15 janvier 2017

Giả cổ cái đã cổ


 ĐÀO TUẤN








Dư luận lại được một phen bàn tán dịp cuối năm với các di tích lịch sử trăm năm tuổi được “trùng tu”. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với một lớp vôi xám được nhìn như mới hoàn toàn với “niên đại 1 ngày tuổi”. Còn Bia tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở Huế thì được trùng tu bằng cách “cạo sạch” những hoa văn cũ, đắp mới hoàn toàn bằng ximăng. 


Một lối trùng tu biến di tích trăm tuổi thành một “di tích mới”.
Một lối trùng tu mà ngay cả những người gìn giữ các giá trị Huế như TS Trần Đình Hằng - Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế - cũng nhìn nhận: Màu sắc giống như “màu cải lương”.


Phía trùng tu, tất nhiên cũng có ý kiến. Các nhà sử học được phỏng vấn thì lên tiếng chuyện “thị hiếu” chê bai dư luận, rằng “Ở Việt Nam, mọi người cứ nghĩ di tích phải cổ, cũ kỹ, nâu sòng, mộc mạc...”. Các “nhà trùng tu” thanh minh rằng nếu không trùng tu thì di tích sẽ xuống cấp. Thậm chí, có một “quy trình đúng” đã được đưa ra.


Cái duy nhất đúng là việc di tích thì phải trùng tu, bởi nếu không trùng tu thì sẽ rất nhanh, nó sẽ thành phế tích. Và sự lo lắng của dư luận không phải không có lý do. Nhớ vài năm trước, 10 tỉ đồng trong một dự án trùng tu đã biến Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang thành cái lò gạch. Nhân câu chuyện trùng tu, bạn tôi, một người Sài Gòn kể lại dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi đi ngang “bốt Hàng Đậu” người lái taxi liếc nhìn những người thợ đang leo trèo sơn phết lớp sơn màu xám chì bên ngoài cho giống cũ, đã bình luận: “Họ đang giả cổ cái đã cổ”.


Còn TS khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên đưa ra một nguyên tắc ngắn gọn: Trùng tu, ở đâu cũng vậy, chỉ có thể là “Giúp di tích cổ tồn tại bền vững mà không lộ các can thiệp mới”. Có thể, lớp vôi ve ở Văn Miếu sẽ cũ đi theo nắng mưa - như cách những người trùng tu lý luận. Có thể, người ta sẽ quen mắt với đài tưởng niệm mới ở Huế. Nhưng so sánh với Hội An, Mỹ Sơn... những nơi được JICA (Nhật) giúp đỡ trùng tu mà không thể nhìn ra dấu vết can thiệp thì tấm bia ở Huế - rất chính xác - đang được coi như “làm hàng giả”. Bởi cái hồn cốt của di tích, cái tinh tế trong rêu phong thuở cũ như bát nước đầy đã đổ đi không thể lấy lại được.