30 avril 2020

Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975.


Nguyễn Quang Duy


Vượt Biên tìm tự do
Sau trận Phước Long 6/1/1975, Hoa Kỳ im lặng, Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát Đình chiến bất lực, cuộc chiến đã đến hồi chấm dứt.

Ngày 10/3/1975, Thị xã Ban Mê Thuột bị tấn công thất thủ sau hai ngày chống cự, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, cao nguyên Trung phần lọt vào tay cộng sản.

Ngày 8/3/1975, quân Bắc Việt bắt đầu tấn công vào Quảng Trị, Quảng Trị mất, rồi các tỉnh miền Trung lần lượt mất theo.


Bao vây Sài Gòn

Quân Bắc Việt bị cầm chân tại Xuân Lộc hơn 10 ngày nên tẽ sang các ngã khác tiến về Sài Gòn.

Tối ngày 21/4, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên Đài Truyền hình tuyên bố từ chức, Phó Tổng thống Trần Văn Hương lên thay, phía Cộng sản tuyên bố chỉ nói chuyện với Đại Tướng Dương Văn Minh, phía miền Nam chấp nhận, Tổng thống Trần Văn Hương thu xếp từ chức.

Ngày 14/4/1975, miền Bắc ra chỉ thị mọi cánh quân phải tập trung quanh Sài Gòn vào ngày 26/04, khởi sự tấn công ngày 28/4/1975, cũng đúng ngày đó Đại Tướng Dương văn Minh tuyên bố nhậm chức Tổng Thống.

Sáng ngày 29/4/1975, Đại Tướng Dương văn Minh gởi Tối Hậu Thư buộc người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.



Người Mỹ di tản

Ngay từ đầu tháng 4/1975, công dân Mỹ, những người lập gia đình với Mỹ, những người làm việc cho Mỹ và thân nhân được đưa vào Tân Sơn Nhất để rời khỏi Việt Nam.

Ngày 23/4, phát biểu tại Đại học Tulane tiểu bang Louisiana, Tổng thống Gerald Ford cho biết Bắc Việt sẽ chiến thắng và chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.

Ngày 25/4, Dân biểu Đảng Cộng Hòa tiểu bang Michigan, ông William Broomfield cho biết phía Hoa Kỳ đã có một thỏa thuận ngầm, Bắc Việt sẽ không tấn công Sài Gòn trước ngày thứ hai 28/4/1975 để Mỹ có đủ thời gian di tản khỏi Việt Nam, Ngoại trưởng Kissinger phủ nhận nguồn tin.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 28/04/1975, Bắc Việt sử dụng 5 phi cơ A37 từ phi trường Phan Rang tấn công Tân Sơn Nhất và đêm hôm đó pháo binh cộng sản từ Cát Lái đã pháo kích vào phi trường.

Đặc công cộng sản cũng đã vào sát phi trường nên các phi cơ chở người di tản không thể cất cánh.

Hoa Kỳ cấp tốc mở chiến dịch di tản bằng trực thăng tại hai địa điểm chính là Trụ sở cơ quan DAO (Defense Attache Office) bên trong phi trường Tân Sơn Nhất và trên nóc Tòa Đại Sứ Mỹ.

Đến 7 giờ 30 tối ngày 29/4/1975, Mỹ đã di tản tất cả nhân viên DAO mang theo những tài liệu quan trọng, rồi đặt mìn giật sập trụ sở DAO phá hủy máy móc và hồ sơ sót còn lại.

Đêm hôm đó, phi trường Tân Sơn Nhất bị cộng sản liên tục pháo kích, nhiều người di tản kẹt trong phi trường bị chết hay bị thương, phi trường phải ngừng hoạt động.

Nguyên đêm 29/4/1975, các trực thăng Mỹ di tản liên tục bay qua các vùng cộng sản đóng quân nhưng không hề bị tấn công.

3 giờ 30 sáng 30/4/1975, Đại sứ Mỹ Graham Martin lên trực thăng ra đi, đến 8 giờ 30 sáng cuộc di tản chấm dứt với chừng 5,500 người được Mỹ đưa đi.

Vẫn còn 70 công dân Mỹ không được di tản, 2 xác Thủy Quân Lục Chiến còn quàn tại nhà xác bệnh viện Chúa Cứu Thế, nhiều nhân viên Việt làm cho Tòa Đại Sứ và hầu hết những người có tên trong danh sách 140 ngàn người được Bộ ngoại giao Mỹ cho di tản đều bị kẹt lại ở Việt Nam.



Phi vụ cuối cùng…

Theo nhà văn Quân Đội Phan Nhật Nam, vào sáng 29/4/1975, từ Tân Sơn Nhất Trung Úy Phi Công Trang Văn Thành lái chiếc C119 Hỏa Long, đơn độc bay lên trời.

Từ trên cao, anh thấy rõ những vị trí của pháo binh cộng sản, anh nghiêng cánh, chúc mũi chiếc Hỏa Long trút xuống tràng đạn 7.62 ly, và tất cả hỏa lực cơ hữu của hai khẩu đại bác 20 ly gắn dưới cánh phi cơ, phòng không cộng sản phản pháo, nhưng phi cơ thoát được lưới đạn.

Phi công Thành quay trở lại phi trường, nạp đạn vào phi cơ, tiếp tục bay thẳng đến phía pháo binh cộng sản nhả đạn, máy bay trúng đạn phòng không, ngang cánh trái, ngay bình xăng, sát cạnh ghế ngồi.

Anh Thành giật mạnh chốt thoát hiểm để bung thân thoát ra, nhưng chốt kẹt cứng, anh dùng tay đẩy cửa buồng lái phóng mình ra, chiếc dù bung mạnh, vướng vào khung cửa phi cơ.

Phi Công Trang Văn Thành bị giữ chặt bởi chiếc dù và khung cửa, chiếc C119 Hỏa Long chìm trong lửa, anh gục chết giữa không gian, trên quê hương, hoàn tất phi vụ cuối cùng.



Giờ Sài Gòn giờ Hà Nội…

Ngày 30/4/1975, miền Bắc và miền Nam có 2 cách tính giờ khác nhau, giờ Sài Gòn đi trước giờ Hà Nội 1 tiếng đồng hồ.

Đọc các bài viết về ngày 30/4/1975 có người dùng giờ Sài Gòn có người dùng giờ Hà Nội, có bài viết chỗ dùng giờ Hà Nội chỗ dùng giờ Sài Gòn, bài này tôi cố gắng chuyển sang giờ Sài Gòn cho bạn đọc dễ theo dõi.



Hai chiếc xe tăng…

9 giờ 30 sáng 30/4/1975, quân Bắc Việt vượt cầu Sài Gòn, binh sĩ miền Nam kháng cự dữ dội, có ít nhất 4 xe tăng và hằng trăm bộ đội chết trong trận này.

Khoảng 10 giờ 30 sáng, máy phát thanh liên tục phát lời Đại Tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ ngừng bắn sửa soạn bàn giao cho phía bên kia.

Cầu Sài Gòn là mũi tiến chính của quân Bắc Việt, trước hỏa lực quá hùng hậu của đối phương, súng hết đạn binh sĩ miền Nam rút dần.

3 xe tăng Bắc Việt vượt cầu Sài Gòn, tìm đường đến dinh Độc Lập, một chiếc bị bắn cháy ở cầu Thị Nghè, hai chiếc còn lại chạy lạc đường phải nhờ người hướng dẫn.

Chừng 11 giờ 45 chiếc xe tăng mang số 843 chạy tới Dinh Độc Lập húc vào cổng phụ bị đứt bánh xích nên kẹt không vào được.

Chiếc tăng số 390 đến sau ít phút húc đổ cổng chính chạy vào trước tiên, nhưng vì là T59 sản xuất tại Trung Quốc, nên trong một thời gian dài phải nhường công chạy vào Dinh trước cho chiếc T54 mang số 843 sản xuất tại Liên Xô.



Chuyện hai lá cờ…

Lá cờ xanh đỏ sao vàng của Mặt trận Giải Phóng Miền Nam đầu tiên được cắm trên nóc dinh Độc Lập là lá cờ treo trước mũi xe tăng mang số 843 do Trung Úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận lấy xuống và mang lên nóc Dinh treo.

Số phận lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa một thời gian dài được Hà Nội đưa tin là từ nóc Dinh được ném xuống đất, sau này mới biết được Trung Úy Bùi Quang Thận cẩn thận giữ riêng làm kỷ niệm.

Trong bộ phim tài liệu về ngày 30/4/1975, đóng vào đầu tháng 5/1975, ông Bùi Quang Thận mang một lá cờ xanh đỏ sao vàng rất to, không phải là lá cờ cắm trên chiếc xe tăng mang số 843.

Số phận lá cờ xanh đỏ sao vàng được ông Thận đầu tiên cắm trên nóc Dinh Độc Lập không rõ ra sao, vì nó vừa cũ vừa nhỏ nên ngay trưa hôm đó được thay thế bằng một lá cờ mới và lớn hơn.



Ai bắt đầu hàng…

Nhà báo Bùi Tín dựa theo các bài ông viết đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân vào đầu tháng 5/1975, tự nhận ông là sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập, là người đi cùng đơn vị xe tăng đầu tiên đâm đổ cổng Dinh Độc Lập, và là người trực tiếp chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh.

Theo phóng viên người Đức Von Boric Gallasch (lấy bút hiệu Tiziano Terzani), tờ Der Spiegel, thì Đại Úy Phạm Xuân Thệ là người đã theo hai chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập bắt Đại tướng Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.

Còn Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, đến sau nhưng chính là người soạn Tuyên Bố đầu hàng cho Tướng Dương Văn Minh và ông Tùng đọc Tuyên Bố chấp thuận đầu hàng.



Xém đụng trận ngay trước Dinh

Phóng viên Boric Gallasch chứng kiến một số binh sĩ miền Nam rời khỏi Dinh Độc Lập, có thể ông không biết các binh sĩ này do 1 thiếu tá Tiểu Đoàn trưởng Lôi Hổ phụ trách phòng thủ sân bay Tân Sơn Nhứt đến Dinh để hỏi rõ về lời kêu gọi ngừng bắn và bàn giao của Đại Tướng Dương văn Minh.

Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết cánh quân này không chấp nhận đầu hàng, họ chỉ rời đi ít phút trước khi hai xe tăng 843 và 390 ủi sập cổng Dinh Độc Lập.

Tại Tân Sơn Nhất cánh quân này vừa bắn cháy 3 xe tăng Bắc Việt, nếu hai xe tăng 843 và 390 biết đường chạy thẳng đến Dinh đã đụng độ với cánh quân nói trên và lịch sử có thể đã khác đi.

Ở một số địa điểm như Tân Sơn Nhất, trại Hoàng Hoa Thám, Bộ Tổng Tham Mưu,… một số binh sĩ miền Nam vẫn kháng cự cho đến khi Đại Tướng Dương văn Minh đọc Tuyên Bố Đầu Hàng.

Còn ở các nơi khác vì lực lượng cộng sản quá hùng hậu, binh lính miền Nam rút về phía trung tâm Sài Gòn, đến khi nghe tướng Minh kêu gọi ngừng bắn thì tự động buông súng tan hàng hay buông súng khi thấy sự xuất hiện của quân miền Bắc.



Không máy ghi âm…

Phóng viên Boric Gallasch cho biết Đại tướng Dương văn Minh định thu băng lời Tuyên Bố Đầu Hàng nhưng vì không tìm thấy chiếc máy ghi âm nên mới phải sang Đài Phát Thanh.

Ông Terzani viết: “nhân viên (Dinh Độc Lập) bỏ trốn mang đi tất cả những gì họ có thể cuỗm”.

Sang Đài Phát Thanh cũng không tìm thấy máy ghi âm nào, ông viết: “Toà nhà cũng vừa trải qua những trận hôi của.” nên cuối cùng phải dùng chiếc máy ghi âm nhỏ của ông để thu lời Tuyên Bố đầu hàng.

Nhận xét của ông Boric Gallasch thiếu công bình cho những người miền Nam, vì đa số các nhân viên Dinh Độc Lập hay Đài Phát Thành khi ấy đều muốn bỏ của họ gầy dựng bao năm để chạy thoát cộng sản.

Những chiếc máy ghi âm vừa gọn, vừa nhỏ, vừa lạ, vừa quý, là kỷ niệm tiếp thu Sài Gòn, người bộ đội có thể mang về miền Bắc khoe với gia đình.

Xin đừng nghĩ xấu cho họ, đó là việc làm bình thường của những người chiến thắng cần có chút gì làm kỷ niệm, nhờ thế Trung úy Bùi Quang Thận mới giữ lá cờ vàng ba sọc đỏ trong suốt 20 năm.



Đạn lạc…

Xe tăng, xe thiết giáp, quân xa chở lính miền Bắc đổ về dinh Độc Lập mỗi lúc một đông, những tràng súng chỉ thiên mừng chiến thắng nổ vang trời, khói súng mịt mù.

Người lính Bắc Việt thuộc tiểu đoàn 7 bộ binh tên Tô Văn Thành đang ngồi trên thành xe tăng bị trúng đạn rớt xuống đường, chết ngay trước dinh Độc Lập.

Báo chí đưa tin ông Thành bị Biệt kích dù 81 từ phía trụ sở Bộ Ngoại giao bắn chết, nhưng đạn lạc thì đúng là nguyên nhân dẫn đến cái chết kết thúc trận chiến kéo dài trên 20 năm.



Vị Quốc Vong Thân…

Nhắc đến 30/4/1975, không nhắc đến 5 vị tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê văn Hưng, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú, và Lê Nguyên Vỹ và hằng ngàn binh sĩ Việt Nam Cộng Hoàn tuẫn tiết quả là điều thiếu sót.

Tại thành phố Melbourne, nơi gia đình tôi đang sống, những anh hùng vị quốc vong thân được thờ trong Đền Thờ Quốc Tổ và có Tượng Đài để ghi nhận ân đức những người đã chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do trong hơn 20 năm.



Đoàn quân cuối cùng…

Nhà tôi ở Bàn Cờ chỉ cách Dinh Độc lập chừng 4 cây số, khoảng 12 giờ trưa những tiếng súng mừng chiến thắng làm mọi người tưởng lầm là cộng sản đang đánh chiếm Dinh.

Đến 1 giờ trưa, Đại Tướng Dương Văn Minh lên Đài Phát Thanh Tuyên bố đầu hàng, bà con lối xóm đều vui vì chiến tranh chấm dứt, nhưng lại lo âu khi nghĩ đến tương lai.

Chừng 1 giờ 30, chính mắt tôi chứng kiến một đội lính Việt Nam Cộng Hòa chừng 20 người đủ mọi binh chủng đi đầu là một sĩ quan Dù rất trẻ mang súng lục, những người đi sau súng ống đầy đủ, hàng ngũ chỉnh tề, tiếp tục bảo vệ người dân khu phố.

Những người lính cộng hòa chỉ tan hàng khi thấy bóng dáng của bộ đội cộng sản, chính nhờ họ Sài Gòn mới được chuyển giao một cách bình yên cho Quân Đội Bắc Việt.



Những người cộng sản đầu tiên…

Chừng 2 giờ trưa, tôi đi bộ ra đường Phan Đình Phùng, súng ống và quần áo quân nhân rải rác hai bên đường, dân chúng đã bắt đầu đổ ra đường, vẫn chưa thấy bóng dáng của những người cộng sản vào tiếp thu khu vực.

Tôi chuyển sang đường Hồng Thập Tự, hướng về Dinh Độc Lập, đã thấy một số bộ đội cộng sản trên những xe Jeep với lá cờ xanh đỏ sao vàng.

Một số biệt thự chủ nhân đã di tản bị hôi của, bộ đội bắn chỉ thiên giải tán, nhưng không dám đến gần đám đông để tịch thu đồ vật.

Tôi đến Dinh Độc Lập sau 3 giờ chiều, bộ đội miền Bắc đã đóng quân trong và ngoài Dinh, dân Sài Gòn đến xem bộ đội miền Bắc khá đông.

Những bộ đội với nón cối và dép râu những thứ mà tôi chưa hề gặp, họ đều rất trẻ, vui vẻ trả lời những câu hỏi với cùng một giọng điệu, cùng một bài bản được học tập trước ngày tiếp thu Sài Gòn.

Tôi đi thẳng ra Chợ Sài Gòn chứng kiến cảnh sinh hoạt bắt đầu trở lại, quanh Dinh Độc Lập và Chợ Sài Gòn đã bắt đầu có những trao đổi bằng tiền Hồ Chí Minh, Sài Gòn là vậy, vừa thoát chết là có người nghĩ ngay đến bán buôn.

Tôi nghe những tiếng nổ lớn, như đạn súng cối, từ phía Dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại. Sau này mới biết là hai cánh quân cộng sản không biết vì lý do gì bắn lẫn nhau.

Tôi vội quay về nhà, trên đường về tôi chứng kiến những xe tăng và quân xa bộ đội, có thể, đang trên đường chuyển quân về miền Tây.



Ngay cuối đường Hồng Thập Tự gần ngã sáu Cộng Hòa, một chiếc xe tăng bị bắn cháy, tôi không nhớ xe tăng phía bên nào.

Tối xem truyền hình, người xướng ngôn viên nói tiếng Nam khuôn mặt đằng đằng sát khí, hùng hổ đưa tin về Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng.

Ngày hôm sau, xướng ngôn viên khác xuất hiện trên truyền hình với khuôn mặt và giọng nói ít cộng sản hơn, nhưng tin tức thì cũng vẫn một giọng tuyên truyền, khác hẳn với tin tức thời Việt Nam Cộng Hòa.



45 năm nhìn lại…

Chỉ sau 2 ngày Sài Gòn thất thủ, chỉ sau 2 tháng miền Bắc tiếp thu miền Nam, Việt Nam bước sang một trang sử mới.

Cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa, một xã hội chưa ai hình dung được hình dáng của nó, không tiến được thì lùi, cộng sản đã lùi về cách quản lý kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa.

Giá trị vật chất có thể phục hồi, nhưng giá trị tinh thần như niềm tin, giáo dục, văn hóa, thể chế, tự do, dân chủ và nhân quyền của người miền Nam đã mất khó có thể phục hồi.

Ngày 30/4/1975, Đại Úy Phạm Xuân Thệ tay lăm le khẩu súng lục, cùng Trung tá Bùi Văn Tùng không nói chuyện bàn giao với Ngụy quyền bắt Đại tướng Dương Văn Minh phải đầu hàng vô điều kiện.

Người cộng sản ngày nay phải công nhận thế chính danh của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vì từ chối bàn giao nên mất đi sự nối tiếp, sự thừa kế Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông trên Công Pháp Quốc Tế.

Ngày 30/4/1975, quả là ngày đen tối nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam.


Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

29/4/2020