11 janvier 2017

Donald Trump, Quan hệ Mỹ-Trung và Tương lai Việt Nam



Lê Xuân Khoa



Sau khi đắc cử chức vụ Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã có những phát biểu mềm dịu hơn về nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại so với lập trường cứng rắn của ông trong thời gian tranh cử: bức tường biên giới Mê-hi-cô nay trở thành “hàng rào”, hơn 11 triệu di dân lậu cần trục xuất nay chì còn vài triệu, thỏa thuận về thay đổi khí hậu, và ngay cả Obamacare, có thể được sửa đổi thay vì bác bỏ hoàn toàn, cựu đối thủ Hillary Clinton “lưu manh” nay được gọi là “người tốt” . . . Riêng đối với Trung Quốc, Tổng thống tân cử đã cho thấy thái độ của ông chống chính sách bành trướng của Bắc Kinh còn quyết liệt hơn nữa. “Giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình nhắm trở thành siêu cường số một trên thế giới bị Donald Trump ra tay ngăn chặn, chủ yếu về kinh tế và quân sự. Mặc dù chính sách mới của Hoa Kỳ sẽ chỉ thể hiện trong 100 ngày đầu của chính phủ mới, những tuyên bố và hành động của ông Trump trước ngày nhậm chức cũng đủ xác định chiều hướng chiến lược của Hoa Kỳ trong bốn năm sắp tới.



Nói chung, lập trường cơ bản của tân Tổng thống Donald Trump là rũ bỏ gánh nặng quốc tế của Hoa Kỳ để chú trọng tăng cường nội lực, đúng với chủ nghĩa dân túy khi tranh cử là “Đưa Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” (Make America Great Again). 



Vì chưa biết lập trường này sẽ thể hiện như thế nào trong thực tế, thời điểm này còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả mà các chính sách  có xu hướng biệt lập của chính quyền Trump sẽ đem lại cho nước Mỹ và thế giới. Bởi vậy, như đã được giới hạn trong đề tài, bài này sẽ chỉ đề cập đến một vấn đề quan tâm lớn nhất của mọi người Việt Nam hiện nay là: quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tác động thế nào đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với vấn đề độc lập và chủ quyền của Việt Nam và nhu cầu dân chủ hóa chế độ của quốc gia này. Mức độ hợp tác hay đối đầu trong quan hệ giữa hai siêu cường sẽ mang tính quyết định đối với vận mệnh tương lai của Việt Nam, vì vậy đương nhiên phải được những người Việt yêu nước theo dõi sát và dự liệu những kịch bản có thể xảy ra để chuẩn bị ứng phó thích hợp.

Lập trường chống Trung Quốc của Donald Trump đã có từ lâu nhưng chỉ được dư luận đặc biệt chú ý sau khi ông trở thành Tổng thống tân cử. Chưa đầy một tháng sau ngày đắc cử, ông Trump đã tạo một sự cố ngoại giao khi ông nhận điện đàm với bà Thái Anh Văn, lãnh đạo Đài Loan, ngày 3 tháng 12, 2016. Hành động này mặc nhiên nhìn nhận bà Thái Anh Văn là Tổng thống Trung Hoa Dân quốc, trái với nguyên tắc “Một nước Trung Hoa” vẫn được các Tổng thống Mỹ tôn trọng từ 1979 khi Hoa Kỳ đoạn giao với Đài Loan và chính thức công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ông Trump đã biện minh cho thái độ chống Trung Quốc của ông qua những lời tố cáo Bắc Kinh đã lợi dụng tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thề giới (WTO) để thi hành những chính sách phá hoại kinh tế Mỹ, đồng thời đe dọa an ninh toàn thể khu vực Á châu-Thái Bình Dương, như phá giá đồng nhân dân tệ làm mất sức cạnh tranh của Mỹ trên thị trường nội địa và quốc tế, đánh thuế nặng vào sản phẩm nhập cảng của Mỹ vào Trung Quốc, và kiến tạo một hệ thống quân sự khổng lồ ngay giữa Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).



Trung Quốc và Việt Nam

Tiếp nối tham vọng chinh phục các dân tộc phương Nam của các triều đại phong kiến từ trên 2000 năm trước, dòng lãnh đạo cộng sản Trung Quốc từ Mao Trạch Đông đến các hậu duệ của y, trong gần 70 năm qua, luôn luôn tìm cách thôn tính Việt Nam và đồng hóa dân tộc Lạc Việt. Tổng Bí Thư Lê Duẩn là người đã tố cáo rõ âm mưu này của họ Mao từ những năm 1960, nhưng sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, nhờ lòng thần phục tự nguyện của Nguyễn Văn Linh và nhóm bảo thủ, Bắc Kinh đã có được những điều kiện thuận lợi chưa bao giờ thấy để đạt được tham vọng lâu đời của Trung Quốc. Ngày nay, Tập Cận Bình là lãnh tụ có quyền hành lớn nhất và mưu đồ ác độc nhất, quyết thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc” bằng mọi giá. Năm 2013, khi đưa ra chủ thuyết “Trung Quốc Mộng”, y đã nhấn mạnh rằng "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc".




Tại Biển Đông, Tập Cận Bình tái khẳng định bản đồ đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò) bao gồm 80 phần trăm diện tích Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, hung hăng tấn công tàu tuần duyên và chặn bắt những tàu thuyền đánh cá của Việt Nam, ngang nhiên đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào giữa vùng tranh chấp biển gần Đà Nẵng, phủ nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế về chủ quyền đường chín đoạn, và quan trọng nhất là gấp rút cải tạo một số bãi đá và rạn san hô trên quần đảo Trường Sa thành những đảo nổi để sẵn sàng sử dụng vào mục tiêu quân sự. Gần đây nhất, Trung Quốc lại cướp giựt một thiết bị lặn không người lái của Mỹ ngay trước mũi hải quân Hoa Kỳ, nhưng đã phải trả lại.    



Việt Nam là nước láng giềng sát nách Trung Quốc trên bờ Biển Đông với trên 3200 km đường bờ biển không kể các đảo. Dẫn nguồn thông tin của chính phủ Việt Nam, Wikipedia cho biết, “Ngoài vùng nội thuỷ, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý lãnh hải, thêm 12 hải lý vùng tiếp giáp lãnh hải, 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và cuối cùng là thềm lục địa. Diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km² biển Đông.” Vì Việt Nam có tài nguyên biển phong phú và vị trí chiến lược quan trọng như vậy, các thế hệ lãnh đạo cộng sản Trung Quốc rất thèm khát chiếm đoạt đất nước này nhưng đã thấy rõ là chỉ khi nào Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc thì họ mới có điều kiện tốt nhất để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông và kiểm soát các nước ASEAN trong lâu dài.



Rút kinh nghiệm thất bại của các triều đình phong kiến ngày trước cùng những cay đắng trong quá trình hợp tác và giúp đỡ các “đồng chí” cộng sản phía nam (trước thời TBT Nguyễn Văn Linh), lãnh đạo Bắc Kinh đã khám phá được rằng giống nòi Lạc Việt có một cái “gien” độc lập đã giúp họ đánh bại mọi cuộc chiến xâm lược và mưu đồ Hán hóa của Trung Quốc. Ngay cả trong mười thế kỷ bị Trung Quốc đô hộ, dân tộc Việt đã luôn luôn nổi dậy và năm 938, trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán đã chính thức mở đầu kỷ nguyên độc lập của Việt Nam. Quả thật người Việt chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc nhưng đó là những ảnh hưởng do họ chọn lựa và thường thêm màu sắc Việt Nam, lắm khi còn chế riễu sắc thái gốc, nhờ đó họ có thể tồn tại với cá tính khác biệt. Biết rõ như vậy, cộng sản Trung Quốc nhất định phải tiêu diệt cái gien độc lập đã hun đúc ý chí và khả năng trỗi dậy của chủng tộc Việt. Chúng đã thiết lập một kế hoạch vô cùng ác độc để đạt được mục tiêu này.

Chỉ trong hơn 10 năm qua và chỉ bằng “sức mạnh mềm”, cộng sản Trung Quốc đã có thể từng bước thực hiện kế hoạch thôn tính Việt Nam. Về chính trị, qua cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo của hai Đảng, Trung Quốc thường xuyên đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề quản lý đất nước, thiết lập các viện văn hóa tại Việt Nam và tổ chức những buổi sinh hoạt hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ngoài ra, hai bên còn có những  cuộc Hội thảo Lý luận định kỳ và bất thường để trao đổi kinh nghiệm và phối hợp công tác xây dựng Đảng và Nhà nước. Điều này cho thấy bộ máy cầm quyền ở Việt Nam chỉ là một phiên bản của mô hình Trung Quốc ở mức độ nhỏ và đơn giản hơn, và lãnh đạo Trung Quốc đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn các cán bộ lãnh đạo ở Việt Nam từ trung ương tới địa phương. Thật không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” được Giang Trạch Dân đưa ra trong quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đã chỉ được “kiên trì” thực hiện một chiều từ phía Việt Nam. Sự lệ thuộc vào Trung Quốc về chính trị đã dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại cho Việt Nam về mọi mặt. Sau đây là một số bằng chứng hiển nhiên:



·         Về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, Trung Quốc đã lấn chiếm được nhiều vị trí và diện tích quan trọng trên đất và trên biển của Việt Nam qua Hiệp ước Sửa đổi  về Biên giới năm 1993 và Hiệp ước Phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, không kể những địa điểm đã chiếm đoạt bằng vũ lực ở Hoàng Sa và Trường Sa.

·         Về kinh tế, Trung Quốc đã lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam qua những dự án đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khổng lồ, như dự án mỏ bô-xít Tây nguyên, khế ước cho thuê dài hạn rừng đầu nguồn, lập vùng định cư riêng cho công nhân và di dân Trung quốc, v.v. Thực phẩm và hàng hóa Trung Quốc nhập lậu tràn ngập qua biên giới giết chết nhiều sản phẩm nội địa của Việt Nam.

·         Về văn hóa giáo dục, Trung quốc thiết lập các Viện Khổng tử và đưa chương trình học chữ Hán vào các trường phổ thông, cắt bỏ môn học lịch sử, nhất là những sự kiện về hành động xâm lược và tội ác của chính quyền Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.

·         Về an ninh quốc phòng, Trung Quốc đã thiết lập được những cứ điểm và tuyến giao thông chiến lược quan trọng trong nội địa Việt Nam, thuận lợi cho những cuộc hành quân xâm lược và chống nổi dậy khi cần thiết.

·         Về sức khỏe và môi trường, Trung Quốc đã đưa vào Việt Nam những thực phảm và thuốc men nhiễm độc, gây nhiều bệnh nan y làm suy nhược cái “gien độc lập” và hủy diệt khả năng trỗi dậy của chủng tộc Việt. Trong kế hoạch lâu dài, chúng đã xây cất một chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong và giúp cho Thái, Lào, Cam-bốt xây đập hay rẽ nước ở giữa nguồn nhằm hạn chế lượng nước, cá và phù sa chuyển xuống Đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam. Từ nhiều năm qua, ĐBSCL đã phải hứng chịu nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng vì là chặng cuối cùng của dòng sông Mekong trước khi đổ ra biển.


Bài học "mềm" của Trung Quốc: Nguyễn Phú Trọng đạt điểm nhất


Hoa Kỳ và Việt Nam

Tháng 11 năm 1976, chỉ ba tháng sau khi đắc cử, Tổng thống Jimmy Carter đã tạo cơ hội hòa giải và thiết lập quan hệ ngoại giao với CHXHCN Việt Nam vì Hoa Kỳ đã tiên liệu được ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng may các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội này vì đặt điều kiện tiên quyết là Mỹ phải bồi thường chiến tranh mặc dù chính họ đã xé bỏ hiệp định hòa bình Paris năm 1973. Chỉ đến khi nhận ra sai lầm vì đã lỡ thần phục Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô năm 1990, lãnh đạo Hà Nội mới trở lại điều đình với Mỹ với hi vọng quan hệ bình thường Việt-Mỹ sẽ giúp cho họ khỏi bị trói buộc vào quỹ đạo Bắc Kinh. Mãi tới 1994, Hoa Kỳ mới bãi bỏ cấm vận Việt Nam và một năm sau, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại.



Cũng bắt đầu từ 1995, Hà Nội thi hành chính sách đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cân bằng quan hệ với mỗi nước trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi”. Trên thực tế, dù có bị áp lực hay không, Việt Nam cũng đã ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc, không chỉ vì những ràng buộc ý thức hệ giữa hai Đảng mà còn vì nhu cầu duy trì chế độ độc tài để vơ vét của cải do vô số cơ hội tham nhũng và bóc lột nhân dân. Hoa Kỳ biết rõ điều này nhưng vẫn kiên nhẫn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam, chủ yếu là thương mại, an ninh và quốc phòng. Ngoài ra còn có những chương trình trợ giúp nhân đạo, chuyển giao công nghệ và giáo dục đào tạo. Những cơ hội hợp tác và giao lưu thường xuyên giữa các giới nhân dân hai nước trong lâu dài sẽ đem lại một tầng lớp trí thức tiến bộ và một xã hội công dân có ý thức về quyền con người và lợi ích của chế độ dân chủ. Đó là tiến trình đổi mới chính trị một cách tự nhiên và có trật tự trong một xã hội  ổn định. Cộng sản Việt Nam thấy rõ đây là nguy cơ “diễn biến hòa bình” nên đã ra sức ngăn chặn tiến trình này.



Khác với chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Việt Nam có tính cách chỉ huy và áp đặt, chính sách của Hoa Kỳ có tính cách khích lệ và tôn trọng tư cách độc lập của Việt Nam. Những lời cam kết long trọng của Tổng thống Obama ở Washington và những vần thơ lẩy Kiều đầy tình cảm của ông ở Hà Nội không thể nào thấy được một nét tương đương trong ngôn ngữ đàn anh của Tập Cận Bình đối với các lãnh đạo Việt Nam, chỉ nhắc nhở đến nhàm tai là phải “kiên trì thực hiện 16 chữ và 4 tốt”. Chủ tịch Trung Quốc đã không ngần ngại hạ nhục Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi từ chối trả lời đường giây “điện thoại đỏ” mà ông Trọng đã sử dụng khẩn cấp nhiều lần để xin sang Bắc Kinh tìm cách giải quyết vụ giàn khoan Hải Dương 981.  Mặt khác, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng Hoa Kỳ đã có chính sách chiều chuộng và kiên nhẫn rất khác thường đối với cộng sản Việt Nam, không hẳn vì nước Mỹ có thói quen đối xử bình đẳng và dân chủ trong quan hệ quốc tế. Lý do không phải vì Hoa Kỳ có thiện cảm đặc biệt với CHXHCN Việt Nam mà chính vì Hoa Kỳ muốn có sự hợp tác của Việt Nam trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc thống lĩnh Biển Đông và kiểm soát toàn thể khu vực. Mục tiêu này nằm trong chiến lược mang tên “Xoay trục sang châu Á” và chiến lược này chỉ thành công mỹ mãn nếu Việt Nam thật tình chọn con đường “thoát Trung”.  

Tới đây, một câu hỏi quan trọng  được đặt ra là  Chiến lược “Xoay trục sang châu Á” trong đó Việt Nam cần được Hoa Kỳ khuyến khích thoát Trung sẽ được Tổng thống tân cử Donald Trump xử lý ra sao?  Bác bỏ hoàn toàn hay sửa đổi cho thực tế và hữu hiệu hơn? 



Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, cần ghi nhận vài nét chính của chiến lược “Pivot to Asia” được cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trình bày rành mạch trong bài “America’s Pacific Century” (Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ) trên tạp chí Foreign Policy tháng 10, 2011.  Bà Clinton nhấn mạnh vào điều kiện địa-chính trị quan trọng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trải rộng từ tiểu lục địa Ấn độ đến bờ biển miền Tây nước Mỹ, bắc qua hai Đại dương, và là nơi sinh sống của gần một nửa dân số trên thế giới với trị giá lưu lượng thương mại hàng năm qua Biển Đông lên tới hơn 5 ngàn tỉ đô-la. Hillary dự kiến trong mười năm tới, Hoa Kỳ phải khôn ngoan chọn lựa những quốc gia thích hợp trong khu vực để đầu tư có thực chất về mọi mặt gồm cả ngoại giao, kinh tế và chiến lược, nhằm duy trì vai trò lãnh đạo và đảm bảo lợi ích chung của Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác. Chiến lược này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, không chỉ ngăn chặn tham vọng bá quyền của lãnh đạo Bắc Kinh mà còn làm suy yếu khả năng cạnh tranh và làm chậm lại đà phát triển của họ.  Một công cụ được đánh giá là tối cần thiết để giúp cho chiến lược “Xoay trục sang châu Á’ được thành công là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền Obama đã bỏ ra nhiều năm đàm phán với 11 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đã đạt được thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10, 2015.  Hiệp định này cần được Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực thi hành năm 2018. Cho đến ngày bầu cử Tổng thống tháng 11, 2016, Quốc Hội Mỹ vẫn chưa đưa TPP ra thảo luận và số phận của hiệp định này hiện nay được kể như đã bị Hoa Kỳ khai tử.



Trump và quan hệ Mỹ-Trung

Với chủ trương “America First” (Nước Mỹ trước hết), Tổng thống tân cử Donald Trump đã cho thấy cơ bản về chính sách đối ngoại của Mỹ là chống tự do mậu dịch trong xu thế toàn cầu hóa, cắt giảm các chương trình hợp tác và giúp đỡ quốc tế để gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, như thực tế đã cho thấy, sau khi đắc cử ông Trump đã tỏ ra uyển chuyển hơn về nhiều mặt ngoại trừ quyết tâm ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Ông đã tham khảo với Henry Kissinger, kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc từ thời Tổng thống Nixon, tìm hiểu kinh nghiệm hợp tác với Bắc Kinh để cùng phát triển trong hòa bình, trong khi ông vẫn giữ vững lập trường coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế và an ninh quốc phòng của Mỹ. Bởi vậy, Trump đã có cả một đội ngũ cao thủ chống Trung Quốc tham gia chính quyền mới như Peter Navarro, Wilbur Ross, Michael Flynn, James Mattis làm việc sát cánh với ông để định hình chiến lược đối phó với mối họa Trung Quốc.



Nhưng ngăn ngừa Trung Quốc không có nghĩa là đối đầu với nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Thái độ cứng rắn của Trump là một tín hiệu cảnh báo lãnh đạo Bắc Kinh rằng họ đã quá lộng hành trong quan hệ quốc tế, tiếp tục phá hoại kinh tế Mỹ bằng chính sách lũng đoạn tiền tệ và mậu dịch, ngang ngược đòi quyền làm chủ Biển Đông và có những hành động đe dọa an ninh khu vực. Về phía Trung Quốc, dù rất tức giận trước cuộc điện thoại bất ngờ của ông Trump với “Tổng thống” Đài Loan Thái Anh Văn, và dù cũng cảnh báo lại Hoa Kỳ rằng việc phủ nhận nguyên tắc “Một nước Trung Hoa” là một hành động phiêu lưu nguy hiểm, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn tỏ ra thận trọng và nhấn mạnh rằng “Hợp tác kinh tế và chính trị không chỉ quan trọng cho hòa bình và thịnh vượng của hai nước mà còn cho cả toàn cầu.”



Như vậy, trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đều khẳng định lập trường cứng rắn của mình, không bên nào muốn có chiến tranh và vẫn để ngỏ cơ hội cho các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình. Về phần ông Trump, ngay cả khi trả lời những chỉ trích về cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, , ông đã không dứt khoát phủ nhận nguyên tắc “Một nước Trung Hoa” trong lời tuyên bố với Fox News: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách “Một nước Trung Hoa” nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách đó trừ phi chúng ta thương lượng với họ liên quan đến nhiều chuyện khác, bao gồm thương mại.” Theo ý kiến ấy, Washington và Bắc Kinh sẽ phải có những cuộc hội đàm nghiêm túc với ý muốn thương lượng, và giải pháp hòa bình sẽ đạt được khi cà hai bên đều tương đối thỏa mãn với kết quả nhân nhượng lẫn nhau. Trong tương quan lực lượng hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số 1, do đó nếu thật sự không muốn có chiến tranh, Trung Quốc sẽ phải chịu nhân nhượng nhiều hơn. Nói cụ thể, Trung Quốc sẽ phải chấm dứt các hành động xâm phạm lợi ích của nước Mỹ, ngưng đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đổi lại, Trung Quốc sẽ được chia sẻ quyền sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trong khu vực, thiết lập hoặc tham gia các chương trình phát triển chung và giải quyết tranh chấp về chủ quyền biển đảo với các nước liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế và Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang chờ đợi được hoàn tất. Đây là giải pháp lý tưởng mà ông Trump có thể đem lại cho nước Mỹ và các nước trong khu vực.



Trong tình thế hiện nay, giải pháp này là một viễn tượng lạc quan, một giả định hợp với logic nhung không dễ đạt được vì Trung quốc đang chiếm nhiều lợi thế trong khu vực và đang khai thác tình trạng hoang mang của khối ASEAN trước mối lo bị Mỹ bỏ rơi và tương lai đen tối của hiệp định TPP. Hơn nữa, Trung Quốc đã hoàn tất cải tạo phi pháp bảy hòn đảo ở Trường Sa mà chính ông Trump đã phải nhìn nhận là “chuyện đã rồi”. Thực tế là Bắc Kinh đang “nắn gân” vị tổng thống tân cử Mỹ và chưa thể biết ông Trump sẽ phản ứng ra sao.



Nhưng nếu giả định trên đây về quan hệ Mỹ-Trung có khả năng trở thành hiện thực thì đó cũng chính là mục tiêu của chính quyền Obama trong chiến lược “Xoay trục sang châu Á”, nhưng khác ở chỗ ông Trump không dùng tên gọi này và nhất là ông đã mau chóng cho Bắc Kinh thấy rõ thái độ quyết liệt của ông. Khách quan mà nói, Tổng thống Obama đã quá rụt rè trong việc thực hiện chiến lược “Xoay trục sang châu Á” mà sau này thường nhẹ nhàng gọi “xoay trục” là “tái cân bằng”. Chính vì thái độ thiếu cương quyết trước một Trung Quốc hung hăng lấn tới mà ông Obama đã làm cho các nước trong khu vực không còn mấy tin tưởng vào những hứa hẹn và cam kết của Hoa Kỳ. Về điểm này, Hillary Clinton, kiến trúc sư của chiến lược xoay trục sang Châu Á, mới thật sự có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và đã trở thành một chướng ngại lớn trong con mắt của lãnh đạo Bắc Kinh và một đối tượng bị truyền thông Trung Quốc đả kích nặng nề.

Chỉ vài sự kiện dưới đây cũng đủ cho thấy lập trường và thái độ cương quyết của Hillary Clinton đối với Bắc Kinh và giải thích tại sao giới phân tích chính trị Trung Quốc đã nhận định rằng chính Clinton chứ không phải Obama là kẻ chủ mưu gây rối ở Biển Đông, thậm chí Hoàn Cầu Thời Báo đã gọi Hillary là “chính trị gia bị ghét nhất ở Trung Quốc”:



·         Năm 2010, tại Diễn đàn ASEAN về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Clinton đã khẳng định quyền tự do hàng hải và tự do tiếp cận với các nước trong khu vực là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Bà nhấn mạnh rằng “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ ra và đòi quyền làm chủ là “bất hợp pháp”.  Lời tuyên bố mạnh mẽ này đã làm cho Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tức giận rời bỏ phòng họp, để lại một lời răn đe các nước ASEAN: “Trung Quốc là một nước lớn và các quốc gia khác đều là nước nhỏ”. 

·         Năm 2012, ngoại trưởng Clinton chủ trì một phiên họp với ngoại trưởng bốn quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong (Việt Nam, Thái Lan, Lào và Cam-bốt) để thảo luận nhu cầu quản lý nguồn nước, nguồn cá và phối hợp các chương trình phát triển bền vững với sự tài trợ của Mỹ và Úc. Hiển nhiên mục đích của Mỹ không chỉ giúp bảo vệ đời sống của 60 triệu dân ở các nước hạ lưu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, mà còn gia tăng sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tiếc rằng sau đó, bà Clinton rời bỏ chức ngoại trưởng trong nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ Obama nên “Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong” (LMI) và “Ủy hội sông Mekong” (MRC) bị Trung Quốc tìm cách vô hiệu hóa bằng những thỏa thuận riêng với Thái Lan, Lào và Cam-bốt.

·         Theo một thư điện tử được WikiLeaks tiết lộ trong cuộc tranh cử Tổng thống vừa qua, thì trong một phiên họp tại ngân hàng Golden Sachs hồi tháng 10, 2013 bà Clinton cho hay bà đã nói thẳng với đại diện Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông rằng “Chúng tôi đã giải phóng và bảo vệ vùng biển  này. . . Chúng tôi cũng có thể đòi hỏi cả Thái Bình Dương và chúng tôi có thể gọi đó là Biển Hoa Kỳ, từ bờ Tây California chạy suốt cho đến Phi-lip-pin. Các bạn biết không, đối tác của tôi ngồi thẳng cứng và nói, quý vị không thể làm như vậy được. Tôi đáp, chúng tôi cũng có quyền đòi hỏi như quý vị đã làm. Ý tôi muốn nói, quý vị đòi chủ quyền trên các mảnh gốm hay một vài tàu cá đắm ở một rạn san hô nào đó. Quý vị nên biết rằng chúng tôi đã bố trí lại sức mạnh quân sự. Lạy Chúa, chúng tôi đã phát hiện ra Nhật Bản”. (RFI, 10/21/2016) 

·         Một bản tin AFP dẫn lời phát biểu của ứng cử viên Clinton trong buổi nói chuyện với các công nhân ở tiểu bang Pennsylvania : “Trung Quốc phá giá bất hợp pháp hàng hóa ở thị trường của chúng ta, đánh cắp bí mật thương mại, chơi trò phá giá đồng tiền, sử dụng chính sách không công bằng, bênh vực doanh nghiệp Trung Quốc và phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ”. Tuyên bố này của Hillary Clinton không khác gì lời tố cáo của ông Donald Trump về những thủ đoạn phá hoại kinh tế Mỹ của Trung Quốc.



Dù sao, điểm khác biệt cơ bản giữa chính sách đối ngoại của ông Trump và của Obama/Clinton là rũ bỏ gánh nặng quốc tế của Hoa Kỳ và chỉ hợp tác song phương với các nước liên quan nếu những nước này chịu các chi phí về phần họ.



Trump và Tương lai Việt Nam

Các bình luận gia quốc tế đều có chung nhận định là mặc dù ông Trump chủ trương rút khỏi mọi cam kết quốc tế, sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương vẫn quan trọng hàng đầu đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Đó cũng là quan điểm của Trump nên ông đã sớm loan báo là sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng mặc dù, theo chuyên gia quân sự Kyle Mizokami, chi tiêu quốc phòng Mỹ hiện gấp hơn 2,5 lần Trung Quốc và khoảng 10 lần Nga. Riêng về hải quân, với lực lượng gồm 10 tàu sân bay hạt nhân, 10 tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn, 22 tuần dương hạm, 76 khu trục hạm và 52 tàu ngầm tấn công hiện nay, Mỹ đã đủ sức trở thành cường quốc hải quân thống trị thế giới, nhưng ông Trump vẫn tuyên bố sẽ tăng tổng số tàu chiến của Mỹ từ 272 lên 350 chiếc. Về vũ khí nguyên tử, mới ngày 23/12 vừa qua, khi được đài MSNBC hỏi về lời phát biểu của Tổng thống Nga Putin rằng Nga sẽ tăng cường lực lượng hạt nhân chiến lược, ông Trump đã trả lời chung cho những nước có bom và hỏa tiễn với đầu đạn nguyên tử: “Cứ chạy đua vũ trang đi, chúng ta sẽ qua mặt tất cả về mọi phương diện.”



Trên đây đã nói đến thái độ quyết liệt của ông Trump chống tham vọng bành trướng của Trung Quốc nhưng ông chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc và sẵn sàng đồng hành với nước này nếu lãnh đạo của họ không xâm phạm vào lợi ích của Hoa Kỳ. Với chủ trương đó, chính quyền Trump sẽ không để cho Trung Quốc lộng hành ở Châu Á-Thái Bình Dương, chiếm quyền làm chủ Biển Đông và loại bỏ quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực. Như vậy, chính sách xoay trục sang châu Á thật ra vẫn cần thiết nhưng phải được thực hiện đến nơi đến chốn, chứ không thể rụt rè như phương cách của ông Obama trong tầm nhìn về một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Nhưng để đạt đuợc thành công, chính sách rũ bỏ gánh nặng quốc tế của ông Trump sẽ phải được áp dụng một cách linh động tùy theo khả năng của mỗi nước quốc gia đối tác và sẽ có nhiều rủi ro thất bại nếu đem áp đặt lên các nước ASEAN. Sự thay đổi chính sách của Mỹ từ hợp tác đa phương sang song phương có hiệu quả thực tế ra sao vẫn còn được các chiến lược gia tranh luận. Đối với hiệp định TPP, do lợi ích chiến lược quan trọng của nó về kinh tế và chính trị đối với Hoa Kỳ, nếu ông Trump quyết định rút khỏi TPP mà không thay thế bằng một phương án có lợi ích chiến lược tương đương, uy tín và sức mạnh của Hoa Kỳ trong khu vực khó tránh khỏi bị suy sụp. Khoảng trống trong quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á sẽ được Trung Quốc trám vào, nhất là bằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 16 nước thành viên mà Trung Quốc là chủ chốt.

Trong các nước ASEAN, Việt Nam đã bị ông Trump đích danh chỉ trích cùng với Trung Quốc là hai nước đã “cướp” việc làm của công nhân Mỹ, nhưng thủ phạm chính mà ông nhắm tới vẫn là Trung Quốc. Chắc chắn Donald Trump cũng nhận thấy Việt Nam cần được tách ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc, và nhóm chiến lược gia thượng thặng của ông, dưới sự phối trí của Peter Navarro, sẽ hoàn thành một kế hoạch nhắm vào mục tiêu ấy. Peter Navarro, giáo sư kinh tế Đại học Irvine, là tác giả cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc” (Death by China), có lẽ là người được ông Trump ngưỡng mộ và tin cậy nhất trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh. (Cuốn sách mới nhất của Navarro là “Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World”.) Vì vậy, dù thuộc đảng Dân chủ, Navarro vẫn được ông Trump mời làm chủ tịch Hội đồng Thương mại Quốc gia (National Trade Council), một cơ quan mới được thành lập trong chính phủ Trump, để tăng cường khả năng đối thoại của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (US Trade Representative). Ngày 20/7/2016, khi còn làm cố vấn cho ứng cử viên Donald Trump về các vấn đề kinh tế và thương mại, GS Navarro đã được phóng viên BBC Vincent Ni hỏi về việc liệu dưới chính quyền của ông Trump, mối quan hệ mà Tổng thống Hoa Kỳ Obama dành cho Việt Nam có bị thay đổi hay không. Navarro trả lời:

“Chúng tôi chưa thảo luận nội bộ về vấn đề này. Nhưng tôi không thể tưởng tượng vì sao lại thay đổi. Việt Nam là một quốc gia quan trọng và tôi chờ đợi các mối quan hệ ấm áp với Việt Nam và tất cả các quốc gia khác ở châu Á với chính quyền của Trump." 



Ông nói thêm:



"Ông Trump là một doanh nhân tự do. Ông ấy hiểu tầm quan trọng của thương mại với phần còn lại của thế giới về mặt thịnh vượng. Chỉ có điều là phải tiến hành việc đó trên cơ sở bình đẳng. Việt Nam là một phần của châu Á, quốc gia này đang rời khỏi Trung Quốc vì đang bị Trung Quốc 'bắt nạt'.



Lới phát biểu trên đây tuy ngắn gọn cũng đủ cho thấy Peter Navarro có quan điểm tương đồng với Tổng thống Obama về chính sách xoay trục sang châu Á, nhất là cũng muốn giúp cho Việt Nam thoát Trung, nhưng chắc chắn chính phủ Trump sẽ không để cho Việt Nam tiếp tục lừa dối “nói một đàng làm một nẻo” có lợi cho Trung Quốc. Cùng với Nhật Bản, một đối thủ đáng gờm của Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ kết hợp với Ấn độ, Úc (có thể thêm Đại Hàn) để tạo thành một liên minh chiến lược có lực lượng áp đảo đối với Trung Quốc. Khi đó, các nước ASEAN sẽ trở lại tin tưởng vững chắc vào Hoa Kỳ và sẽ cố gắng đóng góp phần của mình, làm giảm bớt gánh nặng quốc tế của Hoa Kỳ. Riêng đối với Việt Nam, chính phủ Trump sẽ dứt khoát không tiếp tục chính sách kiên nhẫn và chiều chuộng của Obama trong kỳ vọng là lãnh đạo Hà Nội sẽ thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc. Trong những điều kiện địa-chính trị và liên minh quân sự mới, Hoa Kỳ sẽ không còn phải trông cậy nhiều vào Việt Nam về mặt chiến lược và sẵn sàng bỏ rơi Việt Nam nếu lãnh đạo nước này vẫn dựa vào Trung Quốc và tìm cách kéo dài nguyên trạng để duy trì chế độ độc tài toàn trị.  Chính phủ Trump sẽ chỉ dành cho Việt Nam một số điều kiện dễ dãi về phát triển kinh tế và quân sự khi Việt Nam chứng tỏ quyết tâm thoát Trung bằng hành động, với những thay đổi đột phá về cả hai mặt đối nội và đối ngoại.



Nếu chính phủ Trump có thể tạo được một tình thế phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ như vậy, lãnh đạo Trung Quốc với đầu óc thực tế và sở trường về thương thuyết mậu dịch, sẽ chấp thuận từ bỏ những hành động cạnh tranh xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Tại Biển Đông, Trung Quốc sẽ đồng ý tôn trọng quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ và rút về nhiều vũ khí đã trang bị trên các đảo nhân tạo mới hoàn tất ở Trường Sa. Trung Quốc cũng sẽ đề nghị với Hoa Kỳ nhiều dự án hợp tác song phương hấp dẫn mà đôi bên cùng có lợi.  Như vậy là các yêu sách chính của Hoa Kỳ đều được thỏa mãn. Để đổi lại, Trung Quốc chỉ cần Hoa Kỳ tái xác nhận không can thiệp vào những cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và bốn quốc gia ASEAN là Việt Nam, Phi-líp-pin, Mã-lai và Brunei. (Vấn đề Đài Loan sẽ được thương lượng riêng.) Trung Quốc sẽ đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp để tìm giải pháp thích hợp tùy theo điều kiện và khả năng hợp tác của mỗi nước.



Những đề nghị trao đổi trên đây của Trung Quốc, còn trong vòng giả định, có nhiều khả năng được tân Tổng thống Hoa Kỳ chấp thuận. Với bản chất của một doanh nhân, Donald Trump sẽ lãnh đạo quốc gia Hoa Kỳ như một đại công ty, đặt lợi ích thương mại lên trên hết như ông đã tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Bắc Kinh về thương mại và, trong trường hợp Đài Loan, sẽ không chống đối nguyên tắc “Một nước Trung Hoa”. Bởi vậy, nếu Trung Quốc cam kết không chỉ chấm dứt mọi hoạt động cạnh tranh bất chính với Hoa Kỳ mà còn chia sẻ với Hoa Kỳ nhiều cơ hội phát triển lợi nhuận, ông Trump có thể không ngần ngại đồng ý cho Trung Quốc giải quyết song phương với bốn nước ASEAN về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Điều này cho thấy, trong trường hợp Đài Loan, ông Donald Trump có ý sử dụng cuộc điện thoại với bà Thái Anh Văn làm một nước cờ để Trung Quốc phải nhân nhượng về mậu dịch trong ván bài thương thuyết về quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đài Loan vẫn được Hoa Kỳ tiếp tục bảo vệ nhưng nguyên tắc “Một nước Trung Hoa” sẽ không thay đổi. Đến đây thì không thể không nghĩ đến khả năng Trung Quốc sẽ dùng Việt Nam làm quân cờ trao đổi trong cuộc thương lượng với Hoa Kỳ về giải pháp hòa bình tại Biển Đông. Nói cụ thể, vì mục tiêu lâu dài, Trung Quốc sẽ nhân nhượng nhiều lợi ích cho Hoa Kỳ và để đổi lại, chỉ yêu cầu Hoa Kỳ “trả lại” Việt Nam cho Trung Quốc. Đây là một vấn đề tối quan trọng cho sự sống còn của dân tộc Việt Nam. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước cần phải tiên liệu và chuẩn bị những hành động cứu nguy đất nước để không mang tội với tổ tiên và lịch sử là đã không làm được gì để ngăn chặn cộng sản Trung Quốc chiếm đoạt giang sơn và hãm hại giống nòi Lạc Việt.



Việt Nam phải làm gì?

   

Rõ ràng là đất nước Việt Nam đang lâm vào một tình thế nguy cấp chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Tình thế nguy cấp ấy đòi hỏi mọi người Việt thật lòng yêu nước phải chấm dứt mọi cuộc tranh cãi về quan điểm chính trị hay chống phá lẫn nhau vì ngộ nhận hay đố kỵ để cùng chung sức thực hiện mục tiêu chung. Vấn đề này cần được đặt ra cho cả chính quyền lẫn nhân dân trong nước và cho cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Theo lẽ tự nhiên, khi đất nước bị ngoại bang xâm lược thì chính phủ sẽ lãnh đạo cuộc kháng chiến, hô hào nhân dân đoàn kết muôn người như một quyết hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần là một điển hình của tinh thần đoàn kết dân tộc luôn luôn được đời sau nhắc đến để làm gương. Nhưng nước Việt Nam hiện nay đang ở trong một tình trạng oái oăm là trước hiểm họa Trung Quốc, chính phủ lại ngăn cấm và đàn áp nhân dân bày tỏ lòng yêu nước chống nạn Bắc thuộc và Hán hóa. (Xin hãy tìm đọc bài thơ tràn nước mắt “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” bởi cô giáo Trần Thị Lam, đã được phổ nhạc.) Trong mấy thập niên qua, đặc biệt sau hội nghị Thành Đô 1990, nhiều nhân sĩ và trí thức ở trong và ngoài nước đã nhiều lần kêu gọi lãnh đạo hãy đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, tập hợp lực lượng toàn dân vào sứ mệnh ngăn chặn Bắc Kinh đang  từng bước thực hiện kế hoạch sáp nhập Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài nội lực dân tộc, Việt Nam còn được Hoa Kỳ, các nước trong khu vực và thế giới, vì nhu cầu an ninh và lợi ích chung, sẵn sàng hỗ trợ thuận lợi cho sự phát triển sức mạnh kinh tế và an ninh, quốc phòng của Việt Nam. Tuy nhiên, các chính quyền Việt Nam kế tiếp nhau từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Nguyễn Phú Trọng đều kiên trì dựa vào Trung Quốc để bảo vệ chế độ độc tài, tham nhũng, bác bỏ mọi ý kiến xây dựng và bỏ lỡ bao cơ hội độc lập và phát triển với hậu thuẫn mạnh mẽ của nhân dân và quốc tế.



Trước tình trạng bi đát đó, từ nhiều năm qua, cuộc vận động của những người yêu nước đã chuyển sang tranh đấu mạnh mẽ hơn, vẫn ôn hòa nhưng rõ ràng đối lập với chính quyền. Hai mục tiêu chung đã được các nhà tranh đấu trong và ngoài nước đồng lòng thực hiện là “thoát Trung” và “dân chủ/nhân quyền”. Hai mục tiêu này cũng được nhiều đảng viên cộng sản yêu nước tán thành càng ngày càng đông hơn, thậm chí TBT Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp báo động nguy cơ “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng viên. Thực tế thì Đảng CSVN đang trên đà suy thoái và tự tan rã, không chỉ vì hiện tượng tự diễn biến và tự chuyển hóa trong các đảng viên mà còn do tình trạng xung đột rất nguy hiểm đang âm thầm diễn ra giữa các phe phái lãnh đạo cao cấp nhất. Như vậy, tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ của nhân dân và đảng viên trong và ngoài chính quyền đang có điều kiện trở thành phong trào có đủ sức ép khiến chính quyền phải thực hiện những thay đổi đột phá về cơ chế và chính sách. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết và tất yếu để có thể tạo sức mạnh nhân dân làm cách mạng, ôn hòa hay bạo động, là phải có tổ chức và làm việc theo lề lối dân chủ. Điều kiện này chưa có, vì vậy đã đến lúc trí thức tiến bộ và những nhóm xã hội dân sự đang hoạt động rời rạc phải hợp tác chặt chẽ với nhau để sớm thành lập một hình thức liên minh hàng ngang, lúc đầu có thể còn lỏng lẻo vì chưa được chính thức nhưng nhất định cách làm việc phải thật sự dân chủ ngay từ lúc đầu. Công việc đầu tiên là phải cùng nhau thiết lập một kế hoạch hành động toàn diện, được phân công và phối hợp có hiệu quả.



Kế hoạch hành động toàn diện đương nhiên phải nhắm tới cả hai mục tiêu “thoát Trung” và “dân chủ/nhân quyền”. Trong những điều kiện thực tế hiện thời, mục tiêu “thoát Trung” là ưu tiên số 1 vì bốn lý do: (1) thoát Trung khẩn cấp hơn cải thiện nhân quyền và dân chủ; (2) kêu gọi nhân dân (gồm cả đảng viên, công an và quân đội) chống Trung Quốc xâm lược dễ lôi cuốn số đông hơn hô hào tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ; (3) có thoát Trung được thì mới dễ thực hiện  dân chủ, nhân quyền; ngược lại, nếu mất nước cho Trung Quốc thì nhân quyền và dân chủ trở thành không tưởng; (4) thoát Trung sẽ được chính phủ Trump hỗ trợ vì phù hợp với lập trường chống Trung Quốc bành trướng của ông Trump và lợi ích quốc gia của Mỹ.     



Nói như vậy, không có nghĩa là các hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ sẽ phải ngưng hay hoãn lại, mà vẫn cần được tiếp tục mạnh mẽ trong những trường hợp cần thiết để thuyết phục, khuyến khích hay áp lực đối với những quan chức có thẩm quyền trong chính phủ, công an và quân đội. Ưu tiên số 2 có khi đi đôi và hỗ trợ cho ưu tiên số 1, thí dụ khi xảy ra vụ Formosa gây nhiễm độc biển, khi có nhà tranh đấu cho nhân quyền bị bắt hay khi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị “tàu lạ” tấn công, gây thiệt hại sinh mạng và tài sản của các nạn nhân.   



Gần đây, có dấu hiệu cho thấy có khả năng diễn ra một cuộc đối thoại giữa lãnh đạo và trí thức trong nước, có lẽ do kết quả của những cuộc tiếp xúc riêng giữa một vài nhân vật lãnh đạo cao cấp và một vài trí thức tiến bộ trước những diễn biến mới của tình hình chính trị. Sau những cuộc trao đổi trên diễn đàn Xã hội Dân sự, phản ứng chung của trí thức đối lập ôn hòa là nên có đối thoại dẫn đến những thay đổi cơ bàn về chính sách và cơ chế đúng với sự chờ đợi của toàn dân. Thật ra, những đề nghị đối thoại như thế này đã được nêu lên trong hầu hết những bản kiến nghị và thư ngỏ của nhân sĩ, trí thức gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ nhiều năm qua, nhưng đều bị chính quyền bác bỏ. Đến nay mới có dấu hiệu là có thể có đối thoại thì không chỉ đã quá muộn mà còn gây nhiều nghi ngờ về khả năng và lợi ích của đối thoại trong lúc đang có cuộc tranh giành quyết liệt về quyền lực trong hàng ngũ lãnh đạo, và không biết chủ trương của các phe phái đang tranh chấp khác nhau thế nào. Dù sao, nhóm đối lập vẫn có thể sẵn sàng đối thoại với bất cứ phe nào chấp thuận mục tiêu thoát Trung và dân chủ hóa. Trong khi sử dụng đối thoại như một cơ hội để đạt được mục tiêu trong hòa bình, trí thức đối lập sẽ luôn luôn cảnh giác về khả năng phá hoại của Trung Quốc và tay sai. Vì người trong nước am hiểu tình hình và chủ động trong vai trò thực hiện mục tiêu chung, người ở ngoài nước chỉ đóng góp ý kiến và hành động hỗ trợ cần thiết.  

Để giúp cho việc tổ chức và phát triển nội lực của phong trào thoát Trung và dân chủ hóa, kế hoạch toàn diện phải chú trọng vào công tác thông tin và vận động nhân dân trong nước, các chính phủ và dư luận quốc tế. Về điểm này, cộng đồng người Việt ở nước ngoài có nhiều điều kiên thuận lợi và những đóng góp quan trọng. Cũng đã đến lúc những cá nhân và tổ chức quan tâm của người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ, phải vượt qua mọi trở ngại tâm lý và quan điểm khác biệt để thành lập một tổ chức tập hợp được nhiều người có khả năng và làm việc theo lề lối dân chủ để thực hiện mục tiêu chung. Trong những năm gần đây đã có một số nỗ lực thành lập liên minh theo hướng này nhưng không thành công, một phần vì nạn “lạm phát lãnh tụ” (more chiefs than indians) trong cộng đồng tức là có quá nhiều lãnh tụ chính trị ở xứ sở tự do cho ra đời quá nhiều tổ chức với xu hướng phe nhóm và không có thực lực, một phần vì không có kế hoạch hành động thực tế và khả thi, nhất là thiếu nhân sự có hiểu biết và kinh nghiệm thi hành kế hoạch. Rút bài học từ những thất bại đã qua, hãy bắt đầu bằng một số nhỏ cá nhân và tổ chức có khả năng và thiện chí cùng nhau làm kế hoạch vận động với từng đối tượng và thực hiện bằng những phương cách thích hợp: gặp gỡ trực tiếp, ký kiến nghị, thông tin và góp ý trên các trang điện tử, viết bài tham luận (bằng tiếng Việt và ngoại ngữ) trên các báo chí có ảnh hưởng, tổ chức và/hoặc tham gia hội thảo chuyên đề, điều trần tại quốc hội, v.v. Thực tế đã cho thấy là chỉ một cá nhân, nếu có ý kiến có giá trị trong một bài báo hay trong những văn thư gửi Tổng thống, Bộ trưởng hay Dân biểu/Nghị sĩ, cũng có thể ảnh hưởng đến việc hình thành chính sách của chính phủ. Như vậy, một nhóm nhỏ ban đầu có tư duy chiến lược, kế hoạch thực tế, khả năng giao thiệp (PR) giỏi và làm việc theo lề lối dân chủ, sẽ mau chóng được các nhà làm chính sách đón nhận như một”think tank” cần được tham khảo. Đồng thời, chủ trương và hoạt động của nhóm sẽ được sự tán thành và tham gia của mọi thành phần trong cộng đồng để trở thành một liên minh có thực lực về tài chánh và nhân sự giỏi. Chỉ khi đó, tiếng nói của cộng đồng mới thật sự được lắng nghe, không chỉ bởi chính quyền quốc gia sở tại mà còn có hiệu quả tich cực trong những cuộc vận động quốc tế.  Nếu khách quan theo dõi những hành động tham khảo một số nhà tranh đấu hay ủng hộ các kiến nghị chống CSVN của cộng đồng bởi các đại diện chính quyền Mỹ trong những năm qua, người ta có thể nhận thấy hầu hết những hành động ấy, vì nhiều lý do, đều mang tính chất hình thức hơn là phù hợp với chính sách thật sự của chính quyền. Bởi thế, nhà cầm quyền trong nước vẫn coi thường những tiếng nói từ bên ngoài, bất kể chống đối hay xây dựng. Họ chỉ thật sự trân trọng nguồn ngoại tệ phong phú do “khúc ruột xa ngàn dậm” tự ý chuyển về cho người thân, không cần mất thì giờ và công sức điều đình và cam kết như đối với các nước có chương trình viện trợ.

Trở lại với giả định là trong cuộc thương thuyết về Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ nhân nhượng nhiều đòi hỏi của Hoa Kỳ về quyền tự do hàng hải và bảo đảm an ninh khu vực, và sẽ đề nghị chia sẻ với Hoa Kỳ nhiều lợi ích kinh tế, thương mại. Để đổi lại, Trung Quốc sẽ yêu cầu Hoa Kỳ đồng ý cho Trung Quốc giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp về chủ quyền biển đảo, và riêng trường hợp Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ rút ra khỏi mọi quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam, tức là mặc nhiên đồng ý trao lại Việt Nam cho Trung Quốc. Cũng theo giả định này, Tổng thống Donald Trump, với bản chất doanh nhân và chủ trương rũ bỏ gánh nặng quốc tế, sẽ sẵn sàng chấp thuận những đề nghị của Trung Quốc, vừa hợp với chủ nghĩa dân túy hướng nội của mình vừa gia tăng lợi ích quốc gia.

Nhưng thực tế có thể không đơn giản như vậy. Ông Trump, vốn chống Trung Quốc từ lâu, đã tập hợp được một đội ngũ chuyên gia hiểu biết tường tận lịch sử và truyền thống bành trướng của Trung Quốc, nhất là giấc mơ bá chủ thiên hạ được chuẩn bị từ Mao Trạch Đông, tạm ẩn mình chờ thời theo sách lược “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, đến nay đang được Tập Cận Bình công khai thực hiện. Dù ham lợi nhuận, ông Trump cũng không thể bỏ mục tiêu ngăn chặn tham vọng bá quyền của lãnh đạo Bắc Kinh. Như vậy có nhiều khả năng Trump sẽ không chấp thuận các đề nghị của Trung Quốc, và nhóm thương thuyết của ông sẽ có những phản đề nghị theo đó Trung Quốc phải từ bỏ yêu sách về đường chín đoạn, chấm dứt hành động đe dọa an ninh khu vực để có thể cùng thương lượng với Hoa Kỳ về những chương trình phát triển kinh tế, thương mại  với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Vì lợi ích chiến lược, chính phủ Trump cũng sẽ không để cho Việt Nam mất vào tay Trung Quốc và sẽ tiếp tục tạo điều kiện giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi quỹ đạo Bắc Kinh. Nhưng khác với đường lối nhu nhược của Obama đã khiến Hà Nội có thể sử dụng xảo thuật đu dây giả vờ để kéo dài chế độ tham nhũng độc tài, chính phủ Trump sẽ chỉ dành cho Việt Nam những điều kiện dễ dãi về phát triển kinh tế và quân sự khi Việt Nam chứng tỏ quyết tâm thoát Trung bằng hành động, với những thay đổi đột phá về cả hai mặt đối nội và đối ngoại.

Trước hai khả năng trái ngược về phản ứng của chính phủ Trump đối với những đề nghị của Bắc Kinh, lãnh đạo Việt Nam phải dứt khoát lựa chọn một trong hai phương án:

·         Hoàn toàn đứng về phe Trung Quốc để bảo vệ chế độ độc tài tham nhũng, nhưng trong một tương lai không xa sẽ bị mất cả nước lẫn Đảng khi Việt Nam đã bị sáp nhập hoàn toàn vào Trung Quốc. Với lựa chọn này, Việt Nam sẽ đương nhiên ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền “đường chín đoạn”, chống lại Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.  Nếu xảy ra chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì, một lần nữa, Việt Nam lại sẽ “đánh Mỹ cho Trung Quốc đến người Việt cuối cùng”.

·         Sát cánh với Hoa Kỳ và các đồng minh chiến lược trong khu vực để ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Trong trường hợp này, Việt Nam chắc chắn không mất nước mà cũng không mất Đảng nhưng phải thật sự dựa vào sức mạnh dân tộc qua những hành động đột phá về chính sách đối nội và đối ngoại. Nói cách khác, phải có những bước thoát Trung cụ thể song song với những hành động hòa giải dân tộc và thực thi dân chủ. Cần nhớ là đối với chính quyền Trump, Việt Nam cũng phải có phần đóng góp thích hợp chứ không thể vòi vĩnh như đối với chính quyền Obama.

Vì không có đầy đủ thông tin về cuộc tranh giành quyền lực đang diễn ra sau một lớp hỏa mù dày đặc giữa các phe phái ở trong nước, cũng không biết rõ chiều hướng chính sách đich xác của mỗi phe phái như thế nào, bài viết này sẻ chỉ góp ý về vận mệnh của Việt Nam khi đại diện của một trong hai phe “bảo thủ” hay “cải cách” lên nắm chức vụ Tổng Bí Thư khi Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc, sẽ về hưu giữa nhiệm kỳ vào đầu năm 2018. Nếu Tổng Bí Thư mới cũng thuộc nhóm bảo thủ lệ thuộc vào Trung Quốc thì đây là một đại họa cho dân tộc trừ phi có biến chuyển bất ngờ. Nhưng nếu người thay ông Trọng thuộc phe được cho là muốn thoát Trung và dân chủ hóa chế độ, thì nhất định đây là cơ may cho đất nước, nhũng cũng chưa thể lạc quan cho đến khi thấy chứng tỏ bằng hành động thay đổi thật sự. Những cơ hội và thử thách trong mấy năm qua mà trí thức và nhân dân đã chứng nghiệm trước những tuyên bố bảo vệ chủ quyền và cải tổ cơ chế của các lãnh đạo đã quá đủ để thấy không còn chút hi vọng gì vào khả năng hiểu biết và sự thành thật của họ. Bởi vậy trí thức và các tổ chức xã hội dân sự đã phải thay đổi phương pháp, từ vận động chuyển sang tranh đấu và xây dựng sức mạnh quần chúng làm hậu thuẫn. Nhưng do sự kiện Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, cuộc đối thoại giữa chính quyền và trí thức yêu nước lại trở nên cần thiết và cấp bách để đạt được đồng thuận nếu lãnh đạo Việt Nam thật sự muốn gia tăng quan hệ với Hoa Kỳ để cân bằng quan hệ với Trung Quốc trong tư thế độc lập. Sự dồng thuận này nếu đạt được và được chính quyền chứng tỏ bằng một số hành động cụ thể, chắc chắn cũng sẽ được cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ. Chính phủ Trump chỉ có lý do hợp tác và hỗ trợ Việt Nam nếu thấy chính phủ và nhân dân Việt Nam thống nhất ý chí thoát Trung và dân chủ hóa chế độ.  

Sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Việt Nam quá sững sờ vĩ đã đầu tư quá đậm vào Hillary Clinton qua nhóm vận động tranh cử của bà, nhưng chỉ ngày hôm sau cả Chủ tịch nước lẫn Thủ tướng đã gửi điện văn chúc mừng Tổng thống tân cử Hoa Kỳ. Ngày 14/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại có cuộc điện đàm với ông Trump, và theo lời xác nhận của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thủ tướng Phúc “khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ. Thủ tướng đã mời Tổng thống đắc cử Donald Trump đến dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức cuối năm 2017 tại Việt Nam. . . Việt Nam mong muốn lãnh đạo các nền kinh tế sẽ tham dự đầy đủ" (VTC.com, 5/1/2017). Cuộc điện đàm này cho thấy chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến chính sách và quyết định của ông Trump đối với Việt Nam trong các cuộc thương thuyết Mỹ-Trung trong thời gian tới. Không thấy bản tin nói đến việc tổng thống tân cử Trump đáp lại lời mời của thủ tướng Phúc ra sao.

Kết luận

Như đã được nói rõ trong phần đầu của bài này, dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, quan hệ Mỹ-Trung chắc chắn sẽ căng thẳng hơn nhiều so với các Tổng thống tiền nhiệm.  Nhưng vì không bên nào muốn có chiến tranh nên rốt cuộc hai bên sẽ phải thương thuyết để giải quyết các căng thẳng bằng đầu óc thực tế. Quan hệ hợp tác hay đối đầu giữa hai siêu cường sẽ ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của Việt Nam, vì vậy đương nhiên phải được những người Việt yêu nước theo dõi sát và chuẩn bị kế hoạch hành động thích hợp, hoặc để đối phó với một chính quyền phản quốc làm tay sai cho quân xâm luợc, hoặc để hỗ trợ cho một chính quyền yêu nước, quyết tâm bảo vệ tổ quốc và giống nòi. Về trường hợp thứ nhất (phương án 1, cầu mong không diễn ra,) trách nhiệm đối phó chủ yếu thuộc về trí thức và nhân dân trong nước. do đó, bài này chỉ đề cập đến trường hợp thứ nhì (phương án 2) trong đó chính phủ và nhân dân đoàn kết một lòng, dốc toàn lực thực hiện mục tiêu thoát Trung (trước mắt) và xây dựng dân chủ (lâu dài).

Thực hiện mục tiêu này đòi hỏi một kế hoạch toàn diện và thực tế do sự đóng góp của những bộ óc chiến lược trong và ngoài chính quyền, kể cả người Việt ở nước ngoài. Do tình hình thực tế còn phức tạp chưa thể có ngay một chính quyền “cách mạng” theo phương án 2, các tổ chức xã hội dân sự cần có những hành động đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của đất nước, khởi sự bằng việc thành lập một liên minh không chính thức với một ban đại diện lâm thời được bầu ra bằng thể thức dân chủ. Nhóm đại diện này có nhiệm vụ thiết lập kế hoạch hành động cấp thời mà việc đầu tiên cần làm ngay là tiếp xúc đối thoại với các lãnh đạo đương nhiệm về đường hướng chính sách có lợi ích cho đất nước, đặc biệt về quan hệ hợp tác chiến lược với chính phủ Trump. Ý kiến đối thoại với lãnh đạo được GS Chu Hảo đề xuất trước khi Mỹ bầu tổng thống nên gặp trở ngại nhưng tình hình nay đã đổi khác nên vấn đề đối thoại vào lúc này là thời điểm thích hợp. Kết quả mong đợi là Hà Nội có thêm sức thuyết phục Washington về khả năng Việt Nam sẽ trở thành môt đồng minh chiến lược chống tham vọng làm chủ Biển Đông của Trung Quốc. Quan trọng nhất là phải được Tổng thống Hoa Kỳ nhận lời mời tham dự hội nghị APEC sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11 năm nay. Tất nhiên Việt Nam phải kịp chứng tỏ cho chính quyền Trump thấy rõ một số thay đổi đột phá trong chính sách đối nội và đối ngoại thể hiện ý chí thoát Trung và nguyện vọng của gần 94 triệu dân trong nước và hơn 4 triệu người ở nước ngoài trong đó một nửa là công dân Mỹ gốc Việt. 

Trong khi đó, cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là công dân Mỹ gốc Việt, cũng phải gấp rút thành lập một liên minh theo một phương cách khả thi như đã được đề nghị trong một trang trên. Cũng phải sớm thiết lâp một kế hoạch hỗ trợ thực tế cho trí thức và nhân dân trong nước (và cho cả chính quyền khi đã có thay đổi) thực hiện mục tiêu thoát Trung và dân chủ hóa thể chế. Trước tình hình khẩn cấp của đất nước, cần tập trung vào các nỗ lực vận động chính quyền các quốc gia sở tại. Riêng tại Hoa Kỳ, nhóm đại diện liên minh phải sớm tiếp cận với Nhà Trắng và Quốc hội để làm việc trực tiếp hay gián tiếp với những nhà làm chính sách về Biển Đông và Việt Nam. Bằng những lý luận phù hợp với lợi ích quốc gia Mỹ và duy trì được ảnh hưởng lâu dài của Mỹ trong khu vực, nhóm vận động cũng phải đạt được mục tiêu trước mắt là Tổng thống Donald Trump đồng ý tham dự Hội nghị APEC tại Việt Nam cuối năm 2017.

Một số công tác khác cũng cần được làm sớm sẽ được gợi ý tiếp trên các diễn đàn mạng trước hay sau khi mỗi liên minh trong và ngoài nước được thành lập. Việc soạn thảo Kế hoạch Hành động Toàn diện cũng như sự phân công vai trò của xã hội dân sự ở trong nước và của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là trách nhiệm của mỗi liên minh đúc kết các ý kiến đóng góp của nhiều người và cần được hoàn tất trong một thời gian ngắn nhất.

Tác giả là một công dân Mỹ gốc Việt, ghi danh cử tri độc lập, lựa chọn người lãnh đạo hay đại diện cấp liên bang, tiểu bang hay địa phương theo nhận xét cá nhân, bất kể ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa, Dân chủ hay Độc lập.



Lê Xuân Khoa



Irvine, California

9 tháng Giêng 2017