01 août 2020

Tín chấp


Thiện Tùng

31/7/2020



Tín chấp là thế chấp bằng uy tín, đồng nghĩa với bảo lãnh. Vì vậy, điều không thể thiếu là phía bảo lãnh phải có uy tín?.



Đảng là trừu tượng, Bộ Chính trị (BCT) và Ban Bí thư (BBT) là cụ thể,  đại diện cho linh hồn và thể xác của Đảng?.



Gần nửa thế kỷ qua, do tin tưởng BCT và BBT, nhân dân mới chấp nhận để cho đảng viên đứng ra lãnh đạo Nhà nước và Xã hội, vì biết số đảng viên nầy đã được BCT, BBT lựa chọn và đứng ra bảo lãnh – làm “tín chấp”.


Hết Đại hội nầy đến Đại hội khác, hết lớp nầy đến lớp khác, hết cấp thấp đến cấp cao, có cả một số thành viên BCT, BBT làm quá nhiều điều sai trái, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Thế mà BCT, BBT không hề đứng ra nhận trách nhiệm trước nhân dân theo nguyên tắc “mũi dại lái chịu đòn”. Chính từ đó, lòng tin của nhân dân đối với BCT, BBT (Đảng) ngày một cạn kiệt. Khi uy tín của BCT, BBT bị cạn kiệt thì, dù quý vị có dùng hết số uy tín còn lại đem ra thế chấp cho mình, chưa chắc nhân dân chấp nhận; huống chi giờ đây, các vị còn định dùng số uy tín ít ỏi còn lại đó để tiếp tục đứng ra bảo lãnh cho thuộc hạ thì làm sao nhân dân có thể  tin tưởng và chấp nhận?!. 
Nguyễn Phú Trọng, trưởng Tiu ban Nhân sự Đại hội XIII
Suốt gần một năm qua, dưới sự điều khiển trực tiếp của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, Tiểu ban Nhân sự “gạn đục khơi trong”, chọn đội ngũ cán bộ (đảng viên) chiến lược cho Đại hội khóa XIII sắp diễn ra vào đầu năm 2021. Không biết Tiểu ban Nhân sư  trên cơ sở nào, dựa vào đâu lựa chọn cán bộ chiếc lược mà, chưa chi, đã có lắm người “ngã ngựa” như Nguyễn Đức Chung, chủ tịch Thủ đô Hà Nội chẳng hạn.



Số đảng viên (cán bộ) đã được chọn lựa nầy, sau Đại hội, nếu Đảng bố trí họ hoạt động trong phạm vi các cơ quan Đảng là hợp lý. Trái lại, nếu Đảng dùng quyền lực của mình, tiếp tục cơ cấu họ vào lãnh đạo các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp như đã từng làm, chắc chắn là nhân dân không ưng ý. Nhưng chưa đến nỗi nào đâu, trước bạo quyền, người dân còn phải ngậm miệng, cam phận để bảo vệ lấy thân. Có điều, nếu Đảng lại tiếp tục làm như thế thì, dư luận không chỉ trong nước, sẽ cho rằng Đảng tiếp tục vi phạm Dân quyền – quyền của Dân.



Cũng gần chục năm rồi, tôi đã vắt óc viết bài “Uy tín cá nhân và uy tín tập thể” dưới đây, mời tham khảo.



-------



Uy tín cá nhân và Uy tín tập thể



Thiện Tùng



 Uy tín là từ ghép. Uy là phần của quyền lực. Tín là sự tín nhiệm, lòng tin… Nếu có Uy mà không có Tín thì sớm muộn gì cũng bị sụp đổ. Nếu có Tín mà không có Uy thì Tín không có đất dụng võ.



Muốn giữ gìn và bảo vệ Uy tín cần nắm vững một số đặc điểm:



1/ Mỗi người chỉ có thể có Uy tín trong một vài lĩnh vực nhứt định. Nếu lao vào mọi lĩnh vực để rồi làm không được là đặt Uy tín của mình bên bờ vực thẳm.



2/ Khi có dấu hiệu Uy tín bị giảm sút, phải tự tìm nguyên nhân và tự điều chỉnh ngay – điều chỉnh một cách tự giác.



3/ Cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý hễ sai lầm thì buộc họ phải trả giá – phải được xử lý. Bằng không, sai lầm ấy sẽ lặp đi lặp lại thành mãn tính, chay lỳ.



4/ Những người thật sự không có sự tín nhiệm mà vẫn bố trí vào lãnh đạo, quản lý, không còn cách nào khác, họ sẽ áp dụng chữ “Uy”- uy danh, uy quyền, uy thế, uy lực… mà thượng cấp vừa ban để uy hiếp, trấn áp buộc thuộc hạ và quần chúng phải làm theo ý mình.



5/ Xét về hệ quả chính trị, uy tín của cán bộ không chỉ của cán bộ mà của cả chế độ đang cai trị - cán bộ làm sai người ta sẽ kêu rêu chế độ.



6/ Suy cho cùng, chỉ có 3 loại cán bộ:



– Biết làm gì và biết làm như thế nào: Đây là loại cán bộ toàn diện, lý tưởng – biết làm gì là biết chủ trương; biết làm thế nào là biết tổ chức thực hiện.



– Biết làm gì nhưng không biết làm thế nào: Loại cán bộ này chỉ bố trí vào công việc nghiên cứu – chỉ làm được vế 1 của cán bộ loại 1 .



– Biết làm thế nào chớ không biết làm gì: Đây là loại cán bộ thực hiện-chỉ làm được vế 2 của cán bộ loại 1 – làm theo cái đầu của người khác, chỉ được phân công làm cấp phó trở xuống.



Vậy thì, cán bộ loại 1 có chất lượng bằng cán bộ loại 2+3. Và cũng buồn nói thêm rằng, ở Việt Nam ta hiện nay có loại cán bộ thứ 4: “Không biết làm gì và chẳng viết làm thế nào” – dân gian liệt vào loại “chó cơm”.



Trên đây được xem là 6 tiểu đề, mang tính chất lý thuyết, muốn biết Việt Nam ta “tiêu hóa” chúng thế nào, người viết dựa vào thực tế tình hình, có 6 nhận xét chủ quan xin tham khảo với độc giả:



1/ Việt Nam đang khủng hoảng cán bộ lãnh đạo: Lãnh là đảm trách, đạo là đường. Cán bộ Lãnh đạo là người đảm trách vạch ra đường lối, chính sách tối ưu trong đối nội và đối ngoại – hễ sai một ly phải đi một dặm. Việt Nam đang áp dụng thể chế chính trị Độc tài, việc lựa chọn cán bộ Lãnh đạo các cấp chỉ khuôn khổ trong phạm vi khoảng nửa triệu cán bộ đảng viên đương quyền. Phạm vi lựa chọn hạn hẹp như thế thì tìm đâu ra đội ngũ cán bộ Lãnh đạo đủ chuẩn chất, đành phải “không có Chó bắt Mèo” thay thế. Cán bộ Lãnh đạo phải am hiểu tối thiểu một trong các môn khoa học Xã hội, Tự nhiên, Kỹ thuật. Khổ nỗi, Lãnh đạo không hiểu lại không chịu nghe đang là một thảm họa. Độc tài, độc đoán, thích nói cho người nghe chớ không chịu nghe người nói, đang là cố tật của đội ngũ cán bộ Lãnh đạo ở Việt Nam ta hiện nay. Bằng thật học giả trong cán bộ khá phổ biến. Vì học giả nên dốt. Dốt mà luôn biểu hiện vạn sự thông, độc chiếm diễn đàn, cái gì cũng biết, tràng giang đại hải, hết tăng cường cái này, đẩy mạnh cái kia, ra sức cái nọ… Nói riết, như bị lạc vào rừng sâu không biết đường ra, như gà vướng tóc: tóm lại, trước khi dứt lời, hơn thế nữa, thêm vào đó… khiến cho cử tọa (người nghe) mệt mỏi, dựa ngang dựa ngửa, ngủ gà ngủ gật. Thiển cận trong hiện tại mà luôn miệng phóng tầm nhìn xa vời vợi. Chính vì vậy, uy tín lãnh đạo bị rơi dần vào vực thẳm.



2/ Khi biết uy tín mình bị giảm sút, lẽ ra phải “xuống thang”, tự tìm nguyên nhân và tự điều chỉnh, đàng này họ cứ tiếp tục leo thang theo kiểu “chơi cầu âu” dẫn đến sạch túi uy tín.



3/ Ở Việt Nam ta hiện nay, cán bộ nói chung đều là thành viên của Đảng cầm quyền, phần lớn là kế nghiệp cha ông, đang trong cảnh “tay cắt tay sao nỡ, ruột bứt ruột sao đành” dung túng cho nhau, họ hư đốn, sai lầm… được xử lý theo kỷ luật Đảng, thấp nhứt phê bình trong nội bộ, cao nhứt khai trừ Đảng; trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, khai trừ Đảng trước khi ra Tòa để giữ “thanh danh” cho Đảng; Tòa xử theo chỉ thị của Đảng, án đã được định trước; Nếu phải vào tù thì thuộc loại tù cha và sẽ được thả ra vào những dịp ân xá gần nhứt. Chính vì vậy, việc hư đốn, sai lầm trong cán bộ đảng viên cứ lặp đi lặp lại trở thành bịnh mãn tính, chay lỳ.



4/ Dưới thể chế Chính trị Độc tài Đảng trị, cán bộ Lãnh đạo “bán Trời không mời Thiên Lôi”. Việc đề cử, ứng cử trong nội bộ Đảng người dân không được xía vào đã đành, ngay cả việc đề cử, ứng cử người vào bộ máy Công quyền Đảng cũng thầu tất, theo thể thức “Đảng chọn, Dân bầu”. Người Đảng chọn tài đức thế nào Dân ngơ biết, mọi sự chỉ trông/tin cậy vào Đảng mà thôi. Bộ máy cầm quyền không do Dân cử, nghiễm nhiên nó trở thành bộ máy cai trị, những đầu lĩnh như những quan Thừa sai thời Pháp thuộc cử đến cai trị đám dân đen. Họ không dùng chữ “Tín”   để cai trị, họ triệt để áp dụng chữ “Uy”: uy danh, uy quyền, uy thế, uy lực… do cấp trên ban để trấn áp, uy hiếp quần chúng. Họ có biết đâu, sự chấp nhận của Dân đối với họ chỉ là “tín chấp” – tín nhiệm Đảng mà chấp nhận họ. Nếu có Uy mà không có Tín thì sớm muộn gì cũng bị sụp đổ.



5/ Hệ quả lĩnh vực chính trị, uy tín của cán bộ bị sụp đổ sẽ hệ lụy đến chế độ đang cai trị. Do không thấu triệt hệ quả này, trong chọn lựa bố trí cán bộ, Đảng cầm quyền cứ dựa vào lý lịch mà trao quyền, bất kể cấp dưới có tín nhiệm họ hay không. Được thượng cấp ban quyền, giao cho quyền cai trị, họ như ông vua con, áp dụng tối đa uy quyền để tạo uy danh, uy thế, gây bất bình, bất mãn và bất tín nhiệm với thuộc hạ và nhân dân. Khi Tín bị sụp, Uy cũng đổ theo. Sự sụp đổ không dừng lại ở những cá nhân mà sẽ hệ lụy đến thể chế chính trị hiện hành – Đảng CSVN đang sốt vó về việc nầy?.



6/ Nạn bè phái, gia đình, gia tộc trị đang hỗn loạn, đã gây biết bao tai ương cho đất nước, dân tộc. Sai lầm của Đảng CSVN trong lựa chọn và bố trí cán bộ nặng “hồng” nhẹ “chuyên”. Làm việc gì cũng không ra hồn, nhưng miệng thì luôn hô hào “quyết liệt”, rơi vào công thức:“nhiệt tình+dốt nát=đại phá hoại”.

Chỉ là cảnh thơ mộng cho thư giãn – không dính líu tới bài
Uy và Tín tăng hay giảm theo tỷ lệ thuận. Dùng quyền uy dù có khạc ra lửa người ta cũng bất tuân khi mình đã thất tín. Khi uy tín từng cá nhận bị sụp đổ thì uy tín tập thể cũng lần hồi sụp đổ theo. Làm việc gì cũng vậy, chữ Tín phải đặt lên hàng đầu, thất Tín là phá sản. Đảng như một cơ thể, đảng viên như những tế bào, nếu tế bào cứ tiếp tục bị thoái hóa như hiện nay thì cơ thể ắt khó sinh tồn?.



Trước hiện tình, đảng viên của đảng cầm quyền thi nhau phạm tội, hết tốp nầy đến tốp khác, đang lũ lượt ra trước vành móng ngựa, Dân oan không còn biết sợ, bất tuân dân sự… là điềm không lành cho chế độ chính trị hiện hành?. Câu:“Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!” đang rung rinh trước cơn “áp thấp nhiệt đới”.   



Khá khen, khi  tự thấy mình bất lực, không thể làm tròn trách nhiệm với dân, các Đảng Cộng sản Đông Âu còn biết tự trọng, giao quyền lại cho dân, lặng lẽ lui ra hậu trường nghỉ ngơi, tu dưỡng, rèn luyện lại kỹ năng “chờ ngày ra sân thi đấu sòng phẳng trước công chúng với những đội bạn”.  -/-