Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự - Thực thi Dân quyền - Nâng cao Dân trí - Chấn hưng Dân khí - Cải thiện Dân sinh - Xây dựng Dân chủ
12 septembre 2014
Tản mạn về bệnh vô cảm xã hội chủ nghĩa
Nguồn: Theo Văn Việt
Đào Tiến Thi
Đào Tiến Thi : "Nhà nước cộng sản muốn người dân phải bảo vệ chế độ (như ông Tổng Bí thư thường nhắc nhở) thì “vận mệnh của chính thể” phải được “giao cho mỗi công dân”. Còn nếu ngay cả tình yêu tổ quốc cũng “đã có Đảng và Nhà nước lo” thì tất yếu các công dân sẽ hoàn toàn vô cảm và cũng không có lý do gì để chê trách họ."
Một chiều nọ đi tập thể dục, tôi bị ngã trẹo chân. Thấy chỉ đau nhẹ nên hôm sau tôi vẫn đi làm. Ai ngờ càng lúc càng đau. Cho đến chiều tối ra về thì chỗ đau đã trở nên trầm trọng, ngồi được lên xe máy đã khó, đi được còn khó hơn, nhưng khó nhất là lúc về đến nhà, không biết làm sao bước xuống xe được. Mặt méo xệch, răng nghiến chặt, chân cố nhích từng tí, nước mắt muốn trào ra. Trong lúc ấy ở tầng hầm nhà xe có ba bốn bạn trẻ cùng toà nhà, đều mục kích sự khó khăn đó của tôi nhưng không một cô cậu nào giúp đỡ hay hỏi lấy một câu. Họ chăm chú đi nhanh về phía thang máy, sợ lỡ chuyến lên.
Cuối cùng thì tôi cũng xuống xe được và cố gượng đi cà nhắc, vai vẫn khoác chiếc cặp đi làm to đùng. Một cô gái chừng 25 – 30 tuổi dáng cao lớn, khoẻ mạnh, lướt qua tôi rất thản nhiên. Trong lúc cô ta đứng chờ thang máy, tôi cũng kịp cà nhắc đến và cùng lên. Suốt thời gian đi chung thang máy, cô ta cũng không thăm hỏi tôi một câu.
Những người ở cùng một toà nhà còn như thế, với những người ở cùng khu chung cư thì còn lạnh nhạt hơn. Cách đây hơn ba tháng, con trai tôi đi ngược chiều đoạn đường chỗ cổng ra của chung cư và bị công an giao thông bắt. Tuy nhiên do hai anh công an bắt bằng cách đâm xe máy chặn đầu nên con tôi phê bình. Hai bên còn đang tranh luận thì một thanh niên lạ mặt xông vào tát luôn con tôi rồi thản nhiên lên xe, trước mặt hai anh công an. Sự việc xảy ra ngay cổng khu chung cư, cho nên người trong chung cư kéo ra xem rất đông và vợ chồng tôi cũng kịp đến. Chúng tôi không cãi gì việc con tôi vi phạm giao thông mà chỉ yêu cầu lập biên bản về việc kẻ lạ mặt ngang nhiên đánh người. Thế nhưng hai anh công an (về sau có cả sếp trưởng, sếp phó của họ đến), tìm mọi cách để từ chối việc lập biên bản. Hai bên tranh cãi cả hai tiếng đồng hồ. Đáng buồn là người trong chung cư đổ ra đông như thế (trong đó có cả một số người là hàng xóm khá thân quen) và yêu cầu của chúng tôi chính đáng như thế, nhưng chỉ đúng có một bà có tuổi ủng hộ chúng tôi và một thanh niên giúp chúng tôi viết biên bản. Nhưng trước sự đe doạ của công an mà hai người này rồi cũng phải rút lui. Cuối cùng chỉ còn đúng ba người của gia đình chúng tôi đương đầu với công an, mà công an thì mỗi ngày được tăng thêm lực lượng, cả sắc phục lẫn trong vai “quần chúng tự phát” để áp đảo chúng tôi.
Ấy là chuyện của chính chúng tôi và vừa mới xảy ra gần đây. Còn trên báo chí hằng ngày, ta bắt gặp vô vàn các câu chuyện về các hành vi sai trái hoặc tội ác nhưng những người có liên quan lại thản nhiên mặc kệ hoặc thậm chí kiếm chác ngay trên sự rủi ro của đồng loại. Nào cảnh kẻ gây tai nạn bỏ mặc nạn nhân. Nào cảnh người ngã xe máy, tiền rơi ra bị người đi đường lao đến tranh cướp. Nào cảnh tài xế chở bia bị đổ, dân hai bên và người đi đường đổ đến hôi bia. Nào cảnh người bị cướp đồ giữa phố nhưng không một ai giúp đỡ. Nào cảnh công an giao thông đuổi đánh người không có mũ bảo hiểm dẫn đến trọng thương hoặc chết. V.v và v.v.
Khoảng năm 1987, khi mới có trào lưu đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa, tôi đọc một bài báo của nhà văn Liên Xô nhan đề là “Lòng nhân ái”, trong đó ông kể một lần ông bị ngã trên đường phố mà không một ai đỡ ông dậy. Rồi ông nghĩ đến hiện tượng người ăn xin bị hoàn toàn bỏ rơi trong chế độ Xô viết, trong khi đó ông nhớ lại thời niên thiếu (dưới chế độ Nga hoàng), mỗi khi theo cha đi ra phố mà gặp ăn xin, người cha đều đưa tiền cho cậu bé đem đến biếu người ăn xin một cách cung kính.
Cũng thời gian đó, tôi đọc một bài ký của một nhà văn Việt Nam trong đó tác giả kể một lần đi qua phà, gặp một người ăn xin, ông lấy tiền ra cho liền bị người bạn đi cùng, một cán bộ lãnh đạo, phê bình. Vì người cán bộ ấy cho rằng việc này cần chờ chính sách của Đảng và Nhà nước, chứ không được làm từ thiện tuỳ tiện, dễ bị lợi dụng!
Phải chăng mọi thứ “đã có Đảng và Nhà nước lo” nên mỗi người không có trách nhiệm gì hết và “lòng nhân ái” là cái “vớ vẩn” của “xã hội tư bản thối nát”? Và đây là một ví dụ về lòng nhân ái “vớ vẩn” ấy.
Cách đây mấy năm, tôi có đọc một bài báo của một Việt kiều (nếu tôi không nhầm thì bài đăng trên báo Văn nghệ) trong đó tác giả kể một vụ tai nạn của chính ông ở nước sở tại. Khi tai nạn xảy ra, tất cả mọi người đi đường đều dừng lại để giúp đỡ. Xe cảnh sát, xe cứu thương, xe cứu hoả tíu tít xuất hiện làm nhiệm vụ. Cho nên tại nạn được khắc phục kịp thời và rất hiệu quả.
Trở lại xã hội ta hiện nay, trên báo chí hằng ngày, ta thấy tràn lan các chuyện tai nạn giao thông và chuyện “cướp – giết – hiếp” nhưng không có sự sốt sắng của lực lượng chức năng cũng như của xã hội. Phải chăng vì nó xảy ra quá nhiều? Nhưng điều nguy hiểm hơn, là người ta lại như là quảng bá các sự việc ấy. Những người bán báo rong mở loa hết cỡ khắp các phố để quảng cáo các câu chuyện tai nạn và chuyện “cướp – giết – hiếp”, coi đấy là nội dung hay nhất của số báo. Báo giấy đã nhiều chuyện giật gân, báo mạng còn nhiều hơn. Mà toàn là các báo mạng chính thống, “lề phải”.
Quan sát xung quanh, tôi có cảm giác người ta coi những câu chuyện về tội ác (kẻ phạm tội lẫn nạn nhân) như các câu chuyện giải trí. Hoặc có ai đó bức xúc thì chỉ chửi rủa kẻ thủ phạm chứ không chịu tìm hiểu ngọn nguồn. Nghĩa là sau những kẻ vô cảm làm điều ác thì đến lượt báo chí vô cảm đăng bài, và sau đó cả thiên la địa võng người đọc cũng hầu như vô cảm: nghe mà không phản ứng gì. Trong số người đọc đó có hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, hàng vạn thầy cô giáo, giảng viên, tiến sỹ, giáo sư, văn nghệ sỹ,… nhưng thử hỏi có được mấy phần trăm còn động lòng đau đớn? Như vậy thì HIỆN TƯỢNG VÔ CẢM đã trở thành BỆNH VÔ CẢM vô cùng trầm trọng và có lẽ vô phương cứu chữa!
Sự vô cảm của con người thì thời nào cũng có và xã hội nào cũng có. Nhưng ở xã hội xã hội chủ nghĩa nó có màu sắc khác thường như trên kia đã mô tả. Con người đã đến độ bất lực, chấp nhận cái ác và thờ ơ trước cái đáng thương. Có một gia đình nọ, ông bố là một sỹ quan cao cấp của ngành công an, luôn dặn con rằng: khi đi đường, dù gặp bất cứ chuyện bất công ngang trái nào, dù nó xảy ra với chính con, thì con hãy nhẫn nhịn và nhanh chóng thoát khỏi, dứt khoát không đấu tranh đúng sai thua được, đấy là cách duy nhất để bảo toàn cho mình.
Mới nghe thì ta trách người sỹ quan công an nọ. Nhưng ta có thể thông cảm cho ông vì sự vô cảm ở đây là sự vô cảm “bắt buộc”, là cách tự bảo vệ duy nhất, bởi ông ấy biết rõ luật pháp vô nghĩa như thế nào.
Trong sách Tiếng Việt lớp 3 hiện hành có bài “Khuất phục tên cướp biển” (truyện của Xti-ven-xơn). Truyện kể rằng có một tên cướp biển hung hãn say rượu có những hành vi ngang ngược ở một quán trọ mà không ai dám động đến hắn. Nhưng bác sỹ Ly, người đang thăm bệnh ông chủ quán, dám yêu cầu hắn đi nơi khác. Tên cướp biển rút dao ra đe doạ. Bác sỹ không lùi bước, dõng dạc tuyên bố rằng: “Nếu anh không cất dao, tôi quyết làm cho anh bị treo cổ trong phiên toà sắp tới”. Hai người gườm gườm nhìn nhau, và cuối cùng tên cướp biển phải tra dao vào vỏ và ngồi im. Tại sao ông bác sỹ “trói gà không chặt” lại thắng tên cướp biển? Ấy là nhờ có chỗ dựa là toà án, nơi thực thi công lý, không tha cho bất cứ kẻ phạm tội nào.
Nếu câu chuyện trên xảy ra ở xã hội ta hiện nay thì rõ ràng không ai dám hành động như ông bác sỹ, vì người ta không tin tưởng ở toà án.
Trong những cuộc làm việc chính thức và không chính thức với các anh an ninh, họ thường dùng tình cảm để khuyên tôi đừng tham gia vào các hoạt động xã hội. Lý do là “sức khoẻ chú/ anh kém rồi”, là “nên tập trung lo cho gia đình”. Như vậy từ một chế độ người ta tìm mọi cách tước bỏ các nhu cầu cá nhân để hướng nó phục vụ cho xã hội (“mỗi người vì mọi người”, “tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”,…) thì ngày nay người ta lại làm ngược lại, là khuyến khích lòng ích kỷ, phê phán và ngăn chặn các hoạt động hướng tới lý tưởng xã hội.
Cho nên chúng tôi đặt ra khái niệm “vô cảm xã hội chủ nghĩa” thiết nghĩ là không “oan” chút nào, vì nó có những đặc trưng rất rõ rệt của thói vô cảm trong chế độ này. Vả lại, đã có các khái niệm như “đạo đức xã hội chủ nghĩa”, “lòng nhân ái xã hội chủ nghĩa” (hay “nhân ái vô sản”), “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”,… thì khái niệm “vô cảm xã hội chủ nghĩa” là hoàn toàn hợp logic và thực tế đã chứng minh rõ ràng.
Và như vậy bệnh vô cảm có nguyên do từ thể chế chính trị chứ không thể giải thích loanh quanh từ những khía cạnh đạo đức truyền thống hay của nền giáo dục. Còn nếu cắt nghĩa từ giáo dục thì cuối cùng vẫn phải quay về chính thể để lý giải. Chúng ta hãy nghe Montesquieu[1] nói về hai nền giáo dục như sau:
Giáo dục trong chính thể chuyên chế
“Trong chính thể quân chủ, giáo dục chỉ tìm cách nâng cao trái tim. Trong chính thể chuyên chế, giáo dục chỉ tìm cách hạ thấp trái tim. Ở đây giáo dục phải là một công cụ nô dịch. Cái đó cũng sẽ là một điều hay ngay trong hệ thống những người chỉ huy, không một ai vừa là kẻ độc tài mà lại không đồng thời là người nô lệ. Sự phục tùng tuyệt đối đòi hỏi sự ngu dốt của người thừa hành, và cả sự ngu dốt của người chỉ huy. Anh ta không cần phải hiểu rõ, không cần phải hoài nghi, không cần phải lý giải. Anh ta chỉ cần muốn”.
“Trong một nước chuyên chế, mỗi gia đình là một vương quốc riêng rẽ. Giáo dục ở đây chủ yếu nói về cách ăn ở với người khác nên rất hạn chế, chỉ quy vào một điểm là đưa sự sợ hãi vào trái tim và đưa ít nhiều nguyên tắc thật đơn giản của tôn giáo vào đầu óc […] Giáo dục ở đây, theo một cách nào đó, là con số không. Phải tước bỏ tất cả để đưa vào đầu óc người ta một cái gì, và bắt đầu biến một thần dân xấu thành một nô lệ tốt”.
Giáo dục trong chính thể cộng hoà
“Trong chính thể cộng hoà, người ta cần đến tất cả sức mạnh của giáo dục. Sự sợ hãi trong chính thể chuyên chế là do sự trừng phạt và đe doạ mà sinh ra […] Nhưng đạo đức trong chính thể cộng hoà lại là sự đấu tranh với bản thân mình”.
“Có thể định nghĩa đạo đức chính trị là tình yêu luật pháp và tình yêu tổ quốc. Tình yêu ấy đòi hỏi luôn luôn đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân. Tình yêu ấy đặc biệt phù hợp với các chính thể dân chủ. Ở đây, vận mệnh của chính thể được giao cho mỗi công dân, mà chính thể là đủ mọi thứ trên đời, muốn bảo vệ nó thì phải yêu mến nó”.
“Trong chính thể cộng hoà, tất cả tuỳ thuộc ở tình yêu trong sáng nói trên, do đó mà phải quan tâm đến giáo dục. Muốn cho trẻ có được tình yêu luật pháp và tình yêu tổ quốc thì điều chắc chắn là các ông bố trong gia đình phải có tình yêu ấy đã”.
“Thầy giáo truyền kiến thức cho học trò, thì phải gợi cho các em sự đam mê, hứng thú. Người ta không làm được điều này là vì sự giáo dục trong gia đình đã bị huỷ hoại bởi những tình cảm ngoại lai. Không phải người ta sinh ra đã mất gốc mà vì những con người thành nhân[2] trước đó đã bị hư hỏng”.
Có lẽ với những diễn giải dễ hiểu của Montesquieu như trên thì không cần phân tích gì thêm. Nếu những nhà lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay vẫn nhận thể chế hiện hành là chính thể cộng hoà (thể hiện ngay ở tên nước) thì phải xây dựng nền giáo dục trong đó “đạo đức chính trị là tình yêu luật pháp và tình yêu tổ quốc”, một thứ luật pháp mà bản chất là khế ước xã hội (chứ không phải do nhà cầm quyền tự ý đặt ra) và một tổ quốc của nhân dân (chứ không thể bắt ép thành một một thứ “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”). Nhà nước cộng sản muốn người dân phải bảo vệ chế độ (như ông Tổng Bí thư thường nhắc nhở) thì “vận mệnh của chính thể” phải được “giao cho mỗi công dân”. Còn nếu ngay cả tình yêu tổ quốc cũng “đã có Đảng và Nhà nước lo” thì tất yếu các công dân sẽ hoàn toàn vô cảm và cũng không có lý do gì để chê trách họ.
[1] Các đoạn trích dưới đây đề lấy từ cuốn Bàn về tinh thần pháp luật, Hoàng Thanh Đạm dịch, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, 2006.
[2] Thành nhân: cha mẹ (chú thích của người dịch).