30 janvier 2019

Về một nhà văn, người đã hạ gục cả một đế chế

Nguyên tựa bài báo: The writer who beat an empire

Tác giả bài báo: Michael Scammell
Lâm Du  chuyển ngữ

Michael Scammell là tác giả của cuốn “Solzhenitsyn: Tiểu sử” và cuốn “Koestler: Cuộc mạo hiểm trường kỳ Văn học và Chính trị của Một người vô thần Thế kỷ hai mươi”.

Ảnh minh họa: Aleksandr Solzhenitsyn du lịch tới Oslo (Na-uy) bằng thuyền vào ngày 25 tháng 2 năm 1974, ngay sau khi bị trục xuất khỏi Liên-xô.

Aleksandr Solzhenitsyn, sinh tháng 12, 1918, là người  đã làm nhiều hơn bất kỳ một ai khác để bắt Liên-xô phải khụy gối.

Khi Liên-xô sụp đổ vào năm 1991, các học giả đã đưa ra nhiều nguyên nhân diễn giải sự thất bại của nó: kinh tế, chính trị, quân sự. Ít ai nghĩ đến một nguyên nhân khác, nguyên nhân thứ tư, khó nắm bắt hơn: người ta đã hoàn toàn đánh mất niềm tin vào chế độ (Xô-viết).


Quá trình (mà cho đến nay vẫn còn) khó mà lượng định, đánh giá được một cách đầy đủ này được bắt đầu vào năm 1956, khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên-xô lúc đó là Nikita Sergeyevich Khrushchyov (1894 – 1971) đọc cái gọi là một bài diễn văn bí mật của ông trước các nhà lãnh đạo của đảng (cộng sản Liên-xô), trong đó ông đã tố cáo các cuộc thanh trừng của Josef Stalin và chính thức tiết lộ sự tồn tại của hệ thống nhà tù lao động cải tạo gulag (Tổng cục các trại cải tạo lao động; tiếng Nga: Главное управление исправительно-трудовых лагерей и колоний, viết tắt là Гулаг) trực thuộc Dân ủy Bộ nội vụ (tiếng Nga: Народный комиссариат внутренних дел, viết tắt là НКВД). Không lâu sau đó, Boris Pasternak (Boris Leonidovich Pasternak,  1890 – 1960, Giải Nobel Văn học năm 1958 – người dịch), cho phép cuốn tiểu thuyết bị cấm đoán của ông, cuốn Bác sĩ Zhivago, được xuất bản tại phương Tây, việc này đã xé toang một lỗ hổng khác của Bức màn sắt. Sau đó, vào năm 1962, tạp chí văn học “Thế giới mới” (Novy Mir = Но́вый Ми́р) đã gây ra một cơn địa chấn với việc đăng tải một truyện ngắn về hệ thống nhà tù lao cải (Гулаг = GULAG) của một tác giả vô danh tên là Alexanderr Isayevich Solzhenitsyn.

Truyện ngắn “Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denisovich” đã gây bão ở Liên bang Xô-viết, và sau đó là toàn thế giới. Bằng một thứ văn xuôi lạnh lùng, sắc sảo, nó kể câu chuyện về một ngày của một người đàn ông tầm thường tại một trại lao cải, nơi mà người đàn ông này kiên cường và nhẫn nại chịu đựng những bất công vô tận. Truyện ngắn này gây ra một chấn động lớn đến nỗi, khi nó xuất hiện, nhiều độc giả Xô-viết đã nghĩ rằng chế độ kiểm duyệt của chính quyền (Liên-xô) đã không còn tồn tại nữa.

Solzhenitsyn bắt đầu sự nghiệp văn chương khi tuổi không còn trẻ nữa. Sinh ra một trăm năm trước, vào ngày 11 tháng 12 năm 1918, chỉ 14 tháng sau cuộc Cách mạng của những người Bolshevik, ông gần như bằng tuổi với nhà nước Xô-viết và đã trải qua mọi giai đoạn phát triển của nó. Khi còn là thanh niên và sinh viên đại học, ông đã bị cuốn vào cơn ngất ngây hạnh phúc cách mạng của công cuộc thí nghiệm cộng sản và tin tưởng mãnh liệt vào những định đề của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong Thế chiến II, ông là sỹ quan chỉ huy của một tiểu đoàn pháo binh nổi tiếng và được tặng thưởng hai huân chương vì lòng dũng cảm.

Nhưng bước đường công danh sự nghiệp đầy hứa hẹn của Solzhenitsyn đã bị cắt đứt một cách tàn nhẫn khi ông bị bắt vào tháng 2/1945 với tội danh hoạt động chống Liên-xô; ông đã nhanh chóng bị kết án tám năm lao động khổ sai trong trại lao cải. Tội trạng của Solzhenitsyn ư? Tội là đã chỉ trích Stalin và Quân đội Xô-viết qua trao đổi thư từ với một người bạn học lúc ấy đang ở một mặt trận khác (điều này cho thấy hệ thống kiểm duyệt của nhà nước Xô-viết là như thế nào, đặc biệt là đọc trộm thư từ cá nhân- người dịch).

Sự đảo ngược số phận theo kiểu hiệu ứng Dickensian (Dickensian reversal) này đã khiến Solzhenitsyn rơi vào tuyệt vọng, nhưng nó cũng giúp ông mở mắt nhận ra điểm yếu chết người của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết và mang lại cho ông một cái nhìn thoáng qua của một hệ thống cai trị bằng khủng bố và những lời dối trá đã kéo dài quá lâu. Ông đã viết những bài thơ, những câu chuyện và một nửa cuốn tiểu thuyết, hầu hết trong số đó về các chủ đề yêu nước; giờ đây ông quyết tâm dành phần còn lại của cuộc đời viết lách của mình để bóc trần, để phơi bày cái cỗ máy quái dị, như sau này ông đã phát hiện ra, đã giết hại hoặc tống giam hàng triệu con người như ông.

Sau khi xuất bản thêm hai câu chuyện tập trung vào nỗi thống khổ của những người nông dân bình thường, Solzhenitsyn bị đưa vào danh sách đen của kiểm duyệt nhà nước, nhưng ông vẫn còn có thể hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết tự truyện lớn mà ông đang viết dở: Tầng đầu địa ngục (В круге первом = The First Circle) và Khu buồng bệnh ung thư (Раковый корпус = Cancer Ward). Tác phẩm “Tầng đầu địa ngục” kể về một nhóm tù nhân được ưu đãi, bao gồm cả Solzhenitsyn, được lựa chọn vào làm việc trong một phòng thí nghiệm bí mật do Tổng hành dinh quản lý hệ thống gulag điều hành, trong khi đó, “Khu buồng bệnh ung thư” lại mô tả các hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống mà trong đó Solzhenitsyn, sau khi được trả tự do đã bị quản chế, điều đi làm giáo viên tại một trường học xa xôi, đã điều trị thành công bệnh ung thư ổ bụng tại thành phố Tashkent (thủ đô của Cộng Hòa Uzbekistan ngày nay – người dịch).

Cả hai cuốn tiểu thuyết đều là những tác phẩm nổi bật vì sự soi xét nghiêm khắc đạo đức của chúng đối với xã hội Xô-viết và thảo luận về các tội ác của chính quyền (Xô-viết), và cả hai tác phẩm đều bị từ chối xuất bản tại Liên-xô. Cũng giống như số phận của “Bác sĩ Zhivago”, cả hai tác phẩm này đều nhanh chóng được bí mật chuyển sang phương Tây và, cũng giống như “Bác sĩ Zhivago” và “Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denisovich”, cả hai đều ngay lập tức trở thành những tác phẩm bán chạy nhất trong năm ( best sellers).

Vì thái độ phê phán của mình đối với hiện thực Xô-viết, Solzhenitsyn bị khai trừ khỏi Hội nhà văn (quốc doanh Liên-xô) và trở thành một kẻ ngoài vòng pháp luật thực thụ ở ngay chính trên đất nước mình (nguyên văn: “became a virtual outlaw in his own country”). Nhưng còn lâu ông mới đơn độc. Nhiều nhà văn tài năng và độc lập - Varlam Shalamov (1907 – 1982, một người bạn-nhà văn cùng viết về đề tài các trại lao cải - Gulag), Andrei Sinyavsky, Yuli Daniel và Joseph Brodsky - đã trốn tránh ách kiểm duyệt của Liên-xô bằng một hình thức xuất bản mới gọi là samizdat (самизда́т = tự xuất bản lậu, ngoài vòng kiểm duyệt – người dịch). Các tác phẩm samizdat này bao gồm các tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, những bản tuyên bố, hiệu triệu nhân quyền và các tuyên ngôn chính trị được xuất bản bí mật bằng cách đánh máy và in rô-nê-ô; và trong nhiều trường hợp, chúng cũng được gửi ra nước ngoài.

Đến cuối những năm 1960, các nhà văn và nhà hoạt động hàng đầu đã được biết đến với tên gọi Phong trào bất đồng chính kiến. Mục đích của họ là mang lại tự do ngôn luận và thay đổi chính trị hòa bình ở Liên-xô, và họ đã thu hút được một số lượng độc giả toàn cầu. Bên cạnh các nhà văn, đội ngũ của họ còn bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, học giả, luật sư, thậm chí là những công nhân chống đối; lãnh tụ không chính thức của họ là nhà vật lý đoạt giải Nobel Andrei Sakharov (1921 – 1989).

Solzhenitsyn có thiện cảm và đã hợp tác với Sakharov và các nhà bất đồng chính kiến khác, nhưng không phải lúc nào ông cũng đồng chí hướng với họ, và ông tiếp tục đi theo con đường của riêng mình. Năm 1973, khi còn ở Liên-xô, ông đã gửi ra nước ngoài kiệt tác văn học và mang tính luận chiến của mình, “Quần đảo tù ngục” (Архипела́г ГУЛА́Г = The Gulag Archipelago). Tác phẩm phi hư cấu này (the nonfiction account) đã vạch trần những tội ác khủng khiếp mà đã dẫn đến việc tống giam hàng loạt và tàn sát hàng triệu nạn nhân vô tội, và nó cũng cho thấy những chiều kích của hệ thống các trại lao cải này không thua kém gì Holocaust. Hành động này của Solzhenitsyn tạo ra một sự thách thức đối với nhà nước Xô-viết, khi đặt vấn đề nghi ngờ tính chính danh của nó (nhà nước Xô-viết) và đòi hỏi một sự thay đổi mang tính cách mạng.

Để đối phó, Liên-xô đã tước quyền công dân của Solzhenitsyn và trục xuất ông sang phương Tây; ông đến Mỹ và phần lớn 19 năm tiếp theo ông sống ở Vermont. Ông đã có thể nhận được giải thưởng Nobel mà ông đã được trao vào năm 1970; ông cũng đã viết thêm bốn cuốn tiểu thuyết lịch sử trong một sê-ri lớn của mình nhan đề là “Bánh xe đỏ”, tập trung vào Cách mạng Nga và những hậu quả của nó.

Ông tiếp tục truy kích các nhà lãnh đạo Liên-xô vì tệ nạn tham nhũng của họ và đưa ra nhiều những lời khuyên cho tương lai, nhưng đó không phải là thời gian hoàn toàn hạnh phúc đối với nhà văn Solzhenitsyn. Những loạt đại pháo cấp tập (nguyên văn: “His broadsides”) của ông nã vào Liên-xô đã không còn mang một uy lực, sức công phá mạnh mẽ như hồi ông còn sinh sống ở đó. Những cuộc tấn công đột ngột vào nước Mỹ và nền dân chủ phương Tây đã khiến những người ủng hộ tự do của ông ở phương Tây xa lánh ông, trong khi những lời chỉ trích dữ dội của ông về các đồng minh cũ trong hồi ký của ông đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của ông tại quê nhà.

Tuy nhiên, không một điều nào trong tất cả những điều trên đây có thể làm giảm sút sự khao khát của Solzhenitsyn được nhìn thấy sự sụp đổ của hệ thống Xô-viết, và khi chính quyền của Mikhail Gorbachev sụp đổ vào năm 1991, ông đã tận hưởng cả sự hồi hộp đến nghẹt thở của sự thành công lẫn sự mãn nguyện khi được chứng minh là chính xác trong dự đoán của mình về sự sụp đổ của Liên-xô (một thảm họa không tránh khỏi của những người cộng sản – người dịch). Ba năm sau, ông trở về nước Nga và được chào đón như một người anh hùng. Nhưng ông đã không hài lòng lắm với những gì mà ông đã được nhìn thấy tại đó.

Chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin là một chính quyền hỗn loạn, và Solzhenitsyn không tán thành những gì mà ông nhìn nhận như một sự pha tạp của chế độ mới với nền dân chủ phương Tây và những mong muốn ngốc nghếch của họ nhằm du nhập một hình thức dân chủ phương Tây. Những gì ông ủng hộ là một lãnh tụ mạnh mẽ, người mà sẽ duy trì một trật tự nghiêm ngặt trong nước, khuyến khích tôn giáo và nhà nước hỗ trợ nhiều hơn cho Giáo hội Chính thống, cùng với một tinh thần yêu nước được hồi sinh và trở lại các giá trị truyền thống.

Ông dường như đã đạt được ước nguyện của mình vào năm 2000, khi ông Yeltsin trao quyền tổng thống cho một người đàn ông có chung quan điểm dân tộc chủ nghĩa với Solzhenitsyn và nhân cách hóa lý tưởng của ông về một lãnh tụ mạnh mẽ: Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo mới của Nga đã tổ chức một chương trình chào đón Solzhenitsyn tại tư dinh của Solzhenitsyn và tìm kiếm lời khuyên của ông, và vào năm 2007, ông đã được trao tặng một giải thưởng nhà nước dành cho nhà văn vì những hoạt động nhân đạo của mình (Solzhenitsyn đã từ chối các giải thưởng tương tự từ ông Gorbachev và ông Yeltsin). Solzhenitsyn qua đời năm 2008, trước khi ông Putin hiện nguyên hình bản chất thực sự của mình với những vụ giết người lạnh lùng nhắm vào các nhân vật đối lập, thành lập một nhà nước độc tài, xâm lược Ukraine và Crimea, và xóa bỏ nền dân chủ địa phương ở các tỉnh. (Solzhenitsyn có thể đã chấp thuận thái độ của Ukraine, vì ông có mang một nửa dòng máu là Ukraine, nhưng còn những điều khác thì không).

Sau khi chết, tang lễ của Solzhenitsyn được cử hành một cách linh đình và ông được chôn cất tại Tu viện Donskoy ở Moscow. Năm 2010, cuốn Quần đảo tù ngục (Gulag Archipelago) được yêu cầu đưa vào sách giáo khoa trong các trường trung học Nga. Đường phố mang tên Cộng sản vĩ đại của thành phố Matxcơva đã được đổi tên thành đường phố mang tên Alexanderr Solzhenitsyn, lễ kỷ niệm một trăm năm của ông đang được tổ chức một cách hoành tráng trong tuần này tại Nga và một bức tượng của ông ở Matxcơva sẽ được dựng lên trong một tương lai gần.

Tất cả những điều này sẽ mang lại cho Solzhenitsyn - nhà văn một sự mãn nguyện tuyệt vời. Mặc dù được đối đãi trọng thị và bị khai thác bởi các đồng minh đáng ngờ, Solzhenitsyn vẫn nên được nhớ đến với vai trò là một người nói lên sự thật. Ông đã chấp nhận mọi hiểm nguy để thọc một ngọn giáo nhọn vào đúng buồng tim của chủ nghĩa cộng sản Xô-viết và đã làm nhiều hơn bất kỳ con người lẻ loi, đơn độc nào khác để hạ bệ nó và khiến nhà nước Xô-viết phải khụy gối.

Lâm Du

Nguồn: The New York Times International Edition, page 13
Friday, December, 14, 2018