23 septembre 2018

Ông Trung Ngôn ở Ủy ban kiểm tra trung ương...gớm thật!


Xuân Dương
 

(GDVN) - Trung Ngôn thì còn chờ xem “Cái ông to tướng kia” bây giờ có còn “to tướng” hay đã biến thành “củi”?



Ngày 12/1/2018, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng năm 2017. Thông tin cho hay:

“Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp sau khi kiểm tra đã thi hành kỷ luật 20 tổ chức đảng và 324 đảng viên.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp kết luận có 2.398 tổ chức đảng và 8.453 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 173 tổ chức và 3.761 đảng viên”. [1]

Như vậy tổng số đảng viên bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp và Ủy ban Kiểm tra từ Trung ương xuống cơ sở thi hành kỷ luật là 3.761 + 324 = 4.085 người.

Năm 2017, Thanh tra Chính phủ phát hiện 5 người/1,1 triệu người thuộc diện phải kê khai tài sản có vi phạm khi kê khai. [2]


Tìm thêm thông tin về sự “vênh” tới hơn 800 lần giữa số người bị Thanh tra Chính phủ phát hiện có vi phạm (5) và số người bị các cơ quan Đảng kỷ luật (4.085), người viết tình cờ đọc được một số bài viết trong Trang Thông tin điện tử Ủy ban Kiểm tra Trung ương [3].

Có ba bài viết khá thú vị của tác giả Trung Ngôn đăng trong mục Văn hóa - Văn nghệ trên trang thông tin của Ủy ban kiểm tra Trung ương (ubkttw.vn) mà người viết muốn giới thiệu tóm tắt cùng bạn đọc. Đó là các bài “Vui buồn chuyện nghề”, “Nỗi buồn của Củng” và “Cái hay của điếc”.

Dù không biết bút danh Trung Ngôn là ai, cá nhân hay tập thể, nhưng vì cảm nhận được những tâm sự phía sau từng câu chữ của tác giả nên xin được thêm chút gia vị khi giới thiệu các bài viết này, nếu có gì khiếm khuyết xin được lượng thứ.



 
Ảnh chụp màn hình tiêu đề các bài viết của tác giả Trung Ngôn


Mô tả hình ảnh lãnh đạo cơ quan trong bài “Cái hay của điếc”, Trung Ngôn viết:

Các ông biết đấy, bao chuyện nhiễu nhương ở cái cơ quan này, đều bắt đầu từ lão Háo (lãnh đạo cơ quan) hết! Lão tưởng hành vi ném đá giấu tay của lão không ai biết ư! Có mà người ta biết tỏng! Có điều không ai muốn dây với hủi!

- Ấy, ông ăn nói cẩn thận nhé. Lão Háo là cán bộ vào hàng cao cấp đấy, hủi đâu mà hủi!

Nghe có người phản đối, Lão Tẹo cười chữa:

- Ừ thì lão Háo không phải là hủi, là cán bộ cao cấp!

- Tôi thì lại coi lão còn tởm hơn cả hủi”…

Bài viết trên được đăng vào ngày 25/5/2018, nghĩa là sau khi chiến dịch “Lò nóng củi tươi” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động.

Trung Ngôn rất khéo khi xây dựng hình tượng “Lão Háo”, tức là một cá nhân (cụ thể) trong một cơ quan (vô hình) chứ không “vơ đũa cả nắm”.

Trong bài thứ hai “Vui buồn chuyện nghề”, tác giả Trung Ngôn đề cập đến chuyện quản lý tin bài lĩnh vực truyền thông.

Bài viết đề cập đến cơ quan là Ủy ban Kiểm tra và “độ cao” của cơ quan hành pháp lên đến “cấp bộ”.

Tuy không nêu đích danh bộ nào nhưng cơ quan đó cũng không còn vô hình như kiểu “Liên ngành” mà báo chí từng đề cập bởi lẽ nước Việt thời hiện đại chỉ có 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Được giao nhiệm vụ “Sản xuất, phát sóng những chương trình, tác phẩm đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân” thế là Trung Ngôn về địa phương “Ghi hình, phỏng vấn người dân, phỏng vấn lãnh đạo huyện, tỉnh thế nào và họ đã nói những gì… Tất cả đều rất rõ ràng, minh bạch”.

Thế cái sự “rõ ràng, minh bạch” mà tác giả Trung Ngôn đề cập là gì?

Là chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng ở địa phương nọ:

“Họ (người dân) sẵn lòng tin vào Đảng và Chính phủ, sẵn sàng di dời và nhường lại diện tích mặt bằng - nơi họ và cha ông họ đã từng sinh sống hợp pháp nhiều đời!

Vậy mà, khi gặp một số người, nhân danh Đảng, Chính quyền, “thu hồi đất” thực chất là cưỡng đoạt đất đai, mà biểu hiện cụ thể là “thu hồi” mà không có quyết định thu hồi; thu hồi nhiều mà ghi trong giấy tờ ít và đền bù cũng ít; khi người dân còn chưa di dời thì mang lực lượng đến đẩy người ta ra khỏi nhà để “giải phóng mặt bằng”.

Kết cục là: “Cái ông to tướng kia và cả cái con người đã tác động để Giám đốc Công an tỉnh nọ đánh công văn về Bộ bảo chúng tôi đang “tác động xấu đến an ninh trật tự” thì hàng ngày cứ ung dung ngồi trong phòng máy điều hòa, hưởng sự mát rượi tuôn ra từ cái máy, nghĩ thêm nhiều chiêu trò để móc ruột nhà nước và chờ ngày chúng tôi bị… kỷ luật!”.   

Trung Ngôn thật may mắn vì: “ Dĩ nhiên là tôi không bị kỷ luật gì.

Nhưng đến bây giờ, cái lệnh “tạm dừng” không cho tiếp tục sản xuất, phát sóng phóng sự điều tra vẫn còn nguyên giá trị!

Và bà con huyện miền núi kia vẫn mỏi mòn trong trông chờ và hy vọng”.

Nói Trung Ngôn may mắn là vì nhớ lại mấy năm trước, có một bài báo cũng đề cập đến “Cái ông to tướng kia” và “Cái ông ở tỉnh nọ” song tác giả không dùng “số ít” nên bị đánh giá là “Đưa thông tin sai sự thật”, bị phạt hành chính ở mức cao nhất thời điểm đó.

Ngày nay cấp lãnh đạo mà bài báo khi xưa đề cập bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật đã xuất hiện ở “không ít” tỉnh, thành phố, “một số” là lãnh đạo cơ quan trung ương, thậm chí “có người” từng là lãnh đạo cấp “rất cao” đã bị xử tù (chứ không chỉ là “cao cấp” như Lão Tẹo tiết lộ).

Bài thứ ba “Nỗi buồn của Củng” nói về thói dối trá, đạo văn trong cơ quan chàng Củng (tên nhân vật) công tác.

Thói xấu ấy ngày nay đã trở thành quốc nạn, đang thịnh hành khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, đặc biệt là ở “không ít” lâu đài khoa học mang tên “Học viện, Đại học đầu ngành, Hội đồng chức danh,…” và “không ít” vị mang học hàm Tiến sĩ, học vị Giáo sư, Phó Giáo sư.

“Công trình của Củng được khoác một cáo (cái?) áo mới có tên là SỬA CHỮA BỔ SUNG. Và tác giả chính không phải là Củng mà là Ông Ấy (!?). Ông Ấy đàng hoàng lên nhận giải Vàng với tư cách là tác giả của công trình tại buổi tổng kết cuộc thi!”.

Chuyện của Củng nghe có vẻ hư hư, thực thực, chẳng rõ nó thuộc lĩnh vực gì, nhưng mà thực tế thì chuyện của Củng nhiều vô kể.

Báo điện tử Vtc.vn có mấy bài đề cập chuyện ở đại học nọ có vị lãnh đạo khoa Lý luận chính trị bị đồng nghiệp nghi “đạo văn” như sau:

“2 đề tài T2005-57 và T2014-134 có sự trùng lặp khoảng trên 60%. Nội dung đơn tố cáo của các giảng viên có đi kèm các trích dẫn, dẫn chứng chỉ rõ nội dung trùng lặp trên từng dòng, từng trang của 2 đề tài này”.

Thế nhưng cuối cùng thì cũng như “Ông Ấy”,"Cả hai công trình (của người “trùng lặp khoảng trên 60%”) đã được nghiệm thu và được Trường Đại học … ghi danh vào hồ sơ thi thăng hạng giảng viên cao cấp”.

Điều kỳ diệu là cho đến nay, hình như người ấy vẫn là Trưởng khoa Lý luận chính trị?

Sau vụ lùm xùm thi cử ở Sơn La, Hà Giang trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia 2018, báo điện tử Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tuyến.

Một trong những “diễn … giả” là Phó Hiệu trưởng một đại học danh tiếng tại Hà Nội.

“Ông Ấy” là Phó giáo sư, Tiến sĩ và tuyên bố hùng hồn của “Ông Ấy” là: “Những vụ việc về gian lận thi cử ở các địa phương, nổi lên ở Hà Giang và Sơn La khiến dư luận xã hội hết sức bất bình và phẫn nộ và đặc biệt là sự vi phạm trắng trợn của các cá nhân công tác trong ngành Giáo dục. Đây chính là sự xuống cấp của đạo đức, sự tha hóa của cán bộ...”. [4]

Chợt nhớ ba năm trước, xuất hiện một bài trên báo Infonet.vn, cơ quan của Bộ thông tin và Truyền thông, bài báo đăng kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Ông Ấy” như sau:

Nội dung tố cáo “ông … đã sao chép nhiều nội dung tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của PGS.TS (Phó Giáo sư, Tiến sĩ) Võ Viết Đạn trong giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007 là đúng một phần”. [5]

Mời một ông bị kết luận “sao chép nhiều nội dung tài liệu … là đúng một phần” lên án chuyện “gian lận thi cử ở các địa phương”, có lẽ là chuyện hy hữu trên thế giới, có lẽ người tổ chức giao lưu không biết hay biết nhưng coi đó chỉ là chuyện “nhỏ như con thỏ”?

Thế nên câu chuyện của “Ông Ấy” mà tác giả Trung Ngôn đề cập cũng chỉ để đọc cho khuây khỏa chứ người ta vẫn là Trưởng khoa, vẫn là Hiệu phó và việc người ta lên án chuyện “vi phạm trắng trợn của các cá nhân công tác trong ngành Giáo dục” là của ai đó chứ họ đâu có vi phạm trắng trợn, họ đâu có thuộc diện “xuống cấp của đạo đức, sự tha hóa của cán bộ”?

Có chăng thì họ chỉ “vi phạm một phần” và cái phần ấy chỉ “bé như cái móng tay”, làm gì phải to chuyện.

Dẫu sao cũng phải công nhận ông Trung Ngôn này “gớm” thật, người khác hay báo khác có thể “thẳng tưng ruột ngựa” như Trung Ngôn thì còn chờ xem “Cái ông to tướng kia” bây giờ có còn “to tướng” hay đã biến thành “củi”?  


Tài liệu tham khảo:


[1]http://ubkttw.vn/hoat-ong-cua-ubkt-trung-uong/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-va-thi-hanh-ky-luat-cua-ang-nam-2017-trien-khai-nhiem-vu-nam-2018

[2]https://infonet.vn/thanh-tra-chinh-phu-phat-hien-5-nguoi11-trieu-nguoi-vi-pham-ke-khai-tai-san-post242355.info

[3] http://ubkttw.vn/home

[4] http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/hieu-truong-dh-top-dau-noi-ve-viec-co-nen-duy-tri-ky-thi-2-trong-1-post46505.html

[5] http://infonet.vn/ket-luan-vu-to-cao-pho-hieu-truong-truong-dh-bach-khoa-ha-noi-dao-van-post159191.info


Xuân Dương