05 juin 2019

NGÀY PHÁN XỬ CHẮC CHẮN SẼ ĐẾN


Bùi Hoàng Tám


(Dân trí) - “Sao gần cả năm rồi các cơ quan vẫn loay hoay? Vậy nên người dân băn khoăn không biết vụ này mối quan hệ ở đâu mà “to” vậy, khi nhiều vụ phạm pháp lớn hơn, phức tạp hơn nhiều vẫn phanh phui ra được”

Thêm một lần nữa, vụ tiêu cực thi cử lại làm “nóng” nghị trường. Nếu cách đây ít ngày, nó chỉ “nóng” ở phiên họp của Thường vụ Quốc hội thì giờ đây, nó lại tiếp tục “nóng bỏng” tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội của Quốc hội.

Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc.


Một trong số những người có thái độ quyết liệt nhất có lẽ thuộc về ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai).

Đối với thí sinh, ĐB Hà cho rằng cần phải hủy kết quả thi và gửi hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý với hành vi sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp. Điều này, đồng nghĩa với việc thí sinh không đủ điều kiện xét tuyển đại học. Người được nâng điểm cần bị buộc thôi học, bởi họ đã vi phạm quy chế thi THPT quốc gia, điểm thi là bất hợp pháp.

Về phụ huynh tham gia nâng điểm cho con, ĐB Hà cho rằng cần làm rõ để xử lý theo tội đưa hối lộ quy định tại bộ luật Hình sự. Hành vi đưa hối lộ có thể là vật chất, tiền bạc, cũng có thể là phi vật chất (hứa hẹn được thăng tiến, lợi ích trong công việc...).

Cũng có thể phụ huynh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng tới người khác để con em được nâng điểm thì có thể coi là hành vi trục lợi được quy định trong luật Phòng chống tham nhũng...

ĐB Hà còn cho rằng nhiều người trong số này là đảng viên thì phải chịu thêm hình thức xử lý theo điều lệ Đảng.

Đây là những phân tích rất thấu đáo bởi nó đúng luật pháp, đúng với qui định của Đảng, hợp lòng dân.

Tuy nhiên, báo Dân trí còn phản ánh: “Một đại biểu khác cho biết lẽ ra mình sẽ nêu phát biểu đề nghị xử lý phụ huynh có con được nâng điểm, nhưng do cũng có các đại biểu như thế ở trong Quốc hội, nên không tiện nói”.

Thực ra, đây có thể là do tính cả nể của người Việt ta. Song, cái gì ra cái đó. Tình là tình, lý là lý. Nhất là với cương vị đại biểu Quốc hội, người của cơ quan lập pháp thì phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp, không được nể nang. Là đại diện cho cử tri thì cần nói lên tâm tư, nguyện vọng của cử tri, không nên để cảm tính cá nhân chi phối…

Liên quan đến vụ việc, báo Dân trí còn cho biết, trả lời báo chí bên lề Quốc hội, ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, nơi xảy ra tiêu cực nói: “Tôi biết bạn quan tâm tới gì. Tôi còn “nóng” hơn bạn. Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”.

Điều này cho thấy vị lãnh đạo cao nhất của Hà Giang, một trong những địa phương xảy ra tiêu cực cũng đang rất “nóng”. Tuy nhiên, không rõ cụ thể Bí thư Vinh “nóng” bởi lẽ gì và cũng không biết cái “xong” mà ông Vinh nói là “xong” gì?

Có một ý kiến tại nghị trường mà có lẽ không chỉ nhiều cử tri băn khoăn, khó hiểu mà cả đại biểu Quốc hội băn khoăn, khó hiểu.

Đó là: “Sao gần cả năm rồi các cơ quan vẫn loay hoay? Vậy nên người dân băn khoăn không biết vụ này mối quan hệ ở đâu mà “to” vậy, khi nhiều vụ phạm pháp lớn hơn, phức tạp hơn nhiều vẫn phanh phui ra được” - Lời của đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu).

Tóm lại, công tác xử lý tuy có chậm, song với cái không khí “nóng bỏng” này tại nghị trường, chắc chắn gần đây nhất, vụ tiêu cực “chưa từng có” này sẽ đến “ngày phán xử cuối cùng” với một kết luận đúng lý, đúng tình, đúng với qui định của Đảng và hợp lòng dân, phải không các bạn?


Bùi Hoàng Tám

Nguồn: Theo Dân trí