25 janvier 2017

Tác động đến Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi TPP?

trump
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh chính thức rút khỏi TPP theo cam kết lúc tranh cử  -  Reuter

BBC ghi nhận ý kiến của 
giới quan sát trong và ngoài Việt Nam về tác động đến kinh tế – chính trị Việt Nam sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh chính thức rút khỏi TPP.

Thỏa thuận thương mại, được ký kết bởi 12 quốc gia, vốn được coi là giúp Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất khi Quốc hội Mỹ thông qua.
Theo trang Diplomat, ước tính rằng vào năm 2030, TPP (nếu có) sẽ thêm 10% vào tăng trưởng GDP và tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam 30%.
“Điều chúng ta vừa mới làm là một điều vô cùng to lớn cho người lao động Mỹ,” ông Trump nói khi đặt bút ký lệnh xóa bỏ sự tham gia của Mỹ trong hiệp định này.
Hôm 24/1, trao đổi với BBC từ Hà Nội, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói: “Theo tôi, đây không phải là quyết định khôn ngoan của ông Trump vì việc rút khỏi TPP cũng có thể ảnh hưởng không tốt cho cả nền kinh tế Mỹ chứ không hẳn là cho Việt Nam và các thành viên khác tham gia hiệp định này.”
“Vì các doanh nghiệp Mỹ mong muốn sản xuất hàng hóa với chi phí thấp nhất để thu được nhiều lợi nhuận khi bán sang những thị trường khác.”
“Hệ lụy của việc Mỹ rút khỏi TPP với Việt Nam không phải là điều ghê gớm lắm vì hiệp định chưa được triển khai trên thực tế.”
“Dù không còn TPP, Việt Nam vẫn có những hiệp định song phương và đa phương khác trước mắt.”
“Và dù có ký kết hiệp định nào thì Hà Nội vẫn cố xây dựng quan hệ tốt nhất có thể với Trung Quốc vì giao thương với nước láng giềng đang giữ vị trí số một hiện nay.”
“Tôi cho rằng không có TPP, Việt Nam vẫn đang tìm cách đổi mới kinh tế, thể chế để tiến lên chứ không giẫm chân tại chỗ hoặc ngồi chờ hưởng lợi từ một hiệp định nào đó.”
Hôm 24/1, từ Đại học Strasbourg, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú nói với BBC: “Trước hết, hãy nhìn rõ TPP là một hiệp ước chưa có hiệu lực, chỉ đang bàn thảo trên giấy.”
“Do đó, về khía cạnh kinh tế, TPP chưa có hiệu lực nhiều, chỉ có ảnh hưởng đến quyết định của một số công ty, đã chuyển đầu tư qua Việt Nam từ các nước khác, nhất là Trung Quốc vì họ dự đoán là TPP sẽ thành hiện thực.”
“Ngoài ra, kinh tế Việt Nam đã và đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc thì đấy là một thực tế!”
“Do đó, không có TPP thì thực trạng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc là điều không có gì bàn cãi.”
“Vấn đề có giảm hay tăng phụ thuộc vào Trung Quốc tới đâu thì hoàn toàn tùy vào khả năng điều hành chính sách kinh tế và thương mại của Việt Nam.”
“Mới đây, Hà Nội cho thấy những động thái muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc như đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với châu Âu, Hàn Quốc… Đấy là điều tốt!”
“Về mặt kinh tế, dù không có TPP, nếu có các FTA với các nước khác thì chí ít cũng sẽ giúp giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.”
h1Việt Nam đang mong muốn hội nhập kinh tế toàn cầu. Ảnh: Reuters.
“Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, do TPP có các điều khoản kèm theo như tiêu chuẩn lao động (có hay không công đoàn độc lập), thị trường công, tiêu chuẩn kỹ thuật… với yêu cầu cao hơn các FTA thông thường, nên việc không có TPP sẽ gây thất vọng lớn đối với Việt Nam.”
“Tuy nhiên, nếu muốn thì Việt Nam vẫn có thể tự mình hoặc đàm phán với các đối tác khác để xây dựng các tiêu chuẩn đó, mục tiêu là phát triển xã hội.”
“Về yếu tố địa chính trị, từ nay không có TPP, khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ nhìn thấy một Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn nữa.”
“Không biết lúc đó sẽ ra sao. Không biết Hoa Kỳ và các đồng minh khác có chiến lược gì khác để thay thế.”
“Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong đó và khu vực biển Đông sẽ ra sao… đó là những câu hỏi khó trả lời”.
Từ khi có việc đàm phán về TPP, một số nhà hoạt động nhân quyền liên quan Việt Nam cho rằng TPP sẽ thúc đẩy nhân quyền, vì có các điều khoản về quyền của người lao động và thành lập nghiệp đoàn độc lập.
Hôm 24/1, trả lời BBC từ bang California, Mỹ, luật sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành tổ chức VOICE, nói: “Nếu chỉ nhìn tác động của việc không có TPP ở khía cạnh nhân quyền thì cũng tùy là mình đang xem xét vấn đề một cách ngắn hạn hay dài hạn”
“Có thể trong thời gian một, hai năm tới, vấn đề nhân quyền sẽ khó được cải thiện vì Mỹ không còn gì để cho và mặc cả đối với Việt Nam”.
“Tuy nhiên, trong thời gian 5, 6 năm nữa, tôi nghĩ chắc chắn tình hình nhân quyền sẽ được cải thiện.”
“Lý do đơn giản là bởi vì nhân quyền là vấn đề mà Mỹ sẽ luôn nhắc đến như là bổn phận của một nước lớn, một việc ‘nghĩa’ mà vì những giá trị tự do, dân chủ của nước Mỹ, họ phải làm.”
“Lý do thứ hai đơn giản hơn. Tình trạng nhân quyền tốt hay xấu hơn là tùy vào mỗi người Việt đang sinh sống trong nước hay trên toàn thế giới.”
“Và tôi biết chắc một điều là mỗi ngày sẽ có nhiều người quan tâm hơn, sẽ cùng nhau tranh đấu nhiều hơn và từ đó tình trạng nhân quyền sẽ tốt hơn.”

TPP không có Mỹ?

Từ Ottawa, luật sư Vũ Đức Khanh viết cho BBC về khả năng một hiệp định xuyên Thái Bình Dương không có Hoa Kỳ:
“Tin ABC News cho biết, hôm 14/01, trong chuyến công du Úc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbukll có ra thông cáo rằng họ sẽ làm việc với nhau để đảm bảo các thỏa thuận thương mại tự do trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm có hiệu lực cho dù có sự tham gia của Mỹ hay không. “
h1Lãnh đạo Nhật Bản: Taro Aso và Shinzo Abe tại Quốc hội: liệu ông Abe có duy trì một hiệp định thương mại với khu vực không có Hoa Kỳ? Ảnh: Tân Hoa xã
Sau buổi hội đàm với Thủ tướng Malcolm Turnbull, Thủ tướng Shinzo Abe nói : “Chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi nên chứng minh một lần nữa với thế giới về tầm quan trọng của tự do thương mại. Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi sẽ phối hợp để TPP sớm có hiệu lực thi hành”.
Hồi đầu tháng 12 vừa qua, trong một chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam cũng tuyên bố trước báo giới tại Văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe rằng “Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của TPP và nhất trí rằng tất cả các đối tác nên đảm bảo việc khẩn trương phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực”.
Ông Vũ Đức Khanh nêu ra một khả năng tiếp:
“Hy vọng với những cuộc gặp này và đặc biệt chuyến thăm của Thủ tướng Abe, Tổng thống Trump sẽ xem xét lại và quay về bàn đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận mới có lợi cho tất cả các bên, đặc biệt thỏa mãn được những nguyện vọng chính đáng của “người lao động Mỹ”

Nguoonv : BBC