16 janvier 2017

CUỘC GẶP GỠ CUỐI NĂM XÚC ĐỘNG, GIÀU Ý NGHĨA


  P.X.Đ

Buổi sáng cuối năm đẹp trời, tôi được mời tham dự một cuộc gặp mặt cuối năm của “Nhóm 23 Sài Gòn” tại nhà gs Tương Lai thật ấm cúng, vui và giàu ý nghĩa. Gian phòng khách đủ chỗ cho gần 25 người trong căn hộ ở tầng 16 này là nơi lui tới gặp gỡ thân tình của những người bạn với vị chủ nhà hiếu khách tóc bạc trắng đang niềm nở pha nước trà Tân Cương đậm đà hương vị Hà Nội nhấm nháp với Mứt gừng Huế và bánh sen Sài Gòn mời bạn bè.

Trong khi chờ vị khách đặc biệt tới, gs Tương Lai vui vẻ giới thiệu nội dung quan trọng nhất và cũng là lý do chính của buổi họp mặt thân tình này là để chúc mừng cuốn sách “PETRUS KÝ, NỖI OAN THẾ KỶ” của học giả đáng kính Nguyễn Đình Đầu.




Trân trong nâng cuốn sách được tác giả ký tặng hôm 22.12.2016 lúc đến thăm Cụ, ông xúc động nói : “Cụ Đầu hoàn thành tác phẩm này vào tuổi 96 khi trước đó gần một năm, Cụ tưởng là đã không hoàn tất được công việc mà Cụ ấp ủ trong rất nhiều năm khi sức khỏe đã suy sụp. Thế nhưng rồi Cụ đã vừa quyết liệt chữa trị và luyện tập để vượt qua những bước bệnh tật hiểm nghèo và viết xong tác phẩm để trao cho Nhà Xuất bản Tri thức vào cuối năm 2015. Tôi đã đọc lướt qua cuốn sách, còn phải dành thêm thì giờ để đọc kỹ, nhưng cũng đã có thể thây đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc mà có thể dẫn lời của giáo sư Phan Huy Lê cũng tạm đủ để nói lên điều đó: “tôi coi đây là một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký”.

Thế nhưng vừa rồi BBC ngày 10.1.2017 đưa tin: “Cuốn "Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ" do nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu chủ biên, một công trình tập hợp các bài viết của nhiều tác giả xưa và nay, nói về học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), hiện đang bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam”. BBC chạy cái tít đậm:“Sử gia Nguyễn Đình Đầu buồn vì sách Petrus Ký bị thu hồi”. Tôi giật mình tìm hiểu trên mạng về cái “lệnh miệng” tai ác và quái gở này, phẫn nộ vì cái chuyện vô văn hóa, phản tiến bộ, phản khoa học. Kẻ đơm đặt và kẻ chủ xướng cho việc làm xấu hổ này có thể đoán ra và điểm mặt chỉ tên ngay, nhưng có lẽ đã và sẽ có nhiều người làm điều này, việc của chúng ta là phải xua tan ngay “nỗi buồn” của nhà trí thức lão thành đáng kính nhất của Sài Gòn hôm nay bằng một cử chỉ văn hóa thích hợp theo cung cách của “nhóm 23 Sài Gòn” chúng ta. Thay vì đến nhà thăm hỏi sức khỏe, tôi đã mời và may mắn Cụ Đầu đã vui vẻ nhận lời đến với chúng ta trong buổi gặp gỡ này mặc dầu việc đi lại của Cụ rất khó khăn, nhưng chúng tôi đã cùng anh Huỳnh Kim Báu chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo. Chúng ta sẽ biểu tỏ thái độ kinh bỉ và phản đối cái “lệnh miệng” vô văn hóa và đáng xấu hổ nói trên bằng một thái độ trân trọng tôn vinh thành tựu nghiên cứu văn hóa của một học giả đáng kính mà sức lao động trí tuệ của người trí thức 97 tuổi này là một tấm gương sáng tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Chúng ta sẽ cùng nhau nâng ly rượu thọ chúc mừng vị trí thức đáng kính của chúng ta.

Thì ra là thế! Nỗi tò mò của tôi được thỏa mãn khi vị chủ nhà nói sơ qua lai lịch của “nhóm 23 Sài Gòn”. Đấy là câu chuyện tiếp nối và làm theo cách của nhóm trí thức, nhân sĩ Hà Nội, trong một buổi gặp mặt nhân kỷ niệm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào ngày 23 tháng 11, đã định hình một ước lệ cứ hàng tháng sẽ ngồi lại với nhau, vừa có dịp hàn huyên, thăm hỏi sức khỏe vừa trao đổi về thời cuộc với những đề tài, sự kiện cập nhật và có ý nghĩa, lấy ngày 23 hàng tháng làm điểm hẹn để dễ thu xếp thời gian gặp nhau. Bản thân gs Tương Lai cũng như một vài anh chị đang ngồi đây hôm nay cũng đã có dịp bay ra Hà Nội tham dự những buổi gặp gỡ thú vị đó. Rồi do tình hình sức khỏe, đi lại khó khăn, nhất là khó kết hợp những công việc khác với lịch gặp mặt của các vị ở Hà Nội nên trong năm 2015, 2016 vừa qua không dự được tiếp.

Vì thế, trong ngày 23 tháng 11 năm 2015, rồi tiếp đó, ngày 23.11.2016, nhân tổ chức lệ tưởng niệm Ông Sáu Dân nhân ngày sinh của ông tại nhà gs Tương Lai, những người tham dự đã thỏa thuận sẽ ngồi lại với nhau để, cũng như nhóm 23 Hà Nội, cùng hàn huyên thăm hỏi sức khỏe và trao đổi chuyện thế sự theo những chuyên đề văn hóa, khoa học, kinh tế, chính trị có tính cập nhật nhằm nâng cao hiểu biết qua những trình bày của những người được phân công chuẩn bị hoặc những chuyên gia nhận lời mời đến cùng trao đổi. Buổi gặp mặt cuối năm này dự định sẽ nghe trình bày cuốn sách ‘CHẾT BỞI TRUNG QUỐC” của P.Navarro, người vừa được Trump mời làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn về Thương mại trong nội các mới của Tổng thống thứ 45 nước Mỹ.

Cửa mở, anh Huỳnh Kim Báu, nguyên là Tổng Thư ký Hội trí thức Sài Gòn cùng con gái và cháu gái cụ Đầu dìu nhân vật chính của buổi họp mặt bước vào. Sau mấy câu chân tình cảm động và trân trọng giới thiệu về lý do chính của buổi gặp gỡ cuối năm của gs Tương Lai, cụ Nguyễn Đình Đầu xúc động trước tình cảm mà những người đang ngồi đây dành cho Cụ, vị trí thức lão thành nói những lời mộc mạc, chân thành cám ơn vinh dự mà những người ngồi đây, mà Cụ gọi là những “trí thức đáng khâm phục, những người dấn thân đáng khâm phục” mà Cụ học hỏi và yêu quý. Điểm qua vài lời về quá trình biên soạn cuốn sách vào lúc sức khỏe tưởng như không thể kham nổi và rồi cuốn sách đã ra mắt trong sự chào đón của người đọc. Nói rất ít về những điều làm Cụ buồn vì những trục trặc khó ngờ đối với Cụ về cái “lệnh miệng” nói trên, Cụ cười vui rằng: “nhờ cái “kệnh miệng” ấy mà sách của tôi được người ta lùng mua sạch. Tôi gọi đến Công ty Nhã Nam định đề nghị dành cho tôi vài chục cuốn để tặng bạn bè thì họ cho biết là người mua đã vét sạch chẳng còn cuốn nào”.

Theo yêu cầu của mọi người, các anh thạo tin của trang mạng Bau xít và trang của “Văn đoàn”cung cấp một số tình tiết thú vị mà giới văn hóa cả nước phẫn nộ lên án gay gắt những chỉ thị miệng của ai đó theo những “chỉ điểm” của những nhân vật “đặc tình” mà giới văn hóa nghệ thuật và khoa học Sài Gòn đã nhẵm mặt. Những thông tin từ Huế cho biết một nhà thơ đã từng giữ trọng trách trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ đã nói thẳng về cái “tính cách lươn lẹo” của kẻ đơm đặt theo kiểu “phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ” này, nhưng chắc là không cần phải nêu tên hắn ta lên đây.

Thậy Cụ Đầu đã có dáng vẻ cố gắng quá sức, gs Tương Lai đã đề nghị đưa Cụ vào nằm nghỉ trong căn phòng đã chuận bị sẵn trong mọi người cùng nghe trình bày về cuôn sách “CHẾT BỞI TRUNG QUỐC”. Trước khi đó, một tiết mục tặng sách thật cảm động : Bay từ Hà Nội vào, anh Phạm Xuân Đại đã theo yêu cầu của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trao tặng học giả Nguyễn Đình Đầu cuốn Thơ của Cụ Vĩnh vừa ra mắt người đọc mà Cụ đã trân trọng ký tặng cụ Đầu.

Người được phân công trình bày là tiến sĩ Nguyễn Bá Thuận, một trí thức Việt Nam ở Đan Mạch, bạn thân của gs Tương Lai trong mấy chục năm qua. Chỉ có 2 ngày chuẩn bị, vì như lời gs Tương Lai “anh Thuận đã cứu cho tôi một bàn thua trông thấy khi người được phân công chuẩn bị thì bị đột xuất không về kịp, tôi đang phải loay chuẩn bị trình bày thì nhớ đến anh Thuận để cầu cứu, may mà anh đã nhận lời”. Là một nhà khoa học có bề dày nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học và Bổ Giáo dục và Công nghệ Đan Mạch, mặc dù quá ít thời gian để đọc thêm tài liệu ngoài hai bản dịch mà theo ông chất lượng có khác nhau do gs Tương Lai chuyển cho, trong 45 phút, ts Thuận đã vắn tắt nêu nổi bật tư tưởng chủ đạo của cuốn sách, những ý tưởng cơ bản nhất mà P. Navarro đã trình bày trong cuốn sách, giúp người nghe thấy rõ hơn cách mà Trung Quốc bằng mọi giá quyết vươn lên thành một siêu cường kinh tế. Đều này gây tác hại và nguy hiệm cho nền kinh tế của Mỹ và của nhiều nước ở Châu Phi, Châu Mỹ La tinh mà Trung Quốc tiền của và cài cắm người vào guồng máy kinh tế và các lĩnh vực khác mà họ tràn tới. Dành ra 10 phút trao đổi, nhiều câu hỏi được đặt ra, ts Thuận và một vài người khác đã giải đáp tương đối mạch lạc những khúc mắc cần tiếp tục được nghiên cứu.






 

Trong thời gian dự định, gs Tương Lai cho biết giáo sư Jonh Galup, một nhà khoa học Mỹ, bạn cũ của gs đã hơn 20 năm, nhân đến thăm, sẽ mời ông nói đôi điều trong vòng 30 phút về cảm nghĩ riêng của ông, với tư cách một giáo sư giảng dạy ở nhiều trường Đại học Mỹ, sống tại New York về ông Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Rất đáng tiếc là vì bị kẹt xe trên cầu Tân Thuận, Jonh không đến kịp, nên chỉ nói được đôi điều vào bữa ăn trưa sau khi mọi người cùng nâng ly rượu vang đỏ chúc sức khỏe học giả Nguyễn Đình Đầu và tiếp tục trao đổi trong bữa ăn và lúc uống cà phê. 

    





Như vậy là từ 9h cho đến 13h30 ngày 15.1.2017, buổi gặp gỡ cuối năm đã để lại trong tôi một ấn tượng thật sâu đậm về cách mà “nhóm 23 Sài Gòn” biểu thị mối quan tâm về thế sự, vửa thân tình, nhẹ nhàng rất văn hóa vừa giàu tính chiến đấu của những người luôn quan tâm đến vận mệnh của đất nước và muốn thiết thực góp phần vào sự nghiệp chung.

                                                                                                                  P.X.Đ