15 avril 2020

Không biết phải nghe ai!


Thiện Tùng

15/04/2020

“Ông nói gà, bà nói vịt”, riết rồi không biết nghe ai !

1/  Nhà nước chủ trương:

Làm nghề bán giấy số phải giao tiếp với nhiều người. Dịch COVID 19 lây nhiễm từ người sang người đang bùng phát. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cấm giao tiếp. Những người bán vé số bó chân, đói khổ, Nhà nước Trung ương và địa phương phải chỉ đạo quyên góp trong dân và chi ra số tiền không nhỏ để cứu giúp cho hàng triệu người hành nghề bán giấy số.


2/  Địa phương lại nói:

 Theo  báo Dân Việt, chiều ngày 22/1/2015, tại buổi Họp báo kinh tế xã hội năm 2015 - định hướng phát triển năm 2016 của tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ngành xổ số vẫn là ngành đóng góp ngân sách chủ lực tại địa phương. Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, với 80.000 công nhân, nộp ngân sách khoảng 1.300 tỷ đồng. Con số này tương đương với phần nộp ngân sách của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang, cũng là 1.300 tỷ đồng”.  

Ông Hồ Kinh Kha - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ngành xổ số là ngành giải quyết an sinh xã hội rất lớn. Nhiều thạc sĩ, tiến sĩ khi gặp tôi kể lại, họ từng xuất thân nhà nghèo, nhờ bán vé số mà có thể tiếp tục học lên cao, giúp ích xã hội. Ở Tiền Giang, nhiều trẻ em đi học một buổi, bán vé số một buổi cũng được 100 - 200 tờ. Cứ mỗi tờ lời 1.100 đồng thì các em kiếm từ 100.000 - 200.000 đồng/buổi”. Ông Kha còn cho biết thêm: “Người tàn tật đi xe lăn ở tỉnh An Giang có người bán 3.000 tờ vé số ngày - tương đương 100.000.000 đồng/tháng”. 



Báo Dân Trí bình:

Không hiểu ông Giám đốc ngành Tài chính  nầy lấy thông tin từ đâu chứ chưa nói đến người tàn tật ngồi xe lăn mà ngay cả người bình thường khỏe mạnh mỗi ngày bán được 3.000 tờ vé số đã là điều không tưởng. Cứ cho là bình quân mỗi người mua 5 vé thì 3.000 vé cần 600 người mua, mỗi lượt mua như thế có nhanh thì cũng phải mất vài ba phút cho việc lựa vé, trả tiền. Nếu có người mua liên tục, không ngừng nghỉ thì để bán hết 3.000 vé phải mất trên dưới 24 tiếng đồng hồ. Đúng là chuyện chỉ có trong mơ” !.

“Tôi không hiểu vì sao ông Giám đốc Tài chính lại có kỹ năng “chém gió” tuyệt vời đến thế thì bỗng đọc được những thông tin về vị Gám đốc “đáng kính” này trên báo Lao Động do nhà báo Đào Tuấn cung cấp, có đoạn: Dư luận phản ứng “sếp vé số” lương khủng, ông Kha  phùng mang trợn mắt bảo lương như thế là hợp lý, là đúng quá rồi. Ông nói thế là để bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Thị Nhãn, vợ ông đang làm Giám đốc Công ty Xổ số Tiền Giang chớ còn gi?. Rồi khi Công ty Xổ số Tiền Giang đưa đoàn cán bộ đi Mỹ “học tập kinh nghiệm”, bà Nhãn tham gia dẫn đoàn, mời ông Kha đi. Sếp xổ số lo cho cán bộ, hoá ra là vợ lo cho chồng”.


Ông Hồ Kinh Kha phát biểu về thu nhập của người bán vé số dạo – Tin tức Dân Việt

3/  Câu nói vượt đại dương

Khi nhiều tờ báo trong nước thông tin về ông Hồ Kinh Kha “chém gió”, ngày 30/01/2018, một Tạp chí ở Hoa Kỳ bình trên Twitter (Dân trí đăng lại):

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang khẳng định: Có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ. Với huê hồng được hưởng là 1.100đ thì thu nhập của người bán vé số tàn tật mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng/tháng” !

 “Những tưởng câu nói của ông bộ trưởng nọ hồi tháng 6 năm 2014 sẽ mãi mãi giữ kỹ lục “chém gió” ở Việt Nam khi ông cho rằng “bán vé số là nghề có thu nhập cao” Báo chí đã từng đánh giá câu nói ấy chẳng khác gì “một phát minh của thế kỷ”(!).

“Ấy vậy mà có vị quan chức, phẩm hàm thấp hơn ông bộ trưởng nhiều, đã xô ngã câu nói kỷ lục của ông bộ trưởng nói trên, cũng bằng một câu “chém gió” vô tiền khoáng hậu về thu nhập của người bán vé số. Người lập nên kỳ tích này là ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, phát biểu với báo chí tại buổi họp báo kinh tế xã hội của tỉnh Tiền Giang chiều 22/1/2015. Ông Kha khẳng định: “Có những người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ.” Với hoa hồng được hưởng là 1.100đ thì thu nhập của người bán vé số tàn tật mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng/tháng!. Một con số còn khủng hơn cả lương khủng của lãnh đạo Công ty Xổ số của tỉnh này, đang gây sốc dư luận trong thời gian vừa qua”..v.v…

4/  Thảm trạng người bán vé số

Không như ông Hồ kinh Kha nói đâu, trừ những người đại lý giấy số, những người hành nghề bán giấy số, hầu như đa số là những người bất hạnh nhứt gồm; những người già cả không nơi nương tựa, tàn tật, thất nghiệp.v.v… họ luôn sống dưới đáy xã hội.

Một người phụ nữ tuổi độ 40, mông ngồi trên mảnh lốp xe, tay xỏ vào chiếc dép chẻ, tay cầm xếp giáy số giơ lên, không nói không rằng, lếch theo vệ đường. Thấy vậy, tôi cho cô ấy 20.000 đồng. Cô ấy lắc đầu nói: “Tôi bán giấy số chớ không phải ăn xin”. Nói gì cô ấy cũng lắc, không còn cách nào khác, tôi gở lấy 2 tờ giấy số 10.000/vé và đưa cho cô ta 20.000 đồng. Cô cúi đầu chào rồi tiếp tục lếch. Nhìn theo cô ấy, tôi  nảy ra suy luận: “Tàn tật, nghèo khổ mà cố chòi đạp để kiếm sống, cho không lấy, xét về phẩm hạnh, cô ấy tốt gắp mấy những người lấy không đợi cho”?.


Ảnh minh họa


Tác giả: Sinh Hoàng làm bài thơ về người bán giấy số:

Cầm xấp vé số trên tay

Chân vui dạo bán vận may cho đời

Người vui, ta kiếm chút lời

Cơm hàng, nước chợ quen rồi gian nan



Hôm nay đài xổ Tiền Giang

Mai xổ Thành Phố, mốt sang Vũng Tàu

Phố phường mưa nắng quen màu

Nhà thuê, xóm trọ dãi dầu quanh năm



Lìa quê lạc lối thị thành

Bến xe,ngõ chợ dạo quanh rao mời

Số đây! Số đẹp ai ơi !

Mua dùm chiều trúng cuộc đời lên hương



Khản rao chân bước trên đường

Người qua kẻ lại cảm thương mua dùm

Gió sương chẳng chút ngại ngùng

Nắng mưa đã trãi, lạnh lùng đã quen



Sớm đi, đường vẫn lên đèn

Tối về, đèn rọi ngõ quen lối vào

Dám đâu mơ chuyện trên cao

Chỉ mong bán đắt nuôi nhau qua ngày



Số đây là vé số đây!

Bà con cô bác vận may đến rồi!

Chân quen khắp nẻo chợ đời

Rao mời vé số vui đời gian nan.

Em Võ Long Giang (11 tuổi, ở An Giang) mỗi mùa  Hè em lại lên Sài Gòn bán vé số phụ giúp gia đình- Ảnh Facebbok


Có nhiều người thắc mắc: Với dụng ý gì mà ông Kha cường điệu (chém gió) đến thế?. Theo tôi, chắc theo kiểu “dụ người lên núi đụt gân” - dụ cho có nhiều người tham gia bán giấy số để Công ty sổ số do vợ ông làm trưởng thu lợi nhiều hơn. Và vịn cớ bán vé số thu nhập cao để Công ty Xổ số khỏi cứu trợ cho “lính” mình - người bán giấy số.

Đúng là Ăn trái không nhớ kẻ trồng cây”?!. Giàu nứt đố đổ vách, sao cho đến giờ nầy chưa nghe/thấy ngành Xổ số ói ra dầu một ít tiền để cứu giúp người bán giấy số. Chẳng lẽ mọi Công ty Xổ số đều nghĩ như ông “tráng sĩ” Kinh Kha?. Nếu những người bán giấy số chết thì ngành Xổ số không chết cũng cũng bị thương?.  -/-