18 avril 2020

Đài Loan bác bỏ chỉ trích của Tổng Giám đốc WHO, người được TQ bảo vệ

Bản quyền hình ảnh AFP Image caption Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn

Copy đường dẫn
Các đường dẫn bên ngoài này sẽ mở ở cửa sổ mới
Đóng kênh chia sẻ

Sau khi tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng tại Geneva rằng ông bị “tấn công phân biệt chủng tộc trên mạng”, chính phủ Đài Loan đã lên tiếng phản bác.

Theo phóng viên Cindy Sui của BBC từ Đài Bắc hôm 16/04/2020, chính quyền Đài Loan bất bình trước chỉ trích không rõ ràng của ông Tedros và cáo buộc ông bị “tấn công mạng” từ Đài Loan.


Bộ Ngoại giao Đài Loan, trả lời câu hỏi của BBC News, đã cho rằng họ không hề tìm thấy các bình luận mang tính phân biệt chủng tộc nhắm vào ông Tedros (người Ethiopia) trong các chatroom ở Đài Loan.

Họ cũng nói rằng có “các công dân mạng Trung Quốc giả làm người Đài Loan vào các trang đó để xin lỗi ông Tedros”.

Trước đó, chính quyền Đài Loan nói họ tin rằng cách viết Trung văn giản thể mà những người tấn công ông Tedros sử dụng là ngôn ngữ phổ biến ở Trung Quốc cộng sản.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Ông Tedros và ông Tập Cân Bình, ngày 28/1

Các câu chữ cũng lặp đi lặp lại giống nhau, cho thấy đây là một dạng “dư luận viên” do Bắc Kinh chỉ đạo chứ không phải người dân Đài Loan, theo các báo quốc tế.

Nay, theo Bộ Ngoại giao Đài Loan thì các cáo buộc của ông Tedros là “thiếu trách nhiệm vì ông ta không nêu ra bằng chứng gì về việc ông bị tấn công trên mạng từ những cá nhân liên quan đến chính phủ Đài Loan”.

Đài Loan cũng không nói họ không liên quan đến các bình luận, hay chỉ trích, công kích trên mạng quốc tế mà ông Tedros “có thể đã phải đón nhận”, và yêu cầu Giám đốc WHO “xin lỗi Đài Loan ngay lập tức”.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tạm ngừng tài trợ cho WHO

Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn vừa đăng trên trang Facebook lời phản đối trước các cáo buộc của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus và mời ông tới Đài Loan để chứng kiến cách người Đài Loan “ngẩng cao đầu, đóng góp vào cộng đồng quốc tế” dù họ bị phân biệt đối xử, cô lập đã lâu, theo phóng viên Cindy Sui.

Vẫn xoay quanh chuyện Trung Quốc


Vụ việc tranh cãi liên quan đến cáo buộc “bị tấn công mạng” của Tổng giám đốc WHO còn có liên quan đến Trung Quốc.

Tuần trước, chính phủ Trung Quốc lên tiếng bảo vệ ông Tedros và cho rằng “đội quân mạng mang màu xanh của Dân Tiến Đảng đang cầm quyền ở Đài Loan đứng đằng sau các bình luận phân biệt chủng tộc, độc như rắn nhắm vào ông”, theo trang The Independent ở Anh.

Đài Loan không được vào WHO vì bị Bắc Kinh ngăn, và chính phủ Đài Loan đã cáo buộc WHO “để họ một mình chống lại dịch Covid-19 mà không có quyền tiếp cận các thông tin quan trọng, ̣đúng lúc”.
Ông Tedros Ghebreyesus nói trong mấy tháng liền ông bị “công kích phân biệt chủng tộc trên mạng, từ Đài Loan”, thậm chí “bị dọa giết”.
Bản quyền hình ảnh Reuters

Trung Quốc cáo buộc Đài Loan dùng câu chuyện về dịch Covid-19 để “thúc đẩy nghị trình độc lập”.

Một số báo phương Tây gần đây ca ngợi ví dụ kiểm soát dịch bệnh virus corona ở Đài Loan.

Có cáo buộc từ Đài Bắc rằng quan chức WHO đã hỏi Trung Quốc để lấy số liệu y tế và cách phòng chống dịch của Đài Loan chứ không hỏi thẳng Đài Bắc.

Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ dù kể từ 1949 chưa bao giờ quản trị hòn đảo.

Chính quyền Đài Loan vốn do các lực lượng bị thua trong Nội chiến Quốc – Cộng chạy ra thành lập và sau nhiều thập niên, đã trải qua cải cách dân chủ để có hệ thống chính trị đa đảng, khác Trung Quốc.

Đài Loan vẫn nhận là quốc gia kế thừa của Trung Hoa Dân Quốc do Tôn Trung Sơn thành lập năm 1912 trên lãnh thổ Trung Hoa, sau cách mạng năm 1911 lật đổ nhà Thanh.

Hiện Dân Tiến Đảng của bà Thái Anh Văn đang cầm quyền ở Đài Loan, điều khiến Bắc Kinh không hài lòng.