Formosa Hà Tĩnh. Ảnh TL |
Công ty TNHH
Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã đi vào hoạt động được hai năm
(từ tháng 5.2017). Đến gần đây, thông tin mỗi năm Formosa thải ra môi trường hơn
3,3 triệu tấn chất thải mới được tiết lộ. Con số khổng lồ này khiến cho dư luận
ngỡ ngàng và lo âu về hậu quả môi trường mà đất nước phải gánh chịu.
Nguy cơ cho môi trường, không chỉ đến từ đống chất thải của
Formosa mà còn là những nghi vấn về công việc giám sát hoạt động xả thải của
chính Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) và các đơn vị thuộc cấp.
Từ năm 2017, dù đã được Bộ TN-MT đưa vào diện giám sát đặc
biệt, vậy mà giữa năm 2018, Formosa đã khởi công “núi nhân tạo”, sử dụng gần
một triệu tấn chất thải lại không được phát hiện và ngăn chặn. Dù sau đó, Bộ
TN-MT lên tiếng, cho rằng đó là “chất thải hợp quy chuẩn”. Đồng thời Tổng cục
Môi trường ra quyết định đình chỉ công trình, yêu cầu Formosa “báo cáo đánh giá
tác động môi trường” và hoàn tất thủ tục xây dựng. Vì sao? Và liệu ai có thể
biết khối lượng chất thải đã thi công công trình này gồm những gì?
Tiếp theo, là hàng chục ngàn tấn xỉ thải của Formosa, ngang
nhiên ra khỏi nhà máy, bán cho một doanh nghiệp chuyển lên Thái Nguyên. Chỉ đến
khi Sở TN- MT tỉnh Thái Nguyên phát hiện xỉ thải này có hàm lượng pH vượt
ngưỡng nguy hại, thì Tổng cục Môi trường mới lên tiếng. Ông Hoàng Văn Thức, Phó
tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT nói với báo chí “đó là nguyên
liệu sản xuất gang thép được coi là phế liệu làm nguyên liệu”.
Tương tự, Tổng cục Môi trường đồng thời cũng yêu cầu dừng
chuyển giao xỉ gang của Formosa cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Câu hỏi đặt ra: Ai chịu trách nhiệm kiểm soát việc Formosa bán xỉ thải, và cơ
chế nào để xác định đó là phế liệu an toàn?
Đầu tháng 4 năm nay, Công an Hà Tĩnh phát công văn kiến nghị
Bộ TN-MT và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải của
Formosa.
Nội dung của văn bản này cho biết: hàng năm Formosa thải ra
hơn 3,3 triệu tấn với 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải.
Không phải chất thải phức tạp mà cảnh sát môi trường Hà Tĩnh tuyên bố “bất
lực”. Có lẽ, điều mà cảnh sát môi trường Hà Tĩnh “kêu cứu” chính là việc phân
loại các loại chất thải đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ TN-MT
cấp phép) phân tích các chỉ tiêu về môi trường. Theo cảnh sát môi trường Hà
Tĩnh, cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác
trong kết quả phân tích. Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Formosa không cung
cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi quản lý.
Công an tỉnh Hà Tĩnh còn chỉ rõ các loại bùn của Formosa là
chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất nên không thể dùng từ “bùn quặng”,
“bùn khoáng”... dẫn đến sai lệch bản chất của chất thải.
Đến đây, thì không còn nghi ngờ gì về một lỗ hổng căn bản
trong cơ chế kiểm soát xả thải của Formosa, cho dù Bộ TN-MT đã công bố ba biện
pháp giám sát đặc biệt gồm: giám sát hàng ngày; giám sát liên tục bằng các
thiết bị quan trắc tự động; Bộ TN-MT kiểm tra định kỳ, đột xuất...
Để có câu trả lời xác đáng trước công luận, có lẽ đã đến lúc
cần có một biện pháp toàn diện, mạnh mẽ hơn, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan
chức năng đủ thẩm quyền, và ở cấp cao hơn.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được cấp
phép đầu tư vào năm 2008 với nhiều ưu đãi về thuế nói chung, cùng với hơn
3.300ha đất (gồm hơn 2.000ha mặt đất và hơn 1.293ha mặt nước), cho thuê tới 70
năm (dù quy định Việt Nam chỉ cho phép cho thuê tối đa 50 năm). Tổng tiền thuê
mặt bằng trong 70 năm tương đương 96,22 tỷ đồng, và nhà đầu tư đã trả ngay một
lần. Đặc biệt, trong một văn bản vào đầu tháng 4.2019 của Tổng cục Hải quan trả
lời Formosa về vấn đề nộp thuế có nội dung: “Căn cứ vào công văn số
1602/TTg-QHQT ngày 31.8.2010 của Thủ tướng Chính phủ thì “cho phép miễn thuế
nhập khẩu trong suốt thời gian thực hiện dự án quy định tại giấy chứng nhận đầu
tư số 282023000001 ngày 12.6.2008 của Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng - tỉnh
Hà Tĩnh đối với: than; quặng sắt và một số nguyên liệu, vật tư cần thiết khác trong
nước chưa sản xuất, được nhập khẩu phục vụ Dự án khu liên hiệp gang thép”.
Đầu tháng 5, theo VTV, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã
giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp Bộ Tài chính làm rõ vị thế pháp lý một số văn
bản của các chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với dự án của Công ty Formosa
Hà Tĩnh để xác định đây là các văn bản pháp luật hay văn bản chỉ đạo nội bộ của
Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đánh giá tình hình
thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với dự án của Formosa, trong đó làm rõ sự
cần thiết, lợi ích của Nhà nước, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định việc tiếp
tục áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với dự án...
Yêu cầu của Phó thủ tướng, hẳn sẽ là một câu trả lời mà công
luận đang rất quan tâm.
Nguồn:Theo Người Đô Thị