20 janvier 2017

Ban ơn hay phục vụ ?


Điền Phương Thảo

|

GNsP (16.01.2017) – “Ngành y tế thôi ban ơn mà hãy phục vụ”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bộc lộ mong muốn trên trong buổi tham gia hội nghị trực tuyến với hơn 12.000 cán bộ y tế vào ngày 12-01 vừa qua.

Phát biểu của Thủ Tướng quả là làm mát lòng mát dạ, như nói thay nỗi khao khát của hàng triệu người dân Việt trong tình hình yếu kém của dịch vụ y tế tại Việt Nam hiện nay.
Thế nhưng có phải chỉ có ngành y tế mới có thái độ ban ơn thay vì phục vụ người dân thôi sao? Có phải các ngành khác đều phục vụ tốt hết rồi cả sao?



Một người bạn vừa định cư ở Canada kể cho tôi nghe rằng anh ta thực sự rất ngạc nhiên và thích thú trước cách tổ chức hệ thống phục vụ hành chánh tại quốc gia này. Nếu như ở Việt Nam muốn làm những việc liên quan đến xe cộ, đi lại người dân phải đi đến công an Giao thông; muốn làm hộ khẩu thì đến công an Hộ khẩu; muốn ký giấy tờ phải đến công an Phường, phòng công chứng; muốn làm nhiều việc thì phải đi nhiều cửa … Nhưng tại Canada thì chỉ có một Service Thành phố. Ví dụ tại tỉnh New Brunswick thì có Service New Brunswick. Một nơi duy nhất, khi đến đó người dân được giải quyết tất tần tật mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống ăn ở đi lại, chỉ từ một tờ giấy khai sinh. Người dân chỉ gặp một tiếp tân và họ sẽ hướng dẫn bốc số, sau đó sẽ đến ô cửa mình cần liên hệ để giải quyết công việc cũng ngay trong tòa nhà đó. Điều làm anh bạn tôi tỏ ra sung sướng là tại đây nhân viên tự photocopy các giấy tờ cần thiết liên quan và cũng không đòi anh ta phải đi công chứng các bản photo đó.

Nếu như ở Việt Nam “Hành chính hóa” là căn bệnh do hạn chế trình độ, quan liêu khiến người dân cảm thấy bị HÀNH là CHÍNH mỗi khi đến nơi công sở, các cơ quan hành chính của nhà nước thì điều khiến anh bạn của tôi vô cùng ngạc nhiên là thái độ phục vụ của các nhân viên hành chánh tại tại Canada. Nhân viên phục vu người dân với thái độ niềm nở, lịch sự, cố gắng đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu chính đáng của người dân. Điều mà anh bạn tôi chỉ có thể tìm thấy ở nhân viên các nhà hàng 5 sao. Sau khi xong mọi việc cần làm, người dân ra về với tâm trạng thoải mái, hài lòng vì đã được phục vụ chứ không phải đi xin xỏ, chờ chực một sự ban ơn nào cả.

Một doanh nghiệp tại Việt Nam đã tâm sự :

“Doanh nghiệp tôi ở Q.1 (TP.HCM). Chúng tôi cần bổ sung một vài chức năng trên giấy phép kinh doanh, nhưng phải chuẩn bị hồ sơ, đi đến Sở Kế hoạch – đầu tư (KH-ĐT) TP cả chục lần. Mỗi lần chúng tôi đến lại được cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều chỉnh một lỗi! Chúng tôi có cảm giác các cán bộ ở đây không thích hướng dẫn đầy đủ một lần cho doanh nghiệp. Sau gần cả chục lần lên xuống Sở KH-ĐT TP mà không xong việc, theo giới thiệu của một người bạn, tôi nhờ dịch vụ lo thì chỉ vài ngày sau là đến ngày lấy giấy phép.”

Và đây là tình trạng rất phổ biến mà người dân phải chịu đựng của một nhà nước “ của dân, cho dân và vì dân” hiện nay. Cứ “có tiền việc ấy mà xong nhỉ”, đi lo công việc mà không biết lót tay thì người dân cứ chạy lòng vòng như lạc vào mê trận.

Với thủ tục hành chính còn nhiều rối rắm, với tổ chức bộ máy nhà nước còn quá cồng kềnh, với thái độ phục vụ còn quá quan liêu của những “đầy tớ nhân dân”, thì tin rằng những “người chủ” của đất nước này không chỉ chờ mong sự ban ơn của ngành y tế mà còn của tất cả các ngành trong bộ máy chính quyền Việt Nam hiện nay.


Điền Phương Thảo