08 août 2020

Nhân sự ở Bắc Ninh, bỏ qua dư luận khi 'cái tôi' quá lớn

Ông Nguyễn Nhân Chinh nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Bắc Ninh cách đây 15 ngày - Ảnh: bacninh.gov.vn
Đảng ta chưa có quy định cụ thể chuyện bổ nhiệm hay không bổ nhiệm người nhà ở mức nào thì được hoặc không được, nhưng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhắc nhở việc bố trí người kiểu “con ông cháu cha”. Sau đại hội toàn quốc lần thứ 11 và 12, vấn đề nhức nhối này những tưởng sẽ được tự rút kinh nghiệm.


Sau mấy ngày dư luận cả nước “dậy sóng” chuyện ông bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh điều con trai “một phát” không qua bầu bán lên làm bí thư Thành ủy Bắc Ninh xem ra không bình thường, sáng nay (6.8), Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh lại công bố thay đổi nhân sự vị trí nói trên, điều ông Nguyễn Nhân Chinh, vừa ngồi chưa ấm chỗ, nay sang làm Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua câu chuyện nói trên đã ít nhiều cho thấy tính hữu khuynh, nể nang trong một tập thể lãnh đạo địa phương thật tai hại khi tính chiến đấu của người đảng viên cộng sản hôm nay trước người đứng đầu, vì “cái tôi” quá lớn mà bất chấp dư luận, bất chấp cấp dưới. Người ta đặt dấu hỏi, nếu không có ý kiến từ trên Ban bí thư Trung ương Đảng, liệu rằng Bắc Ninh sẽ bỏ qua việc đó?

Hiện tượng “con ông cháu cha” lại xuất hiện khi cả nước đang tổ chức Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2021 và chuyện Bắc Ninh là một ví dụ rất mới .

Đại hội Đảng bộ thành phố Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 vừa được tổ chức từ 15 - 17.6, bầu ông Vương Quốc Tuấn là Bí thư Thành ủy. Vậy mà chỉ 1 tháng sau, vào ngày 22.7, Bắc Ninh đã lại thay đổi đến lạ lùng khi chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh Đoàn thay chỗ ông Tuấn, do ông Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Dư luận sẽ hỏi vì sao Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh không đưa ông Bí thư Tỉnh Đoàn tuổi trẻ tài cao về tham gia Đại hội để Đại hội bầu, mà phải làm cái điều bổ sung thay thế người vừa trúng cử kỳ quặc như vậy?

Liệu từ trước đến giờ đã khi nào Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh làm nhân sự đột ngột kiểu này, nhất lại là trường hợp một cán bộ trẻ mới 36 tuổi, lại ở vị trí nhạy cảm vì là con trai Bí thư Tỉnh ủy, mà đã giữ cương vị nói trên hoặc tương đương? Khi mà chỉ cần chờ thêm 2 tháng nữa, theo cơ cấu, vị trí này gần như đương nhiên có chân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Một chức vụ ít ai sau 8 năm được đứng trong hàng ngũ chính thức của Đảng mà đã có nổi như ông Chinh, nếu không có “bệ đỡ “là cha mình, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Vài năm qua, ông Chiến vốn đã bị nhiều điều tiếng khi trong bộ máy Đảng và chính quyền địa phương có rất nhiều người thân của Bí thư Tỉnh ủy nắm giữ, dù có những người trong số họ chỉ học tại chức.

Thực ra, ở tuổi 36 mà giữ cương vị tỉnh ủy viên thì cũng không phải là nhanh lắm so với nhiều con ông nọ bà kia trong cả nước. Song, với cái xem như đương nhiên sẽ đến theo cơ cấu - Bí thư Thành ủy sẽ là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, thì quả là… hơi nhanh nếu không nói là quá nhanh. Trừ phi anh ấy bộc lộ mình là một tài năng xuất sắc khi tỉnh này đang mỏi mắt tìm kiếm vẫn không ra nhân sự kế tục.

Bắc Ninh nói “đã làm đúng quy trình”, điều đó có thể họ có lý. Nhưng trong bối cảnh nhạy cảm trước Đại hội, khi đã xảy ra nhiều vụ cất nhắc kiểu “quan hệ, hậu duệ” diễn ra, thì việc này cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm.

Một người cha nếu muốn giữ uy tín sẽ không làm như vậy với con mình. Dù người con rất có tài, đã được chứng minh qua thực tế, thì cũng rất nên cân nhắc. Huống hồ với từng đó năm công tác, chưa được thử thách qua công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức cơ sở Đảng, chỉ thuần túy là một cán bộ phong trào, tốt nghiệp ngành cờ vua của thể thao, dù sau này có là thạc sĩ giáo dục, thì e rằng hơi khó làm giỏi nếu ít kinh nghiệm quản lý nhà nước.

Tại sao không cho anh ấy xuống thử thách dưới một đơn vị cơ sở nào đó thuộc loại khó khăn, bê bết nhất tỉnh để từ đó có lý do thuyết phục cá nhân đó là hoàn toàn xứng đáng? Từ đó sẽ rút về thành phố với cương vị này hoặc cương vị khác, thì chắc đã có ai thắc mắc gì.

Nếu như tìm được người trẻ, đã qua nhiều thử thách cực kỳ khó khăn và đã ghi dấu ấn nhất định cho địa bàn đó, được các cấp sở, ngành và được chính người dân đánh giá cao, đủ uy tín trước khi nhận nhiệm vụ mới thì quá tốt. Nhưng nếu như anh chỉ bình thường, không có gì nổi trội thì việc chỉ định vào vị trí đó sẽ thiệt thòi cho địa phương, địa phương sẽ không phát triển tốt hơn, nhanh hơn.

Trong một vài đại hội các cấp từ trung ương xuống cơ sở cả chục năm qua đâu phải chưa từng xảy ra những trái “tưởng là đỏ mà đâu đã chín” chỉ vì họ là con ông cháu cha. Vì cái mác đó, họ được cất nhắc một cách không bình thường, gượng gạo.

Kiểu như có anh chỉ mới là cấp phó một trường đại học, trượt cấp ủy địa phương với số phiếu rất thấp, thế nhưng vẫn được giới thiệu với Đại hội toàn quốc để rồi trúng Ủy viên dự khuyết Trung ương. Có anh trượt cấp ủy nhưng sau đại hội lại vẫn được Thường vụ Thành ủy nọ cử về quận tham gia lãnh đạo với tư cách thành ủy viên chỉ định. Có anh mới có 5 - 6 tuổi Đảng nhưng đã trúng Ủy viên dự khuyết Trung ương. Có anh chỉ 8 năm công tác nhưng đã ngồi lên chức giám đốc sở quan trọng của một tỉnh. Có anh chỉ với vài năm công tác trong cơ quan nhà nước, vừa được thi công chức mà đã leo lên làm phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp cực khủng có giá trị nhiều tỉ đô la, được đại diện cho phần vốn nhà nước ....

Tất cả chỉ vì họ là con của các lãnh đạo cấp cao trên ”thượng tầng”, hoặc người đứng đầu tỉnh hoặc bộ có doanh nghiệp to vật vã nọ lại đang trong kế hoạch cổ phần hóa và sẽ thoái vốn nhà nước để trở thành doanh nghiệp tư nhân... thì mới có thể có những đặc cách khó hiểu như thế. Và trong thực tế, rất nhiều trong số này đã tự... rụng bởi chín ép.

Chỉ bấy nhiêu ví dụ, lẽ ra cũng đủ để ông Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh tỉnh táo, biết điểm dừng và tự soi mà rút kinh nghiệm không nên đi theo vết xe cũ của các đồng chí mình, cấp trên mình, ngày nào họ từng như vậy để rồi những điều tiếng để lại cho đời đến nay vẫn chưa phai...

Bài học nhãn tiền từ những ví dụ nói trên, đó là “những trái chín ép thường sống, sượng, không ra gì“. Người đời sẽ lấy nó làm bài học cho việc “nhồi nhét” người thân vào bộ máy nhà nước khi chưa xứng đáng, và vì thế vô tình chính họ đã làm hại con mình.

Chỉ có những ai cố tình vì “cái tôi“ trong họ, bất chấp dư luận xã hội hoặc biết mình đang chuẩn bị “hạ cánh” nên khỏi cần ý tứ gì nữa, thì họ mới dám liều làm nổi mấy chuyện đó. Một bài học quá buồn cho tất cả mọi người mà sao có những vị lãnh đạo không học hoặc cố không muốn nhớ để tự răn mình?

Họ làm như thế khác nào đang tự gây tiếng xấu cho chính mình và con cái. Phải chăng cũng có thể họ biết đây cũng là “buổi hoàng hôn nhiệm kỳ”, sắp mãn nhiệm nên cố làm thêm “chuyến tàu vét”?

“Chiếc áo” mà con các vị đó đang mặc liệu có quá rộng để rồi có lúc phải trả lại cho người khác thực tài hơn? Trong thực tế cũng đã có trường hợp khi người cha nghỉ thì con vị đó cũng trượt khóa sau.

Một xã hội muốn bứt phá và phát triển, người ta luôn luôn cần những người tài giỏi thực thụ gánh vác việc nước và cũng đâu câu nệ chuyện già hay trẻ. Nói thực, dân tộc này đâu có ghét bỏ ai miễn là họ sẽ làm tốt dù có “cha truyền con nối”...

Ngày xưa, Quang Trung Hoàng đế (1753-1792) là một trong những vị tướng lĩnh quân sự trăm trận trăm thắng suốt chặng đường dài 20 năm cầm quân đánh Nam dẹp Bắc trước khi lên ngôi Hoàng đế nước Đại Việt. Thế nhưng ông không hề là “con ông cháu cha" được truyền ngôi báu mà do thế nước cần đến ông.

Không những vậy, ông còn là một nhà cai trị tài giỏi, nhà ngoại giao kỳ tài trước một nhà Thanh đầy sức mạnh và cũng cực kỳ mưu mô.

Ông đã đưa ra nhiều chính sách để cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử nước nhà. Ông là người quan tâm và thúc đẩy phát triển chữ Nôm để hy vọng dân tộc mình không bị Hán hóa. Tiếc rằng ông đã mất quá trẻ sau 3 năm ở ngôi Hoàng đế...

Vua Minh Mạng (1791-1840 ) là vị vua được truyền ngôi theo chế độ phong kiến nhưng lại được đánh giá là vị vua tài năng của Hoàng triều Nguyễn nước Đại Nam khi ông được làm vua ở tuổi 29. Với 21 năm trị vì đất nước, Minh Mạng đã làm được rất nhiều việc lớn dù cũng có những lúc sai lầm nhất định, nhưng dù thế nào thì vẫn được coi là vị vua kiệt xuất nhất của Hoàng triều Nguyễn.

Các vị vua đó đều được sử sách minh định rạch ròi, công bằng ghi lại do những đóng góp lớn lao của họ đối với đất nước.

Hôm nay, đất nước cũng vẫn cần người tài như vậy. Chuyện “con ông cháu cha“ nối dõi dù không còn ở chế độ này, song chúng ta luôn trân trọng nếu con em họ thực sự tài giỏi, thu phục lòng người bằng trí tuệ, bằng truyền thống gia đình, nếu họ xứng đáng được đứng ở cương vị lãnh đạo đất nước.

Ngược lại, nếu bổ nhiệm, đề bạt như “nhồi vịt”, như “gắn tên lửa” vào mình thì thật đáng buồn cho một đất nước mang tiếng là dân chủ, văn minh, hiện đại.

Đã có một vài trường hợp “con ông cháu cha” của mấy nhiệm kỳ đại hội gần đây, không nhiều nhưng cũng đủ để lại điều không hay cho Đảng ta. Dư luận sẽ nghĩ rằng chúng ta nói và làm chưa đi với nhau. Bởi thực tế, có một số người lại không hề xứng đáng có được vị trí đó thì khác nào chính cha chú họ đã và đang làm hại con, cháu của mình.

Và đất nước vì vậy cũng sẽ khó vươn xa, vươn cao vì không có hiền tài giúp nước, do những người chưa xứng đáng luôn choán chỗ của người có thực tài. Đã đến lúc chúng ta nên coi đó như một mối nguy của dân tộc, của chế độ và cần nghiêm khắc loại trừ. Chỉ có như vậy, đất nước ta mới có người thực tài lãnh đạo và đương nhiên, tương lai đất nước chắc chắn sẽ sáng sủa hơn trong bước đường phát triển để sánh vai với các cường quốc năm châu nếu có nhiều người tài được trọng dụng.



06/08/2020
Quốc Phong