14 août 2020

TT Trump vi hiến khi ký sắc lệnh trợ cấp $400 tiền thất nghiệp?


Mai Phi Long/Người Việt
Aug 11, 2020 

Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh trợ cấp thất nghiệp hôm 8 Tháng Tám. (Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)
WESTMINSTER, California (NV) – Ngày Thứ Bảy, 8 Tháng Tám, Tổng Thống Donald Trump (Cộng Hòa) ký sắc lệnh trả $400 tiền trợ cấp thất nghiệp, trong đó $300 tiền liên bang, $100 của tiểu bang.
Hành động này của ông bị chỉ trích là qua mặt Quốc Hội.
Bà Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), chủ tịch Hạ Viện, gọi việc ký sắc lệnh của tổng thống là vi hiến.
Thượng Nghị Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska) tuyên bố đây là trò vi hiến vụng về, và gởi ra tin nhắn: “Thưa tổng thống, tôi biết ông đang tức giận, nhưng không có một vị tổng thống nào có quyền tự mình viết luật di trú hay giảm thuế hoặc tăng thuế.”

Trong việc ký sắc lệnh tài trợ $400 nêu trên, tổng thống có vi hiến như tố cáo của bà Pelosi và ông Sasse hay không?

Hiến Pháp nói gì?
Hiến Pháp Hoa Kỳ, Chương 1, Điều 7, Khoản 1, quy định, dự luật liên quan thu chi ngân sách phải xuất phát từ Hạ Viện, nhưng Thượng Viện được đề nghị hoặc đồng ý qua những tu chính bằng những dự luật khác.
Quy định trên được tóm gọn lại một cách đơn giản là chỉ có Quốc Hội, tức nhánh Lập Pháp, có quyền huy động ngân sách.
Hiến Pháp Hoa Kỳ, Chương 1, Điều 9, Khoản 7, quy định, chỉ Quốc Hội có quyền làm luật để chuẩn chi tiền.
Như vậy, Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định rõ việc “cho phép xài tiền” (chuẩn chi) là quyền của lập pháp. Sau khi, Quốc Hội định một khoản ngân sách (Appropriation Clause) để chi tiêu, Bộ Tài Chính mới xuất khoản ngân sách đó cho hành pháp sử dụng.

Chính phủ chỉ “phát tiền” của dân do Quốc Hội chuẩn chi
Thí dụ, hồi Tháng Ba, Quốc Hội thông qua Đạo Luật Cares Act trị giá $2,000 tỷ. Đây là con số được Thượng Viện và Hạ Viện thảo luận và chuẩn thuận, kèm với những điều khoản tiêu xài hoặc sử dụng ra sao, thí dụ như cung cấp thêm khoản tài trợ của liên bang $600/tuần cho mỗi người thất nghiệp, từ Tháng Ba đến hết Tháng Bảy, vị chi là bốn tháng.
Chính phủ liên bang, tức là hành pháp, qua Bộ Tài Chính, rót tiền xuống từng tiểu bang tùy theo hoàn cảnh riêng biệt, như tiểu bang A có một người thất nghiệp, người này được liên bang tài trợ bốn tháng, tức là 16 tuần. Liên bang sẽ rót về tiểu bang A số tiền $600 x 16 tuần. Còn tiểu bang B, có 10 người thất nghiệp, thì số tiền sẽ nhân lên theo con số thích hợp.
Như vậy, chính phủ có nhiệm vụ là “phát tiền do Quốc Hội đã chuẩn chi” (tiền này là thuế của dân Hoa Kỳ) và phải phát theo quy định của Đạo Luật Cares Act, do Quốc Hội soạn thảo và thông qua.
Tổng thống có quyền phủ quyết hay ký chuẩn thuận. Ông có thể điều đình vài điều khoản với Quốc Hội trước khi ký hoặc phủ quyết. Nhưng tổng thống (tức là hành pháp) không phải là bên đưa ra hay soạn thảo dự luật, vì không có quyền làm việc đó.
Rõ ràng, khoản tiền của ngân sách được Quốc Hội chuẩn chi, là tiền thuế của dân đóng góp, nên từ xưa đến nay, không có bất kỳ vị tổng thống nào ký tên vào những tấm chi phiếu từ ngân khố tài trợ cho dân chúng, thí dụ như ngân phiếu tiền trợ cấp an sinh xã hội.
Chữ ký trên những tấm ngân phiếu trả cho các khoản trợ cấp xã hội, được một nhân viên của văn phòng chuyên trách những chi trả của chính phủ ký, để bảo đảm tất cả các ngân phiếu này không mang tính chính trị đảng phái.
Kết luận: Qua phần trình bày trên, Đạo Luật Cares Act do Quốc Hội, chứ không phải tổng thống, quyết định.

$400 từ sắc lệnh lấy từ nguồn nào?
Do đó, khi tổng thống ký sắc lệnh trợ cấp $400/tuần, thì điều đầu tiên cần phải làm rõ đó là số tiền này lấy từ đâu? Vì hành pháp không có quyền huy động ngân quỹ để chi thu.
Tuy nhiên, sắc lệnh của Tổng Thống Trump cũng có thể không phải là một tấm ngân phiếu khống, thiếu tiền bảo chứng.
Nếu trong mức ngân sách của chính phủ mà Quốc Hội chuẩn chi trước đó có một khoản tiền chưa dùng thì sao?
Các nhà phân tích ngân sách cho biết, có một quỹ khoảng $44 tỷ, dành riêng dùng trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh.
Tổng Thống Trump có thể dùng ngân quỹ trên để trả cho hứa hẹn $400 của ông.
Dù tổng thống giữ được lời nói, với con số hơn 30 triệu người Mỹ thất nghiệp, số tiền trên sẽ “bốc hơi” nhanh chóng, trong từ hai đến ba tuần lễ, hoặc là nhanh hơn nữa nếu bệnh dịch không giảm bớt.
Tuy nhiên, cần nhớ là số tiền $44 tỷ đó được quy định dùng trong trường hợp khẩn cấp của luật ngân sách, mà đã được Quốc Hội thông qua trong năm trước đó, như là phải thu gom hàng hóa y tế, thực phẩm thiết yếu hoặc dự trữ nhiên liệu…
Dù hành pháp có thể nại cớ tình trạng suy thoái kinh tế là khẩn cấp, nhưng việc sử dụng khoản ngân quỹ trên vẫn không phù hợp với luật ngân sách mà Quốc Hội chuẩn chi trước đó.

Nhưng, sau đó ra sao?
Nếu bất chợt một trận động đất lớn xảy ra? Một cơn bão như Katrina, Harvey, Maria? Bệnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh hơn nữa? Hay chiến tranh xảy ra?
Số tiền $44 tỷ khẩn cấp không còn nữa, chuyện gì xảy ra cho an ninh quốc gia, cho tính mạng và sự an toàn của người dân Mỹ?
Quốc Hội cần thời gian để đưa ra dự luật chuẩn chi ngân quỹ, mà chuyện khẩn cấp thì gấp rút.
Như vậy, vận mệnh quốc gia và sinh mạng người dân có phải là ván bài để “double down” cho toan tính chính trị? [đ.d.]
——————–
Tham khảo:
https://history.house.gov/institution/origins-development/power-of-the-purse/
https://constitutioncenter.org/interactive-constitution/interpretation/article-i/clauses/756
https://www.law.cornell.edu/constitution-conan/article-1/section-9/clause-7
https://www.washingtonpost.com/politics/coming-to-your-1200-relief-check-donald-j-trumps-name/2020/04/14/071016c2-7e82-11ea-8013-1b6da0e4a2b7_story.html
https://fortune.com/2020/08/10/extra-unemployment-benefits-trump-executive-order-coronavirus-stimulus-covid/
https://www.wsj.com/articles/trumps-executive-orders-11597010036?mod=opinion_lead_pos1