28 avril 2020

Mảnh vá lạc lõng


Nguyễn Đình Cống



Chiều ngày 26/4, nghe bài của ông Nguyễn Phú Trọng trên VTV1 về chuần bị nhân sự cho ĐH 13 mà buồn cười. Nhưng để có ý kiến tôi phải tìm đọc lại toàn văn được đăng trên mạng. Đọc xong bài khá dài, khoảng 6 ngàn chữ, tôi tạm xếp nội dung thành 3 phần. Khoảng 85% là những điều rất đúng, rất hay, nhưng chẳng có ích lợi gì. Vì sao ?. Vì rằng những điều đó là chép lại từ nguyên lý, từ sách vở và rất nhiều khẩu hiệu, chẳng có gì mới. Mọi người có trình độ bình thường đều hiểu rõ, đều đã thuộc lòng những điếu đó. Đọc, nghe những điều như vậy nhiều người phát chán nghĩ tới câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Khoảng 10% là những gán ghép, rác rưởi. Khoảng 5% là những thứ độc hại, chứa đựng những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học như tôi đã nhiều lần bàn đến.


 Tôi liên tưởng bài của ông Trọng như một tấm áo bào cũ nát, được vá víu chằng đụp bằng nhiểu mảnh vải hổ lốn to nhỏ, dày mỏng khác nhau, trong đó có vài mảnh sặc sở màu sắc, nhưng rất lạc lõng. Xin kể ra một mảnh như vậy. Đó là câu lẫy Kiều : “Khen cho con mắt tinh đời. Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Ông Trọng dùng câu này để nói về việc đánh giá, giới thiệu, lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác mà lựa chọn cán bộ.

 Hỏi trong ĐCSVN bao nhiêu đảng viên có con mắt tinh đời. Trong số họ, phần đông mắt đã bị mờ đục bởi quyền lợi vật chất, một số ít tuy còn có đầu óc biết suy nghĩ, có con mắt biết nhìn, nhưng đầu đã bị xiết bởi vòng kim cô Mác Lê, mắt đã bị bịt bởi tấm kính Mác Lê. Có còn đâu con mắt tinh đời để nhìn thấy anh hùng giữa trần ai. Qua tấm kính Mác Lê thì anh hùng giữa trần ai biến thành kẻ thù địch mất rồi.

Đường lối cán bộ của ĐCSVN không nhằm tìm được anh hùng giữa trần ai mà chủ yếu tìm bọn cơ hội có nhiều mưu mô đã chui được vào quy hoạch cán bộ. Vì vậy dùng con mắt tinh đời (nếu có) để tìm anh hùng giữa trần ai là mâu thuẩn với đường lối cán bộ ĐCS. Miếng vá có màu sắc “Con mắt tinh đời…” quả là rất lạc lõng trên tấm áo rách nát.

Bài viết dài lê thê của ông Trọng về chuẩn bị cán bộ cho ĐH 13 thể hiện ý muốn nói dài, viết dài để phô trương  sự hiểu biết hạn hẹp và lệch lạc, để tạo cơ hội cho những kẻ xu nịnh tán dương và để cho những người có hiểu biết đàm tiếu.