02 janvier 2019

Văn hóa suy đồi đất nước sẽ suy vong


Thiện Tùng

Văn hóa Giáo dục là nói theo nghĩa hẹp, gồm các môn khoa học Xã hội, T nhiên, Kỹ thuật. Đánh giá trình độ cao thấp về Văn hóa Giáo dục qua cấp bằng, học vị. Văn Hóa mà Tùng tôi đề cập trong bài nầy là theo nghĩa rộng là Văn hóa Xã hội. Ngoài kiến thức về Văn hóa Giáo dục, Văn hóa Xã hội còn bao gồm phong tục, tập tục, nếp sống, lối sống, cách sống…, nói chung là việc đối nhân xử thế sao cho phải đạo làm người - người đối với người chớ không như những loại súc vật hạ đẳng.


“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời người

 khởi đầu từ tuổi trẻ”(lời  Hồ Chí Minh).



Có lẽ xuất phát từ câu nói đó, để nhân dân hứng khởi đón Xuân, ngày 28/12/2018, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ “Kiến tạo, Liêm chính”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hào hứng báo cáo: “kinh tế tăng trưởng 7,08%, vượt mức kế hoạch .v.v…”. – Ông vui miệng nổ liên hồi, dài lắm không thể dẫn ra đây.

Tổng Bí thư, Chủ nước Nguyễn Phú Trọng cũng lạc quan không kém, ông nói: Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay. Trên thế giới chúng ta không có nhiều kém cạnh. Các khu vực đều có điểm nóng, có chuyện, nhưng rõ ràng đất nước ta thanh bình, ổn định, đi đâu cũng thấy người ta coi trọng, rất quý trọng Việt Nam”. Ông dẫn chứng thêm: “Quê tôi ngày xưa còn nghèo lắm, bây giờ hầu như toàn nhà tầng, ôtô, có ti vi, tủ lạnh, điện thoại. Ngay cả người dân miền núi có điện thoại để gọi nhau, đời sống được cải thiện rất nhiều, khác xa ngày xưa rồi”. 
"Đất nước mình có bao giờ được thế này không!" –
            lời ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đồng Cảm
 
  “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm

 trồng người”(cũng lời Hồ Chí Minh).



Từ câu nói nầy của Cụ Hồ, Tùng tôi cảm nghĩ, dường như các vị lãnh đạo của Đảng nặng về vật chất, nhẹ về tinh thần (nặng kinh tế, nhẹ về Văn hóa). Suy thoái về kinh tế có thể  khôi phục trong 5-10 năm chớ suy thoái về Văn hóa phải mất hàng trăm năm chưa chắc khôi phục được.

Cũng chắc không đâu như ở Việt Nam, dường như lãnh đạo thương dân người hơn dân mình: Mỗi khi dân người bị thiên tai hay nhân tai đều hộc tốc gởi điện chia buồn, còn dân mình bị thiên tai hay nhân tai chỉ thăm hỏi qua loa. Dễ thấy nhứt như lũ lụt miền Trung / Ngư dân bị “tàu lạ” hãm hại / Vụ cổ vũ bóng đá gây chết 28 người mà xem mòi lãnh đạo tĩnh bơ, chỉ hồ hỡi với chiếc cúp “mang vinh quang về cho Tổ Quốc”/ Vụ 152 người dân Việt Nam đi du lịch rồi trốn ở lại mong được làm nô tỳ xứ người, nhưng bị an ninh bản xứ bắt còng tay dắt đi dò dò dòng dọc trước bàn dân thiên hạ, có nhục, có đau xót không!. Thử hỏi với chiếc cúp giành được ở khu vực hạn hẹp có bù đắp được việc mất uy tín quá lớn nầy không? / Trong khi trẻ em Việt Nam, nhứt là miền thượng du, thiếu trường lớp mà ta lại chơi sộp, tặng không cho Lào một ngôi trường trị giá 30 tỷ đồng VN, liệu làm như thế có quá đáng không?! .v.v…
Các quan chức hai nước đang cắt băng khánh thành công trình. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)


Sáng 11/11, lễ khánh thành và bàn giao Trường Trung học phổ thông Sithanasay, quà tặng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho nhân dân Lào nói chung và nhân dân tỉnh Bolikhamsay nói riêng nhân dịp Tổng Bí thư thăm nước Lào vào tháng 11/2016, đã diễn ra tại tỉnh Bolikhamsay, Trung Lào.

Toàn cảnh khu trường. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Việt Nam ta phải mất hàng ngàn năm mới xây dựng, đúc kết được những vốn Văn hóa vật thể và phi vật thể (vật chất, tinh thần). Nhưng chỉ non nửa thế kỷ cầm quyền trên cả nước, “Đảng ta” chẳng những không chú tâm tôn tạo, giữ gìn những di sản Văn hóa vô giá ấy của tiền nhân để lại, mà còn  hủy hoại chúng một cách không thương tiếc. Đáng nói là nhà cầm quyền thúc đẩy, chạy theo Văn hóa xốp nổi kiểu “mì ăn liền” mà  lãng quên những di ngôn thắm đượm tình người do tổ tiên đúc kết :“Bầu ơi thương lấy Bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Chị ngã em nâng”, “Con Ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, “Thố tử Hồ bi”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.v.vChính lối sống thực dụng theo triết lý hiện sinh, từ nhỏ đến lớn, từ dân chí quan, giảm dần tính người, sát phạt nhau như loài lang sói.

Biết chớ, tôi là người Việt Nam mà chê dân tộc Việt Nam là chê chính mình. Dầu đau lòng nhưng phải nói để còn cùng nhau tu tâm dưỡng tánh, cứ nổ hoài e có lúc hết đạn.  


Lẽ phải nằm trong tay người có quyền

 Ở Việt Nam ta, ai có gì mình có nấy, thậm chí có nhiều hơn. Nhưng khi áp dụng theo lối tập quyền từ trên ban xuống, nặc mùi Phong kiến theo lối “Quân xử Thần tử, Thần bất tử bất trungtrãm. Quản lý xã hội theo cung cách: “Đảng nộ Bộ, Bộ chộ Khu, Khu trù Tỉnh, Tỉnh chỉnh Huyện, Huyện khiển Xã, Xã nả thôn, Thôn dồn Dân, Dân đần Gia tộc – Vì lợi quyền, theo băng nhóm, sát phạt nhau không nương tay, bất chấp đạo lý. Ngay ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng khi vào tù còn phải gào lên: “Hãy đối xử với tôi như một con người”.

Tôn sư trọng đạo

Xưa nay xã hội Việt Nam ta xuất hiện cả thảy 5 thầy: Thầy giáo, Thầy thuốc, thầy cãi (Luật sư) thầy chùa, Thầy pháp . Khoan nói do đâu, chỉ thấy các thầy không làm tốt thiêng chức (chức trách thiêng liêng) của mình:

1/ Thầy giáo: Về phía ngành, ngược đời, không đâu như ở Việt Nam, nhà trường là nơi “trồng người” mà hễ học sinh có điểm thấp đưa vào trường Sư phạm, ra trường thất nghiệp lan tràn, muốn được tuyển phài đút lót, lương chỉ đủ sống cho bản thân. Đó là chưa nói, quan chức ỷ thế cậy quyền, bắt nữ giáo viên làm những việc trái luân thường đạo lý như phục dịch tiệc tùng cho các quan. Về phía thầy cô giáo, phần lớn không thoải mái với nghề; áp dụng bạo lực đối với học sinh, sinh viên khiến học sinh, sinh viên “trả đũa”; ép khéo học sinh phải học thêm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống; qua đút lót của phụ huynh có hiện tượng phân biệt đối xử trong học sinh… Từ đó, thầy trò không tôn trọng nhau như xưa có thể bắt nguồn từ đây.

2/ Thầy thuốc: Dốt không chết, bịnh không được chữa trị mới chết. Có câu “đau chân há miệng”, đó là lợi thế của thầy thuốc. Vì vậy, khám chữa bịnh hay mua thuốc không ai trả giá, nói sao chấp nhận vậy. Khi ra trường, qua bước thực tập và được nhận vào biên chế, gần như sư nào cũng nghĩ đến: Mở phòng mạch riêng khám chữa trị bịnh ngoài giờ (như giáo viên mở lớp dạy thêm) / Quan hệ khắn khích với trình dược viên của các công ty, xí nghiệp dược, kê toa sử dụng thuốc của công/xí nào thì được nhận hoa hồng ở công/xí ấy, nạn thuốc dõm thuốc giả có thể bắt đầu từ đây / Ngay trong cơ sở bịnh viện công, các sư cũng toa rập nhau  lập ra khu vực khám/nằm chữa bịnh theo yêu cầu với giá ngút trời đối với những bịnh nhân khá giả hoặc ngại khó/khổ không đến khu vực bịnh viện công. Chưa hết, lợi dụng công cụ y học tân tiến, các sư có thế lực hùn hạp với nhau mở những vệ tinh ăn theo bịnh viện, hở ra là các sư bảo tạm ứng tiền để cho Siêu âm, X.Quang, CT, MRI… gì đó, bịnh nhân trả tiền méo mặt, nếu không có tiền đành chịu chết.

Chẳng biết có quá đáng không, có người chỉ thay một từ trong câu nói biến thiện thành ác “Lương y kiêm từ mẫu” thành “Lương y kiêm ác mẫu”

Biết rằng “trung ngôn, nghịch nhỉ”, những gì Tùng tôi nói không ngoài sự thật mà mình được mục kích. Ngành y thương nhờ ghét chịu.

3/ Thầy cãi:  Tòa án Xã hội Chủ nghĩa không độc lập, thường kết án theo chỉ đạo hay theo tiền đút lót. Vì vậy, đa số luật sư chạy kiếm án rồi cãi lấy có để nhận tiền thân chủ. Những luật sư chân chính cãi theo luật như luật sư Nguyễn văn Đài,Võ An Đôn chẳng hạn, nếu không bị treo giò cũng bị rút giấy hành nghề hoặc vào tù. Từ đó, dân chúng tỏ thái độ khinh khi, nguyền rủa Tòa án. Dân oan giảm đi kiện tụng, họ áp dụng “khôn giả tự xử”  là chính.  

4/ Thầy chùa:  Đạo Phật xuống cấp nghiêm trọng, bởi trong giới lãnh đạo Phật giáo bị phân hóa:

Thầy chùa chân chính, dĩ nhiên là họ vẫn phải sống nhờ vào tiền, vật của bá tánh cúng viếng, nhưng họ là người chân tu, sống chết vì đạo. Họ bám Phật pháp, khuyên bảo tín đồ làm lành lánh dữ, vị tha..., được đông đảo tín đồ nễ trọng. Vì sợ vi phạm “chính sách” Tôn giáo, sợ giáo dân nổi loạn, những người Cộng sản vô thần tạm để yên, nhưng họ không ưa gì loại thầy cuồng tu chùa nầy. 

 Thầy chùa Quốc doanh  “theo đốm ăn tàn” : Họ nhơn danh đại diện Phật giáo nhưng không được lòng tín đồ / Họ giả bộ cạo đầu trọc, mặc áo cà sa nhưng “ăn mặn” / Họ theo Đời chớ không theo Đạo, phần lớn trong số họ là đảng viên của Đảng cầm quyền, đội lốt thầy tu, sống quanh quẩn quan trường.

5/ Thầy Pháp:  Thầy pháp chuyên nghề mị dân, bị xóa phiên hiệu từ lâu. Họ thay hình đổi dạng thành những nhà “chiêm tinh, coi tay, bói tướng…” chỉ gạt được những người mê tín dị đoan hay những kẻ sa cơ mạt vận.

Ở các cấp đều có Bộ, Sở, Phòng, Ban “Thông tin Văn hóa, Du lịch”, nhưng hoạt động chủ yếu của ngành nầy chú trọng Du lịch để hái ra tiền; về Thông tin vẫn theo một chiều, nói/viết những gì có lợi cho chế độ hiện hành, mang tính chất cỗ vũ, vớt vát lòng tin đối với những ai còn nhẹ dạ; Gần như bỏ ngõ về Văn hóa, để hủ tục, tệ tục hồi sinh lộng hành. Những năm tháng gần đây, lĩnh vực Thông tin, Văn hóa lúng túng, thúc thủ, chỉ lo việc “cờ, đèn, kèn, trống” những khi có lễ hội.

 Văn hóa suy đồi xã hội sẽ rối loạn, sức mạnh đoàn kết dân tộc tiếp tục bị bào mòn, lòng dân ly tán, nạn giết người cướp của sẽ lộng hành hơn…Nếu  để Văn hóa tiếp tục suy đồi, chẳng những chế độ chính trị hiện hành mà cả đất nước và dân tộc Việt Nam khó tránh khỏi suy vong.    

01/01/2019

    T.T