18 avril 2020

BA LỜI BÀN VỀ MỘT VĂN BẢN


DŨNG HOÀNG


Báo Tiền Phong vừa đăng bài Điều chuyển công tác Viện trưởng Ngôn ngữ mới chỉ là kế hoạch, cho biết Viện Hàn lâm Khoa học xã hội gửi một văn bản đến các đơn vị trực thuộc thông báo về tình hình tại Viện Ngôn ngữ học.


Cuối cùng thì Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng chịu lên tiếng.


Đọc xong, không nói hết nỗi ngao ngán về nội dung văn bản của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Xin ghi vội mấy lời bàn sau đây.


LỜI BÀN VỀ NHỮNG LỜI ĐE NẸT


Văn bản đầy giọng đe nẹt.


Đe nẹt 1:

Yêu cầu cán bộ, đảng viên trong đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và các quy định của Đảng và Nhà nước, không sử dụng không gian mạng để đăng tải, lan truyền và chia sẻ những thông tin sai sự thật về công tác nhân sự tại Viện Ngôn ngữ học.”


Đe nẹt 2:

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nắm bắt dư luận, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp, uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân.”


Thời này là thời nào, mà Viện Hàn lâm lại còn giữ cái thói dọa dẫm ấy? Tôi không phải là cán bộ, đảng viên của Viện Hàn lâm, Đe nẹt 1 không nhắm đến tôi nhưng Đe nẹt 2 thì có.

Viện Hàn lâm không phải là một ốc đảo tách biệt, cấm người ngoài nhìn vào và do đó tha hồ hoạt động tù mù. Viện Hàn lâm hoạt động là nhờ tiền thuế của dân, trong đó có tôi, cho nên tôi tự cho mình cái quyền bàn về những gì Viện Hàn lâm làm. Chẳng phải Nhà nước luôn luôn giương cao khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đấy ư?

Còn tôi “đăng tải những thông tin sai sự thật”, “gây khó khăn cho hoạt động” của Viện Hàn lâm, “ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp, uy tín, danh dự” của Viện Hàn lâm, thì cứ kiện tôi ra tòa. Tôi rất vui lòng hầu tòa!





LỜI BÀN VỀ QUY KẾT TRÁCH NHIỆM RÒ RỈ THÔNG TIN


Mọi việc đang trong giai đoạn thảo luận nội bộ thì đáng tiếc là thông tin đã bị lộ, lọt ra bên ngoài, trong đó có trách nhiệm của cá nhân của ông Nguyễn Văn Hiệp.”

Như thế, GS TS Nguyễn Văn Hiệp là người bị Viện Hàn lâm chính thức quy kết tội rò rỉ thông tin.

Tôi không tránh được một tiếng cười to.


Ngày 30/3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm công bố trên trang mạng chính thức của Viện một thông báo thừa nhận là Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nhận được công văn của Viện Hàn lâm vào ngày 27/3 về dự kiến điều động một cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm sang làm công tác quản lý tại Viện Ngôn ngữ học. Giấy trắng mực đen, để lộ thông tin không mật đó chính là Viện Hán Nôm.

Công dân mạng lập tức cho biết cán bộ đó chính là một PGS TS chuyên ngành Văn học!




Nhưng ngay sau đó, Thông báo trên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, không biết do áp lực của ai, lặng lẽ bị gỡ bỏ. Có lẽ người ta thấy hố: tự dưng cung cấp cho thiên hạ một bằng chứng không thể nào chối cãi, chứng tỏ cung cách làm ăn kỳ quái của lãnh đạo Viện Hàn lâm!

Nhưng không phải đến ngày 30/3, thông tin mới bị lộ. Để ra công văn, chắc chắn Viện Hàn lâm đã có sự đồng ý của vị cán bộ đó và trước khi quyết định người này chắc chắn đã dò la ý kiến của nhiều người. Thông tin bung ra, bây giờ đố biết từ nguồn nào! Bà con đồn ầm lên, sôi nổi và phẫn nộ, không phải chỉ vì GS TS Nguyễn Văn Hiệp, mà vì viễn cảnh một Viện Ngôn ngữ học tan nát do bị lãnh đạo bởi một người không có chuyên môn.

Ngày 28/3 tôi được GS TS Nguyễn Văn Lợi, vốn là cán bộ Viện Từ điển và Bách khoa thư, nay đã về hưu, điện cho biết thông tin trên. Ngay sau đó tôi viết một bài về chuyện này, dẫn câu của ông: “Một Giáo sư đáng kính đã về hưu nói cho tôi tin sửng sốt này, và kết thúc cuộc trao đổi bằng một lời than: “Điều chuyển cán bộ là chuyện bình thường, nhưng đối với trường hợp này, nó ngang với một sự phá hoại có chủ đích!””. Đừng biện minh rằng đó chỉ mới là dự kiến. Có dự kiến, cũng trên cơ sở nhất định. Có cơ sở nào vững chắc để điều một người chuyên về Văn học sang phụ trách một viện chuyên về Ngôn ngữ học không, thưa lãnh đạo Viện Hàn lâm?

Sau bài của tôi, hàng loạt công dân mạng tham gia bàn luận, trong đó rất đáng kể là bài “Vì sao không nên điều chuyển Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học?” của PGS TS Nguyễn Hồng Cổn trên FB của anh (kỳ 1 và kỳ 2 ngày 31/3, kỳ 3 ngày 1/4). Ngay kỳ 1, GS TS Nguyễn Minh Thuyết đã nêu ý kiến trong một comment: “Nếu anh Nguyễn Hồng Cổn khởi thảo một kiến nghị của anh em ngôn ngữ học gửi lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXHVN thì tôi sẵn sàng ký tên hưởng ứng. Thực hiện lệnh phong tỏa toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19, anh chỉ cần gửi cho một số người qua email, rồi anh em sẽ chuyển tiếp, ký. Ta hẹn nhau một cái hạn, xong sẽ gửi Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH. Thú thật, tôi thấy thương anh Bùi Nhật Quang bị vướng vào vụ này, nhưng không thể không nói. Tôi nghĩ mãi mà không hiểu điều chuyển GS Nguyễn Văn Hiệp vì lý do gì.”

Đề nghị của GS TS Nguyễn Minh Thuyết chính là khởi đầu cho Thư ngỏ với 114 chữ ký của những người thuộc giới nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ học trên cả nước.

Những gì tôi kể ở trên, rất dễ kiểm tra. Câu hỏi đặt ra là Viện Hàn lâm quyết tâm quy kết tội làm lộ thông tin cho GS TS Nguyễn Văn Hiệp là có ý đồ gì?




LỜI BÀN VỀ THÔNG TIN KỶ LUẬT GS TS NGUYỄN VĂN HIỆP


Kết thúc bài báo là mấy dòng sau đây:

Được biết trong 8 năm làm Viện trưởng, ông Hiệp mắc một số sai phạm nên năm 2019, Chi bộ Viện Ngôn ngữ học đã họp và ra quyết định kỷ luật ông Hiệp bằng hình thức khiển trách. Năm 2019, ông Hiệp xếp loại đảng viên và công chức không hoàn thành nhiệm vụ.”

Tại sao GS TS Nguyễn Văn Hiệp bị khiển trách và bị xếp loại đảng viên và công chức không hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù giới chuyên môn đều biết năm 2019 Viện Ngôn ngữ học có rất nhiều thành tích chuyên môn, đó là chuyện rất đáng cho báo chí mở một cuộc điều tra, nhất là trong mối liên hệ với cuộc đấu tranh chống đạo văn trong nội bộ Viện Ngôn ngữ học. Cần nhắc lại là, GS TS Nguyễn Đức Tồn – “kẻ đạo văn khổng lồ của mọi thời đại” – rốt cuộc được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho hạ cánh hơn cả an toàn: ông về hưu vì đến tuổi (chứ không phải vì bị kỷ luật), vẫn giữ được học hàm học vị giáo sư tiến sĩ và vẫn giữ chức chủ nhiệm một đề tài cấp nhà nước gần năm tỷ đồng tiền thuế của dân. Còn truyền nhân đạo văn của ông, TS Vũ Thị Sao Chi oai hùng hơn, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”: từ Phó Tổng biên tập tạp chí của Viện Ngôn ngữ, nhảy tót lên chức Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam của cả Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, được lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tán dương đến tận trời xanh, rằng trong thời gian sắp tới “sẽ có nhiều đóng góp tích cực cùng Ban lãnh đạo Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam gặt hái được nhiều thành công hơn trong nhiệm kì công tác của mình, nhất là trong vấn đề phát triển Tạp chí điện tử, nhằm từng bước đưa Tạp chí lên một tầm cao mới, xứng đáng trở thành một trong những cơ quan cơ quan ngôn luận quan trọng của Viện Hàn lâm nói riêng và cả nước nói chung về các ngành khoa học xã hội và nhân văn”.

Thông tin về kỷ luật GS TS Nguyễn Văn Hiệp được đưa ra phải chăng hàm ý có liên quan đến việc điều chuyển? Nếu không, tại sao lại đưa vào một văn bản về chuyện điều chuyển GS TS Nguyễn Văn Hiệp? Không lẽ người soạn văn bản lơ đễnh đến mức lạc đề như thế? Nhưng nếu có thì hoàn toàn mâu thuẫn với đoạn mở đầu sau đây:

Viện Hàn lâm cho hay tháng 3/2020, trên cơ sở đánh giá thực tế 8 năm giữ chức vụ Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học của ông Nguyễn Văn Hiệp; lãnh đạo Viện Hàn lâm đã bước đầu trao đổi, đề xuất phương án điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiệp đến giữ chức vụ Viện trưởng tại một viện nghiên cứu quan trọng của Viện Hàn lâm có chức năng nhiệm vụ tương đồng, phù hợp với năng lực chuyên môn của ông Hiệp là GS.TS. Ngôn ngữ học; để tạo điều kiện cho ông Hiệp tiếp tục giữ chức danh lãnh đạo và có khả năng đóng góp được về mặt chuyên môn.”

Có ai điều động, bổ nhiệm một người bị kỷ luật giữ chức vụ Viện trưởng tại một viện nghiên cứu quan trọng hay không? Mà có quy định nào bị kỷ luật ở mức khiển trách thì phải điều chuyển hay không?

Uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vốn thấp. Cái văn bản lần này của Viện làm cho uy tín của Viện còn xuống thấp hơn nữa.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam sợ rằng thông tin sai lạc sẽ làm hại cho uy tín của Viện! Điều đó không đúng: không ai có thể làm hại uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho bằng chính các vị lãnh đạo Viện này. Và chính thông tin đúng sự thật sẽ là khởi đầu cho việc xây dựng lại uy tín của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.