Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tổng kết cuối năm 2016, báo chí dòng chính ở Việt Nam
biện giải cho Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những thành quả khiêm tốn, khi phải
tiếp nhận di sản kinh tế xã hội đầy khó khăn từ nhiệm kỳ trước.
8 sự kiện kinh tế - xã hội 2016
Trong 8 sự kiện kinh tế-xã hội năm 2016, báo mạng
VnExpress đã có những bình chọn nổi bật nhiều sắc xám như: Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu; Thảm họa môi trường do Formosa xả thải;
Nợ Chính phủ vượt trần; Nhiều lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật trong vụ Trịnh Xuân Thanh
và Bốn tháng 4 vụ máy bay quân sự bị rơi… Ba sự kiện
được cho là tích cực bao gồm: Bầu nhân sự cấp cao, Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt
Nam và sau hết là ghi nhận Số doanh nghiệp mới thành lập nhiều kỷ lục.
Trả lời phỏng vấn nhanh của Nam Nguyên tối ngày
22/12/2016, nhà báo tự do blogger Huỳnh Ngọc Chênh, người được Tổ chức Phóng viên không biên giới trao giải Công dân mạng Thế giới
năm 2013, từ Saigon cho biết những đánh giá của riêng ông:
“Năm 2016, sự kiện quan trọng tác động đến xã hội đến
đời sống người dân mạnh nhất vẫn là sự kiện Formosa xả chất thải hủy hoại môi
trường cả vùng biển trên 300 km và để lại những tác động
cho đến bây giờ vẫn chưa xử lý được. Và sự kiện thứ hai là lũ
do hàng loạt thủy điện dọc theo dải đất miền Trung, khi làm thủy điện người ta
phá rừng, phá hết rừng đầu nguồn, lợi dụng làm thủy điện để phá rừng và bản
thân rừng cũng đã bị phá từ trước, gây ra lũ
lụt mà càng ngày lũ càng lớn hơn những năm trước.
Năm 2016 dồn dập xảy ra những sự cố rất bất lợi cho sự
phát triển kinh tế của đất nước, sự kiện Formosa rồi thứ hai nữa là tình hình
bão lụt miền Trung bây giờ vẫn chưa khắc phục xong…
- Giáo sư Vũ Văn Hóa
- Giáo sư Vũ Văn Hóa
Hai sự sự việc này ghép lại tạo ra sự cộng hưởng tạo ra ảnh hưởng đến đời sống xã hội kinh tế của
Việt Nam rất lớn. Chưa nói tới di
họa để lại của những năm trước, hầu hết công ty quốc doanh lớn làm ăn đều thua
lỗ, công ty tập đoàn nào cũng thua lỗ đến vài chục ngàn tỷ. Nói chung năm 2016
là một năm vô cùng khó khăn, từ tài chính cho đến môi trường, cho đến đời sống
của người dân.”
VnExpress, báo mạng dòng chính nhiều độc giả, cũng là
tờ báo sớm nhất công bố 8 sự kiện kinh tế -xã hội năm 2016 từ ngày 21/12. Tờ
báo đã dẫn nhập, Chính phủ mới ra mắt trong bối cảnh nhiều thách thức khi GDP
nhiệm kỳ trước không đạt mục tiêu, nợ công tăng cao, nhiều tỉnh
trải qua sự cố môi trường chưa từng có. Vẫn theo VnExpress, dù vậy, bức tranh
kinh tế - xã hội
2016 cũng ghi nhận những hứa hẹn bùng nổ khi số doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ
lục.
Trong cuộc phỏng vấn do Nam Nguyên thực hiện tối ngày
22/12/2016, Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại
học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Năm 2016 dồn dập xảy ra những sự cố rất bất lợi cho sự
phát triển kinh tế của đất nước, sự kiện Formosa rồi thứ hai nữa là tình hình
bão lụt miền Trung bây giờ vẫn chưa khắc phục
xong…hết hạn hán rồi đến lũ lụt và Formosa, nó đã kéo nền kinh tế
vốn là lấy nông nghiệp làm trọng, việc không đạt chuẩn để phát triển như tỷ lệ
mong muốn là đương nhiên thôi. Bởi vì một nền kinh tế thu nhập còn đang thấp,
thì thiệt hại do thiên tai gây ra, tất nhiên nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam…
Thảm họa môi trường do
Formosa xả thải được VnExpress xếp là sự kiện thứ tư trong 8 sự kiện kinh tế -
xã hội
năm 2016. Tờ báo mạng tóm tắt, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện thảm
họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người và 39.000 ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế mất
việc, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng, ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng.
VnExpress nhắc lại sự kiện chất thải của Công ty Gang
thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã hủy diệt hệ
sinh thái một vùng đáy biển rộng lớn, Công ty này xin lỗi và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD thông qua Chính phủ Việt
Nam. Tờ báo mạng nhấn mạnh, bao giờ biển miền Trung phục hồi? vẫn là câu hỏi nhức
nhối chưa được giải đáp.
Thất vọng cách chính phủ xử lý
Đáp câu hỏi đánh giá thế nào về phương cách chính phủ Việt Nam xử lý cuộc khủng hoảng
môi trường biển miền Trung, nhà báo tự do blogger Huỳnh Ngọc
Chênh nhận định:
“Tôi thấy cách làm của chính phủ có vẻ là để đối phó,
dư luận và người dân đòi hỏi tới đâu
thì đối phó tới đó. Ban đầu thì bưng bít,
không cho biết nguyên nhân cá chết là do Formosa, điều tra một thời gian hơi
lâu rồi bàn tính với nhau mới công khai chuyện cá chết là từ Formosa, trong khi
người dân ai cũng biết chắc là do Formosa xả thải. Ngay cái nguyên nhân cũng đã có dấu hiệu của
bưng bít, rồi sau không còn chối cãi nữa,
thì mới công nhận do Formosa gây ra thảm họa này và vẫn bưng bít tác hại lớn của thảm họa bằng cách cho cán bộ
địa phương này, điạ phương khác xuống tắm biển, ăn cá ngay trong lúc cá đang bị
nhiễm độc rồi bảo rằng có thể ăn cá được. Đó là một cách đối phó và gây nguy hiểm
cho nhân dân…”
Tôi thấy cách làm của chính phủ có vẻ là để đối phó, dư
luận và người dân đòi hỏi tới đâu thì đối phó tới
đó.
- Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
- Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Chênh nhắc lại sự kiện mà ông
mô tả là chính phủ đi đêm, thảo thuận riêng với Formosa nhận cho Formosa chỉ đền
bù 500 triệu USD, trong khi thiệt hại gây ra lên tới hàng tỷ USD. Ông Huỳnh Ngọc
Chênh tiếp lời:
“Chuyện Nhà nước đứng ra nhận đền bù thiệt hại đó là việc làm không đúng, nó phải là vụ
kiện dân sự giữa người dân với lại Formosa. Thiệt hại phải do người dân đứng ra
kiện và tòa
án độc lập xử lý chuyện này, để đưa ra mức đền bù thỏa đáng theo yêu cầu của người dân. Nhà nước chỉ có thể khởi tố Formosa về vấn
đề hình
sự khi họ đã làm một chuyện phi pháp như vậy. Nhà nước không thể đưa ra mức đền bù 500 triệu USD vừa rồi, mà đến
đây giờ nhiều người dân, nạn nhân của Formosa vẫn chưa nhận được số tiền đền
bù.”
Phục vụ thay vì quản lý?
Trong số những đánh giá có sắc hồng hiếm hoi mà
VnExpress bình chọn, tờ báo mạng ghi nhận Chính phủ nhiệm kỳ mới ngay lập tức
phải đối mặt với các khó khăn kinh tế; xử lý những sự cố môi trường lớn chưa từng
có…Tuy vậy, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh
doanh, bãi bỏ hàng loạt giấy phép con và về điều mà ban biên tập VnExpress mô tả
là tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bộ máy chuyển động mạnh mẽ theo hướng từ quản
lý sang phục vụ.
Bán hàng rong ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 21 Tháng 12 năm 2016. HOANG DINH NAM / AFP |
Giáo sư Vũ Văn Hóa,
Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“Đánh giá chung, hành động đặt ra một chiến lược rất
kiên quyết, vấn đề chấn chỉnh lại lề lối làm việc, thúc đẩy sự phát triển của
doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp vừa và
nhỏ thì đấy là những biện pháp rất tốt. Tuy nhiên kế hoạch cổ phần hóa doanh
nghiệp nhà nước, theo tôi vẫn còn chưa có ý kiến quyết đoán về vấn đề này. Bởi
vì ở đây phía doanh nghiệp nhà nước vẫn còn số vốn rất lớn
nằm trong đó nhưng hiệu quả không có.
Vì vậy tất cả những người am hiểu về kinh tế đều mong muốn chính phủ có động thái kiên quyết hơn,
làm thế nào đó trong một thời gian ngắn có thể là đến hết năm 2017 sang đầu năm
2018 có thể cổ phần đại bộ phận các doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước chỉ giữ lại
những doanh nghiệp tối cần thiết…Thực hiện được như vậy sự chuyển biến các
doanh nghiệp sẽ nhiều hơn…"
Mất cân đối ngân sách rất là nghiêm trọng và chi tiêu
thường xuyên của bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp chiếm tới
70% tổng số chi ngân sách và số nợ công tăng lên.
- TS Lê Đăng Doanh
- TS Lê Đăng Doanh
Giáo sư Vũ Văn Hóa
đề cập tới điểm thứ hai mà ông lưu ý Chính phủ về sự tiếp vốn hiệu quả
của ngân hàng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vấn đề
này theo lời ông, sẽ là trợ lực rất tích cực cho nền kinh tế.
Đối với vấn đề “Nợ Chính phủ vượt trần” mà VnExpress
ghi nhận như một trong 8 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016 ở
Việt Nam. Tờ báo mạng nhắc lại việc nợ chính phủ đã vượt trần 50% GDP trong năm 2015. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ Chính phủ tiếp
tục tăng lên mức 53,2% GDP, buộc Chính phủ phải xin Quốc hội nới trần nợ công
giai đoạn 2016-2020 và được chấp thuận ở mức 54% GDP.
Đối với gánh nặng nợ nợ công của Việt Nam nói chung,
TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản
lý
Kinh tế Trung ương ở Hà Nội, đã từng nhiều lần báo động:
“Mất cân đối ngân sách rất là nghiêm trọng và chi tiêu
thường xuyên của bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp chiếm tới
70% tổng số chi ngân sách và số nợ công tăng lên. Mặc dù Bộ Tài chính liên tục
công bố là nợ công vẫn an toàn nhưng nhiều người lấy làm lo ngại là chính phủ
vay quá nhiều, vượt số nợ công đã công bố rất nhiều, vì vậy câu hỏi
đặt ra là vay nhiều như thế để trả
khoản nợ nào và trả như thế nào mà gánh nặng trả nợ ấy ngày càng tăng lên.”
Khi ghi danh vấn đề nợ Chính phủ vượt trần xếp hàng thứ
5 trong 8 sự kiện kinh tế - xã hội năm 2016 ở Việt Nam, VnExpress ghi nhận,
tăng vay nợ của Chính phủ năm 2016 chủ yếu nhằm bù bội chi ngân sách, cần tiền
trả nợ công, chi đầu tư phát triển cũng như bảo lãnh các tổ chức, doanh nghiệp
Nhà nước vay…
Tờ báo sau cùng khuyến cáo, trong bối cảnh gánh nặng
trả nợ gia tăng cùng với việc tái cơ cấu thời hạn
vay, vấn đề kỷ luật chi tiêu, đầu tư được đặt ra mạnh mẽ nhằm đảm bảo an ninh,
nguồn lực tài chính cho Việt Nam trung và dài hạn.