Xuân Dương
Bằng bài viết này, người viết muốn gửi đôi lời đến ông
Lê Viết Chữ - Bí thư tỉnh
ủy Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng -
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, về dự án mà quý vị đang định trao cho tập đoàn FLC.
Xin đề cập đến hai vấn đề, khía cạnh pháp lý của hoạt
động kinh tế liên quan đến vùng biển Việt Nam và đối tượng tham gia các dự án
kinh tế liên quan đến biển.
Trước khi đề cập đến Quảng Ngãi, thiết nghĩ cũng nên
nói đôi điều về một sự kiện ở “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, người dân vùng ven
biển thành phố này đã bức xúc phản đối chủ dự án khu du lịch sinh thái
Lancaster Nam Ô dựng rào dài chừng 3 cây số, bịt lối đi xuống biển khiến Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phải
xuống tận nơi thị sát và yêu cầu tháo dỡ, mở lối cho người dân xuống biển.
Phối cảnh dự án nghỉ dưỡng của FLC mà chính quyền Quảng Ngãi đang rốt ráo chỉ đạo để triển khai dự án càng sớm càng tốt. Ảnh: FLC |
Để ông Bí thư và Chủ tịch Quảng Ngài đỡ tốn thời gian
xem lại luật, xin trích một số điều khoản trong Luật Biển Việt Nam có hiệu lực
thi hành từ ngày 1/1/2013.
Khoản 4, 6 điều 5 Luật Biển Việt Nam viết: “Khuyến
khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các vùng biển…
Thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh
sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia
quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo”.
Điều 44. Quy hoạch phát triển kinh tế biển quy
định khi quy hoạch phát triển kinh tế biển phải theo các bước:
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế -
xã hội và hiện trạng khai thác, sử dụng biển;
b) Xác định phương hướng, mục tiêu và định hướng sử
dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển;
c) Phân vùng sử dụng biển cho các mục đích phát triển
kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xác định các vùng cấm khai thác, các
vùng khai thác có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho mục đích quốc
phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và đảo nhân tạo, các
thiết bị, công trình trên biển;
Khoản 2, điều 45. Xây dựng và phát triển kinh tế biển:
“Việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng
tài nguyên biển được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Xin nêu một số câu hỏi với hai vị lãnh đạo cao nhất tỉnh
Quảng Ngãi:
Thứ nhất:
Trước khi quyết định giao đất cho FLC triển khai dự án
ven biển, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đúng những quy định tại điều 44 chưa?
Cụ thể là tỉnh nhà đã có quy hoạch (bản đồ) “Phân vùng
sử dụng biển”; “Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và
hiện trạng khai thác, sử dụng biển”,…?
Tóm lại là các vị đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi đã thực
hiện đúng những quy định của Chính phủ về việc “giao các khu vực biển nhất định
cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng” chưa?
Nếu Chính phủ đồng ý thì đề nghị lãnh đạo tỉnh công bố
các văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho nhân dân được biết. Còn nếu chưa được
phép của Chính phủ thì quý vị cần xem lại những hành động của mình?
Thứ hai:
Với những quy định trong Luật Biển, khi quyết định
dành hàng nghìn ha đất cho FLC, di dời và tái định cư hàng mấy trăm hộ dân, quý
vị đã làm gì để “Khuyến khích và bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân trên các
vùng biển” nếu cách 8 km mới mở một đường xuống biển cho ngư dân?
Thứ ba:
Quảng Ngãi có khoảng 130 km bờ biển, vốn là nơi nổi
tiếng với Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là Lễ hội nghinh cá
Ông, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn…
Được biết dự án FLC Bình Châu – Lý Sơn sẽ trải dài
trên địa bàn các xã ven biển Bình Châu, Bình Phú, Bình Hòa, Bình Hải (huyện
Bình Sơn), kết hợp với 20 ha thuộc địa phận đảo Lý Sơn và đảo An Bình để tạo
thành phức hợp du lịch nghỉ dưỡng quy mô với tổng diện tích lên tới 3.890 ha.
Vậy thực chất bao nhiêu cây số bờ biển sẽ nằm trong
khuôn viên dự án và ảnh hưởng của dự án đến ngư dân Lý Sơn thế nào?
Trao đất cho dự án ven biển thực chất là lấy biển trao
cho tư nhân quản lý, khai thác, nói cách khác là biến của công thành của tư.
Nhìn rộng ra, rừng đã bị chặt phá tan hoang, bờ biển
của dân đang dần biến thành của riêng, vậy rừng vàng biển bạc mà cha ông để lại
cho con cháu hôm nay còn gì cho những người lao động?
Thứ tư:
Khoản 9 điều 9 Luật Ngân sách nhà nước quy định:
“Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và
không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương
khác”.
Khoản 6, điều 18. Các hành vi bị cấm trong lĩnh
vực ngân sách nhà nước quy định: “Cấm sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay,
tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật”.
Dự kiến ứng tiền ngân sách tới 500 tỷ đồng giúp tư
nhân giải phóng mặt bằng, quý vị có tuân thủ điều khoản nêu trên của Luật Ngân
sách nhà nước khi ứng tiền ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân chứ không phải
là “cấp khác” hay “địa phương khác”?
Cứ cho là Quảng Ngãi cho FLC vay tiền thì cũng xin
nhắc là vay ngân hàng hiện nay phải chịu lãi xuất khoảng 12% một năm, tiền lãi
của 500 tỷ đồng một năm vào khoảng 60 tỷ đồng, đủ xây mới mấy trường tiểu học.
Vấn đề thứ hai là pháp nhân thực hiện dự án. Để hiểu
về FLC, xin trích dẫn một số phản ánh được truyền thông đăng tải:
Báo Nhandan.com.vn - Cơ quan trung ương của Đảng Cộng
sản Việt Nam - ngày 20/8/2017 trong bài “Cần xử lý nghiêm những vi phạm tại các
dự án của Tập đoàn FLC ở Thanh Hóa và Bình Định” viết:
"Những vi phạm của Tập đoàn FLC xảy ra trong thời
gian dài, nhưng không được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời,
gây bức xúc trong dư luận".
Bài báo kết luận: “Ðề nghị các cơ quan chức năng, Ủy
ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Ðịnh cần xử lý nghiêm những vi
phạm nêu trên của Tập đoàn FLC, truy trách nhiệm, xử lý các cá nhân, tập thể
liên quan các sai phạm để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật”.
Một số ý kiến khác: Chưa có Báo cáo đánh giá tác động
môi trường, bị Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu dừng xây dựng nhưng dự án FLC
Hạ Long vẫn bất chấp, thi công rầm rộ khiến người dân Thành phố Hạ Long (Quảng
Ninh) không khỏi lo ngại 'bom bùn' tái diễn. [1]
Sau cơn mưa lớn kéo dài hơn 1 giờ sáng 20/7, nhiều khu
dân cư tại phường Hồng Hải, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh bị ngập trong nước và
bùn từ sân golf FLC đổ xuống. [2]
Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long với tổng
mức đầu tư 3.400 tỷ đồng được khởi công hoành tráng vào ngày 20/3/2016.
Hãy khoan nói chuyện tập đoàn này phớt lờ hàng loạt
quy định của pháp luật, sau hơn một năm, những hệ lụy từ dự án đang tra tấn
người dân vùng phụ cận. [3]
Quảng Bình: Người dân kiến nghị không giao đường ven
biển cho tập đoàn FLC quản lí. [4]
“Vì sao FLC "lộng hành" ngay giữa Thủ đô?”.
[5]
Rất nhiều bài báo đăng trên nhiều tờ báo về các sai
phạm của FLC cho thấy sai phạm của doanh nghiệp này không phải chuyện cá biệt
mà đã xảy ra rất nhiều lần. Truyền thông không ác cảm gì với FLC mà bởi chính
doanh nghiệp hành xử thiếu chuyên nghiệp, có những việc làm theo kiểu "đầu
voi đuôi chuột". Hãy nhìn những gì đang diễn ra ở dự án Khu công nghiệp
Hoàng Long - Thanh Hóa [6]; hay chuyện đấu giá khu đất DDM1 tại quận
Nam Từ Liêm - Hà Nội thì thấy rõ [7].
Nhìn vào hàng loạt sự việc ấy, chẳng lẽ lãnh đạo tỉnh
Quảng Ngãi không một chút băn khoăn lo lắng hay sao mà lại còn sốt sắng đến mức
ứng tiền cho doanh nghiệp này thực hiện dự án?
Còn biết bao nhiêu người còn tiếp tục bám biển sinh
sống, giờ nếu phải di dời ra xa họ sẽ sống làm sao khi phải đi vòng 8 km với
những chiếc thuyền thúng trên vai mới có lối xuống biển?
Và còn nữa, mấy trăm hộ ngư dân bám biển không chỉ là
mưu sinh cho gia đình mà còn là những cột mốc di động xác nhận chủ quyền quốc
gia trên biển. Nếu tất cả phải bỏ nghề thì ai sẽ thay họ trợ giúp cho các lực
lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc?
Vẫn biết trải thảm cho nhà đầu tư là chủ trường đúng,
cần khuyến khích nhưng nếu những bàn chân trần và những bờ vai chai sạn nắng
gió chỉ có thể từ xa ngắm nhìn những biệt thự, khách sạn cao cấp mọc lên thì
chủ trương ấy có cần cân nhắc thấu đáo?
Cổ nhân có câu “Chọn mặt gửi vàng”, nếu “mặt” mà Quảng
Ngãi chọn đã từng được báo chí cảnh báo: “Ðề nghị các cơ quan chức năng truy
trách nhiệm, xử lý các cá nhân, tập thể liên quan” thì có nên sốt sắng đến mức
như vậy?
Cái lợi trước mắt với dân chưa thấy, với ai đó chưa
thể biết nhưng cái hại thì nhỡn tiền, vậy ông Bí thư, ông Chủ tịch Quảng Ngãi
có nên bình tĩnh một chút, đừng vội chỉ nghĩ đến hôm nay mà quên chuyện mai
sau?
Vài lời nghịch nhĩ, chưa chắc sẽ làm các vị vừa lòng,
song không nói e là có lỗi với người dân Quảng Ngãi, nói ra mà các vị nghe được
thì chắc dân sẽ vui.
Sau này, không chỉ các vị mà con cháu các vị cũng vui,
thế thì không thể không nói./.
Tài liệu tham khảo:
[6]
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Hang-tram-ho-dan-kho-so-vi-do-li-cua-du-an-FLC-Hoang-Long-post185647.gd
[7] http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Ai-dung-tung-cho-FLC-chay-i-hang-tram-ty-dong-post185482.gd
Xuân
Dương