Bút ký của Hoàng Minh Tường
Ghi nhớ Một trăm năm chữ Quốc Ngữ
(1919 – 2019)
* Bút ký
Các thành viên đoàn
Việt Nam trước mộ
Alexandre de Rhodes |
Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, rồi
các nhà nước phong kiến Việt Nam tự chủ từ Ngô Quyền xưng Vương năm 939, với sự
xuất hiện của chữ Nôm, loại hình chữ Việt của tầng lớp trên biến thể từ chữ
Hán, hầu hết các văn bản chính thống Quốc gia, các trước tác, văn bia, tàng thư
lưu trữ…, cho đến năm 1919, đều dùng chữ Hán và chữ Nôm. Đọc được thứ chữ này
chỉ có các nhà nho và quan lại, hơn chín mươi chín phần trăm dân cư mù chữ. Chỉ
đến khi vua Khải Định ra đạo dụ ngày 26 tháng 11 năm Mậu Ngọ ( 28/12/1918) bãi
bỏ các khoa thi lều chõng cử tử, đưa chữ Quốc ngữ vào nhà trường, chữ Việt hiện
đại mới chính thức được phổ cập và phát triển trên toàn xứ sở.
Sự thần kỳ nào đã giúp người Việt
thoát thứ chữ tượng hình hàng nghìn năm bao quấn tư duy và tự tôn dân tộc để có
một hệ ký tự Latin hiện đại, để rồi một trăm năm qua khởi phát giao hòa đông
tây, kết nối đồng bào, khuếch tán văn hóa với toàn nhân loại?
Hãy làm một cuộc ngược dòng, tìm
đến nguồn cội của chữ Quốc ngữ.
I.
MỘT ĐẤT NƯỚC KỲ BÍ
Đất nước Iran trông tựa như một
chiếc lá phong bay phần phật giữa vùng Tây Á và Nam Á, kẹp giữa hai biển, phía
bắc là Caspi ( Lý Hải), phía nam là vịnh Pecxich. Bay trên trời, tưởng tượng
Airbus đang là chiếc thảm bay, từ Istanbul đến Teheran, nhìn xuống, chỉ thấy
bao la một vùng cao nguyên khô cằn màu đất gan gà. Đi đường bộ dọc bắc nam từ
bờ Caspi đến bờ vịnh Pecxich cũng điệp trùng những dải núi như được nung đốt
thành sành gốm và mênh mông hoàng thổ. Hiếm hoi lắm mới gặp một vạt xanh. Đúng
hơn là những chấm xanh.
Đất đai ấy, mà sao từ hơn ba ngàn
năm trước đã tạo nên những đế chế của người Media và người Babylon cổ đại, để
rồi đến thế kỷ thứ VII trước CN, hợp thành đế chế Achamenes của người Aryan với
vua Syrus đại đế, tiền thân của đế quốc Ba Tư hùng mạnh về sau. Đất đai ấy mà
thảng hoặc lại bắt gặp những thành quách đền đài, nơi bị thời gian vùi lấp, nơi
hầu như còn nguyên vẹn, nguy nga tráng lệ. Và âm u trong gió, bảng lảng trong
mây là những câu chuyện huyền hoặc của một nghìn lẻ một đêm và những tấm thảm
bay kỳ ảo.
Giữa vùng hoang mạc khô cằn và kì
bí ấy, tưởng rằng chẳng có gì dính líu đến nước Việt viễn đông xa xôi, nào ngờ
có hai sự kiện mà hậu thế bây giờ mới giật mình.
Ấy là vào năm 1255, khi vó ngựa
của Thành Cát Tư Hãn tiến qua vùng Trung Á, đế quốc Ba Tư bị khuất phục.
Hulagu, cháu nội của Hốt Tất Liệt trở thành thái thú Ba Tư, lập tức thành lập
đội quân viễn chinh người bản xứ, theo gót quân Nguyên Mông đi chinh phục thế
giới. Ba lần quân Nguyên tiến đánh Đại Việt (1258, 1285 và 1287), hai lần sau
đều có tướng Ô Mã Nhi. Ở cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai, thủy quân Ô Mã Nhi
đã làm mưa làm gió vùng hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình, có lúc dồn đuổi thủy
quân Trần Hưng Đạo về Vạn Kiếp, có lúc bao vây thành Thăng Long, truy sát vua
tôi nhà Trần xuống Xuân Trường, khiến vua Trần lo lắng hỏi Trần Hưng Đạo có nên
hàng giặc không? Và Hưng Đạo Vương đã nói câu bất hủ: “Nếu bệ hạ muốn hàng
thì hãy chém đầu tôi đi đã”. Rồi Trần Hưng Đạo đưa thượng hoàng và vua về
Ba Chẽ, Quảng Ninh để lừa giặc trước khi vòng vào xứ Thanh, thoát lưới vây bủa
của Ô Mã Nhi, chờ lúc phản công, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Những ngày nguy nan
ấy, một loạt quan quân nhà Trần đã ra hàng giặc, như hoàng tử Trần Ích Tắc,
hoàng thân Trần Lộng, Trần Kiên…
Cuộc xâm lược lần thứ ba, Ô Mã
Nhi đã được phong chức Bình chương sự, cùng Phàn Tiếp dẫn thủy binh vào cửa
Bạch Đằng. Và trận thủy chiến lừng danh nhất trong lịch sử quân sự nước Việt
(và cả thế giới) đã được Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương dàn trận. Trước
đó ở Vân Đồn, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư đã tiêu diệt Trương Văn Hổ và toàn
bộ hạm đội hậu cần tiếp viện. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ cùng hơn bốn trăm
chiến thuyền giặc lọt vào trận địa phục kích và bị đốt cháy. Phàn Tiếp bị giết,
Ô Mã Nhi bị bắt sống. Trận đánh thần sầu ấy diễn ra vào tháng tư năm Mậu Tý,
1288.
Tướng Ô Mã Nhi này, phải chăng
chính là Omar, người Ba Tư?
Nhà sử học Ba Tư nổi tiếng thế kỷ
XIII là Fazi Allah Radsidud có thể đã đi trong đoàn quân ấy, đã biết Omar, hoặc
được nghe kể, để rồi đã ghi lại trong sử biên niên về xứ Giao Chỉ (Kiafka) thời
ấy: …“ Nước đó có những vùng khó đi lại và nhiều rừng cây… Nước đó có quốc
vương riêng không thần phục Hãn (vua Mông Cổ). Con trai của Hãn là Thoát Hoan
(Tugan)chỉ huy đội quân bảo vệ miền Manzi cũng như để ngăn ngừa và chống lại
những ai không khuất phục. Một lần Tugan mang quân vào nước đó, chiếm lấy các
thành thị ven biển và thống trị ở đây một tuần lễ. Nhưng bỗng nhiên từ biển, từ
rừng, từ núi, xuất hiện những đội quân nước đó đánh tan đạo quân của Tugan đang
lo cướp bóc. Tugan trốn thoát và lại về đóng ở Lukin Fu ( Nam Kinh)…
Đọc mà sướng âm ỉ. Ngay từ thế kỷ
XIII chiến thắng của quân dân nhà Trần Đại Việt ta đã ngân vang trong sử sách
Iran.
II. ĐI TÌM MỘ
ALEXANDRE DE RHODES
Sự kiện thứ hai.
Bốn trăm năm sau, năm 1651, có
một người từ Đại Việt ra đi, sau khi hoàn thành công trình vĩ đại: Bộ từ
điển Việt - Bồ - La (Ditionarium Annamitium Lusitanum ed Latinum) cùng với
tác phẩm “Phép giảng tám ngày”, và cho in tại Roma, đã được Giáo hội cử
đến Ba Tư truyền đạo và mất ở đó năm 1660. “ Phép giảng tám ngày” hiện
còn một bản duy nhất, một báu vật, được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, Phú Yên.
Tác giả của hai công trình bất hủ đó là Linh mục Alexandre de Rhodes, một nhà
Việt Nam học, nhà ngôn ngữ học, người đã góp phần quan trọng tạo ra chữ Việt
hiện đại. Thông tin này mãi gần đây mới tìm thấy trong tàng thư của Tòa thánh
Vatican. Báo chí Việt từ vài chục năm nay cũng chỉ đưa tin vậy thôi, chứ chưa
người Việt nào biết đích xác mộ cha Alexandre de Rhodes ở đâu, hình thù thế
nào, có ai khói hương chăm sóc?
Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn
Đắc Lộ), sinh ngày 15/3/1591, gốc người Do Thái, sinh trưởng ở vùng Avignon,
lãnh thổ Giáo Hoàng miền nam nước Pháp, học tại nhà tập Dòng Tên ở Roma. Ông
giỏi thiên văn học, toán học, ngôn ngữ học. Năm 26 tuổi (1619), ông sang Nhật
truyền giáo, rồi chuyển sang Ma Cao. Năm 1625 cùng bốn cha Dòng Tên cập cảng
Hội An.
Trước đó, năm 1617, tại đây đã có
một số giáo sĩ đến truyền đạo, đặc biệt có cha người Bồ Đào Nha Jean Francois
Calixte de Pina, người đã hầu như thông thạo tiếng Việt để giảng đạo trực tiếp
cho các con chiên. Cha Francois de Pina (1585 - 1625) sinh tại Guarda, Bồ Đào
Nha, tốt nghiệp chủng viện Dòng Tên năm 1605, sang Nhật Bản, Ma Cao, rồi đến
Đàng Trong năm 1617. Ông là giáo sĩ thông thạo tiếng Việt đầu tiên để giảng đạo
cho con chiên bản xứ. Tại thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha ở thủ đô Lisbon hiện còn
giữ nhiều tài liệu về cha Francois de Pina. Đó là những trang ghi kí tự Latin
đầu tiên về tiếng Việt được gửi từ xứ Đàng Trong về tòa thánh Vatican, kiểu chữ
fantazi đẹp như các thợ chữ viết bằng khen. Lại nữa, trong các tài liệu
ấy còn có phương pháp ký tự sáu thanh điệu tiếng Việt ( nặng, hỏi, ngã, không,
huyền, sắc ) trên các khuông nhạc, từ cung trầm nhất cho đến cung bậc cao. Cuộc
gặp giữa cha De Pina với cha De Rhodes rất ngắn ngủi, chỉ trong vài tháng đầu
năm 1625, nhưng lại là một cuộc gặp bàn giao định mệnh. Chính cha Francisco de
Pina đã truyền cách học và ghi tiếng Việt bằng chữ Latin cho cha De Rhodes. Sau
cái chết vì vụ cứu nạn đắm tàu năm 1625 của cha De Pina, tất cả tài liệu chữ
Việt thuở sơ khai đã được cha De Rhodes gìn giữ. Phải chăng, nếu cha De Pina
không bị tử nạn, có thể chính ông là người đầu tiên soạn thảo bộ từ điển Việt -
Bồ - La, hoặc là đồng tác giả với cha Alexandre des Rhodes?
Cùng với người thầy đầu tiên,
Francisco de Pina, dạy tiếng Việt cho cha De Rhodes vào cái năm 1625 ấy, còn có
một chú bé mười hai tuổi người bản địa.
“ Chỉ trong ba tuần, cậu đã dạy
tôi các cung giọng của tiếng Việt và cách phát âm từng chữ, cậu hiểu được tất
cả những gì tôi diễn đạt, đồng thời cậu học viết Latin và có thể giúp lễ. Sau
đó cậu thành người trợ giảng loan báo tin mừng cho xứ sở…”
“ Mỗi ngày tôi hăm hở học tiếng
Việt y như ngày xưa tôi học thiên văn học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ
trong vòng bốn tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội, và sau sáu
tháng tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt…”
“… Khi tôi tới Nam Kỳ (Đàng Trong
- HMT) và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình
đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ngã lòng vì nghĩ rằng có lẽ không bao giờ
mình học nói được ngôn ngữ như thế… Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả
năng để học cho được tiếng Việt.”
Những dòng nhật ký của linh mục
Alexandre de Rhodes, ba trăm bẩy mươi năm trước, cho người sau hiểu rằng ông đã
đến với nước Việt bởi một tình yêu dâng hiến, một sự xả thân công đức.
Cũng cần phải nói thêm rằng,
trong các tài liệu công giáo ở Đàng Trong, có ghi lại một sự kiện quan trọng.
Đó là sau cái chết của cha Francois de Pina vì vụ cứu tàu, Chúa Nguyễn đã kiên
quyết trục xuất nhóm các giáo sĩ phương Tây. Đúng lúc đó, có một bàn tay Bồ Tát
của người Việt chìa ra giúp đỡ. Đó là quan tuần phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa,
người đã từng tiến cử Đào Duy Từ với chúa Sãi Vương. Với quyền lực và ảnh hưởng
của mình, cộng với lòng nhân ái vô bờ, tầm viễn kiến về một ảnh hưởng văn hóa,
ông đã giấu mấy vị linh mục mắt xanh, trong đó có cha Alexandre de Rhodes,
trong nhân dân, trong đức tin và tình người rộng mở, để rồi những năm sau các
giáo sĩ tiếp tục được sống, được hành đạo và góp phần đưa văn minh văn hóa
phương Tây vào đất Việt. Alexandre de Rhodes sống ở Việt Nam tròn hai mươi năm,
từ năm 1625 đến 1645, đã sáu lần bị các chúa Nguyễn trục xuất, nhưng sáu lần
đều nhẫn nhịn, luồn trốn để ở lại. Đó là sự tận hiến vì đức tin vì đạo nghĩa
với xứ sở này, chứ quyết không phải là một âm mưu thôn tính thực dân mà ai đó
nếu cố tình gán ghép. Năm 1625, lần cuối cùng bị chúa Hiền Vương trục xuất,
Alexandre de Rhodes trở về Roma với gia tài tiếng Việt tích lũy hai mươi năm,
cùng với cuốn từ điển tiếng Việt của linh mục Gaspa do Amaral và cuốn từ điển
tiếng Bồ của linh mục Antonio Barbosa, âm thầm đóng cửa phòng để miệt mài tạo
nên kiệt tác Từ điển Viêt - Bồ - La. In xong cuốn đại từ điển đầu tiên
cho người Việt, ông dâng lời khẩn cầu muốn được trở lại Đại Việt, nhưng giáo
hội khuyên ông đến Isfahan, để tiếp tục công việc truyền đạo.
Isfahan bấy giờ đang là tân đô
lộng lẫy của đế chế Ba Tư, triều đại Safavid, một triều đại dung hòa giữa các
tôn giáo, đạo Hồi và đạo Kito cùng được song hành. Trong môi trường làm việc và
truyền bá đức tin đạo Kito chắc dễ dàng hơn ở Đại Việt, nhưng có lẽ không phải
là mảnh đất của Alexandre de Rhodes, nên chỉ năm năm sau ông buồn đau, bệnh tật
và qua đời (1660). Các con chiên người Armenia đã an táng và khắc bia mộ ông
trong nghĩa trang của dân tộc mình ở ngoại ô thành phố.
Ba trăm bẩy mươi tám năm qua,
không một người Việt nào biết cha Alexandre de Rhodes đã nằm đó.
Cho tới một ngày…