(Tin tức 24h)
- Các tàu cá của Trung Quốc tăng đột biến ở Biển Đông, Philippines cho rằng Bắc
Kinh đã tài trợ tiền để hải quân đóng giả làm ngư dân
Tờ Philstar dẫn lời
một quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Philippines lên tiếng cảnh báo về
một nguy cơ mới xuất hiện trên Biển Đông ngày 12/1.
"Chúng tôi biết
một sự thật rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã cử người và tài trợ
tiền cho lực lượng dân quân hải quân của nước này để cải trang thành các ngư
dân trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực. Điều này lý giải vì sao lượng tàu
dân sự bỗng bất ngờ tăng đột biến trong khu vực nhóm đảo Kalayaan tại quần đảo
Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam)" - Nguồn tin cho biết.
Theo quan chức trên,
việc Trung Quốc (TQ) triển khai hàng chục tàu được cho là tàu cá ở khu vực
trong hoặc gần vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á là cách để Bắc
Kinh tăng cường sự hiện diện và phô diễn sức mạnh trong khu vực.
Một quan chức quân sự
cấp cao khác cho rằng Philippines và các nước cần giám sát sự xuất hiện của các
tàu TQ ngay cả khi chúng được ngụy trang thành các tàu dân sự. Quan chức này
thừa nhận các tàu màu xám của TQ, được cho là các tàu hải quân, thường xuyên
xuất hiện trong khu vực.
Tàu cá Trung Quốc - một trong 3 lực lượng chủ lực của hải quân nước này |
Ngoài Philippines,
Indonesia từ lâu cũng đã theo dõi và nghi ngờ hoạt động của đội tàu cá Trung
Quốc ở gần các vùng biển của nước này. Đội tàu cá này theo tố giác của
Indonesia là thường xuyên tham gia vào các hoạt động xung đột áp đảo các nước
láng giềng nhằm tránh một cuộc đối đầu quân sự.
Hồi giữa năm 2018,
trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, GS-TS Andrew Erickson,
Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết Bắc Kinh đã triển khai 3 loại tàu để
theo đuổi tham vọng ở biển Đông, gồm: tàu hải quân "thân xám", tàu
cảnh sát biển "thân trắng" và tàu dân quân biển "thân
xanh".
Theo phân tích của
giáo sư Erickson, trong một khu vực tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng và dễ xung đột
vũ trang như Biển Đông, Trung Quốc dường như rất hạn chế sử dụng lực lượng hải
quân chính quy hiện đại của mình. Nhưng tàu trắng và tàu xanh của Trung Quốc
được cho là nhẵn mặt ở Biển Đông.
Từ 2010 đến 2016, các
đơn vị thuộc cảnh sát biển Trung Quốc can dự vào 71% các vụ rắc rối ở vùng biển
chiến lược này.
Theo học giả Bonnie
Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), tàu Cảnh sát
biển TQ đang ngày càng được đóng với kích thước lớn hơn. Trong một số trường
hợp, tàu "thân xám" của hải quân nước này được sơn màu trắng của tàu
cảnh sát biển.
"Họ có cả một
chiến lược, họ dùng những tàu quân sự giấu mình trong vỏ bọc dân sự, để đối đầu
và tranh chấp với những tàu dân sự của các nước xung quanh. Đây là hành vi láu
cá nhưng lại là một kế hoạch dài hơi và tốn kém của Bắc Kinh" - học giả
Glaser chỉ trích.
Tàu cá Trung Quốc hợp sức chống lại các cơ quan chấp pháp của nước khác |
Theo phân tích của
chuyên gia Andrew Erickson trên Tạp chí The National Interest, khi khoác lên
mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để
tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối.
Sự nhập nhằng giữa
tàu cá với tàu dân quân biển của TQ đã khiến lực lượng chức năng các nước trên
Biển Đông không khỏi do dự khi đối mặt những đối tượng này và chúng lại càng
được đà lấn lướt, coi thường luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, chiến
lược trá hình này của Trung Quốc cũng mang đến những rắc rối nhất định về pháp
lý. Mà theo Cựu đại tá quân đội Mỹ Tom Hanson - giáo sư thỉnh giảng thuộc Viện
Chính sách chiến lược Úc (ASPI) đánh giá: "TQ dựa vào sự nhập nhằng giữa
hải quân và dân quân để lách mọi điều luật của luật biển quốc tế. Họ có thể
nhởn nhơ và hành động lắt léo như vậy".
Hạm đội tàu cá của TQ
được hợp nhất với Cơ quan Thực thi luật nghề cá của lực lượng dân quân biển.
Mối liên hệ này giải thích vì sao tàu Cảnh sát biển TQ xuất hiện nhanh chóng
trong những vụ tàu nước này hoạt động phi pháp, bị lực lượng chức năng các nước
bắt giữ.
Có điều, nếu tàu cá
TQ bị bắt giữ, Bắc Kinh có thể viện dẫn điều 95 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật
Biển (UNCLOS) và yêu cầu miễn trừ vì nó thuộc sở hữu của lực lượng dân quân
biển (tức là tàu chiến về mặt kỹ thuật), thậm chí cho rằng vụ bắt giữ này là
một hành động gây chiến.
Minh Hoàng
http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/them-nghi-van-hai-quan-trung-quoc-gia-ngu-dan-3372851/