01 décembre 2018

Họ đang chạy theo mục đích gì?


KTS Trần Thanh Vân

29-11-2018

Chùa Khai Phúc tại thôn Hành Cung thuộc xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là ngôi chùa nhỏ, diện tích chỉ chừng 100m2, do Thượng hoàng Trần Thái Tông xây dựng, sau trận đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất 1258.

Ngôi chùa này được xây cùng với việc xây dựng Hành Cung Vũ Lâm, một căn cứ quân sự quan trọng của Triều đình Nhà Trần, để chỉ huy cuộc chiến đấu, trong hai trận kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai năm 1284 – 1285 và thứ ba năm 1288, hồi thế kỷ 13.

Cuộc chiến đấu ghi lại chiến công lẫy lừng của quân dân Đại Việt, đã đánh ta dã tâm làm bá chủ châu Á, châu Âu của triều đình nhà Nguyên hồi đó. Nhưng trong mấy chục năm qua, chùa Khai Phúc và thôn Hành Cung bị lãng quên.
Đã có những bài báo tâm huyết đăng trong trang Web của Hội Phật giáo Việt Nam về ngôi chùa này (*).

Cho đến phiên họp Quốc hội vào tháng 5/2018, bà đại biểu tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh, bí thư tỉnh ủy, ngang nhiên công bố con số 2595 tỷ đồng mà Ninh Bình đã dùng để xây dựng dự án sông Sào Khê trong suốt 17 năm qua, là được sự đồng thuận từ cấp trên, khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Tác giả bài viết này vốn là một Kiến trúc sư,  lấy danh nghĩa con cái nhà Trần, đã buộc phải tìm hiểu rất kỹ cái gọi là “Dự án sông Sào Khê” đó và được biết một phần trong số tiền 2595 tỷ đồng bị tố ở Quốc Hội có một phần dùng để xây Chùa Khai Phúc giả và Hành Cung Vũ Lâm giả trong khu du lịch sinh thái Tràng An.

Chùa Khai Phúc giả. Ảnh Hoàng Quốc Hải


Ngoài ra, địa chỉ đích thực của chùa Khai Phúc và Hành Cung Vũ Lâm vẫn bị lãng quên. Không thể để tình trạng trên tiếp diễn ở Ninh Bình, đoàn nghiên cứu tâm huyết do nhà văn Hoàng Quốc Hải dẫn đường, đã nhiều lần tìm về đống đổ nát của Chùa Khai Phúc thật: Đã có hai bài viết đăng trên Tiếng Dân: Lịch sử đích thực phải được trân trọng — Tâm linh: Nhận thức và hành xử thế nào cho đúng?

Sau khi các bài viết được đăng trên mạng, thì người ra vào chốn làng quê hẻo lánh tại thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng này tăng lên đột ngột. Truyền hình, TV, các nhà nghiên cứu lịch sử và Gs Lê Văn Lan, nhà nghiên cứu các công trình cổ của Hội Khoa học Lịch sử VN đã tuyên bố trong một chương trình, rằng vị trí ngôi chùa Khai Phúc này đích thực là ngôi chùa đã được Thượng Hoàng Trần Thái Tông xây nên sau khi đánh thăng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ngài nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông, rồi về đây xây ngôi chùa nhỏ để tu Thiền và lập Hành Cung Vũ Lâm để sẵn sàng làm căn cứ quân sự dự phòng, chống trả nguy cơ thôn tính giang sơn Đại Việt của giặc phương Bắc.

Nơi đây không chỉ là nơi đất thiêng, nơi phát tích của Thiền phái Trúc Lâm, mà còn là một chứng tích quan trọng của lịch sử, nơi đánh dấu một mốc son quan trọng về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ 13.

Tại Hà Nội, một cuộc họp nghiêm túc do nhà sử học Dương Trung Quốc, TBT tạp chí nghiên cứu XƯA VÀ NAY chủ trì, đi đến thống nhất là ông Dương Trung Quốc sẽ về Ninh Bình, yêu cầu các cơ quan chức năng Ninh Bình chính thức công bố về sự sai sót đối với di tích lịch sử này và tiến hành hội thảo để có kế hoạch lập Dự án xây dựng phục hồi Điện Hành Cung và Chùa Khai phúc…

Nhưng, những ngày gần đây xẩy ra một sự kiện lạ.

Sau khi ông Dương Trung Quốc về Ninh Bình làm việc với Sở Văn hóa Thông tin và nghe nói đã gặp cả Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, trao đổi và đề nghị Ninh Bình chủ động thừa nhận những cái sai mà họ đã mắc phải và mọi người yên tâm chờ Ninh Bình có hồi âm.

Nhưng vào đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi nhận được điện thoại từ Sư Nhân và anh Trần Đại Quyên, trưởng tộc họ Trần ở Ninh Bình gọi lên, thông báo khẩn cấp rằng, họ vừa được chính quyền cho biết: vào ngày 18/10 Âm lịch, tức 24/11/2018, sẽ có một sự kiện trọng đại xẩy ra ở thôn Hành Cung: Thượng tọa Thích Thanh Quyết cùng Đạo trưởng Đạo tràng Thanh Chân sẽ tháp tùng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, rước tượng vua Trần Nhân Tông bằng đồng từ Yên Tử về đặt ở đình làng và sẽ sang chùa bàn về kế hoạch tiếp tục xây dựng chùa.

Thông báo còn nói thêm, Đạo tràng Thanh Chân sẽ đầu tư xây dựng chùa: “Dự án có rồi, kinh phí có rồi và sẽ biến nơi đây thành một Yên Tử thứ hai”.

Nhận ra sự hốt hoảng và căng thẳng trong giọng nói của sư cô, chúng tôi quyết định cấp tốc về thôn Hành Cung để tìm hiểu kỹ hơn và bàn cách đối phó. Người mà cô Diệu Nhân và chúng tôi đã gặp đầu tiên là ông Nho, Bí thư đảng ủy của thôn và ông Lai, Trưởng ban xây dựng chùa.

Nghe họ thông báo tình hình xong, tôi giải thích với họ: Trước khi lên Yên Tử xây dựng Thiền phái Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tông đã lập 3 ấp: Vũ Lâm, Văn Lâm và Tung Cáo, đồng thời phân chia ruộng đất cho dân. Tồn tại đã 700 năm, dân làng tôn nhà vua lên là thần hoàng làng, không có gì sai trái. Mặt khác, Đình làng là nơi tụ họp hội hè, Đạo tràng Thanh Chân đã chi tiền xây dựng lại ngôi đình, họ muốn giúp dân sửa sang đình hoặc làm bất cứ việc gì hợp lòng dân cũng được.

Nhưng với chùa thì khác, tuy rất nhỏ bé, nhưng chùa Khai Phúc là một di tích lịch sử, cùng với Điện Hành Cung, quần thể di tích này muốn làm gì thì cũng phải nghiên cứu và xét duyệt đàng hoàng, không ai có quyền tự làm theo ý mình. Tôi còn dặn thêm sư Nhân rằng, nếu được đề đạt ý kiến với bà Chủ tịch Quốc hội, thì xin bà giúp nhà chùa trả nợ ngân hàng gần hai tỷ đồng để chuộc lại những ngôi nhà của dân đã thế chấp, lấy tiền xây chùa, và xin cấp kinh phí để di chuyền các gia đình dân lâu nay sống tạm quanh chùa, để thu hồi vườn chùa trở về nguyên gốc.

Suốt cả hai tuần, bà con thôn Hành Cung bận rộn để dọn dẹp sang sửa đường làng, lối xóm để đón khách quý. Còn chúng tôi tìm hiểu tận gốc bản chất Đạo tràng Tịnh độ nguy hiểm ra sao trên khắp đất nước ta.

Được biết lễ ra mắt Đạo tràng Tịnh độ ở VN diễn ra ngày 16/8/2013 tại chùa Từ An, huyện Đan Phượng Hà Nội, họ là những doanh nhân giầu có, ngoài việc kiếm được nhiều tiền, họ coi trọng việc tận hưởng dục vọng.


Đạo tràng Tịnh Độ là một thứ văn hóa không lành mạnh du nhập từ Trung Quốc. Nếu trước kia ĐCS nêu cao khẩu hiệu bài trừ mê tín dị đoan, đình chùa của nhiều thôn làng bị phá sạch, thì những năm gần đây phong trào xây dựng đình chùa to lớn tốn nhiều tiền của lại phát triển tràn lan. Họ lợi dụng một số chùa có sẵn, đầu tư thêm theo ý họ, họ tự tổ chức hoạt đông, tự sáng tác các bài kinh và họ được ông sư quốc doanh Thích Thanh Quyết chống lưng, nên họ phát triển rất nhanh.

Riêng ông Đạo trưởng Thanh Chân là một thương nhân ở Hà Nội, ông ta có một cơ sở hành nghề rất lớn tại Hà Nội và ông ta đã có 5 đời vợ, người vợ thứ 5 của ông Đạo trưởng này có quê ở Ninh Bình và ông ta đã bắt đầu có những họat động thiếu minh bạch tại chốn làng quê này. Đầu tư khá nhiều tiền vào việc tôn tạo ngôi đình, ông Đạo trưởng Thanh Chân chiếm một góc vườn đình cho mục đích kinh doanh. Ông ta đánh tiếng sẽ đầu tư xây chùa.

Còn ngài thượng tọa Thích Thanh Quyết, một ông sư tốt nghiệp tiến sĩ Phật học bên Trung Quốc năm 2001, về nước ông sư này nhanh chóng trở thành một tướng công an và tuyên truyền kiến thức Phật giáo kiểu Tàu, giúp đỡ cho Đạo tràng Tịnh độ của tư nhân lập ra khắp nơi, nghĩa là đi ngược lại với Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông tạo dựng. Nhưng vì lẽ gì mà chưa có ai nghiêm khắc cảnh cáo ông sư tiến sĩ Tàu này?

Và rồi ngày 24/11 đã đến. Sự thực đã diễn ra ngược hẳn với thông báo ban đầu. Dân làng đã tụ tập treo cờ kết hoa từ mấy ngày trước. Cuối cùng đến gần 5 giờ chiều mới thấy Đạo trưởng Thanh Chân (trang phục trắng) và trợ lý của Thượng tọa Quyết (áo vàng) loay hoay ở sân đình đón xa giá của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Dân làng không thấy bà Chủ tịch Quốc hội đâu.


Riêng Thượng tọa Quyết thì không rõ xuống xe từ lúc nào, lặng lẽ một mình đi bộ vào chùa lễ Phật rồi thân mật chuyện trò với sư Nhân, như đã quen biết từ lâu, rồi khoác vai vỗ lưng thân mật với anh trưởng tộc Trần Đại Quyên, sau đó mới đi bộ ra đình (cách chùa 500m) để làm lễ hô thần nhập tượng, không có một lời nhắc đến câu “Dự án có rồi, kinh phí có rồi, và sẽ biến nơi đây thanh một Yên Tử thứ hai”.

Vậy điều gì đã xẩy ra với ông Thượng tọa? Tại sao bà Chủ tịch Quốc hội không xuất hiện? Sao không thấy một cán bộ nào của cơ quan tỉnh, ngay cả Hội Phật giáo của tỉnh cũng không thấy đâu. Đặc biệt ông Đạo trưởng Đạo tràng Thanh Chân từng tuyên bố sẽ đầu tư xây dựng chùa cũng đứng tại sân đình với đám đệ tử áo trắng, không kẻ nào dám vào chùa.


Tại sao có ngày Hội đầu voi đuôi chuột thế? Chắc là thấy động, họ đã thay đổi chiến thuật rồi chăng? Tôi ngẫm nghĩ và chưa tin là họ chịu thất bại.

Dù sao sư cô cùng các bà vãi cũng thở phào yên lòng. Và thế cũng là thắng lợi bước đầu.
Xin tạm dừng để những ngày tới thông báo tiếp.