21 juin 2019

Ngụy biện của ông Võ Văn Thưởng


Nguyễn Đình Cống


Vừa qua ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban tuyên giáo của ĐCSVN có bài viết :” Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” Bài viết khá công phu, được đánh giá cao về mặt lý luận. Tuy vậy ông đã dùng một vài ngụy biện. 


Trong bài “Thưa anh Võ Văn Thưởng” ( Báo Tiếng Dân ngày 19/6/2019), Mạc Văn Trang đã chỉ ra vài bất đồng, đó là :


1-Ông Thưởng cố tình nhấn quá mạnh vào mặt tiêu cực của mạng xã hội (MXH), cố làm cho người ta hiểu nhầm rằng MXH mang lại lợi ít hại nhiều. Đó là một cách đánh lừa không trong sáng.

2-Theo như ông Thưởng thì người dân xuống đường biểu tình là do MXH kích động, lôi kéo. Thử hỏi trước khi có MXH mà dân khắp thế giới đã biểu tình thì do cái gì?. Thực ra nguyên nhân chủ yếu gây ra biểu tình là những việc làm không hợp lòng dân của chính quyền. MXH chỉ là nơi đưa tin.


 3-Ông Thưởng ngụ ý biểu tình gây bạo loạn. Không phải như vậy. Bạo loạn chủ yếu là do đàn áp của chính quyền tạo ra trước, người biểu tình chỉ phản ứng lại (trừ một số rất ít quá khích, đó không phải là chủ trương của biểu tình)
Trong bài “ Lãnh đạo Việt Nam lộ rõ lo sợ đối với mạng xã hội “ ( trang Boxitvn ngày 20/6/2019) Thanh Trúc chỉ ra rằng : Ông Thưởng chỉ trích vai trò của truyền thông xã hội, nói rõ hơn là các trang MXH ở Việt Nam, sau hơn 20 năm Internet có mặt với trên 60 triệu người sử dụng. Bài báo còn nêu ra ý kiến của Ông Nguyễn Khắc Mai rằng :Họ sợ cái minh bạch, cái thức tỉnh, cái hiểu biết và sợ sự thật được phơi bày. Họ đổ lỗi cho truyền thông xã hội, nói là gây ra tiêu cực, chống đối, bạo loạn… nhưng họ quên rằng ngay ông tổ sư của họ là ông Mác từng nói những vấn đề bức xúc, bất công, mâu thuẩn, bất cập và tiêu cực trong xã hội mà chính quyền gây ra đã tạo bất mãn bất bình trong xã hội…..Cộng sản  luôn luôn đánh tráo khái niệm, họ đánh lừa dân, họ sợ hãi truyền thông xã hội, họ biết sức mạnh của truyền thông xã hội nó thức tĩnh lòng người, cho nên họ mới đổ riệt tội cho truyền thông xã hội như vậy

Ngày 18/6, Báo Tiếng Dân đăng bài  “ Trưởng ban tuyên giáo bàn về MXH…” có đoạn  :Bài viết thể hiện sự lo lắng của người đứng đầu Ban Tuyên giáo đối với MXH, cũng như báo hiệu sự đàn áp khốc liệt  thế giới mạng ở Việt Nam trong những ngày sắp tới….”Nhà báo tự do Sương Quỳnh bình luận: “Phải phân biệt việc xử phạt tin giả và bịt miệng sự thật.

Ông Thưởng cho rằng ở VN hiện nay các thế lực thù địch  đang lợi dụng MXH để thúc đẩy các “yếu tố cách mạng sắc màu ở Việt Nam., vì thế  ĐCS và Nhà nước (gọi là bên A ) phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, tự diễn biến, tự chuyển hóa ( gọi là bên B). Nhà nước cần xiết chặt việc thi hành luật an ninh mạng, các cơ quan truyền thông của Đảng cần đẩy mạnh việc đấu tranh để loại bỏ tư tưởng chống đối. Tôi xin bổ sung vài nhận xét :

1- Ông Thưởng đánh giá sai về nguyên nhân.
Ông cho rằng đường lối của Đảng kiên trì Mác Lê là hoàn toàn đúng đắn. Ai chống lại nó là thù địch, là phản động. Phải chăng ông đã bị nhồi sọ đến mức không đủ trí tuệ và sự tỉnh táo để nhận ra những độc hại của Mác Lê từ gốc, ông không thấy những tai họa  mà dân tộc phải gánh chịu mỗi khi ĐCS cố vận dụng Mac Lê. Ông không thể hiểu được nguyên nhân  những người bên B chống lại Mác Lê . Ông quy kết họ, chụp mũ họ mà không hiểu về họ. Nếu vậy thì ông hơi bị kém về phương pháp luận. Cũng có thể ông hiểu về họ, về nguyên nhân họ chống lại Mác Lê, nhưng vì một lý do nào đó mà ông lờ đi. Nếu vậy ông mắc vào lỗi thiếu trung thực (đúng ra là lừa dối).
Biểu tình là quyền của công dân. Tự dưng vô cớ thì dân biểu tình mà làm gì. Đúng ra Luật biểu tình phải được các luật sư soạn, nhưng lại giao cho Bộ Công an, là nơi chỉ muốn ngăn cản. Thế mà Nhà nước vẫn không chịu  ban hành. Nguyên nhân gây biểu tình không phải  từ MXH mà là từ những chủ trương không hợp lòng dân.

2- Ông Thưởng hiểu nhầm về bên B
Hiên nay ĐCS  đang cố chống lại loại đảng viên  thoái hóa biến chất và loại tự diễn biến. Đó là 2 loại hoàn toàn khác nhau, nhưng vì vô minh mà Đảng đã bỏ chung vào một rọ, vì thế  đã có những cách đối xử sai lầm.Thoái hóa là bọn có chức có quyền, chúng dùng nó để tham nhũng, để mua quan bán tước. Chúng là sâu mọt, là kẻ thù của nhân dân. Tự diễn biến  là những người có hiểu biết, nhận ra sai lầm của Mác Lê và chống lại, họ là những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh cho dân chủ, chống lại sự độc tài Đảng trị, họ là những chiến sĩ tiên phong trong nhân dân.
Có thể phân chia những người bên B thành 2 mức.

a- Một số trí thức, văn nghệ sĩ, họ làm nhiệm vụ chủ yếu là vạch ra những sự thật bị ẩn giấu, họ thức tỉnh nhân dân bằng việc nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí.

b- Số đông người trong nhân dân, họ có giác ngộ về nhân quyền và dân quyền, họ không chịu quỳ gối, cúi đầu, bịt miệng. Họ trực tiếp đấu tranh, xuống đường biểu tình v.v…

Ông Thưởng cho rằng những người bên B kém giác ngộ, bị mua chuộc. Nhận thức như thế là hoàn toàn sai. Là trưởng ban Tuyên giáo, đã có khi nào ông nghĩ tới việc tìm hiểu tại sao có những người như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hữu Đang, Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Khắc Mai, Tương Lai, Chu Hảo,  Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định … và hàng ngàn, hàng vạn người khác. Họ phản biện Mác Lê hoàn toàn không phải vì quyền lợi cá nhân. Xin ông hãy cử những cán bộ có năng lực và trung thực đi điều tra xem  đạo đức, tư cách, cuộc sống, quan điểm của những người đó như thế nào. Xin đừng quy kết một cách mù quáng.

ĐCS  lộ rõ lo sợ đối với MXH, họ sợ cả những người a và b, chủ yếu là a vì những người đó hơn hẳn những người như ông Thưởng cả về trình độ và tư cách đạo đức.

Có câu : Biết mình, biết người…Tôi có cảm tưởng rằng những người như ông Thưởng không biết rõ cả mình và người. Thế thì làm sao có thể đề ra sách lược đúng.

3- Ông Thưởng đánh tráo về ổn định.

Trong bài, vài lần ông Thưởng nhắc đến sự ổn định chính trị và xã hội của VN. Ông tự hào về sự ổn định đó. Tuy không viết rõ ra nhưng ông ngụ ý rằng chính nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của ĐCS theo Mác Lê mới có sự ổn định như vậy.

Ổn định hay sự cân bằng có 3 trạng thái : thường xuyên, vững chắc và tạm thời. Trong cơ học, ổn định thường xuyên giống như vật thể quay mà trục quay đi qua trọng tâm của vật. Dù quay vật đến vị trí nào nó cũng ổn định ở vị trí đó. Ổn định vững chắc, ví như con búp bê lật đật, dưới nặng, trên nhẹ, dù có lắc nó như thế nào, nó vẫn quay về vị trí cũ. Ổn định tạm thời là loại ổn định có điều kiện bảo đảm, có chống đỡ. Khi  điều kiện và chống đỡ mất đi hoặc giảm sút mà lại có tác động bên ngoài thì nó sẽ dễ bị lật đổ. Đó là ổn định của tàu thuyền khi bị giông bão, của công trình khi bị động đất v.v….

Ông Thưởng đã nhập nhèm giữa ổn định chính trị và ổn định xã hội. Trong 2 thứ thì ổn định xã hội quan trọng hơn, bao gồm nhiều phạm vi hơn, trong đó ổn định chính trị là một trong những điều kiện cần hàng đầu. Ổn định chính trị là một trong những điều kiện cho ổn định xã hội. Có ổn định chính trị chưa chắc đã có ổn định xã hội.

Hãy xem ổn định xã hội của VN hiện nay như thế nào ? Muốn ổn định thì thông thường dưới nặng mà trên nhẹ, nhưng ở VN trên đầu quá nặng vì 3 tổ chức chồng chéo lên nhau ( Đảng, Chính quyền, Mặt trận). Để ổn định thì trên phải giỏi hơn dưới, nhưng bên trên cúa VN một số không ít có trí tuệ và nhân cách  quá kém. Ổn định cái gì khi mà tệ nạn, tội phạm, trộm cướp, dân oan, sự hủy hoại môi trường v.v.. xẩy ra thường xuyên và khắp nơi. Phải chăng xã hội ổn định khi từ trên xuống dưới đều sống nhờ dối trá, khi đạo đức và giáo dục xuống cấp, khi tôn giáo bị lợi dụng,

Tôi không tán thành đánh giá xã hội VN có ổn định tốt.

Sự ổn định chính trị của VN hiện nay là loại ổn định tạm thời dựa trên hai lực lượng chống đỡ : công an và tuyên giáo. Nó còn tạm ổn định vì chưa có bão tố hoặc động đất từ phía nhân dân.  Đến lúc đó thì công an và tuyên giáo sẽ mất hết tác dụng, sự sụp đổ tất yếu xẩy ra. Ông Thưởng nói riêng và lãnh đạo CS nói chung đang rất lo  sợ những trận bão như thế và tìm cách ngăn chặn từ MXH. Nhưng liệu có ngăn được mãi không.

Có một cách rất đơn giản để giữ ổn định và phát triển là Minh bạch trong mọi chủ trương và hành động. Ngày xưa các cụ tiền bối để cao 4 chữ : QUANG MINH CHÍNH ĐẠI. Chính quyền không lừa dân, không nói dối dân.

Chính quyền thực thi một chế độ dân chủ, thực sự tôn trọng QUYỀN DÂN thì ngại gì MXH. Chống lại tiêu cực của MXH, hữu hiệu nhất có 2 cách. Cách 1- Đối với toàn dân là mở rộng tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tổ chức đối thoại giữa A và B, xóa bỏ độc tài Đảng trị, trả quyền cho dân. Cách 2- Tôn trọng những thông tin nói lên sự thật, trừng trị nặng những kẻ đưa ra thông tin giả, thậm chí có thể ra điều luật : “Đặt ra ngoài vòng pháp luật những kẻ đưa thông tin sai sự thật”. Nhưng những kẻ đó phải được xét xử công khai, phải được tự mình hoặc có luật sư bảo vệ để tránh việc lẫn lộn giữa vu cáo và bưng bít  sự thật mà ai đó muốn che giấu.
Trong bài viết ông Thưởng đã khoa trương, trình bày nhiều thông tin quan trọng, từ phong tráo áo vàng, vụ bê bối dữ liệu do Cambridge Analytica, đếnhiện tượng KOLsv.v…, phải chăng là để chứng tỏ sự hiểu sâu, biết rộng. Tiếc rằng đàng sau sự hiểu biết ấy ẩn giấu sự thấp kém về trí tuệ, mắc vào nhiều lỗi ngụy biện. Ông Thưởng đã có lần khuyến khích đối thoại giữa A và B, nhân dịp này ông hãy xúc tiến các cuộc đối thoại ấy. Làm được như thế uy tín của ông sẽ được nâng lên, còn khi viết bài thì hãy tránh xa lối ngụy biện.