20 août 2020

Trung Quốc: Nữ giáo sư bị khai trừ, vì gọi ông Tập là "trùm mafia"


Bà Thái cho biết có sự phản đối diện rộng trong nội bộ đảng nhưng ít người dám lên tiếng

Một giáo sư Trung Quốc đã nghỉ hưu bị khai trừ đảng vì gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “trùm mafia” và Đảng Cộng sản cầm quyền là “thây ma chính trị”.
Bà Thái Hà, người từng dạy tại Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước khi nghỉ hưu, là nhân vật thứ ba trong những tháng gần đây bị kỷ luật sau khi chỉ trích đảng và lãnh đạo đảng.


Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo cán bộ chủ chốt để xắp xếp nhân sự, ra thông báo vào ngày 17/08 rằng họ đã khai trừ tư cách đảng viên Đảng Cộng sản của bà Thái và tước các quyền lợi hưu trí vì bà có những nhận xét "có vấn đề chính trị nghiêm trọng và làm tổn hại danh tiếng của đất nước".

Giới quan sát chính trị Trung Quốc nói bình luận của bà đưa ra trong một đoạn ghi âm bị rò rỉ trên mạng hồi tháng Sáu cho thấy bà tin rằng việc thay thế ông Tập trong vai trò lãnh đạo đảng sẽ là bước đầu tiên để ĐCSTQ tự cứu mình.

Reuters nói đoạn ghi âm mà hãng tin này nghe được cho thấy giới học giả thân quen với một phụ nữ được cho là bà Thái đã gọi ông Tập là "trùm mafia", người đã biến đảng thành công cụ cá nhân của mình và ĐCSTQ là một "thây ma chính trị".

Bà nói: "Nếu Thường vụ Bộ Chính trị có bất kỳ tinh thần trách nhiệm nào trước nhân dân, đất nước và đảng, họ nên triệu tập một cuộc họp để thay thế ông Tập.

Theo Reuters, không rõ bà Thái nói ở đâu, lúc nào hoặc nói với ai.


Chụp lại hình ảnh, 
Bà Thái Hà: “Nếu Thường vụ Bộ Chính trị có bất kỳ tinh thần trách nhiệm nào trước nhân dân, đất nước và đảng, họ nên triệu tập một cuộc họp để thay thế ông Tập.


Trong khi đó báo Anh The Guardian có bài mô tả có được cuộc phỏng vấn độc quyền với bà Thái Hà, được cho là hiện đã không còn ở Trung Quốc nữa.
Bà Thái nói với báo này rằng bà "vui vì bị khai trừ đảng".

"Dưới chế độ của ông Tập, ĐCSTQ không phải là lực lượng cho sự tiến bộ của Trung Quốc. Trên thực tế, đó là một trở ngại cho sự tiến bộ của Trung Quốc,"bà nói. "Tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất muốn bỏ đảng. Nhiều người muốn rời bỏ đảng này," bà nói thêm. "Tôi đã định bỏ đảng từ nhiều năm trước khi không thể nói nữa và tiếng nói của tôi bị chặn hoàn toàn".

Bài của The Guardian cho biết khi có đoạn âm thanh rò rỉ hồi tháng Sáu, bà Thái đã từng tố cáo ông Tập, đổ lỗi rằng chính ông đã biến Trung Quốc trở thành "kẻ thù" của thế giới, kiểu bình luận rất hiếm và gây chấn động trong đảng và ở Trung Quốc.

Vào ngày 18/08, bà Thái, người từng yêu cầu báo này không đăng tải bài phỏng vấn bà hồi tháng Sáu vì lo ngại an toàn cho bà và gia đình, đã mạnh mẽ lên tiếng.

"Bây giờ tôi có nhiều tự do hơn. Phát biểu của tôi không có bất kỳ ràng buộc nào. Tôi chịu trách nhiệm về lương tâm và nguyên tắc của chính mình," bà nói.


Bà Thái là cháu gái của một nhân vật lão thành cách mạng và đã tham gia giảng dạy trong bốn thập niên tại trường đảng, và vì vậy mà bà có được "lý lịch đỏ".

Bà Thái cho biết có sự phản đối diện rộng trong nội bộ đảng nhưng ít người dám lên tiếng vì sợ bị trả thù chính trị bằng hình thức kỷ luật nội bộ đảng và chiêu trò cáo buộc tham nhũng.

Theo bà, "quyền lực vô biên" của ông Tập khiến dẫn đến những sai lầm không thể tránh khỏi, chẳng hạn như trong việc xử lý đại dịch Covid-19.

Một bài báo đăng trên tạp chí Cầu Thị của ĐCSTQ cho thấy ông Tập đã gặp Bộ Chính trị và ra chỉ thị về cách ứng phó cần thiết với virus corona vào ngày 7/1, gần hai tuần trước khi công chúng được cảnh báo.


Nguồn hình ảnh, Getty Images
Bà Thái nói: "Nếu ông ấy biết vào ngày 7/1 thì tại sao đến ngày 20/1 mới thông báo dịch? Nói cách khác, việc mọi người che giấu tin tức từ ông ấy là hệ quả của hệ thống. Ông ấy không công khai hay huy động nguồn lực thì ông không phải chịu trách nhiệm sao?"
Bà Thái Hà, người giảng dạy tại trường đảng từ năm 1992 và muốn rời đảng từ năm 2016, nói bà tin rằng sự bất mãn trong đảng đang lan rộng, đặc biệt là người thuộc thế hệ của bà.

"Những người trong đảng đã kinh qua 20, 30 năm thì họ hiểu hướng đi nào là đúng và đâu là ngõ cụt," bà nói. "Chúng tôi nằm trong nhóm cán bộ thời sau cải cách và mở cửa. Vì vậy, đó là lý do tại sao tôi nói rằng mọi người đều biết rất rõ về những gì đang xảy ra".

"Nhiều người bạn tốt của tôi khi biết tin về việc tôi bị khai trừ đảng đã vui mừng. Họ nghĩ rằng đó là điều tốt".

https://www.bbc.com/vietnamese/world-53839439