Trung Quốc đang e ngại những hậu quả khôn
lường có thể xảy ra với nền kinh tế đang có vấn đề của mình nếu một cuộc chiến
thương mại Mỹ - Trung bùng nổ hơn là việc coi đây như cơ hội để nắm lấy vị trí
lãnh đạo của trật tự kinh tế thế giới từ tay Mỹ.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thường niên đang
diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) của năm mới 2017 có thể sẽ là một trong những kỳ
WEF đáng chú ý nhất trong lịch sử của hội nghị kinh tế quan trọng bậc nhất thế
giới này. Nó có thể là sự kiện đánh dấu cho một cuộc chiến thương mại giữa hai
nền kinh tế lớn nhất: Mỹ và Trung Quốc. Lần đầu tiên trước một diễn đàn kinh tế
quy mô toàn cầu như Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai lên tiếng
kêu gọi thế giới hợp sức để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và
chiến tranh thương mại, mà nguy cơ lớn nhất đang là tân Tổng thống Mỹ Donald
Trump. Dù ông Tập vẫn lặp lại quan điểm cũ trong bài phát biểu của mình, rằng:
“Khơi mào một cuộc chiến tranh thương mại sẽ chỉ làm tổn thương và gây ra mất
mát cho cả hai bên mà thôi”, nhưng thực tế là Trung Quốc đang là nước lo
ngại về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại song phương hơn là Mỹ. Và
điều này không hẳn là không có lý do.
Bài phát biểu trọng tâm của Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình mang một ý nghĩa quan trọng, khi lần đầu tiên những kêu gọi tân
Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên để xảy ra một cuộc chiến thương mại song
phương của ông Tập được đưa lên một kênh công khai quy mô toàn cầu như hội nghị
Davos. Những lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc tỏ ra khá hòa hoãn: “Theo đuổi
chủ nghĩa bảo hộ giống như tự khóa mình vào trong một căn phòng tối, nó có thể
giúp tránh khỏi mưa gió từ bên ngoài, nhưng cùng lúc cũng ngăn cản ánh sáng và
không khí tràn vào”. Kết thúc bài phát biểu là lời kêu gọi thế giới hợp sức để
chống lại nguy cơ từ kịch bản sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, với hàm ý khá
rõ ràng là răn đe những ý định của tân Tổng thống Donald Trump.
Bình luận về những phát biểu này, Phó giám đốc
Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, ông
Weiwen, tuyên bố: “Điều này cho thấy Trung Quốc không hề đánh giá thấp sự nguy
hiểm của một cuộc chiến thương mại song phương với Mỹ. Trung Quốc đã từng là
người rất ủng hộ trật tự kinh tế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu, và giờ đây khi Tổng
thống Mỹ tỏ dấu hiệu muốn rút lui thì Trung Quốc đang muốn nhảy vào lấp khoảng
trống để chiếm lấy vị trí đó”.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho
thấy Trung Quốc e ngại những hậu quả khôn lường có thể xảy ra nếu một cuộc
chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra hơn là việc coi đây như cơ hội để nắm lấy
vị trí lãnh đạo mới của trật tự kinh tế thế giới từ tay Mỹ. Những dấu hiệu về
sự chuẩn bị một cuộc chiến thương mại, hay ít nhất là một chính sách cứng rắn
về thương mại với Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều từ phía chính phủ
mới của Mỹ.
Ngoài việc tuyên bố sẽ đánh thuế hàng hóa nhập
khẩu từ Trung Quốc lên 45%, tân Tổng thống Donald Trump cũng đang có những động
thái hiện thực hóa điều này. Trước hết, đó là việc bổ nhiệm giáo sư kinh tế
Peter Navarro làm tân Chủ tịch Hội đồng thương mại quốc gia. Navarro là một
trong những nhà kinh tế ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chính sách cứng rắn về thương
mại với Trung Quốc tại Mỹ, ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Death
by China” (Chết bởi tay Trung Quốc) nêu rõ những tác hại nghiêm trọng mà Mỹ và
các nền kinh tế trên toàn cầu hứng chịu do chính sách thương mại thiếu công
bằng và minh bạch của Trung Quốc.
Ngoài Navarro, ứng cử viên hàng đầu cho vị trí
Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong chính phủ của ông Trump đang là Wilbur Ross, một
người ủng hộ các chính sách kinh tế - thương mại của Trump nhiệt thành nhất.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hẳn sẽ không thích thú gì với tuyên bố nổi tiếng
của Wilbur Ross trên tờ Financial Times: “Chúng ta nên tự coi mình là khách hàng lớn
nhất thế giới, và chúng ta nên đối xử với các quốc gia khác chỉ như là những kẻ
bán hàng mà thôi”. Điều này ám chỉ Trung Quốc một cách rõ ràng, khi quốc gia mà
Mỹ phải hứng chịu thâm hụt thương mại lớn nhất hàng năm không ai khác ngoài
Trung Quốc.
Với sự góp mặt của Peter Navarro và Wilbur Ross
trong hai vị trí có ảnh hưởng nhất đến chính sách thương mại của Mỹ sắp tới,
gần như chắc chắn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sẽ không còn dễ dàng
như trước. Bản thân các nhà kinh tế Mỹ cũng thừa nhận rằng, khả năng Quốc hội
Mỹ có thể ngăn cản Tổng thống Trump trong các vấn đề thương mại là rất nhỏ, vì
luật pháp Mỹ cho phép tổng thống trong trường hợp cần thiết có thể đơn phương
chấm dứt các cam kết thương mại hoặc áp đặt mức thuế suất lên hàng hóa nhập
khẩu từ các quốc gia khác.
Về lý thuyết, một cuộc chiến thương mại sẽ bất
lợi cho cả kinh tế Mỹ lẫn Trung Quốc, nhưng dường như hiện tại không phải là
thời điểm thích hợp cho một cuộc chiến như thế đối với Trung Quốc. Nền kinh tế
số hai thế giới đang phải đối mặt với một biến động tỷ giá - tài chính lớn nhất
từng có, và một cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể khiến Trung Quốc rơi vào
tình thế vô cùng nguy hiểm.
Theo thống kê, hiện mỗi năm có khoảng 550-650 tỉ
USD chảy khỏi nền kinh tế Trung Quốc, trong khi đó thặng dư tài khoản vãng lai
của nước này hiện chỉ là khoảng 250 tỉ USD/năm mà thôi. Để đối phó với biến
động tỷ giá, kể từ năm 2014 đến nay Trung Quốc đã phải rút ra hơn 1.100 tỉ USD
từ quỹ dự trữ ngoại hối, và nếu cán cân này không được cải thiện thì Trung
Quốc sẽ rất nhanh chóng đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Trong bối cảnh đó, thặng dư thương mại lớn hàng
năm chính là chỗ dựa duy nhất của Trung Quốc hiện nay, và nếu chiến tranh
thương mại với Mỹ nổ ra, Trung Quốc sẽ mất đi chỗ dựa còn lại này. Hiện thặng
dư thương mại với Mỹ chiếm khoảng 50% tổng thặng dư thương mại toàn cầu của
Trung Quốc mỗi năm (trong năm 2016 tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt
khoảng 516 tỉ USD, trong đó thặng dư thương mại từ Mỹ đã lên tới 254 tỉ USD).
Ngoài ra, việc kinh tế thế giới trì trệ cũng
đang khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc giảm mạnh, khoảng 14% trong năm
2016. Nếu chiến tranh thương mại nổ ra, dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc sẽ lớn
hơn nhiều trong khi thặng dư vãng lai của nước này sẽ sụt giảm cực mạnh do mất
đi khoản thặng dư thương mại khổng lồ trong quan hệ kinh tế với Mỹ. Trung Quốc
sẽ rất nhanh chóng rơi vào khủng hoảng trầm trọng và thậm chí có thể là cuộc
khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay mà nước này gặp phải.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: Theo Một Thế Giới