— canhco
"Con rồng vàng Hải Phòng suy cho cùng chỉ
là sản phẩm dị hình của một thể chế hợm hĩnh. Nó không những điển hình cho
sự dốt nát về tính thẩm mỹ mà còn phần nào chứng minh tính cách của hệ
thống cầm quyền: thờ phụng thứ lý luận tạp nham dưới nhãn mác con rồng Xã hội
chủ nghĩa."
Mô hình con rồng ngu ngơ tại Hải Phòng bị dẹp bỏ tốn hết 100 triệu |
***
Con rồng vàng “rực rỡ” Hải Phòng cuối cùng
thì cũng bị cư dân mạng khai tử và kết quả là nó trở về với tính cách huyền
thoại của nó: Biến mất
Nhưng trước khi tự biến mất vào không gian
vô tận con rồng “tạp giống” này là một câu chuyện hay ho nói về quyền lực và
quần chúng. Nó nằm chễm chuệ tại một con đường đẹp nhất Hải Phòng bởi sự cho
phép của quyền lực. Quyền lực từ thể chế Đảng, âm ỉ và luôn có xu hướng phò
“phong kiến” tuy âm thầm nhưng chưa bao giờ vắng bóng trong mọi sinh hoạt của
người cộng sản. Phong kiến thờ rồng, lấy kiểu dáng của nó làm chủ đạo. Vua luôn
mặc áo màu vàng vì đó là màu của rồng theo hình ảnh mà dân gian tạo ra từ hàng
ngàn năm trước.
Con rồng vàng đất cảng không ra ngoài ước
vọng âm thầm của lãnh đạo Hải Phòng khi tự cho phép mình một ảo vọng về “cửu
trùng” ngay trong triều đại mà cộng sản chỉ tôn sùng màu đỏ.
Rồng không đẹp và rồng tự biến.
Giải pháp đơn giản đến ngạc nhiên, giống
như một cán bộ cộm cán nào đó phát ngôn không phù hợp thì sự im lặng của ông ta
sẽ là câu trả lời cho công luận hay nhất. Và ở Việt Nam người ta chấp nhận sự
im lặng ấy như một cách tự nhận lỗi chứ không phải là hành vi xem thường công
luận đến mức chẳng cần trả lời cho phát ngôn hay hành động sai trái của mình.
Con rồng Hải Phòng là sản phẩm của một sự
kiêu ngạo lên tới tận mây xanh. Kiêu ngạo trong hành xử và kiêu ngạo trong
chuẩn mực nhận thức thẩm mỹ của bộ phận quan viên có tâm thức nông dân chưa bao
giờ rời xa mảnh ruộng con con của nhà mình.
Rồng không ai thấy nhưng cái thấy trong
tiềm thức người dân Việt Nam và Trung Quốc là mạnh mẽ, có khả năng bay lượn như
thần vật, có thể phun lửa, đạp mây lướt gió và từ những đặc tính ấy nó trở
thành biểu tượng của vua chúa chứ không phải cho quan viên.
Không ai ngạc nhiên khi motif rồng đã vào
nhà rất nhiều lãnh đạo về hưu của Việt Nam. Nông Đức Mạnh là một thí dụ đầy tai
tiếng cũng như Trần Đức Lương dùng voi phục để bày tỏ “chí khí” của mình.
Những ao ước âm thầm ấy tạo tâm lý khấu
đầu trước thiên triều và người dân Việt Nam tuy “vô tình” hết mực vẫn không thể
chấp nhận những cuộc đi triều kiến trong thời đại Internet làm bá chủ. Trước
“sân rồng” Bắc Kinh, những cái đầu rồng Việt Nam be bé, lai tạp, dị hình không
biết sẽ làm gì cho con rồng phương Bắc chấp nhận nó như một
chú rồng hoang có quá nhiều khuyết tật.
Tâm lý của những chú rồng con là dựa dẫm
vào rồng cha để tránh bão tại địa phương mình. Rồng phía Bắc là chỗ dựa vững
chắc nếu dân chúng có biến động, và vì vậy xuân thu nhị kỳ, rồng phương Nam
phải bay về nhận giáo huấn của cha mặc cho dân tình có lồng lộn trong sự bực
tức hay căm phẫn.
Con rồng vàng Hải Phòng suy cho cùng chỉ
là sản phẩm dị hình của một thể chế hợm hĩnh. Nó không những điển hình cho
sự dốt nát về tính thẩm mỹ mà còn phần nào chứng minh tính cách của hệ
thống cầm quyền: thờ phụng thứ lý luận tạp nham dưới nhãn mác con rồng Xã hội
chủ nghĩa.
Con rồng là một linh vật không có thật, nó
khiến người dân tin vào sức mạnh của tạo hóa.
Xã hội chủ nghĩa cũng không có thật nhưng
nó như cái khiên để đảng Cộng sản che chắn những cục đá nhân dân khi giận dữ
ném vào hệ thống.
Con rồng Hải Phòng đã bị ném đá và sụp đổ.
Cái khiên xã hội chủ nghĩa còn vững tới bao giờ?
Nguồn: Theo canhco's blog