18 avril 2020

NÔNG CHIẾN - KẾ SÁCH CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC


Hoàng Công


MeKong mất nước

1. Lời tựa.
Tôi dùng từ Nông Chiến theo âm Hán Việt cho sát nghĩa nhất với cụm từ Chiến tranh nông nghiệp. Bài viết này tóm tắt lại những kế sách của người Trung Quốc sử dụng để gây hại cho đối thủ ở quy mô quốc gia.

Những ai không ưa Trung Quốc, có thể hiểu thêm tư duy, kế sách của họ để "biết mình, biết ta". Những ai yêu quý văn hóa Trung Quốc có thể tham khảo về trí tuệ của họ.
Và biết đâu, bài viết này có tính chất tham khảo với những người có chức năng liên quan...

2. Chiến tranh nguồn nước.
Trong Chiến Quốc Sách, nước Tây Chu nằm ở thượng lưu, Đông Chu ở hạ lưu. Tây Chu chặn nước khiến Đông Chu hạn hán, suy kiệt kinh tế.
Thời hiện đại, Trung Quốc đắp 8 khu đập chặn 40 tỉ mét khối nước trên dòng MeKong khiến kinh tế các nước cuối nguồn ảnh hưởng và phụ thuộc (theo MeKong Freedom Network)

3. Phá hoại bằng giống cây trồng
Nước Ngô và nước Việt chiến tranh. Quan đại phu nước Việt là Văn Chủng hiến kế vay thóc. Nước Ngô vì háo danh bèn cho vay.
Khi nước Việt trả thóc, ngầm luộc chín. Rồi phao tin giống thóc nước Việt tốt. Dân nước Ngô mang thóc ra trồng. Nạn đói diễn ra tràn lan khiến nước Ngô nội loạn.

4. Phá hoại vùng lương thực, đầu cơ mậu dịch.
Thời Chu - Thương, các nước phía Tây là đất trồng cây tuyết ma, một loại cây dùng để làm vải sợi. Chiến tranh nổ ra nhưng hai nước vẫn giao thương.
Nhà Thương bèn nâng giá vải tuyết ma lên đột ngột, khiến dân phía Tây phá lương thực để trồng. Sau đó họ đóng biên, phong tỏa mậu dịch. Dân Chu điêu đứng vì thiếu ăn.
Thời hiện đại, Trung Quốc chuẩn bị khá bài bản các loại cây phía Nam để trồng trọt quy mô lớn. Trong lúc chờ đợi, đẩy giá cao, cho thương lái tỏa về từng vườn phía Nam gom hàng, sau đó chặn không thu mua cây có múi. Nông dân Việt Nam chặt bỏ, đổ cam ra đường.

5. Phá vỡ quy hoạch trồng trọt của đối phương.
Thương lái Trung Quốc đi khắp các nước có khí hậu nhiệt đới tại châu Mỹ, châu Phi và Nam Á để thu gom dược liệu. Nhưng cách mua lại tập trung vào rễ, củ của các loại cây lâu năm hoặc trong rừng nguyên sinh. Đồng thời đồn thổi về giá trị dược liệu cao.
Người dân các vùng có dược liệu đào bới, tàn phá các khu rừng nguyên sinh. Sau đó, người Trung Quốc chế biến sản phẩm và bán ngược lại cho người giàu ở nước bản địa, che dấu đi công đoạn chế biến.
Một thời gian sau, quy hoạch cây trồng của các nước bị vỡ nát, tự phát, mất vai trò và uy tín quản lý của nhà nước sở tại.

6. Phá hoại điều kiện tự nhiên vốn có của đối phương.
Nước Tề phía Đông Trung Quốc cổ đại gần biển. Quản Trọng thúc đẩy nghề cá, nghề muối và tạo thế độc quyền với các nước không có biển.
Thương nhân nước Tề đi khắp các vùng không có cá, muối bán với giá cao, rồi lại đưa người xuống phía Đông Nam dạy cách dẫn nước mặn vào đồng bằng để nuôi thủy sản, làm ruộng muối.
Một thời gian sau, các vùng nhiễm mặn không trồng nổi cây lương thực.
Nước Tề tung lương thực tích trữ cứu đói, dân theo, trở thành bá chủ chư hầu.
Thế kỉ 20, 21, tại Việt Nam bùng lên phong trào dẫn nước mặn, nước lợ vào vùng nước ngọt để nuôi tôm...

7. Tác động vào "lòng tham" của nhóm nhỏ.
Việc đưa thuyết khách để hối lộ quan chức cao cấp đối phương áp dụng kế sách "ngắn hạn có lợi, dài hạn nguy hại" đã được áp dụng ở Trung Quốc cách đây hàng nghìn năm.
Điển hình là Bá Hỉ nước Ngô bị Việt hối lộ mà thuyết vua Ngô các kế sách ngắn hạn.
Cùng lúc đó, nước Việt cho người đi "tuyên truyền khuyến nông" rộng rãi về chính sách này, dẫn đến hậu quả rối loạn kinh tế nông nghiệp và chính trị nước Ngô. Ba năm áp dụng, nước Ngô nội loạn. Mười năm bị phá hoại, nước Ngô diệt vong.
Trung Quốc đẩy giá các loại ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đất...là các loài khó kiểm soát mùa màng cũng tác động rất lớn vào các nhóm nông dân hạn chế thông tin tại các nước phụ thuộc.

8. Thu gom, tích lũy ruộng đất tại lân bang.
Thương gia nước Tề đi khắp các nước lân cận, mua đất, gom dân sản xuất, dạy nghề cho dân.
Những điền trang của họ thường nắm những vị trí chiến lược về quân sự như đầu nguồn nước, hải cảng, giao thông huyết mạch.
Nạn đói nổ ra, họ là đầu mối xúi giục nổi loạn, cướp phá, không cho người dân quay đầu.
Vào thời nhà Minh, các lực lượng trung thành với Kiến Văn hoàng đế (Kiến Văn dư đảng) đã áp dụng cách làm này khiến Minh Thành Tổ phải mạnh tay đàn áp, gây oán hận cao độ trong dân chúng.

9. "Phao chuyên dẫn ngọc" - Thả con săn sắt, bắt con cá rô.
Đây là kế sách được người Trung Quốc dùng thành thạo hàng nghìn năm nay.
Trong nông nghiệp, thể hiện rõ nhất trong việc "thổi giá, bán giống, hứa bao tiêu".
Buồn nhất là người bản địa vì cái lợi trước mắt, trở thành công cụ tích cực nhất tiếp sức cho họ.
Việc đã nhiều, tôi không dẫn chứng.

10. Vĩ thanh.
Thày tôi nói: "Muốn hòa bình với ai, hãy thông hiểu họ. Mà đối nghịch với ai, lại càng phải thấu hiểu họ".
Tôi nghiệm lại câu "biết mình biết ta, trăm trận bất bại" lại càng thấy sợ hãi trí kế của người Trung Quốc, bởi họ đã hệ thống hóa các kế sách, chiến lược thành kinh sách từ hàng nghìn năm.
Họ dùng chiến lược, ta thì vẫn dạy nhau mẹo nhỏ kiểu Trạng Quỳnh. Họ phủ trùm, ta thì so bì, tị nạnh lẫn nhau.
Mà điều này không phải tôi nhận xét, đó là ý của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng đó ạ.

04.2020
Hoàng Công.

Ps. Tôi ước ao nhiều người liên quan đến nông nghiệp đọc được góc nhìn này.