Xã luận bán nguyệt san Tự
do Ngôn luận
số 259 (15-01-2017)
Ngày 24-11-2008, Sergei Magnitsky, luật sư điều hành công ty luật Firestone
Duncan ở Nga, đồng thời là cố vấn cho Quỹ Đầu tư Hermitage Capital ở Anh, bị
Bộ Nội vụ Nga bắt giữ và truy tố tội trốn thuế trong vụ án hình sự chống Quỹ
Đầu tư ấy, đang khi ông đang điều tra về việc tham nhũng của các viên chức bộ
này. Magnitsky tố cáo họ đã tịch thu những cơ sở của Hermitage tại Nga và ăn
cắp 230 triệu Mỹ kim của Bộ Tài chánh rồi chuyển lậu qua một số nước Âu châu và
Hoa Kỳ. Đến ngày 16-11-2009, ông chết trong nhà tù sau gần một năm bị giam
giữ.
Để trừng phạt, một dự luật mang tên ông (Dự luật Trách nhiệm Nhân quyền
Magnitsky) đã được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2012 nhằm chế tài các cá nhân quan
chức Nga bị cho là vừa tham nhũng vừa có trách nhiệm về cái chết của ông, và
sau đó thì dự luật mở rộng ra cho mọi nước. Điều này đã gây hứng khởi cho nhiều
quốc gia trên thế giới. Cùng ngày với việc Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Nhân
quyền Magnitsky Toàn cầu, Nghị viện Estonia cũng đã phê chuẩn một tu chánh án
của “Đạo luật Buộc rời bỏ và Cấm nhập cảnh 1998” để ngăn chặn những kẻ vi phạm
nhân quyền vào Estonia. Hiện thời, một số dự luật mang tên Magnitsky đang được
cứu xét tại Liên hiệp Ấu Châu. Nghị viện Anh thì đang bản thảo về một tu chánh
án cho đạo luật chống rửa tiền để có thể tịch biên tài sản tại Anh của những kẻ
vi phạm nghiêm trọng nhân quyền khắp thế giới. Nghị viện Canada cũng đã khởi
công dự thảo một đạo luật trừng phạt những kẻ phạm tội tương tự từ tháng
3-2015, mang tên Đạo luật C-267: Công lý cho nạn nhân của quan chức ngoại
quốc tham nhũng.
Mới đây, trước khi rời chức vụ, dưới tác động mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng
thống Barack Obama đã làm một việc có ý nghĩa, mang ảnh hưởng lâu dài và rộng
khắp. Đó là hôm thứ Sáu 23-12-2016, ông đã biến Dự luật Trách nhiệm Nhân quyền
Magnitsky Toàn cầu thành Đạo luật (Global Magnitsky Human Rights Accountability
Act). Đạo luật này cho phép Tổng thống Mỹ trừng phạt bằng cách cấm nhập cảnh
hay đóng băng tài sản trên đất Mỹ của bất cứ cá nhân hay pháp nhân nào khắp thế
giới vi phạm nhân quyền và tham nhũng nghiêm trọng theo cách như sau: (1) Giết
hoặc tra tấn ngoài vòng pháp luật hoặc vi phạm trầm trọng các quyền con người
đã được quốc tế công nhận chống lại cá nhân ở bất cứ một nước nào chỉ vì cá
nhân ấy tố cáo những hành vi bất chính của các viên chức chính quyền, hay thực
thi hoặc khuyến khích những quyền con người và những quyền tự do. (2) Thi hành
những vi phạm nhân quyền kể trên theo lệnh của một người khác. (3) Chịu trách
nhiệm hay a tòng -với tư cách viên chức chính quyền hay phụ tá cao cấp
của đương sự- trong
việc ra lệnh hay trực tiếp có những hành động tham nhũng đáng kể, kể cả việc
tịch thu tài sản tư nhân hay công cộng để làm lợi cho cá nhân, tham nhũng liên
quan đến những hợp đồng của chính phủ hay khai thác tài nguyên thiên nhiên, hối
lộ, hoặc giúp đỡ hay chuyển giao tiền hối lộ cho một giới thẩm quyền nước
ngoài. (4) Trợ giúp đáng kể hay cung cấp tài chánh, vật liệu, hoặc yểm trợ kỹ
thuật, hiện vật hay dịch vụ cho những hành động kể trên.
Xem xét kỹ, ta thấy việc Đạo luật Magnitsky liên kết vấn đề đàn áp con người
với tham nhũng bóc lột như thế là điều hết sức hợp lý, vì trước hết, cả hai
cũng chỉ là chuyện vi phạm các nhân quyền. Tiếp đến, mọi chế độ độc tài, nhất
là độc tài cộng sản, đều chủ trương bạo hành với công dân, với đồng bào để giữ
vững quyền lực, và tham nhũng công sản, bóc lột tư sản để duy trì quyền lực.
Ngoài ra, việc Đạo luật Magnitsky chỉ nhắm thẳng vào cá nhân tội phạm (kẻ chỉ
đạo lẫn kẻ thừa hành) mà không trừng phạt nguyên cả một quốc gia, trong đó có
những người dân vô tội vốn chiếm đại đa số, là một biện pháp bảo vệ nhân quyền
khôn ngoan, vì trong các chế tài trước đây của quốc tế nhắm vào cả một chế độ
(ví dụ CPC), tuy có lúc rất cần thiết, nhưng thường chính Nhân dân phải chịu
trước tiên và trực tiếp mọi hậu quả nặng nề.
Nay với Đạo luật Magnitsky là một trong những công cụ ngoại giao của Hoa Kỳ và
rồi với những đạo luật tương tự trên toàn thế giới, những kẻ vi phạm nhân quyền
và tham nhũng nghiêm trọng khắp năm châu từ đây hiểu rằng chẳng chóng thì chầy,
họ không thể thoát khỏi các hậu quả do những hành động họ gây ra ngay cả khi
quốc gia của họ bất động, chế độ của họ dung túng. Vì họ sẽ hết chốn dung
thân rồi. Bởi lẽ từ trước tới nay, viên chức chính quyền tham nhũng ở
những nước độc tài thường mua tài sản và cất giấu tiền bạc ở những nước giàu và
tân tiến, nơi có hệ thống kinh tế tài chánh ổn định và thị trường đầu tư tốt,
bảo đảm giá trị tài sản của họ. Chứ họ không để tại quốc gia, trong chế độ của
mình, nơi mà “luật kẻ mạnh” đã giúp họ tham nhũng, bóc lột, bạo hành và đàn áp,
nhưng cũng là nơi tiềm ẩn mối đe dọa đối với sinh mạng và tài sản của họ cũng
như đối với tự tồn tại của chế độ họ đã góp sức tạo thành.
Và đó chính là tình trạng đang thấy tại Trung Quốc lẫn Việt Nam hôm nay. Đảng
và nhà cầm quyền CS hai nơi này đã và đang vận hành theo 3 nguyên tắc cai trị
của chế độ cộng sản: chiếm đoạt vật chất (tài nguyên quốc gia) và chiếm đoạt
tinh thần (ý thức dân chúng) để chiếm lĩnh quyền lực (độc tài độc đảng) và
ngược lại. Chính vì thế, từ mấy mươi năm nay, nhà cầm quyền không ngừng đàn áp
nhân dân bằng bạo lực hành chánh (hiến pháp và luật lệ) cũng như bằng bạo lực
vũ khí (tra tấn và bỏ tù), thông qua những chính sách lẫn chỉ thị từ giới lãnh
đạo và những hành vi đê hèn lẫn bạo ngược từ giới thừa hành đủ mọi loại, đặc
biệt đối với những công dân cổ vũ hay đòi hỏi các nhân quyền. Và tất cả chỉ
nhằm tạo điều kiện cho đảng viên cán bộ các cấp tham nhũng bóc lột, bòn rút tài
nguyên quốc gia và chiếm đoạt tài sản quốc dân. Rồi sau khi vơ vét thì chuyển
tiền bạc và gởi thân nhân ra nước ngoài hoặc bản thân liệu đường sang ngoại
quốc. Bằng chứng cho những việc này quá rõ ràng và nhiều vô kể.
Theo báo Tiền Phong ngày 17-06-2012, vào năm 2011, Viện Khoa học Xã hội Trung
Quốc đã báo cáo cho biết trong khoảng thời gian từ 1995-2008 có tổng cộng hơn
18.000 quan chức chạy trốn ra nước ngoài mang theo số tài sản lên tới 800 tỷ
nhân dân tệ (130 tỷ USD). Sau đó, ngày 23-05-2012, trong hội nghị toàn quốc các
ngành Kiểm tra kỷ luật, Giám sát, Tư pháp, Công an Trung Quốc bàn biện pháp
chống quan tham bỏ trốn họp ở Bắc Kinh, số liệu do Viện Kiểm sát tối cao công
bố đã khiến người ta sửng sốt: 12 năm qua, cả nước đã bắt và dẫn độ được 18.487
quan chức bỏ trốn, trong 5 năm thu hồi được 54,14 tỷ tệ. Hiện vẫn còn khoảng
20.000 quan tham đang trốn ở nước ngoài với số tiền lên tới hàng ngàn tỷ tệ.
Hồi tháng 4-2012, trong thời gian Quốc hội nhóm họp, Bộ trưởng Giám sát Mã Văn
khi trả lời câu hỏi hiện có bao nhiêu “loã quan”, đã thừa nhận: “Chưa thể thống
kê được số liệu chính xác”. Lõa quan (quan chức lõa thể, nghĩa bóng chỉ những
kẻ đã chuyển trước tài sản, vợ con qua nước ngoài, chuẩn bị sẵn sàng chạy ra
hải ngoại khi cần thiết) là một tầng lớp quan chức mới hiện hình thành ở TQ.
Xuất hiện lần đầu trên mạng xã hội Weibo vào năm 2008 do một viên chức tỉnh An
Huy đưa ra, từ “lõa quan” dùng để gọi những cán bộ đảng, chính quyền có thân
nhân mang tài sản ra định cư ở hải ngoại. Dần dần, nó được mở rộng ra, bao gồm
thêm cả những giám đốc công ty xí nghiệp quốc doanh nữa.
Còn Việt Nam ta thì được tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency
International), xem là một trong những quốc gia tham nhũng nhất thế giới, bị
xếp hạng 112/168 nước được điều tra với số điểm thấp 31/100 vào năm 2015. Theo
mạng 10Hay.com, mười vụ tham nhũng nhất Việt Nam hiện nay là (1) EPCO Minh
Phụng; (2) PMU18; (3) PCI; (4) Đề án 112; (5) Nexus Technologies; (6) Tiền
Polime; (7) Chia chác đất công ở Đồ Sơn; (8) Vinashin; (9) Vinalines; và (10)
PVC Trịnh Xuân Thanh. Về mặt đàn áp nhân quyền, thì theo tổ chức Freedom House,
Việt Nam bị xếp vào số 51 nước không có tự do với số điểm về tự do là 6/7 (áp
chót) và số điểm về quyền chính trị là 7/7 (tồi tệ), so với 89 quốc gia có tự do
và 55 quốc gia bán tự do trong tổng số 195 nước được điều tra nghiên cứu vào
năm 2015. Rồi theo đánh giá chung của công luận, mười viên chức cao cấp thuộc
đảng CSVN chủ trương đàn áp Nhân quyền mạnh mẽ nhất là (1) Nguyễn Tấn Dũng
(Thủ tướng 2006-2016); (2) Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an 2011-2016, Chủ
tịch nước từ 2016); (3) Lê Hồng Anh (Bộ trưởng CA 2002-2011); (4) Tô Lâm (Bộ
trưởng CA từ 2016); (5) Nguyễn Văn Hưởng (Thứ trưởng CA, cố vấn cho Nguyễn Tấn
Dũng về an ninh và tôn giáo 2001-2013); (6) Trương Hòa Bình (Chánh án Tòa án
Tối cao 2007-2016, Phó Thủ tướng từ 2016); (7) Nông Đức Mạnh (Tổng Bí thư
2001-2011); (8) Nguyễn Phú Trọng (TBT từ 2011); (9) Lê Thanh Hải (Bí thư đảng
thành Hồ 2006-2015); (10) Phạm Quang Nghị (Bí thư đảng Hà Nội 2006-2016).
Ngoài ra, ai cũng biết hai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc hiện
có con cái và tài sản lớn ở Hoa Kỳ. Hôm tháng 7-2016, báo chí đưa tin đại biểu
Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở cộng hòa Malta sau khi đã bỏ ra
từ 500 ngàn đến 1 triệu bảng Anh để mua nó. Trang mạng Thanh Niên Tự Do ngày
23-07-2016 cho biết: theo Hồ sơ Panama bị rò rỉ, Việt Nam có tới 189 cá nhân và
tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các
“thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt
Nam ra ngoại quốc, và 189 đại gia lẫn quan chức người Việt đã có sẵn thẻ xanh
đi Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ. Nhưng liệu từ rày về sau, với Đạo luật
Magnitsky, họ còn có đất dung thân chăng?
Việc đó cũng còn tùy thuộc phong trào tranh đấu tại VN. Trước món quà nhân
quyền này của Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ, phong trào cần ý thức mình có nhiều
bổn phận liên hệ, vốn hoàn thành được nhờ sự trợ giúp của đồng bào lẫn cán bộ đảng viên thức tỉnh trong bộ máy
cai trị. Một là khai
dụng Đạo luật Magnitsky để hoàn thành những hồ sơ tố cáo tội ác đàn áp và bóc
lột từ hệ thống cầm quyền CS gởi ra quốc tế. Hai là khai dụng những biến động
hiện thời tại VN: thảm họa môi trường, áp bức chính trị, suy sụp kinh tế, nguy
cơ quốc phòng, băng hoại xã hội… bằng những hành động đấu tranh ôn hòa nhưng
quyết liệt, tập thể và kiên trì, để Đất nước không còn cái chế độ và những kẻ
nhân danh quyền lực để tước đoạt mọi giá trị tinh thần và tài sản vật chất của
Nhân dân. Đồng bào hải
ngoại cũng có thể góp phần vào việc cung cấp thông tin về các đối tượng của
luật Magnitsky, đồng thời vận động để các đạo luật kiểu này được hình thành tại
đất nước mình tạm cư nếu chưa có.
BAN
BIÊN TẬP