Phạm Chí Dũng
Sát thời điểm kỷ niệm
tròn một năm vụ khủng hoảng Đồng Tâm và ngày ra đời của phong trào người dân
Đồng Tâm tranh đấu chống cướp đất và chống nạn cường hào ác bá, đã phát lộ một
hình ảnh reo báo “Tin Mừng” thứ hai cho kết quả đấu tranh quật cường của nhân
dân: Tiểu đoàn 31 – một đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản
lý đất quốc phòng ở khu vực Đồng Sênh, đã triển khai lực lượng đào hào xây
tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và
đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh) – theo đúng nguyện vọng và cũng là một
yêu sách của người dân Đồng Tâm.
Hình thực địa đào hào tại Đồng Tâm của quân đội. Ảnh: VNTB cắt từ videoclip |
Động tác “đào hào xây tường” trên diễn ra vào ngày
31/3/2018, chỉ một hôm trước ngày Cá Tháng Tư, mà nếu động tác trên xảy ra vào
đúng vào ngày Một tháng Tư thì sẽ khó mà tin nổi đó là sự thật, thậm chí còn có
thể bị cho là một trò lừa gạt mới của chính quyền và quân đội.
Động tác “đào hào xây tường” trên – dù mới chỉ đáp ứng
một phần nhỏ yêu sách của phong trào Đồng Tâm – nhưng mang một ý nghĩa rất quan
trọng: nhiều khả năng sau một thời gian dài tổ chức chiến dịch tấn công phong
trào Đồng Tâm trên nhiều mặt cùng nhiều thủ đoạn nhưng không những không mang
lại kết quả khả dĩ nào mà còn bị thất bại cùng quá nhiều tai tiếng, thậm chí
một số quan chức quân đội và công an còn phải chịu nguy cơ bị tống vào “lò” của
Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng trong nội bộ đảng năm 2018,
giới quan chức Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra hình sự thuộc bộ này và Viettel
(Tập đoàn Viễn thông quân đội, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu “đánh
chiếm” thành công 59 ha đất Đồng Sênh của xã Đồng Tâm) đã phải “buông” một phần
mục tiêu “chiếm đất”, phải thừa nhận phần đất “tranh chấp” là của người dân
Đồng Tâm chứ không phải của phía quân đội như đã từng nhận vơ.
Động tác “đào hào xây tường” trên cũng là một bằng chứng
trực tiếp phủ nhận hoàn toàn quan điểm “toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất
nông nghiệp” của Thanh tra Hà Nội – được chỉ đạo bởi Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch
thành phố Hà Nội và cũng là “chính khách cộng sản” đã trở mặt với nhân dân Đồng
Tâm dù đã phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết với Đồng Tâm vào tháng Tư năm
2017.
Vào năm 2017, bất chấp nhiều phản ứng và bằng chứng
được cung cấp bởi người dân Đồng Tâm, cơ quan thanh tra Hà Nội vẫn tung ra bản
kết luận thanh tra về “toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp”.
Chính bản kết luận thanh tra này đã trở thành cái cớ chủ yếu để một cơ quan
“anh em” khác – Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội – cấp tập và hung hãn tổ
chức một chiến dịch triệu tập, răn đe và cả “khủng bố” đe dọa bắt bớ đối với ít
nhất 70 người dân Đồng Tâm, với mục tiêu cuối cùng là người dân nơi đây phải
“buông” mục đích đòi lại phần đất chính đáng của họ.
Gần một năm trước, người dân Đồng Tâm đã giành thắng
lợi đầu tiên và được xem là chưa từng có trên bình diện chống nạn cướp đất ở
Việt Nam.
Vào ngày thứ 8 của cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm
– 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ
luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc trong đấu tranh phản kháng đã giành được
thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch sử tranh đấu của dân oan Việt Nam: chính
quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân
dân xã Đồng Tâm vì tội “bắt giữ người trái pháp luật”.
Không hề dễ dàng để một cộng đồng nông dân đưa chính quyền vào thế buộc
phải đàm phán và phải cam kết sẽ không truy tố họ. Sau chuỗi tranh đấu gian khổ
của nhiều cộng đồng dân oan đất đai trước đây mà nhiều người trong số họ đã bị
công an tống vào nhà giam từ năm này sang năm khác, khủng hoảng xã hội Việt Nam
đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và người dân, điển hình là ngư dân Hà Tĩnh và nông
dân Đồng Tâm, đã vượt qua ranh giới sợ hãi trong lòng.
Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ môi trường sống và
quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính đáng trước
các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, nỗi sợ hãi của
giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng run rẩy
bấy nhiêu.
Sự nhượng bộ nhanh chóng của chính quyền Hà Nội trước nhân dân Đồng Tâm
cũng cho thấy Bộ quốc phòng – được xem là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Viễn
thông quân đội (Viettel) và có lợi ích mật thiết với diện tích đất nông nghiệp
muốn thu hồi ở Đồng Tâm – đã không dám dùng lực lượng quân đội để tấn công vào
nhân dân, khác hẳn với “trận đánh đẹp” công an và quân đội vào gia đình Đoàn
Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012.
Một sĩ quan quân đội giấu tên đầy bức bối: đừng có nói quân đội chung chung
mà tội nghiệp, mà hãy tách biệt rõ ràng giữa những nhóm nhiều tiền lắm của, lợi
dụng chính sách để trục lợi trong quân đội, với một tỷ lệ lớn hơn hẳn là những
sĩ quan, chiến sĩ không liên quan gì đến các dự án kiếm tiền, càng không liên
đới gì nạn tham nhũng trong quân đội. Chính khối sĩ quan và chiến sĩ ấy sẽ
không cam tâm nghe lệnh cấp trên để quán triệt dân như lực lượng thù địch và
tấn công dân. Quân đội Việt Nam vẫn còn giữ được một cái gì đó không cho phép
chủ nghĩa lợi ích lũng đoạn…
Thắng lợi của nhân dân Đồng Tâm ngày hôm nay cũng chính là một chiến thắng
trước các nhóm lợi ích tham tàn ở Việt Nam, đồng thời là một bài học xương máu
cho những người vẫn còn quan niệm “có đảng là có tất cả”.