Thứ Bảy,
ngày 18/4/2020
(PL)- Theo lẽ thường, đại dịch là cơ hội để Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) thể hiện vai trò của mình, nhưng trước thách thức đến từ COVID-19, tổ chức
này đang lâm vào khủng hoảng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái) bắt tay Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 28-1 ở Bắc Kinh. Ảnh: GETTY |
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngừng tài trợ WHO hôm 14-4 vì “thất bại trong việc
thực hiện nghĩa vụ cơ bản và phải chịu trách nhiệm”, cơ quan y tế hàng đầu thế
giới tiếp tục gặp nhiều áp lực từ giới chính trị gia ủng hộ ông Trump và nhiều
phía khác.
Hoạt động thiếu hiệu quả
Không phải chính quyền Donald Trump
không có lý khi chỉ trích WHO. Rõ ràng, việc để đại dịch lan rộng ra toàn cầu
cho thấy WHO không thể thiếu phần trách nhiệm. Ngay từ đầu dịch, khi đã xuất
hiện thông tin cảnh báo từ các y, bác sĩ TQ về mức độ nguy hiểm của COVID-19, WHO
vẫn chưa thể đưa ra các phản ứng dịch tễ hiệu quả và đúng mức.
Cho đến nay, những yếu kém trong giai
đoạn đầu chống dịch tại TQ liên quan đến WHO đã được ít nhiều đề cập. Từ việc
che đậy các cảnh báo của đội ngũ y tế đến việc ngăn cản giới truyền thông tiếp
cận thông tin. Ngay cả việc phương Tây đặt nghi vấn về các con số thống kê ca
nhiễm, tử vong vì dịch tại TQ cũng chưa được WHO xem xét và đưa ra quan điểm
nhằm tạo áp lực lên chính quyền Bắc Kinh giải trình.
Các khuyến cáo của WHO trong đợt
chống dịch này cũng tỏ ra không hiệu quả. Ngoài các báo cáo từ nhóm nghiên cứu
WHO được cử sang TQ vào tháng 2 (sau khi nước này đã bùng phát dịch dữ dội),
WHO cũng đưa ra các khuyến cáo về dịch tễ để phòng, chống bệnh.
Tuy nhiên, khuyến cáo chỉ dừng lại ở
rửa tay, không đưa tay lên mắt mũi, miệng, tự cách ly ở nhà khi có dấu hiệu
nhiễm bệnh hoặc về từ vùng dịch - điều mà các quốc gia không tham khảo được
nhiều. Trong khi đó, các khuyến cáo về giãn cách xã hội, cách ly quyết liệt, sử
dụng khẩu trang đã không được WHO thực hiện triệt để. Điều quan trọng là đúng
như ông Trump nói, WHO đã không tiết lộ hoặc phản ứng kịp thời với thông tin
đáng tin cậy hồi tháng 12-2019 rằng virus có thể truyền từ người sang người.
Điều này phần nào lý giải nguyên nhân
khi dịch bùng phát ở TQ và nhiều nước châu Á thì phương Tây - vốn rất tin tưởng
vào thông tin từ phía WHO - đã không có nhiều động thái cụ thể. Thất bại lớn
nhất của phương Tây trong đợt chống dịch lần này chính là đã làm không tốt, nếu
không muốn nói là tệ hại, công tác “giãn cách xã hội”. Họ dường như mù mờ về
các thông tin liên quan COVID-19, thậm chí so sánh đây là “cúm mùa” và vô tư áp
dụng “miễn nhiễm cộng đồng” (để cho dịch lan rộng, người dân dần miễn nhiễm)
khi chưa có vaccine.
Ngay cả các phương án dùng thuốc chữa
bệnh cũng không được WHO làm sớm và hiệu quả, khi thế giới “năm người thì mười
ý”, áp dụng đủ các loại thuốc khác nhau khi WHO chưa thể ra các khuyến cáo cần
thiết. Mãi đến cuối tháng 3, tổ chức này mới cảnh báo chính quyền các nước
không nên cho phép điều trị bệnh nhân COVID-19 bằng những loại thuốc chưa được
khoa học chứng minh có hiệu quả đối với bệnh này.
Trách nhiệm của lãnh đạo
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là tâm điểm của
cuộc khủng hoảng. Ông Tedros đang tạo ra nhiều tranh cãi trong bối cảnh thế
giới cần một sự thống nhất để chống dịch. Cộng đồng quốc tế đang chờ đợi ông
Tedros và cộng sự đóng góp các sáng kiến mang tính bước ngoặt nhưng cho đến
nay, mọi thứ đến từ WHO không mang lại kỳ vọng lớn. Thay vì thúc đẩy quá trình
minh bạch hóa hơn nữa thông tin cũng như gia tăng trách nhiệm với TQ, quốc gia
khởi nguồn đại dịch COVID-19, thì ông Tedros lại nhiều lần khen ngợi lãnh đạo
đất nước này một cách tranh cãi.
Mỹ là nước tài trợ nhiều nhất cho các hoạt động của WHO với
đóng góp trung bình mỗi năm khoảng 400-500 triệu USD cho cơ quan y tế hàng đầu
thế giới này. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 40 triệu
USD/năm.
|
Gần nhất vào đầu tháng 2, ông Tedros
cho rằng Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã thể hiện “cam kết chính trị” và “sự lãnh
đạo chính trị” phù hợp được mong đợi tại những quốc gia phải đối phó với khủng
hoảng y tế. Lời khen này không được cộng đồng thế giới ủng hộ, chí ít là bởi
thế giới không thiếu các nước chống dịch minh bạch và hữu hiệu hơn Bắc Kinh
(như Hàn Quốc hay Đài Loan). Thậm chí, các lời khen ngợi sớm từ WHO khiến TQ
tạo đà cho chiến dịch truyền thông “TQ chiến thắng đại dịch”, tiến hành “ngoại
giao y tế” lấy TQ làm hình mẫu. Thế nhưng rất ít quốc gia xem TQ là tấm gương
chống dịch, thậm chí một số nước từ chối các khoản viện trợ bị đánh giá là lợi
bất cập hại từ chính quyền Bắc Kinh.
Đã xuất hiện các nhóm xã hội dân sự ở
phương Tây cùng nhau ký tên yêu cầu Tổng giám đốc Tedros từ chức từ tháng 2.
Theo báo South China Morning Post, các nghị sĩ Cộng hòa hôm 16-4 (giờ
Mỹ) đã kêu gọi Tổng thống Trump ngừng tài trợ cho WHO cho đến khi ông Tedros từ
chức. Có 17 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã gửi thư
cho ông Trump ủng hộ quyết định ngừng tài trợ WHO. Theo đó, nhóm nghị sĩ Mỹ bày
tỏ mất niềm tin vào sự lãnh đạo của ông Tedros đối với WHO. Nhóm nghị sĩ đổ lỗi
cho WHO và chính phủ TQ che đậy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế toàn
cầu hiện tại, dù WHO đang đảm nhiệm vai trò quan trọng trên toàn thế giới.
Nhiều chính trị gia và cơ quan quốc
tế lên tiếng can ngăn ông Trump cắt tài trợ WHO, bởi lẽ đây là cơ quan đầu não
trong việc quy tụ nguồn lực, tổ chức gắn kết thế giới chống dịch. Tuy nhiên,
chưa có lãnh đạo nào lên tiếng bênh vực vai trò lãnh đạo của Tổng giám đốc
Tedros.
Thay vào đó, lãnh đạo các nước yêu
cầu WHO phải có sự cải cách, điển hình là nhóm bảy nước công nghiệp phát triển
hàng đầu thế giới (G7). Trong cuộc họp trực tuyến hôm 16-4 (giờ Mỹ), lãnh đạo
G7 tập trung nói về sự thiếu minh bạch và những yếu kém trong quản lý kéo dài ở
đợt chống dịch COVID-19. Họ kêu gọi WHO thực hiện một chương trình đánh giá và
cải cách tổng thể. Được biết, mỗi năm nhóm G7 đóng góp hơn 1 tỉ USD cho WHO.
Nước cờ chính trị của ông Trump
Bất kể mục tiêu của ông Trump là gì
khi ngưng tài trợ cho WHO, lãnh đạo Nhà Trắng vẫn đang nỗ lực để người dân Mỹ
phải tạm quên những yếu kém của chính phủ trong việc phản ứng với đại dịch.
Nước Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, đang đối diện với chuỗi ngày u ám khi
lần lượt chiếm ngôi đầu của các nước về số ca nhiễm và tử vong vì dịch cho dù
thảm họa đã được báo trước từ rất sớm. Những gì đã xảy ra cho thấy Mỹ đã bỏ
qua giai đoạn vàng để chống dịch, rất khác so với cách Hàn Quốc, Đài Loan đã
làm (rất tốt).
Việc tạo ra áp lực lớn lên WHO được
xem là một sự kiện “chuyển lửa”, đưa tâm điểm chú ý từ Mỹ sang WHO, chuyển
trách nhiệm từ Nhà Trắng sang cơ quan y tế đứng đầu thế giới. Dù WHO nói
chung hay cá nhân Tổng giám đốc Tedros chịu ảnh hưởng thì đó cũng làm giảm áp
lực trách nhiệm lên chính phủ Mỹ. Không chỉ WHO, gần đây Mỹ bắt đầu gia tăng
áp lực trách nhiệm lên TQ, bằng việc thường xuyên nhắc lại biểu hiện thiếu
minh bạch thông tin và phản ứng chưa đúng mức trước đại dịch của Bắc Kinh.
Hôm 15-4 (giờ Mỹ), ông Trump tuyên bố sẽ điều tra virus gây bệnh có phải xuất
phát từ phòng thí nghiệm TQ hay không. G7 sau đó cũng đồng thuận rằng phải
điều tra nguồn gốc virus.
|
ÁNH NGỌC