04 juin 2019

CHẤT VẤN BẠN

Nguyễn Hữu Vinh

Chiều 29 Tết 2015, Trại tạm giam B14. Rất bất ngờ, Đại tá Lý Anh Dũng, Phó thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra (người thụ lý vụ án) đến thăm mình, tại phòng khách của Trại.
Vận thường phục, thái độ vui vẻ, hỏi thì bảo là học sau mình nhiều khóa. Đã kết thúc điều tra, gặp kiểu đó là sự lạ. Nhưng rồi hiểu ngay mục đích: tuyệt vọng rồi, chỉ còn chiêu khích để mình nổi máu sĩ diện rồi … “nhận tội”. Hề hề! Trò con trẻ.
Chiêu thứ hai: chia tay ra về, Dũng đưa một túi to bảo là quà Tết. Hỏi của ai gửi, lấp lửng “của một người”. Mình: chuyện này làm tôi nhớ cách đây đúng 2 năm, ông Tô Lâm cũng đến thăm tôi, cũng có quà Tết. Y cười, vẫn điệp khúc “của một người”. 


Phép lịch sự tối thiểu, đưa quà phải cho biết là của ai chứ. Cũng vì lịch sự, không muốn từ chối thẳng thừng. Đem túi quà về buồng, nghĩ cách xử lý (2 bánh chưng to, 2 cây giò, bánh mứt kẹo…). Vứt ra túi rác, cán bộ Trại biết, chắc buồn; mà ngộ nhỡ ai đó tiếc của lấy dùng, bị tai họa thì sao.
Quyết định phi tang vào toa-lét. Bảo cu cậu cùng buồng tránh xa, trùm chăn lại, đề phòng nó … nổ (dù khả năng chỉ 0,1%). Bở hơi tai mới xong.
Hôm sau, cảm hứng, nảy mấy tứ thơ:

TOA-LÉT ĂN TẾT
Ba Sàm quá sướng
29 Tết ta
Được Phó thủ trưởng
“Ăn nên làm ra” (*)
Ôm bịch bự quà
Biếu vui hưởng Tết

Nhưng hắn sợ sệt
Dính bả thèm quà
Nhục mặt khai ra
Quay đầu nhận tội

Hắn còn sợ chết
Trúng độc mưu ma
Đành biếu thằng Toa-
Lét cho yên chuyện

Toa không sợ chết
Khai, nhận, nhục rồi (**)
Giờ làm người thôi
Ngoác mồm tọng, xối.
-----------------------------


Ghi chú:
* “Ăn nên làm ra”: biệt danh của Ba Sàm đặt cho Cơ quan an ninh điều tra (trong một bài thơ khác).
** Khai: mùi khai, không phải “khai báo”
Nhận: nhận chất thải, không phải “nhận tội”
Nhục: vì thân phận, không phải vì khai báo, nhận tội.
--

Ngày về nhà, nghe Hà kể về cậu này, buồn cười nữa.
QUÀ CỦA AI? Chất vấn bạn, vì sự việc có dấu hiệu vi phạm những nguyên tắc nghiêm ngặt trong hoạt động tố tụng. Đâu có thể cho phép gặp gỡ, đưa quà tùy tiện vậy; trò "đi đêm" hối lộ, mua chuộc, hay hãm hại, … là rất dễ xảy ra .
Chuyện tưởng như nhỏ, nhưng nó phản ánh cả một hệ thống với quyền hành quá lớn, ít bị kiểm soát, năng lực lại yếu kém, đạo đức thì … rõ rồi. Từ đó dẫn tới phạm luật đủ kiểu, mà trong vụ án của mình, đã và vẫn đang xảy ra quá nhiều.

(Mời xem từ 1-Bịa đặt, 1/6/2019.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Lý Anh Dũng)