Thị Lê Hương, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, là con thông gia với ông Sang;
- Ông Lê Văn Nhiệm, phó ban quản lý dự án, là em họ ông Sang;
- Bà Lê Hải Hồng, Phó Phòng Kinh tế, là chị họ ông Sang;
- Ông Lê Văn Sức, Trưởng Phòng Dân tộc học, gọi ông Sang bằng chú;
- Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, là em bên họ vợ ông Sang;
- Bà Nguyễn Thị Duyên, kế toán Phòng Quản lý đô thị, con dâu ông Sang...



- Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức, có 2 con trai là Nguyễn Văn Hùng, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Nguyễn Văn Hưng, Phòng Nội vụ của huyện.



Ông Lê Văn Sơn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy (chú ông Sang), đã xác nhận các mối quan hệ nói trên là đúng.



Ôi! Sao nhiều họ hàng nội ngoại ra làm quan thế, bao nhiêu việc công, việc tư của nước của dân, gia đình ông này cai trị tuốt. Muốn cho ai cái gì thì cho, chỉ nháy nhau một phát là êm. Kiểu “gia đình trị” đến nay còn lộng hành trắng trợn hơn xưa. Quốc Hội ở đâu, Tỉnh ở chỗ nào chẳng thấy ông nào nói gì hết. Dân xôn xao cũng mặc kệ.



Chia sẻ băn khoăn này, độc giả Trần Văn Hoàng viết trên báo VietnamNet , “Không biết trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc có đề cập đến chuyện này không? Nếu không loại bỏ được “chế độ hậu duệ" này thì đừng hy vọng sự công bằng, dân chủ....”

Ông Đực bị cụt chân trái do chiến tranh.




Bi thảm thay cho cái dân chủ ở thời đại này! Phải đổi lại thành “gia đình ông làm chủ” mới đúng với thực tế.
“Nhất thân thế, nhì hậu duệ” thì công bằng với dân chủ đi chỗ khác chơi .



Trong khi đó có những gia đình sống sát nách Sài Gòn mà sống quá khổ cực, chẳng ai thèm đoái hoài tới, tôi chỉ tường thuật hai cảnh đời trái ngược này trong hàng trăm hàng ngàn cảnh đời khốn khổ của người dân hiện nay.



1- Gia đình hơn 10 năm sống trên ghe cạnh cao ốc Sài Gòn

Dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (quận 7) là chiếc ghe neo đậu của vợ chồng ông Lê Văn Đực (60 tuổi, quê gốc Bến Tre) và cô con gái 9 tuổi. Hơn 10 năm nay, họ đã sống ở đây, coi ghe như nhà.



Ông Đực bị cụt chân trái do chiến tranh. Sau năm 1975, ông lập gia đình nhưng vợ mất sớm. Mình ông nuôi 5 đứa con với nghề chài lưới ở Bến Tre. Hơn 20 năm trước, ông gặp bà Nguyễn Thị Vĩnh (53 tuổi, quê Trà Vinh). Bà Vĩnh khi ấy cũng vừa ly dị chồng, có hai con trai riêng. Sau những lần qua lại, ông bà dọn về chung một ghe thuyền.

Buổi tối, cả nhà quây quần trong chiếc ghe nhỏ.




Năm 2005, khi những người con riêng của ông bà lớn khôn thì cả hai xuôi dòng nước lên Sài Gòn mưu sinh. Ngày ấy cá tôm nhiều, hai vợ chồng cứ mang lên bờ bán sống qua ngày. Giờ nước ô nhiễm nên ông Đực bỏ nghề đi bán vé số, còn bà Vĩnh bán nước, đổ xăng lẻ.

Hơn 10 năm nay, họ đã sống ở đây, coi ghe như nhà.


Sau 12 năm bên nhau, hạnh phúc lớn lao của đôi vợ chồng già khi con gái Diễm Mi ra đời. Cô con gái như món quà vô giá, giúp cuộc sống họ thêm tiếng cười trẻ thơ.



Hầu hết sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe cũ kỹ tuổi đời 40 năm. Cả gia đình thường chỉ nấu một lần để ăn cho cả ngày. Trước kia, ông bà phải đi xin bình nước về sinh hoạt. Từ ngày họ được một công ty hỗ trợ nước sạch, cuộc sống cũng bớt phần cơ cực. Ông Đực kể tiếp, "Tôi không dám nghĩ đến thuê nhà. Sống trên ghe thiếu thốn nhưng đến tháng hết tiền mình vẫn có chỗ ở. Số tiền lẽ ra để trả trọ thì dành cho Mi đi học."



Bé Mi đang học lớp 3 tại một trường tình thương ở quận 7. Bé Mi nói, “Trường cách nhà hơn một cây số, ngày nào cha cũng đưa đón con đi học. Hôm nào cha bán vé số về trễ thì con tự đi bộ về.”



Sau giờ học, cô bé chỉ tha thẩn quanh ghe. Người bầu bạn thân thiết nhất của bé Mi chính là cha. Ông Đực không chỉ như người cha mà còn như người bạn, luôn sẵn sàng vui đùa với mọi trò đùa nghịch của một đứa con nít.



Mỗi tối, ông Đực đều đạp xe chở con gái đi dạo phố phường, cao ốc quanh đó, đi xem ké tivi hoặc nghe ca nhạc. Ông Đực bùi ngùi kể, “Mi thích đi siêu thị lắm nhưng tôi không dám dẫn vào vì không đủ tiền mua đồ cho bé.”

Không có đèn điện, họ chỉ thắp nến để lấy chút ánh sáng le lói.




Người cha nói, “Mi hay bị ốm vặt, ông Đực thường chữa cho con bằng những bài thuốc dân dã. "Có đợt rồi cháu sốt cao nên phải nằm ở bệnh viện Nhiệt Đới mấy ngày, tốn kém cả triệu bạc.”



Buổi tối, cả nhà quây quần trong chiếc ghe nhỏ. Trong ánh đèn leo lét, ông Đực dạy con gái học bài. Những người ở gần đấy ai cũng biết gia đình này sống khổ cực như thế nào.



Chỉ có mấy ông chính quyền không biết thôi. Dân sống thế nào cũng mặc kệ, chẳng liên quan gì tới ông!



2- Vợ chồng sống dưới gầm cầu ở Sài Gòn

Để có thêm tiền gửi về quê nuôi ba đứa con, thay vì ở trọ thì vợ chồng ông Ta (quê Đồng Tháp) lại sống gầm cầu hơn một năm nay, làm phụ hồ mưu sinh.

Ông Nguyễn Văn Ta (48 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng vợ và em ruột dựng chòi sống dưới gầm cầu đang xây dở ở công trình Thủ Thiêm.




Suốt hơn một năm nay, ông Nguyễn Văn Ta (48 tuổi, quê Đồng Tháp) cùng vợ và em ruột dựng chòi sống dưới gầm cầu đang xây dở ở công trình Thủ Thiêm (quận 2). Họ đều làm công nhân xây dựng ở công trường này.



Ông Ta giải thích và cho biết, họ cũng không dám thuê nhà trọ vì sợ tốn kém. Ông nói:
"Lẽ ra chúng tôi cũng ở lán trại với những công nhân khác. Nhưng vợ chồng mà sống chung với nhiều người vậy bất tiện nên ở bên ngoài cho thoải mái,”



Ông Ta là người Việt gốc Campuchia, về nước định cư khoảng 14 năm nay. Lúc về lại quê, ông không có môt miếng đất cắm dùi nên hai vợ chồng kéo nhau lên Sài Gòn làm phụ hồ ở các công trình xây dựng, cuộc đời sống nay đây mai đó.



Hai vợ chồng có 3 người con, lớn nhất 19 tuổi. Cô con gái lớn chỉ học hết lớp 5, từng lên thành phố bán nước. Hiện cả ba đứa con đều ở nhà bà ngoại tại Đồng Tháp.



Hai vợ chồng làm phụ hồ ở công trình ngay gần gầm cầu từ sáng đến tối. Ông kể, “Mỗi tháng, chúng tôi kiếm được hơn 10 triệu đồng và gửi phần lớn số tiền về quê lo cho con ăn học,” Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Thúy (49 tuổi, vợ ông Ta) đều đảm nhận việc cơm nước, giặt giũ. Để có nước sinh hoạt, bà phải đến lán trại xách từng can về xài.



Những khi ít công việc, anh Nguyễn Út Cường (30 tuổi, em ruột ông Ta) không nghỉ, đi quăng lưới ở các vũng nước dưới gầm cầu kiếm mấy con cá cho bữa cơm.



Bữa ăn trưa, ba người thường ngồi ở gò đất bên hông cầu ăn cho mát mẻ. Bà Thúy kể lại:"Hầu như cả nhà chỉ ăn cá, nếu muốn thay đổi món ăn thì phải ra chợ Bình Khánh, cách đó hơn 2 km, nhưng bữa nào làm về sớm mới đi chợ được. Việc tắm rửa, chúng tôi phải chạy lại mấy lán trại gần đó.”



Khi màn đêm buông xuống, gầm cầu càng trở nên tối om. Không có đèn điện, họ chỉ thắp nến để lấy chút ánh sáng le lói.



Sau giờ làm, cuộc sống của họ diễn ra tẻ nhạt, chỉ quanh quẩn dưới gầm cầu. Ông tâm sự. "Tôi tủi lắm khi phải sống nhọc nhằn dưới gầm cầu nhưng biết làm sao giờ. Khi nào công trình hoàn tất thì gia đình mới phải chuyển đi. Giờ tôi chỉ mơ có miếng đất ở quê để trồng trọt rồi đi bán vé số kiếm thêm cũng được.”



Ông Ta thường "giết thời gian" buổi tối bằng ấm trà, điếu thuốc lá, khi nào chán quá thì họ ra cầu Thủ Thiêm hóng gió hoặc uống cà phê. "Ở gầm cầu không sợ nắng mưa nhưng rất nhiều muỗi. Lúc nào tôi cũng phải để sẵn chai dầu xoa vết muỗi đốt. Không có gì làm nên cả nhà đi ngủ sớm lắm.”



Những công nhân khác ở công trường thỉnh thoảng cũng đến trò chuyện với hai vợ chồng. Ông Ta nói, “Giờ tôi chỉ mơ có miếng đất ở quê để trồng trọt rồi đi bán vé số kiếm thêm cũng được. “Cả khu Thủ Thiêm này chỉ có duy nhất gia đình ông sống ở gầm cầu nên ai cũng biết.” Chỉ có các quan không biết thôi.



Hai cảnh đời ngang trái ấy sống ngay bên những tòa nhà cao ngất và những biệt thự hàng tỉ đô của các quan và các nàng chân dài. Cái khoảng cách giữa quan và dân, giữa giàu và nghèo ở VN là rất xa. Các quan cứ ngồi trên cùng các mỹ nhân chân dài không thèm nhìn xuống thằng dân khổ cực như thế nào. Nói thì rất hăng nào là “chia sẻ ngọt bùi, nào là “hết lòng hết sức lo cho dân…” Toàn những mỹ từ giả dối như trong một bài diễn văn trước Quốc Hội và đủ thứ hội nghị. Đọc bài học thuộc lòng xong lại ra về, kệ thằng dân, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.



Văn Quang

Sài Gòn cuối tháng 1, 2017