Nguyễn
Đình Cống
Đảng
CSVN bắt đầu chuẩn bị đại hội 13. Mỗi lần
như vậy có 2 việc quan trọng nhất : Báo cáo chính trị và Quy hoạch nhân sự. Về nhân sự, tôi đã bàn đến trong bài
“ Phản biện đường lối cán bộ cộng sản”,
trong đó vạch ra những việc làm phản dân chủ, không hợp quy luật, kém hiệu quả.
Về
báo cáo chính trị, nhiều người cho rằng nó rất quan trọng, là trọng tâm, là hạt
nhân của ĐH. Tôi theo dõi 6 lần ĐH (từ ĐH 7 đến 12), nhận thấy rằng, báo cáo chính
trị là những văn bản nặng về hình thức sáo rỗng, có ít tác dụng.
Hình như ngoài các đảng có bản chất cộng sản và đang chuyên chế, không có đảng chính trị cầm quyền nào tại các nước dân chủ lại viết và đọc báo cáo chính trị dài lê thê, trong một đại hội nhiều ngày như ĐCSVN. Thử hỏi các đại biểu đến họp ĐH xem có bao nhiêu phần trăm chú ý của họ dành cho việc nghe đọc báo cáo. Họ ngồi trong hội trường, im như tượng, mỗi người nghĩ về sự quan tâm riêng hoặc tranh thủ thư giản và chẳng mấy ai theo dõi người đọc báo cáo.
Đọc
kỹ báo cáo chính trị của ĐH 12, dài trên 4 vạn từ, gồm 15 mục, tôi rút ra nhận
xét, nó là sản phẩm của rất nhiều công sức, nhưng là của những trí tuệ giáo điều,
đã bị xơ cứng, của những lao động giản đơn như sao chép, cắt dán, liệt kê, nó
giống như một hiệu tạp hóa, có rất nhiều mặt hàng, mỗi thứ một ít. Theo lời kêu
gọi góp ý cho ĐH tôi đã viết 4 bài khá dài, vừa đăng công khai, vừa gửi đến văn
phòng trung ương đảng cũng như đến các tỉnh ủy, thành ủy, nhờ chuyến tới các đại biểu. Tôi phân tích tương đối kỹ những
yếu kém của báo cáo, góp một số ý kiến về cách viết có hiệu quả cùng những vấn
đề nên đem ra thảo luận.
Còn hơn
2 năm nữa mới đến ĐH 13, thế mà bây giờ Bộ Chính trị đã lập Ban chuẩn bị văn kiện gồm trên
sáu chục người. Họ đề ra phương châm : kiên trì và đổi mới, kế thừa và phát triển,
lý luận và thực tế. Nghe như các cặp phạm trù triết học.
Kiên
trì cái gì ?. Đáng ra phải kiên trì đường lối độc lập tự chủ nhằm đem lại tự do
và hạnh phúc thật sự cho nhân dân, thì lại kiên trì chủ nghĩa Mác Lê, một chủ
nghĩa được tạo nên từ ngụy biện, chứa nhiều độc hại, chỉ mang lại và bảo vệ lợi
ích phi nghĩa cho vài nhóm nhỏ. Đáng lẽ phải nghiên cứu, phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ lại và phát huy những
yếu tố tích cực, tìm ra và loại bỏ những yếu tố có hại cho độc lập dân tộc, cho
tự do và hạnh phúc của nhân dân thì lại đem buộc chặt nó với Mác Lê, một việc
làm tưởng đề cao ông Hồ nhưng thực chất là làm hại ông. Những điều đảng kiên
trì như độc quyền, công hữu đất đai, bóp nghẹt tự do tư tưởng và ngôn luận, đeo
bám Trung cộng v.v…chỉ nhằm đẩy dân tộc vào con đường bế tắc, tụt hậu .
Đổi
mới cái gì?. Những nhà lý luận của đảng loay hoay tìm cách đổi mới. Nhưng với đầu
óc bị nhồi sọ và xơ cứng họ chỉ nghĩ ra được vài điều vụn vặt về chống diễn biến,
về tăng cường kỷ luật v.v…Những điều như QĐ 44 về bầu cử, QĐ 90; 102, 105 và
quy hoạch CB v.v.. được cho là đổi mới, nhưng thực chất lại quá lạc hậu, phản
tiến bộ.
Đối
với ĐCSVN hiện nay quan trọng nhất là đổi mới nhận thức về vai trò. Đó là chuyển
từ một đảng làm cách mạng thành đảng chính trị cầm quyền. Phải xem lại, đảng có
cần là đội tiên phong của giai cấp nữa hay không, có cần một tổ chức quá nặng nề
như hiện nay không. Trước mắt, liên quan
trực tiếp đến đại hội 13 nên tập trung đổi mới 3 việc sau : Bầu cử, Tổ chức ĐH,
Báo cáo CT.
Đại hội 12 với 1510 đại biểu, họp trong 9
ngày, báo cáo trên 4 vạn từ là quá cồng kềnh, quá lãng phí, kém hiệu quả. Bầu cử mất dân chủ. Nên chăng có những đổi mới sau :
Bầu
BCH TƯ nên làm theo khu vực giống như bầu Quốc hội. Việc ĐH bầu ra BCH chỉ nên
dùng ở các cấp dưới. Hỏi rằng ở ĐH toàn quốc, một ĐB ở Cà Mau, Kiên Giang biết
gì về ứng viên ở Lai Châu, Cao Bằng mà bầu hay gạch bỏ.
Đại
hội được tổ chức sau khi bầu BCH TƯ. Đại
biểu đi dự ĐH gồm các UV BCH TƯ mới được bầu và thêm các ĐB khác, tổng số chỉ
nên vào khoảng 800. Các UV BCH TƯ cũng
như các ĐB dự ĐH phải được bầu thật sự
dân chủ, qua tranh cử công khai. Cấp ủy cũ chỉ lập mà không được quyết định
danh sách.
Đại
hội chỉ nên họp dưới 6 ngày, việc chính là bầu Tổng bí thư và UV Bộ chính trị,
là thảo luận về phương hướng, đường lối sắp tới. Không cần đề ra và thảo luận
các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế và xã hội. Hỏi rằng nhiều ĐB biết gì về các chỉ
tiêu cụ thể mà biểu quyết hay không. (ở các nước có nền kinh tế thị trường đúng
nghĩa chính phủ và đảng cầm quyền không đặt chỉ tiêu cho sản xuất và buôn bán).
Chủ tịch đoàn là để điều khiển chứ không phải để vinh danh, vì vậy chỉ cần khoảng
7 người. Đưa một lúc trên 30 người ngồi chủ tịch đoàn mà làm gì.
Nên
đổi mới cách viết báo cáo chính trị, cần súc tích, chỉ nên dưới 1 vạn từ. Báo
cáo được in và phát cho ĐB, tại ĐH không trình bày, chỉ tổ chức thảo luận. Thử
hỏi xem ở ĐH có ai tập trung nghe báo cáo.
Trong
các báo cáo chính trị tại các ĐH ĐCSVN có lẽ báo cáo tại ĐH 6 là đáng để ý hơn
cả. Để chuẩn bị ĐH 6, TBT Lê Duẩn cùng với
những Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Chí Công, Nguyễn Văn
Linh, Tố Hữu v.v…đã mất hàng năm chuẩn bị. Nhưng sau khi Lê Duẩn qua đời, Trường
Chinh đã chỉ đạo viết lại báo cáo chỉ trong vài tháng với một số rất ít người
tham gia. ( 10 người, do Hoàng Tùng làm trưởng nhóm). Đó mới là bản báo cáo có
giá trị nhất.
Báo cáo chính trị ĐH 12 dài lê thê và lắm rác rưởi.
Không thấy ai tìm xem đã chi bao nhiêu tiền thuế của dân để hoàn thiện và phổ
biến một báo cáo như vậy. Tôi ước tính khoảng trên dưới trăm tỷ. Nếu như không
chịu đổi mới, vẫn theo cung cách cũ thì báo cáo chính trị tại ĐH 13 chắc sẽ dài
hơn, lắm rác rưởi hơn và tiêu tốn nhiều tiền thuế của dân hơn. Hãy chờ xem.