11 août 2020

''Sa hoàng'' Tập Cận Bình tứ bề thọ địch trong mùa Covid-19

Vương Thuyên
Lời đầu


Nếu Đặng Tiểu Bình còn sống, chắc ông không hài lòng về chính sách thách thức thế giới của Tập Cận Bình (TCB). Trước khi đi chầu hai ông Các-Mác năm 1997, ông Đặng để lại di sản cho đàn em với hai phương châm bất hủ là ''Bất quản mèo trắng hay đen, mèo tốt là mèo bắt được chuột'' và  ''thao quang dưỡng hối'' hay giấu mình chờ thời. Nếu phương châm thứ nhất được Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, thậm chí TCB áp dụng triệt để với kết quả đưa Trung Quốc (TQ) trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới bỏ xa Nga Sô và Ấn Độ, chỉ thua Hoa Kỳ. Trái lại, phương châm thứ hai ''giấu mình chờ thời'' thì TCB không những không nghe lời dạy bảo mà còn quay mặt làm ngược lại vì quá hấp tấp muốn thực hành ''giấc mộng TQ'' hay nôm na nóí muốn làm ''bá chủ hoàn cầu''. 

Danh sách liệt kê sự kiện quá dài kể từ  khi Tập Cận Bình trở thành nhân vật ''số 1'' của chế độ năm 2013. Về đối nội, họ Tập lần lượt loại các đối thủ Châu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Tôn Chính Tài, tự phong ''hạt nhân'' của chế độ, sửa đổi Hiến pháp về tuổi tác để ở lại vĩnh viễn, đưa ''tư tưởng'' cá nhân vào Hiến pháp, siết chặt thông tin, truyền thông, đưa cả triệu người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) vào các trại lao động cải tạo lại trâng tráo nói để ''học nghề'' rồi làm tuyệt sinh sản phụ nữ của họ
Về đối ngoại, TCB lựa chọn chính sách hiếu chiến. Từ đầu năm 2019, họ Tập làm khiêu khích ở Hongkong với luật dẫn độ, luật ''an ninh quốc gia'', hăm doạ Đài Loan bằng vũ lực, làm căng thẳng quan hệ với Úc, Gia Nã Đại, Anh quốc, gây hấn chiến tranh biên giới với Ấn Độ sau nhiều thập niên án binh bất động, thách thức Hoa Kỳ và một số nướ́c ASEAN ở Biể̉n Đông. Cuối cùng là đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán vào cuối năm 2019 mà Bắc Kinh chậm trễ thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thậm chí che giấu với hậu quả làm cả chục triệ̣u người mắc nhiễm và nhiều trăm ngà̀n người tử vong trên thế giới [1] chưa nói đến hệ quả làm cả hàng trăm triệu người thất nghiệp, làm kinh tế thế giới chao đảo và làm xáo trộn cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Đại dịch cũng làm quần chúng trong nước phẫn nộ về cách điều hành độc đoán, làm kinh tế nội địa xuống dốc chưa từng thấy mang theo nạn thất nghiệp trầm trọng và làm một số nước chuyển xí nghiệp sang các nước lân cận hoặc đóng cửa hay rút về nước. Hậu quả về chính trị còn khó đo lường.

Chính sách gieo gió, gieo dịch của TCB tất nhiên phải gặp phong ba bão táp và phản đối mà hậu quả là TQ của TCB phải đương đầ̀u với ''tứ bề thọ địch'''. 

I- Thách thức ở Hong kong và Đài Loan

Đầu tháng giêng 2019, TCB nhân dịp ''chúc mừng năm mới'' ngang ngược gửi ''tối hậu thư'' cho người dân Đài Loan nói rằng họ có hai cách lựa chọn: một là thống nhất trong hoà bình theo mô hình ''một nước, hai chế độ '' đã áp dụng ở Hongkong từ tháng 7-1997, hai là thống nhất bằng vũ lực!. Tập Cận Bình không dự đoán là sáu tháng sau dân chúng Hongkong hoàn toàn bác bỏ mô hình này với lý do là Bắc Kinh không ngừng xén gọt quyền tự do dân chủ cơ bản mà họ đã ký với chính quyền Anh quốc theo đó người dân Hongkong vẫn tiếp tục hưởng quyền tự trị cao trong 50 năm. Đạo luật dẫn độ là giọt nước tràn ly mà người dân Hongkong không thể chấp nhận. Đạo luật này nếu được thông qua sẽ cho phép Bắc Kinh đưa phạm nhân về lục địa xử tội. Tiếp theo đó, hàng triệu người dân Hongkong xuống đường đòi chính quyền của bà Carrie Lâm huỷ bỏ luật dẫn độ. Sau nhiều tháng do dự, chính quyền Hongkong cuối cùng tuyên bố huỷ bỏ luật dẫn độ trong tháng 9 nhưng người dân Hongkong lại đòi phải trừng phạt những hành vi thô bạo của cảnh sát đối với người biểu tình cũng như đòi phổ thông đầu phiếu đại biểu Hội đồng Lập Pháp và trưởng khu hành chính của đảo. Trong kỳ bầu cử Hội đồng lập pháp cấp quận ngày 24-11-2019, người dân Hongkong ồ ạt tham gia đi bầu với tỷ lệ 71% so với 47% năm 2015 và họ chiến thắng vẻ vang chiếm 392 trên 452 ghế của 17 trên 18 quận. Lại thêm một thất bại lớn cho lãnh đạo Bắc Kinh vì họ tin rằng ''đa số thầm lặng'' sẽ xuất hiện sau nhiều tháng xung đột ngày càng bạo lực. 

Rồi Viruscorona phát xuất từ Vũ Hán vào cuối năm 2019 làm những cuộc biểu tình tạm đình chỉ. Bắc Kinh lợi dụng tình hình tạm yên ổn để ''nặn'' ra một đạo luật khác tinh vi và kinh tởm hơn. Đó là đạo luật ''an ninh quốc gia'' hay là luật cấm biểu tình, cấm chi trích chính phủ vv.. theo đó người phạm tội có thể bị tù đến chung thân. Luật này được Quốc hội Bắc Kinh cho thông qua trong tháng 5-2020 và có hiệu lực vào cuối tháng 6. Liền ngay sau đó, chính quyền Hongkong bắt nhiều thủ lãnh sinh viên, cho truy lùng một số khác đang trốn tránh ở nước ngoài và loại trừ 12 ứ́ng cử viên đối lập với lý do hàm hồ trước khi cho hoãn ngày bầu cử Hội đồng Lập phá́p dự trù trong thá́ng 9 này vào năm tới, viện cớ lý do dịch Covid-19. Bắc Kinh biết rõ rằng nếu bầu cử diễn ra như quy định, phía đối lập dân chủ có thể chiếm đa số ghế ở Hội đồng Lập pháp như họ đã vẻ vang chiến thắng ở Hội đồng cấp quận hồi tháng 11-2019. Mục tiêu của Bắc Kinh là phải loại trừ hết các ứng cử viên đối lập từ đây đến năm tới. Lấy cớ dịch Covid-19 để hoãn bầu cử không thuyết được ai vì trước đó nhiều nước trên thế́ giớ́i đã cho dân đi bầu như ở Ba Lan, Pháp, Singapore, Hàn quốc và Islande. Vả lại, Hongkong chỉ có 243 người tử vong. Cộng đồng quốc tế phản ứng mãnh liệt. Hoa kỳ tuyên bố chấm dứt chế độ ưu đãi mà Hongkong được hưởng từ năm 1984 về thương mại và du lịch. Thượng viện Mỹ còn thông qua dự luật ngày 25-6 về việc trừng phạt cá nhân (đứng đầu bà Carrie Lâm và đại diện Văn phòng Liên lạc TQ Lạc Huệ Ninh) và công ty chính phủ TQ có liên quan với việc hạn chế quyền tự trị ở Hongkong. Năm nước Gia Nã Đại, Anh quốc, Úc, Tân Tây Lan, Đức lần lượt đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hongkong.

Về Đài Loan, lời tuyên bố hung hăng của TCB vào đầu năm 2019 và tình hình sôi động ở Hongkong giúp bà TT Thái Anh Văn tái cử vẻ vang vào đầu năm 2020 mà trước đó không một ai tin tưởng sau cuộc thảm bại trong lần bầu cử địa phương năm 2019.

Trong các buổi tranh luận với các đối thủ, bà Thái không ngừng nhấn mạnh mô hình ''một nước, hai chể độ'' là bất khả thi vì 90% người dân Đài Loan bác bỏ, hay khi bà nói ''độc tài và dân chủ không thể sống cùng chung một nước''. Bà ngụ ý muốn nói Đài Loan là một nước tự do dân chủ không thể ''thống nhất'' với chế độ độc tài đảng trị của lục địa. Những lập luận sắc bén này giúp bà vượt xa đối thủ QDĐ ông Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), người được cho là ''ứng cử viên'' của Bắc Kinh.

Tiếp theo đó, Bắc Kinh trả đũa đưa tàu chiến tập trận với đạn thật gần vùng eo biển Đài Loan, cho  phi cơ chiến đấu và .phi cơ ném bom vi phạm không phận Đài Loan nhằm hù doạ xứ này.

Những thất bại liên tục ở Hongkong và Đài Loan làm TCB trở nên ngày càng hung hăng và theo đó phạm sai lầm lớn.

II- Khiêu khích với Gia Nã Đại, Úc, Anh và Ấn Độ, bốn nước đồng minh của Hoa Kỳ

Trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2019, quan hệ giữa TQ và bốn nước nói trên ở vào mức quan hệ bình thường dù không khăng khít. Khi đại dịch bùng nổ thì quan hệ trở nên cực kỳ căng thẳng. Vì sao và lỗi về ai?

1- Với Gia Nã Đại

Với Gia Nã Đại (GNĐ) của thủ tướng Justin Trudeau, TCB làm khiêu khích bằng cách ra lệnh cho toà án kết tội tử hình, ngày 19-6-2020, ông Robert Lloyd Schellengberg về tội ''buôn ma tuý'', một công dân GNĐ dù ông đã bị toà án xử phạt 15 năm tù năm 2018. Tội này có thể bị hành quyết như TQ đã từng làm trước đó đối với một người Anh và bốn người Nhật. Trước đó, Bắc Kinh lại bắt hai công dân khác của GNĐ và cáo buộc họ tội làm ''gián điệp''. Đó là hai ông Michael Kovrig, nguyên một nhà ngoại giao và ông Michael Sparvor, một nhà tham vấn. Hai người này hoàn toàn bác bỏ việc vu khống này. Tại sao quan hệ giữa hai nước bất thần căng thẳng như thế? Lý do là TCB muốn trả đũa về việc bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhu), giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) bị Hoa Kỳ nhờ chính quyền GNĐ bắt ngày 1-12-2018 tại Vancouver. Bà Mạnh (lấy họ mẹ) là con gái của ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), chủ tịch tập đoàn Hoa Vi, một tập đoàn có quan hệ thân gần với quân đội giải phóng nhân dân TQ. Người ta còn thấy hình ông Nhậm đứng cạnh TCB trong một buổi lễ tiếp tân. Bà Mạnh bị Hoa Kỳ cáo buộc nhiều tội danh như rửa tiền, lừa đảo ngân hàng, đánh cắp bí mật thương mại và che đậy hãng này làm ăn với Iran, một nước bị Mỹ cấm vận. Hoa Kỳ yêu cầu GNĐ cho phép dẫn độ bà Mạnh sang Hoa Kỳ để xử. Trong khi chờ đợi GNĐ chấp thuận, bà Mạnh được tại ngoại và bị cấm di chuyển. 

TCB muốn răn đe ông Trudeau nên có hành động khiêu khích vụng về này.

2- Với Úc

Với Úc, quan hệ giữa hai nước bắt đầu trục trặc khi ông Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), người Úc gốc Hoa bị TQ bắt vào tháng giêng 2019 khi ông đang du lịch nước này và bị cáo tội làm ''gián điệp''. Ngoại trưởng Úc nhiều lần can thiệp với người đồng cấp Vương Nghị (Wang Yi) nhưng không kết quả. Tháng 2-2019, Canberra trả đũa xoá bỏ tư cách định cư đối với ông Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một tỷ phú người TQ. Ông Hoàng định cư ở Úc từ năm 2011 và đầu tư nhiều tỷ Úc trong nhiều lãnh vực. Ông Hoàng bị Úc cáo buộc can thiệp vào nội bộ nước Úc bằng cách hối lộ các đảng phái chính trị và mua chuộc các chính trị gia nước này. Mọi người nghĩ rằng  đó cũng chỉ là một sự cố thường xảy ra trong quan hệ ngoại giao quốc tế. Rồi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng khi thủ tướng Úc ông Scott Morrison kêu gọi, giữa tháng 4-2020, tổ chức một điều tra quốc tế để làm rõ nguồn gốc và sự lây lan của Covid-19 phát xuất từ Vũ Hán. Tại đại hội của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 5 ở Geneva, lời kêu gọi của Úc được Liên hiệp Âu châu và 62 nước khác ủng hộ trong đó có nhiều lớn như Ấn Độ, Nga, Brazil, Indonéxia, Nhật. Đó là một đòi hỏi thích đáng hợp lý trước cả trăm ngàn người tử vong và cả chục triệu người mắc nhiễm trên thế giới. Thay vì đáp trả lịch sự, Bắc Kinh qua đại sứ TQ tại Canberra Thành Cảnh Nghiệp (Cheng Jingye) hăm doạ Úc bằng những phát ngôn sỗ sàng thiếu ngoại giao. Ông này kêu gọi tẩy chay ngành du lịch và nông nghiệp của Úc. Liền ngay sau đó, Bắc Kinh cấm nhập khẩu thịt bỏ và tăng áp thuế 80% lúa mạch của Úc vào thị trường TQ kể từ ngày 19-5 và trong thời hạn 5 năm. Không nên quên rằng quan hệ thương mại giữa hai nước lên đến 235 tỷ đô la Úc hay 163 tỷ $ Mỹ và TQ là đối tác thương mại lớn nhất của Úc vào giữa năm 2019. Vẫn chưa hết. TQ còn khuyến cáo người TQ tránh sang du lịch xứ này và khuyên sinh viên TQ cân nhắc về việc chọn du học ở Úc. Những động thái này được xem là một sự đe doạ về kinh tế và ngành giáo dục quốc tế của Úc. Chỉ riêng ngành giáo dục quốc tế, thu nhập mang lại hàng năm 26 tỷ $ Mỹ cho các đại học Úc trong đó thu nhập từ sinh viên TQ chiếm một phần lớn.

Trước những hành động khiêu khích trắng trợn của Bắc Kinh, thủ tướng Úc Scott Morrison cương quyết đáp trả không nhân nhượng. Ông tuyên bố: ''Nước Úc sẽ không đánh mất giá trị hay khuất phục trước sự chèn ép từ TQ''. Hành động tiếp theo lời nói, ông lấy quyết định:

-Đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hongkong sau khi Bắc Kinh cho thông qua luật ''An ninh quốc gia''  với lý do là luật này làm thay đổi căn bản tình hình ở đặc khu hành chính này,

-Gia hạn visa thêm 5 năm cho 10.000 sinh viên và người lao động có tay nghề đang sống và có thể trở thành thường trú sau đó như chính phủ Anh đã tuyên bố trước đó,

-Tố cáo ngày 19-6 một ''tác nhân nhà nước'' tấn công tin học (cyberattaque) vào nước Úc (dù không nêu tên nhưng ai cũng hiểu là TQ),

-Tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước có hiềm khích với TQ (bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn Đô và Úc hợp thành nhóm đối thoại an ninh còn gọi là Quad. VN, Hàn quốc và Tân Tây Lan được mời tham dự ở các buổi họp hàng tuần), 

-Đưa 5 tàu chiến tập trận với Mỹ và Nhật ở Biển Đông trong tháng 7 (Ấn Độ vừa mời Úc tham gia tập trận hải quân thường niên vào cuối năm).

-Gửi công hàm ngày 23-7 lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của TQ tại Biển Đông như Hoa Kỳ và nhiều nước ASEAN trong đó có VN đã làm trước đó (phủ nhận công hàm của TQ gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 12-12-2019). 

Cuộc ''chiến'' không nhân nhượng giữa hai nước chưa biết sẽ đi về đâu nhưng hậu quả khó đo lường Điều chắc chắn là nước Úc của ông S.Morrison sẽ cùng sát cánh với đồng minh Quad ngăn chặn ý đồ phi pháp của TQ ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Cũng như ở GNĐ, nếu TCB biết xử trí khôn ngoan chắc chưa đến nỗi nào.

3- Với Anh Quốc

Dưới thời thủ tướng Anh David Cameron, quan hệ Trung-Anh được ví như thời kỳ ''vàng son'' qua chuyến viếng thăm chính thức nước Anh của TCB trong tháng 10-2015. Nước Anh của D.Cameron không ngần ngại trải thảm đỏ tiếp đón TCB như một ''Sa hoàng''. Người ta thấy TCB cùng Nữ hoàng Elizabeth II ngồi trên xe kiệu chào đón quần chúng đứng hai bên đường phố. Buổi yến tiệc thết đãi TCB và phu nhân Bành Lệ Viện (Peng Liyuan) diễn ra ở cung điện Buckingham của Nữ hoàng với 170 quan khách sang trọng. Người ta còn thấy hai lãnh tụ ngồi uống bia ngoài phố như hai người bạn tâm giao. Anh quốc mở rộng thị trường cho TQ vào đầu tư. Trong bốn ngày viếng thăm, TCB ''đáp lễ'' ký một ngân phiếu 40 tỷ € trong đó có thiết bị một nhà máy điện hạt nhân và hệ thống điện thoại di động 5G. Với thời gian, trưng cầu dân ý Brexit đưa D. Cameron rời khỏi chính trường và quan hệ giữa hai nước bớt nồng ấm cho đến khi Covid-19 đột ngột phát xuất từ Vũ Hán. Boris Johnson, người cổ động Brexit lên cầm quyền. Cho đến tháng 4-2020, chưa thấy có dấu hiệu nào làm quan hệ hai nước sứt mẻ kể cả việc dân Hongkong xuống đường biểu tình trong nhiều tháng năm 2019 để phản đối luật dẩn độ do Bắc Kinh đề xướng và việc thủ tướng Boris Johnson phải nhập viện do Viruscorona gây ra. Rồi đến khi Bắc Kinh cho thông qua luật ''an ninh quốc gia'' áp dụng cho Hongkong trong tháng 5 thì tình hình trở nên sôi động. Đối với London, Bắc Kinh vừa vượt sang ''lằn đỏ'' với luật này. Hongkong là thuộc địa của Anh quốc sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất (1840-1842). Anh quốc sau đó buộc phải trao trả Hongkong cho TQ ngày 1-7-1997 sau khi hai nước đồng ý Hongkong sẽ tiếp tục được hưởng một quy chế tự trị cao trong 50 năm theo hệ thống ''một quốc gia, hai chế độ'' do sáng kiến của Đặng Tiểu Bình. Do quan hệ gắn bó gần 160 năm với Hongkong, chính phủ Anh không thể làm ngơ trước hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh nếu không sợ bị cáo buộc tội đồng loã. Chính phủ Anh, qua lời tuyên bố của ngoại trưởng Dominic Raab nói: ''TQ đã phá vỡ lời hứa với người dân Hongkong theo các điều khoản thoả thuận chuyển giao năm 1997'' và nói sẽ gia hạn visa 5 năm cho 350.000 người Hongkong mang hộ chiếu hải ngoại BNO (British National Overseas) và 2,6 trệu người khác có đủ điều kiện cư trú. Sau thời hạn 5 năm, họ có thể xin nhập quốc tịch Anh. Tiếp theo đó trong tháng 7, Anh quốc lên tiếng cảnh cáo TQ về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, nơi có cả triệu người Uyghurs bị nhốt trong các trại lao động cải tạo mà chính quyền TQ trâng tráo gọi trại ''học nghề'' trong khi phụ nữ bị cưỡng bức bị triệt sản hoặc phải đặt vòng tránh thai. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố: '' TQ vi phạm nhân quyền một cách kinh tởm và quá đáng đối với người Uyghurs và không loại trừ việc áp lệnh trừng phạt đối với những người có trách nhiệm trong việc này''. Ông Raab muốn ám chỉ ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), một uỷ viên Bộ Chính trị đương là bí thư tỉnh uỷ của khu tự trị này. Ngoại trưởng Raab còn nói Anh quốc sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ của Anh với Hongkong. Vẫn chưa hết. Thủ tướng B. Johnson lấy quyết định, ngày 14-7, loại trừ tập đoàn Hoa Vi ra khỏi hệ thống điện thoại di động của Anh theo chân Hoa Kỳ và Úc với lý do là hệ thống này tạo ra mối đe doạ an ninh quốc gia dù trước đó chỉ đưa ra biện pháp hạn chế. Việc loại trừ Hoa Vi sẽ có một ảnh hưởng lớn cho nhiều nước Châu Âu đang còn do dự. 

Từ một quan hệ ''vàng son'', TCB đã ''thành công'' đưa đến quan hệ chống đối. TQ nói sẽ trả đũa về những biện pháp của Anh đưa ra. 

4- Với Ấn Độ

Trung Quốc và Ấn Độ là hai xứ có đông nhất về nhân mãn trên thế giới. Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu khi TQ cho sáp nhập một phần lãnh thổ Aksai Chin của Ấn Độ sau chiến tranh biên giới đẩm máu năm 1962. Ấn Độ một mặt có tranh chấp biên giới với TQ và mặt khác với Pakistan ở Cashemire do di sản thuộc địa để lại. Quan hệ khăng khít giữa TQ và Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ càng làm tình hình thêm căng thẳng. Năm 1975, hai nước lại xung đột ở phía bắc hồ Pang Tso ở thung lũng sông Galwan với cao độ 4200 m, nơi vừa xảy ra cuộc đụng độ ngày 10-6-2020 làm 20 lính Ấn Độ tử vong. Trong một thời gian dài, tình hình giữa hai nước lắng dịu. Ấn Độ trở thành thành viên của tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS/SCO) năm 2001 và tổ chức BRICS do tên chữ viết tắt của 5 nước năm 2009 do TQ đề xướng [2]. Lại nữa, từ khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng Ấn Độ năm 2014, quan hệ giữa hai nước trở nên ''nồng ấm''. TCB viếng thăm chính thức Ấn Độ vào tháng 9-2014. Trong dịp này, TCB được thủ tướng Ấn Độ mời về thăm quê hương của ông ở Gurajat, một cử chỉ thân thiện thường dành cho thủ lãnh tâm giao. Ông N. Modi đáp lễ thăm TQ trong tháng 5-2015 và cũng được TCB mời về thăm quê hương của ông ở tỉnh Thiếm Tây. Tiếp theo sau đó, thủ tướng N.Modi trở lại thăm TQ vào tháng 4-2018 ở Vũ Hán. Những cuộc viếng thăm qua lại cho thấy quan hệ giữa hai nước trở nên bình thường dù hai nước vẫn còn hiềm khích về tranh chấp biên giới. Ngoài ra, Ấn Độ vẫn lo ngại ''trục Bắc Kinh-Islamabad'' và ngày càng xích gần lại Hoa Kỳ và đồng minh như việc bốn nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật và Úc thành lập nhóm đối thoại an ninh dưới tên Quad với mục tiêu làm đối trọng TQ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngược lại, Bắc Kinh vẫn xem Ấn Độ là nước đối thủ chiến lược trong vùng. Rồi người ta tự hỏi tại sao lại có cuộc gây hấn biên giới giữa hai nước ngày 10-6 trong khi các nước đang đương đầu chống dịch Covid-19? Một số quan sát viên cho rằng TQ muốn cảnh cáo Ấn Độ do lo ngại xứ này có thể noi gương một số nước khác đòi ''tính sổ'' TQ trong trách nhiệm Covid-19 ( nhóm G7 khởi kiện và đòi TQ bồi thường 6.000 tỷ $ hồi tháng tư năm này) và đồng thời muốn ngăn chặn vai trò Ấn Độ ngày càng lớn rộng trong khu vực Ấn Đô.-Thái Bình Dương và Biển Đông. 

Lại thêm một hành động thiếu suy tính của TCB.

III- Thách thức ở Biển Đông

Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tìm cách đối phó với đại dịch Covid-19 thì TQ lợi dụng cơ hội để bành trướng ở Biển Đông. Đúng là nước vừa ''gieo dịch'' vừa lợi dụng dịch!

Ngày 12-12-2019, TQ gửi công hàm lên LHQ khẳng định rằng TQ có ''chủ quyền lịch sử'' với hầu hết các đảo ở Biển Đông theo đường ''chín đoạn'' hay đường ''lưỡi bò'' do họ tự vẽ ra. Đường chín đoạn đã bị Toà trọng tài quốc tế bác bỏ, năm 2016, tính pháp lý do cựu TT Phi Luật Tân Benigno Aquino đứng ra kiện TQ và thắng. Các quần đảo hoặc hòn đảo mà TQ tuyên bố có ''chủ quyền'' bao gồm bốn quần đảo mà họ gọi là ''tứ sa'' là Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của VN), Trung Sa (bãi cạn Scarborough và bãi ngầm Macclesfield gần đảo Luzon của Phi Luật Tân mà TQ cướp lấy năm 2012) và Đông Sa, một hòn đảo tranh chấp với Nhật Bản (Nhật gọi Senkaku, TQ gọi Điếu Ngư). Hai bãi đá ngầm James Shoal của Mã Lai và Katuno Besar của Indonéxia cách xa Hải Nam TQ hơn ngàn dậm nhưng TQ vẫn cho là của họ. Thực tế là TQ chẳng có chủ quyền trên bất cứ quần đảo nào ở Biển Đông. Những đảo mà họ đang chiếm là do hành động ăn cướp biển.

Tiếp theo đó, TQ từ tháng 3-2020 cho thiết lập các ''trạm nghiên cứu đại dương'' trên đá Subi và đá chữ thập (Fiercy Cross) ở Trường Sa mà thực tế là thăm dò dầu khí và kim loại hiếm. TQ từ nhiều năm qua đã cho bồi đắp hai đá nhân tạo này với mục tiêu quân sự bằng cách xây cất một băng dài 3000 m cho máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hạ cánh. Song song đó, TQ điều tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) và nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 ngang ngược xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Mã Lai và VN nhằm bắt nạt các nước khu vực. Với VN, TQ vẫn để tàu Hải Dương tiếp tục xâm phạm EEZ của VN và hai lần đánh chìm tàu đánh cá VN gần đảo Hoàng Sa nhưng lại ngang ngược đổ lỗi tàu đánh cá VN ''đâm'' tàu tuần tra của họ. Năm 2017, TQ còn gây sức ép buộc công ty Repsol của Tây Ban Nha ngừng chỉ hoạt động thăm dò dầu tại vùng biển gần bãi Tư Chính. VN buộ̣c phải chấm dứt hợp đồng và phải bồi thường, theo nhà báo Bill Hayton, một tỷ $ cho Tây Ban Nha. Tháng 7-2020, Liên danh Rosneft VN lại huỷ bỏ hợp đồng khoan với Noble Corporation của Nga và cũng phải đền bù nhiều triệu đô $. Vẫn chưa hết. TQ còn ngang ngược tuyên bố ngày 18-4 thành lập hai quận ''Tây Sa'' và ''Nam Sa'' (tên gọi Hoàng Sa và Trường Sa của VN) vào thành phố ''Tam Sa''. Tam Sa bao gồm thêm ''Trung Sa'' (tên hai bãi cạn và ngầm của Phi Luật Tân nói trên). Những động thái gây hấn liên tục của TQ làm cho một số nước trong khối ASEAN có liên quan như VN, Mã Lai, Indonéxia và Phi Luật Tân lên án phản đối. VN (30-3), Indonexia (26-5), Mã Lai (1-6), Mỹ (2-6), Úc (23-7) gử̉i công hàm lên Liên Hiệ̣p Quốc (LHQ) phản đối yêu sách bất hợp pháp của TQ ở Biển Đông gửi ngày 12-12-2019 lên LHQ. Phi Luật Tân của ông Duterte trong nhiều năm ''đi đêm'' với Bắc Kinh qua những lời hứa hẹn suông nay đã sáng mắt tỉnh ngộ. Phi Luật Tân đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm không tiếp tục đòi TQ trao trả hai bãi đá nói trên khi Toà trọng tài quốc tế bác bỏ, năm 2016, tính pháp lý của yêu sách đường chín đoạn mà TQ đưa ra. Brunei, một xứ nhỏ có chủ quyền EEZ trên bãi Luconia cũng lên tiếng kêu gọi TQ phải cam kết duy trì hoà bình ổn định và thịnh vượng trong khu vực, một động thái hiếm hoi theo các nhà quan sát.

Cuối cùng, ở hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội mà VN là chủ tịch cũng ra, ngày 26-6, khuyến cáo: '' VN bày tỏ quan ngại ở một số khu vực vẫn còn tồn tại những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình, xói mòn lòng tin'' và đồng thời nhấn mạnh: '' Mọi quốc gia cần đề cao tinh thần trách nhiệm, thượng tôn pháp luật nhất là Unclos 1982 (Công ước LHQ về Luật biển). Dù không (dám) nêu tên, ai cũng hiểu rằng khuyến cáo này ''dành'' cho TQ.

IV- Thái độ cương quyết của Hoa Kỳ sau mùa đại dịch Covid-19

Hình biếm hoạ trên internet

TT Hoa Kỳ Donald Trump như mọi người đều biết là người dị thường, khó đoán khó lường với  những phát ngôn bất thường. Phát ngôn bất thường gần đây của ông là đòi ''hoãn'' bầu cử TT sắp tới dù biết là bất khả thi (chỉ có Quốc hội bao gồm Thượng và Hạ viện mới có quyền đề xuất). Ông nhiều lần ca ngợi TCB là ''nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử TQ'' và người đã ứng xử ''tuyệt diệu'' trong việc điều hành chống dịch. Cựu cố vấn An ninh John Bolton trong quyển sách ''The room it happened'' của ông tiết lộ cho biết ông Trump muốn nhờ TCB giúp đỡ tái cử ở hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka Nhật hồi tháng 6 năm 2019 bằng cách yêu cầu TQ mua thêm nhiều triệu tấn đậu nành và lúa mì. Cũng theo ông Bolton, ông Trump còn tỏ ra tán thành chính sách ngược đãi của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cũng không nên quên rằng dưới chiêu bài ''Nước Mỹ trên hết'', việc làm đầu tiên của ông Trump khi vừa đắc cử, vào cuối năm 2016, là rút khỏi hiệp định TPP [3], một tổ chức tự do mậu dịch bao gồm 12 nước làm đối trọng với TQ và hăm doạ rút quân Mỹ đóng ở Nhật (47.000) và Hàn quốc (28.000) hầu để ngỏ cho TQ. Rồi nhiều quan sát viên quốc tế đi đến kết luận rằng TQ của TCB đã ''bỏ thăm'' ông Trump vào tháng 11 tới. Thoáng nghe có vẻ nghịch lý thậm chí ''vô lý'' vì ông Trump đã mở đầu khai chiến năm 2018 bằng cách áp thuế hàng hoá TQ trị giá nhiều trăm tỷ $ và làm kinh tế TQ chao đảo. Thế nhưng, nếu nhìn kỷ thì thấy lập luận của các quan sát viên không phải là không có cơ sở. Ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hongkong, là người chỉ trích ông Trump nặng nhất. Trong một bài phỏng vấn gần đây trên nhiều báo nước ngoài, ông nói rằng ông Trump là ''món lộc trời ban'' (don du Ciel, gift of Heaven) cho TQ. Theo ông, TT Trump có hai đặc tính là không mạch lạc (incoherent) và bất tài (incompetent). Ông chỉ trích nói rằng thay vì cùng với đồng minh Châu Âu hợp thành một khối chống TQ thì ông Trump lại tấn công đồng minh của mình dưới cách nhìn thiển cận và hám lợi trong việc hành xử quan thuế bảo hộ (protectionism). TQ trái lại ký thoả ước thương mại với họ. Hoặc khi ông Trump bác bỏ chủ nghĩa đa phương thì TQ vội vã trám vào. Một số quan sát viên khác còn nói chính nhờ ông Trump mà TCB có thể xuất hiện như một nhà lãnh đạo trách nhiệm trước thế giới chẳng hạn khi ông rút đóng góp tài chính 500 triệu $ cho WHO thì TCB tăng gắp đôi đóng góp và cung cấp thiết bị và vật tư y tế cho nhiều nước. Họ còn nói rằng ông Joe Biden, người đối thủ sắp tới của ông Trump, sẽ không làm như vậy và có thể trở lại chính sách xoay trục về Châu Á của cựu TT Barack Obama mà ông là phó TT. Qua các sự kiện nói trên, TCB nghĩ rằng ông Biden nguy hiểm hơn ông Trump. Đó chính là lý do của sự lựa chọn.

Thế nhưng, phải công nhận rằng Hoa Kỳ trong những tháng gần đây khi đại dịch bùng nổ có những thái độ được cho là quyết đoán hơn đối với TQ. Lý do có lẽ là ngày bầu cử TT gần kề, ông Trump không để ông Biden đơn phương chống TQ. Lại nữa, một số chính khách trong chính quyền Mỹ như phó TT Mike Pence hay ngoại trưởng Mike Pompeo hình như không đồng ý với ông Trump về chính sách quá nhân nhượng của ông đối với TQ. Do đó, người ta thấy Mỹ có một số hành động quyết liệt với TQ. Ngoài các biện pháp đáp trả về Hongkong nói trên, Mỹ lần đầu tiên gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách bất hợp pháp của TQ ở Biển Đông, điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đi tuần tra và tập trận với quy mô lớn ở Biển Đông, lên tiếng chỉ trích lối hành xử thô bạo của Bắc Kinh đối với người hồi giáo Uyghurs ở Tân Cương bằng cách cấm những người có trách nhiệm và gia đình vào nước Mỹ, đóng cửa Lãnh Sự quán TQ ở Houston bị cho là ''ổ gián điệp'' của TQ trên đất Mỹ (TQ trả đũa đóng cửa Lãnh Sự Mỹ ở Thành Đô), bắt nhiều gián điệp TQ giả trang ''nhà khoa học'', ra lệnh cấm giao dịch trong 45 ngày kể từ 5-8 với hai công ty Tik Tok và Wechat do TQ kiểm soát hoặc chia sẻ dữ liệu với chính phủ TQ. Lệnh cấm của ông Trump làm cho một số công ty TQ mất 75 tỷ $ do thị trường chứng khoán sụt giảm. Trong các biện pháp đáp trả TQ, công hàm của Mỹ gửi cho LHQ ngày 2-6-2020 được cho là cứng rắn và mạnh mẽ nhất khi viết: '' Chúng tôi tuyên bố rõ ràng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp cũng như các chiến dịch hăm doạ của TQ nhằm kiểm soát tài nguyên ấy''. Mỹ muốn cho các quốc gia Đông Nam Á thấy rằng Mỹ đứng cùng với họ trong việc bảo vệ tài nguyên biển. Từ Hà Nội, đại sứ Mỹ ông Daniel Krintenbrink tuyên bố ngày 29-4 : ''Chúng tôi kịch liệt phản đối và lên án TQ lợi dụng các nước trong khu vực đang tập trung chống dịch để thúc đẩy các hành vi phi pháp và mang tính khiêu khích ở Biển Đông''. Tuyên bố này được xem là My công khai đứng ra bênh vực VN.

V- Gậy đập lưng ông

Covid-19 làm cho một số nước trên thế giới thức tỉnh. Khi mùa dịch bắt đầu, hầu hết các nước trên thế giới kể cả Mỹ trông đợi, trong nhiều tháng, thiết bị và vật tư y tế như khẩu trang, khăn tay, máy trợ hô hấp sản xuất từ TQ. Nếu có những thiết bị và vật tư y tế này sớm thì số người mắc nhiễm và số người tử vong chắc chắn sẽ ít hơn. TQ cũng lợi dụng cơ hội này để làm tuyên truyền đặc biệt đối với các nước Châu Phi. Ngoài cung cấp thiết bị và biếu tặng vật tư y tế, TQ còn tư vấn cho các chuyên gia y tế thậm chí gứi bác sĩ, y tá đến chữa trị trên nhiều nước. Các nước Châu Âu thức tỉnh một mặt nhập thiết bị và vật tư y tế từ TQ, một mặt khẩn trương tái lập các xưởng chế tạo những thiết bị này với lý do bị quần chúng chỉ trích và đồng thời chuẩn bị dịch có thể tái phát. Kết quả là bây giờ khẩu trang đều có khắp nơi không còn phải đi mua chợ đen với giá ''cắt cổ''. Máy trợ hô hấp ngày càng nhiều hơn. Công ty dược phẩm các nước cũng bỏ ra nhiều tỷ $ ''chạy đua'' tìm vaccine chống dịch. Nói tóm lại, các nước công nghiệp không còn muốn lệ thuộc TQ về thiết bị y tể nữa.

Để trả đũa TQ bị cho là nước gây dịch, Mỹ và nhiều nước Á Châu rút xí nghiệp từ TQ về nước hoặc chuyển sang qua các nước lân cận như Ấn Độ, VN, Thái Lan, Indonéxia vv...thậm chí đóng cửa vĩnh viễn. Một vài thí dụ sau đây cho thấy: 

-Công ty chuyển sang các nước khác: Apple, Foxcom chuyển sang Ấn Độ, Wistron Corp (iphone) dự tính chuyển sang VN và Ấn Độ, Pegatron (iphone) chuyển sang VN và Indonéxia, Olymbus Nhật chuyển sang VN, Kobesteel Nhật chuyển sang VN và Thái Lan, Mitsubishi Electric, Komatshu, Toshiba Nhật,  Puma Đức, Adidas-Nike Mỹ chuyển sang các nước khác ( không rõ nước nào). Chắc chắn còn thiếu.

-Công ty rút về nước: Sumimoto rút về Nhật,

-Công ty đóng cửa vỉnh viễn: Samsung Hàn quốc, Omron (điện tử) Nhật, Epson (máy in) Nhật.

Trong việc này, Nhật và Hàn quốc là hai nước đi đầu ''thoát Trung''. Nhật cho thông qua 2,2 tỷ $ để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển dời sản xuất ra khỏi TQ trong khi Hàn quốc cho thành lập một nhóm công tác hầu tạo thuận lợi cho các công ty sản xuất về nước.

TQ có khoảng 20.000 công ty nước ngoài tạo 45 triệu công ăn việc làm cho công nhân TQ. Việc đóng cửa, chuyển xí nghiệp sang xứ khác hay rút lui xí nghiệp về nước của nước ngoài sẽ làm kinh tế TQ thêm khốn đốn song song với nạn thất nghiệp do Viruscorona gây ra trong nội địa.

VI- Nội tình rối ren về kinh tế, xã hội và chính trị

Trong kỳ họp thường niên Quốc hội trong tháng 5 (dự trù tháng 3), thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) lần đầu tiên không đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020 trong bối cảnh tăng trưởng dưới số âm 6,8% trong quý một và ngân sách bị thâm hụt 3,6%. Năm 2019, tăng trưởng của TQ chỉ đạt 6,1%, một tỷ số thấp nhất từ ba thập niên qua thậm chí còn bị cho có ''thổi phồng''. Viruscorona làm số người lao động bị sa thải hoặc bị cho nghỉ việc không lương lên đến 130 triệu người theo một nguồn tin Tây phương. Đó chính là mối quan ngại nhất của chính quyền TQ trước viễn tượng xã hội hỗn loạn.

Cách điều hành một cách tệ hại và độc đoán đại dịch của TCB cũng làm quần chúng phẫn nộ và bất mãn qua cái chết, ngày 7-2, của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang). BS Lý là người đầu tiên vào  tháng 11-2019 cảnh báo cho chính quyền điạ phương và đồng nghiệp nói có bảy ca nhiễm dịch. Thay vì đi tìm nguyên nhân dịch phát hiện, Công an tỉnh này buộc ông phải ký giấy thừa nhận có phát tin ''sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội''. Cái chết của BS Lý làm xôn xao dư luận trên mạng. Tiếp theo đó là những phản đối, đả kích chính quyền từ những nhà khoa học TQ cùng những người khác trong đảng. Ông Vương Thần (Wang Chen), giám đốc Viện Hàn Lâm Y học lên tiếng, ngày 3-4, chỉ trích cách điều hành chống dịch và nói rằng chỉ có nhà khoa học mới có thể ngăn chặn dịch chớ không phải nhà làm chính trị. Ông muốn phản hồi lời tuyên bố, ngày 12-3, của phát ngôn viên bộ ngoại giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói có thể quân đội Mỹ mang dịch đến Vũ Hán. Ông không phải là người duy nhất lên tiếng phản bác. Ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đại sứ TQ ở Hoa Kỳ cũng cho rằng đó là một ý kiến điên cuồng trong khi bà Phó Oánh (Fu Ying), nhà ngoại kỳ cựu đương là phó chủ tịch Uỷ ban đối ngoại ở Quốc hội cũng lên tiếng ủng hộ quan điểm của ông Thôi. Người chỉ trích TCB mạnh nhất là ông Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), nguyên giáo sư Đại học Thanh Hoa. Ông bị cách chức dạy hồi tháng 3-2019 vì chỉ trích TCB sửa đổi Hiến pháp bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ cũng như đòi khôi phục danh dự cho những người tử vong trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Về dịch Covid-19, trong bài viết ngày 4-2 với đề tựa ''Nhân dân phẫn nộ không còn sợ hãi nữa, Viral Alarm, when furry overcomes fear'', ông viết: ''Bệnh dịch lan tràn là vì một chế độ vô năng, đặc biệt là bại hoại về đạo đức, sẵn sàng hy sinh hàng triệu người dân để bảo vệ quyền lực của mình''. Muĩ duì chính của ông là TCB khi ông viết: ''Chỉ một người một ngựa mà trông, một u mê trị nước vô đạo, làm chính trị không trình độ mà chỉ giỏi lộng quyền lộng thuật, cả nước chịu tai ương''. Ngay sau đó, ông bị quản thúc tại gia và bị cấm rời khỏi nhà. Về phía Đảng, hai người chỉ trích mạnh là ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang) và ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin). Ông Nhậm Chí Cường là con của ông Nhậm Tuyền Sinh (Ren Quansheng), thứ trưởng thương mại thời Mao. Ông thuộc thành phần ''thái tử đảng''. Ông một thời là chủ tịch tập đoàn bất động sản Hoa Viễn và người được cho là thân gần với người bạn học cũ Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), nguyên thành viên thường vụ Bộ Chính trị khoá 18 và đương kiêm phó chủ tịch nước. Ông Nhậm nhiều lần lên tiếng kêu gọi tăng cường tự do báo chí và bị chính quyền khoá tài sản năm 2016. Trong một bài viết gần đây, ông cho rằng TQ thiếu tự do báo chí và ngôn luận khiến tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn rồi ông lên án chế độ: ''Dịch bệnh này đã tiết lộ một thực tế là quan chức đảng và chính quyền chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích của chính họ và lãnh đạo chỉ quan tâm bảo vệ lợi ích và vị̣ trí cốt lõi của họ''. Liền ngay sau đó, các bạn bè của ông nói mất liên lạc với ông kể từ ngày 12-3. Ông bị Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật đảng điều tra rồi bị cáo buộc ''vi phạm nghiêm trọng kỷ luật pháp luật'', một cụm từ cùng nghĩa với tham nhũng trước khi bị khai trừ đảng tịch ngày 23-7. Ông Triệu Sĩ Lâm, nguyên uỷ viên TƯĐ, hai lần gửi thư cho TCB trong tháng 2, cả hai thư mang giọng điệu đả kích kịch liệt. Về phía các nhân vật quan trọng trong Bộ Chính trị, chưa thấy ai dám lên tiếng chống đối. Tuy nhiên, đài truyền hình Sun TV Hongkong cho biết có một nhóm ''thái tử đỏ'' đề nghị lập ra một nhóm lãnh đạo khác do Vương Kỳ Sơn hoặc Uông Dương (Wang Yang) đứng đầu. Uông Dương là một trong bảy thành viên thường vụ Bộ Chính trị và đang giữ chức chủ tịch Chính trị Hiệp thương, một loại Mặt trận Tổ quốc của VN. Tin này khó kiểm chứng nhưng sự kiện cho thấy có lủng củng trong nội bộ.

Hoạ vô đơn chí như ngạn ngữ dân gian thường nói. TQ từ giữa tháng 6 phải đương đầu với lũ lụt lớn chưa từng có ở phía Nam trên hơn 100 con sông. Truyền thông nhà nước thông báo, giữa tháng 7, có hơn một triệu người bị sơ tán và gần 9 triệu người bị̣ ảnh hưởng ở 24 tỉnh. Đặc biệt là ở Hồ Bắc, nơi có tháp đập Tam Hiệp (Sanxia) khánh thành năm 2003, mực nước trong khu vực hồ chứa của đập lên tới gần 147 m, vượt mức cảnh báo 2 m. Trái với tuyên bố trấn an của truyền thông nhà nước, nhà khoa học Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia thuỷ văn, cảnh báo rằng đập Tam Hiệp không ởn định như người ta tưởng, nó có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ông còn cảnh báo nếu có  đập thì 500 triệu người sẽ không có nơi trốn tránh. Theo ông, giải pháp duy nhất là ...phá vỡ đập!. Thật kinh khủng.

Thay lời kết

Như trên đã thấy, TCB không nghe lời khuyên dặn sáng suốt ''giấu mình chờ thời'' của ông Đặng Tiếu Bình mà còn sử dụng chính sách hiếu chiến ''thêm thù bớt bạn'' với năm châu. Kết quả là ngày nay TQ ở trong tình trạng ''tứ bề thọ địch'' nghĩa là vừa phải đương đầu với kinh tế trên đà xuống dốc và vừa phải đương đầu với nhiều nước trước đây là những đối tác bình thường và với nhiều nước khác trong vùng. Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu ngày còn có thái độ cương quyết hơn với TQ. Do muốn thực hiện ''giấc mộng TQ'' một cách vội vã, TCB ắt phải sẽ gặp cơn ác mộng lớn mà hậu quả là chiếc ''ngôi vàng'' có thể sẽ tung bay theo chiều gió như theo chiều hướng thư của tổng biên tập báo Đức Bild ông Julian Reichett gửi, ngày 17-4-2020, cho TCB: ''Tôi nghĩ sớm muộn gì thì Viruscorona cũng kết thúc sự nghiệp chính trị của ông''.

Paris, đầu tháng 8-2020

Chú thích

[1] Cho đến ngày 1-8-2020, đại dịch Vũ Hán đã làm 17,8 triệu người mắc nhiễm và 684 ngàn người tử vong trên thế giới. Hoa Kỳ là nước bị nặng nhất với 4,7 triệu ca nhiễm và 156.800 ca tử vong. Tiếp theo thứ tự về số người tử vong cao là Brazil (2,67 triệu và 92.500), Anh quốc (303 ngàn và 46.120), Mexico (416 ngàn và 46.000), Ấn Độ (1,7 triệu và 36.550), Ý Đại Lợi (247 ngàn và 35.140), Pháp (188 ngàn và 30.265), Tây Ban Nha (336 ngàn và 28.445), Peru (407 ngàn và 19.000), Ba Tư (304 ngàn và 16.800), Nga (840 ngàn và 14.000) vv...Riêng TQ ''chỉ'' có 84.300 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong (?). 

[2] OCS/SCO do TQ đề xướng năm 2001 bao gồm: TQ, Nga và bốn nước Trung Á Kazakhstan, Tadjikstan, Kirghizstan, Uzbekistan. Bốn nước khác có quy chế thành viên quan sát là Ấn Độ, Pakistan (trở thành chính thức năm 2017), Ba Tư và Mông Cổ. Mục tiêu của OCS là tăng cường lòng tin lẫn nhau, hợp tác trong mọi lãnh vực kinh tế, chính trị hầu bảo đảm ổn định an ninh trong vùng. Mục tiêu của Bắc Kinh là ngăn chặn khủng bố từ các nước Trung Á chuyển sang vào Tân Cương, nơi cư ngụ của 11 triệu người Uyghurs đạo Hồi.

-BRICS là chữ viết tắt của 5 nước Brazil, Russia, India, China và South Africa (Nam Phi) thành lập năm 2009, Nam Phi gia nhập năm 2011. Mục tiêu của tổ chức này là thành lập một ngân hàng với vốn đầu tiên 50 tỷ $ để làm đối trọng với Quỹ Tiền Tệ thế giới (IMF/FMI). Quỹ này dùng để tài trợ cho các chương trình hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế. Khác với IMF, điều kiện vay mượn không có nhiều ràng buộc.

[3] TPP (Trans-Pacific-Partnership) hay Hiệp định đối tác Thái Bình Dương là một tổ chức tự do mậu dịch bao gồm 12 nước sau: Mỹ, Gia Nã Đại, Mexico, Chili, Peru, Nhật, Úc, Tân Tây Lan và bốn nước ASEAN Việt Nam, Singapore, Mã Lai, Brunei. Hiệp định được Quốc hội các nước thông qua vào tháng 10-2015. Vào thời điểm đó, 12 nước của TPP tập trung khoảng 40% kinh tế toàn cầu với tổng mức GDP gần 30 ngàn tỷ $ Mỹ. Sau khi ông Trump rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định ngày 23-1-2017 thì TPP đổi thành CPTPP (Comprehensive and progressive Agreement for Trans-Pacific-Partnership) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với 11 nước còn lại.