22 janvier 2017

TÍNH CHẤT KHỦNG BỐ CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH BẢO VỆ ĐẢNG

FB Phạm Đoan Trang

Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị công an khởi tố bắt giam theo điều 88. Ảnh: internet
Nhà hoạt động Trần Thị Nga bị công an khởi tố bắt giam theo điều 88. Ảnh: internet

Tôi tin rằng hiện nay, đa số người dân thường, khi nghe các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền gọi công an Việt Nam bằng các từ như “an ninh cộng sản”, “mật vụ cộng sản”, “khủng bố”, “côn đồ”, v.v. đều cảm thấy dị ứng, thậm chí khó chịu, mà nguyên nhân chính là vì họ không tin lực lượng chấp pháp của “Đảng và Nhà nước” lại có thể như vậy.
Nhưng sự thực – dù rất cay đắng – lại đúng là như thế: Chúng ta đang là dân của một nhà nước độc tài công an trị, và lực lượng an ninh đóng vai trò vừa là rường cột vừa là công cụ của cái nhà nước ấy; nó vận hành nhờ hai vũ khí chính: lừa đảo và khủng bố.

Bài viết ngắn dưới đây chỉ tập trung vào vũ khí thứ hai của nó: khủng bố.
Trước hết cần hiểu khủng bố là gì. Khủng bố là việc cố ý sử dụng bạo lực (bằng cả hành động lẫn ngôn từ) nhằm gây sợ hãi, trên một diện càng rộng càng tốt, để đạt một mục đích chính trị nào đó, chẳng hạn như tác động tới chính sách: Buộc nhà nước phải thay đổi hay xóa bỏ một chính sách sai lầm, hoặc đe dọa để dư luận không dám ủng hộ nó nữa.
Và lực lượng an ninh, hơn ai hết, hiểu rõ hiệu quả của khủng bố, của việc gây sợ hãi trên diện rộng. Có điều, trong ngành, nó được gọi bằng một từ chuyên môn mỹ miều là “biện pháp nghiệp vụ”.
* * *
CHIẾN THUẬT “BIỂN NGƯỜI”
Bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao có những người bình thường làm những việc tưởng chừng như cực kỳ bình thường, ví dụ mở lớp học hay tổ chức một chương trình văn nghệ nơi công cộng, mà bị cả đoàn công an đến kiểm tra giấy tờ, khiến ban tổ chức sợ xanh mắt, phải lật đật đưa giấy, rối rít trình bày?
Đó là vì toàn lực lượng an ninh đã được quán triệt ngay từ môi trường đào tạo, rằng “không được để đốm lửa bùng phát thành ngọn lửa”, “phải tiêu diệt tổ chức phản động từ trong trứng nước”.
Mà muốn triệt tiêu mọi mầm mống phản loạn thì phải gây sợ hãi ngay từ đầu, phải biểu dương lực lượng, đe dọa, răn đe, trừng phạt, lấy đó làm gương, sao cho dân chúng nhìn vào thì chết khiếp mà không dám ho he gì nữa.
Tương tự, bạn có bao giờ tự hỏi: Tại sao mọi cuộc “làm việc” của công an với dân, luôn luôn bên công an phải huy động số lượng áp đảo bên dân? Ví dụ, một buổi café của bạn với “anh em an ninh” chẳng hạn, quen rồi thì không sao chứ nếu mới là giai đoạn tìm hiểu, phía an ninh bao giờ cũng phải đi thành nhóm 2-3 người, nhưng ngược lại, họ muốn bạn một mình gặp họ, chỉ một mình thôi, không kéo thêm ai khác.
Những cuộc đàn áp biểu tình, số lượng an ninh, cảnh sát bao giờ cũng phải đông gấp bội nhóm biểu tình. Tỷ lệ thường là 1:3 (một người biểu tình phải chịu sự khống chế, kiểm soát của ít nhất ba an ninh, dân phòng), nhưng có khi lên tới 1:5 hay thậm chí 1:10. Đương nhiên không chỉ có an ninh – chính quyền còn phải huy động cả dân phòng, thanh niên xung kích, tổ phụ nữ, cựu chiến binh và hàng lô hàng lốc đoàn thể khác không rõ chức năng, có thế an ninh mới yên tâm công tác. Ngoài ra, mục đích chính là để biểu dương lực lượng và đe dọa chung bằng chiến thuật “biển người”.
Những vụ bắt giam hoặc xét xử người bất đồng chính kiến, được truyền hình quốc doanh (ưu tiên đặc biệt là truyền hình của an ninh) ghi lại, luôn có thể khiến người xem kinh khiếp trước hình ảnh: 1, 2 cá nhân bị bắt hoặc bị xét xử đứng lẻ loi trước hàng chục áo xanh an ninh vòng trong vòng ngoài. Đừng ngạc nhiên tại sao chỉ một vài cá nhân mà phải có đông quân số kèm chặt như thế, cũng đừng tưởng an ninh sợ gì họ. Chuyện đó chẳng có gì khác ngoài biểu dương lực lượng và đe dọa những người chưa kịp thành phản động: Thấy không, chúng tao đông lắm, mạnh lắm nhé, mày ngo ngoe là chúng tao xử ngay.
ĐÁNH PHỦ ĐẦU
Trong hoạt động điều tra, hay công việc hàng ngày của an ninh nói chung, thì khủng bố, gây sợ hãi là một biện pháp nghiệp vụ đặc biệt quan trọng. Nếu có dịp tiếp xúc với an ninh trên tư cách không phải là cấp trên hay bạn bè chiến hữu của họ, bạn sẽ thấy họ luôn cố gắng giành thế trên, thế thượng phong, bằng cách ra đòn phủ đầu rất sớm. Ví dụ như họ phải nghiêm sắc mặt, sừng sộ, gằn giọng ngay từ đầu, mặc dù thực chất vấn đề chưa có gì to tát:
– Cái gì đây? Khám người.
– Này, nói năng kiểu ấy à? Định chống người thi hành công vụ hả?
– Câm mồm.
Kiểu như vậy.
Song song với việc giành thế trên là phải hạ thấp đối phương (ở đây là dân) ngay lập tức, làm cho dân cảm thấy mình không là gì cả, mình vô cùng nhỏ bé, mình sai hoàn toàn trước cơ quan công quyền uy nghiêm và tuyệt đối đúng.
– Sao, hiểu chưa? Tôi giải thích như thế mà anh vẫn chưa hiểu à?
– Chúng tôi giải thích rõ ràng, đầy đủ rồi đấy, anh không hiểu thì về nhà tự tìm hiểu thêm đi, nhé.
CHỌN THỜI ĐIỂM ĐỂ ĐÁNH TÂM LÝ
Và một kỹ thuật nữa, rất quan trọng trong nghiệp vụ trấn áp của an ninh, đó là phải chọn đúng thời điểm ra tay.
Nhà văn Phan Tứ, trong tiểu thuyết chiến tranh nổi tiếng “Mẫn và tôi”, đã mô tả về một “tên ác ôn” chống cộng như sau: “Thằng Chinh con ưa bắt người vào đúng bữa cơm tối, khi ngoài đường đã vắng, ai ở nhà nấy đông đủ”. Chinh con còn tra tấn hai vợ chồng một người “ủng hộ cách mạng” cùng lúc, suốt cả một ngày, khiến anh chồng chết lúc sẩm tối trước mặt vợ, hôm sau lại giết nốt chị vợ. Chinh con tàn ác như thế nên cuối cùng đã phải đền tội vì những viên đạn của du kích.
Tiếc là ngày nay, nhìn lại, thấy Chinh con thật ra phải là hình mẫu của an ninh cộng sản.
Lực lượng an ninh đã vây hãm suốt đêm, rồi bắt Trần Thị Nga (Thúy Nga) tại nhà riêng, bỏ mặc hai đứa con nhỏ của chị bơ vơ, khi chỉ còn sáu ngày là đến giao thừa Tết Đinh Dậu, thời khắc của sự đoàn tụ gia đình.
An ninh cũng đã bắt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), khám nhà và lục tung đồ đạc, còng tay Quỳnh đưa đi, ngay trước mặt đứa con gái nhỏ mới 10 tuổi.
An ninh đã bắt Lưu Văn Vịnh (Vịnh Lưu) tại nhà, đúng bữa trưa, và đánh đập anh Vịnh trước mặt thân nhân của anh.
Còn nhiều, rất nhiều vụ việc nữa, mà sự đàn áp diễn ra với sự hiện diện của người thân, gia đình của nạn nhân. Lực lượng an ninh làm điều đó không phải do vô tình hay do thiếu hiểu biết về quyền con người, mà ngược lại: Đấy là chủ ý của họ, là biện pháp nghiệp vụ của họ, nhằm khủng bố cả con mồi lẫn những cá nhân có liên quan.
Bị chấn động về tinh thần, nạn nhân sẽ rất dễ bị bẻ gẫy, đánh gục về ý chí, và dễ hợp tác với an ninh trong quá trình điều tra sau này.
* * *
An ninh cộng sản nói riêng và cộng sản nói chung giành được quyền lực và duy trì quyền lực ấy nhờ lừa đảo và khủng bố. Họ hiểu quá rõ hiệu quả và sức mạnh của khủng bố, của việc gây sợ hãi trên diện rộng. Đơn giản là nếu không làm cho dân chúng sợ hãi, nhà nước công an trị này không thể tồn tại được nữa.
Vậy, để đối phó với lừa đảo và khủng bố, người dân phải làm sao?
1. Để đối phó với lừa đảo: Chỉ có một cách là phải tỉnh táo, hiểu biết. Nói một cách triết học thì “phải nâng cao dân trí”, mà nói một cách thị trường thì “hãy là người tiêu dùng thông minh”.
2. Để đối phó với khủng bố: Mục đích của khủng bố là gây sợ hãi, vậy nếu người dân không sợ hãi thì khủng bố mất tác dụng.
Nếu những hình ảnh Mẹ Nấm, Vịnh Lưu, Thúy Nga bị bắt không làm bạn sợ hãi, thì chiến lược khủng bố của an ninh thất bại.