24 septembre 2014

PGS Lê Cao Đoàn:Phải thoát cả về nhận thức lẫn kinh tế

Nguồn: Theo Đất Việt

Bích Ngọc (thực hiện)

 
(Thị trường) - Nếu mạnh mẽ, độc lập thì không dễ gì bị ai gây sức ép. Phải tìm lối thoát cả về nhận thức lẫn kinh tế là việc đương nhiên...
 
"Có thể nói cái đáng lo là năng lực trí tuệ, năng lực nhận biết, lệ thuộc trước tiên lớn nhất là sự lệ thuộc về nhận thức tư tưởng. Sự lệ thuộc này nó mới chi phối hành vi của con người chứ không chỉ đơn giản là lợi ích của quốc gia. Bài toán này gỡ mới khó". - PGS.TS Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế trung ương đã bình luận trước nhận định của GS Christopher Hughes, Trưởng ban Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London về có đưa ra nhận định trên bình diện toàn cầu ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại trước sự trỗi dậy của TQ.

Trung Quốc đang dùng chiêu bài kinh tế thành công

PV: -Thưa ông mới đây tại Hội thảo “Các đường hướng của TQ trong quan hệ với ASEAN và Việt Nam” GS Christopher Hughes, Trưởng ban Quan hệ quốc tế Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London có đưa ra nhận định trên bình diện toàn cầu ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại trước sự trỗi dậy của TQ. Trong đó chiến lược thường thấy của TQ là sử dụng kinh tế như một công cụ trong việc tác động đến các quốc gia khác. TQ sẽ tìm cách buộc các quốc gia khác phụ thuộc họ về kinh tế và từ đó sẽ phụ thuộc các vấn đề khác. Đặc biệt với các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với TQ, công cụ này sẽ được sử dụng triệt để. Ông bình luận gì về nhận định này? Soi chiếu về Việt Nam, các học giả quốc tế đã nhận định thế nào?

PGS Lê Cao Đoàn: - Giả sử các học giả quốc tế không đưa ra nhận định này thì tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng cần phải nhìn nhận vấn đề này. Bởi vì đây là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia. Nếu không có nhìn nhận đúng sẽ có những quyết định sai, thậm chí làm cho quốc gia bị khánh kiệt.

Phải khẳng định trong thế giới hiện đại toàn cầu hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia đều có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển chung của nhân loại. Luận điểm này dựa trên quan điểm trong nền kinh tế thị trường, các nền kinh tế tham gia vào thị trường đó có lợi ích gắn bó với nhau. Sự phát triển của quốc gia này là cơ sở, điều kiện của sự phát triển quốc gia khác.

Cho nên sự trỗi dậy của Trung Quốc nhìn trong cách đặt vấn đề này thì sẽ là rất tốt cho sự phát triển chung.Tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi sự phát triển đó dựa trên một trật tự chung là thực hiện theo đúng thể lệ mà cuộc chơi đặt ra đó là quy định, luật pháp quốc tế...

Nhưng vấn đề ở đây cái đáng nói là chiến lược, cách thức của người Trung Quốc tiến hành trong quá trình phát triển của họ đã ảnh hưởng như thế nào tới các quốc gia khác mới là đáng quan tâm.

Trong lý thuyết của Newton, định luật đã chỉ ra lực hút của một vật nào đó với vật khác phụ thuộc vào khối lượng, quy mô, khoảng cách. Quy luật này áp dụng vào với khoảng cách của Trung Quốc và Việt Nam sẽ thấy rất rõ.

Tức là Trung Quốc là một quốc gia nằm sát với Việt Nam nên Việt Nam sẽ bị chịu ảnh hưởng rất lớn.

Như tôi đã nói ở trên, nếu quốc gia đó phát triển theo đúng quy luật, quy định mà cuộc chơi thế giới đã đặt ra thì điều này sẽ rất tốt cho Việt Nam, nhưng ngược lại họ phát triển dựa trên sự bất chấp luật pháp, quy định quốc tế thì dĩ nhiên Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Câu chuyện giàn khoan có thể phần nào minh chứng hành vi, bản chất, mưu toan của Trung Quốc.

Thế giới hiện nay là thế giới toàn cầu dựa trên nền kinh tế hiện đại, đó là tự do hóa và bình đẳng thông qua sự ràng buộc bởi các thể chế. Nhưng hành vi của Trung Quốc lại phạm vào những điều này.

Trung Quốc phát triển trên cơ sở những biểu hiện rõ ràng như thời gian qua cùng với những mưu toan thì thực sự đáng lo ngại.

PV: - GS Hughes cho rằng đây sẽ là vấn đề khó cho Việt Nam khi giải quyết vấn đề chủ quyền với Trung Quốc. Ông có đồng tình với nhận định này không và vì sao?

PGS Lê Cao Đoàn: - Có thể thấy rằng trong hoạt động của xã hội thì tiền là một hình thái của của cải biểu hiện sức mạnh của một nền kinh tế quốc gia. Trong nền kinh tế này tiền có thể điều khiển được nhiều thứ.

Dĩ nhiên một nước đang trỗi lên như Trung Quốc nhưng lại dùng công cụ để ép người khác phụ thuộc vào mình, sự phát triển này sẽ gây hiệu ứng phản phát triển.

Trung Quốc nghĩ rằng dùng kinh tế có thể tạo ra áp lực, sự ràng buộc để trói chặt nước khác theo ý muốn của mình. Trên thực tế họ đã mua được vài chỗ và cũng đang cố sử dụng chiêu này với Việt Nam.

Và thực sự nhận định mà Hughes đưa ra cũng đáng để chúng ta suy nghĩ bởi trong mọi vấn đề vừa qua cách giải quyết của chúng ta vẫn phải e dè nếu không nói là thiếu phần cương quyết.

Chi phối kinh tế sẽ áp đặt phi kinh tế

PV: - Sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, những người có trách nhiệm ở Việt Nam cũng đã nhìn ra hệ lụy của việc phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và đặt ra vấn đề phải tìm kiếm những thị trường mới.

Tuy nhiên, số liệu thống kê vẫn chứng tỏ, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vẫn rất cao. Nhìn ở khía cạnh xuất khẩu, việc hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc khiến nhiều ngành quan trọng ở Việt Nam điêu đứng (cao su là ví dụ điển hình).

Đâu là nguyên nhân của tình trạng, quyết tâm không đi đôi với thực tế nói trên? Qua đó, có thể thấy sự khó khăn trong việc giảm lệ thuộc từ Trung Quốc như thế nào và vì sao?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Chuyện lệ thuộc trong mua bán là một câu chuyện kinh tế đơn thuần, hai bên đều có lợi. Với một thị trường lớn, ngay kề cận đường biên giới nếu mọi thỏa thuận hợp lý thì hai bên đều có lợi.

Việc mua bán là tự nguyện và Trung Quốc nhất thời có thể dùng công cụ này làm cho chúng ta bị thiệt nhưng điều đó chỉ có thể làm được khi chúng ta kém về nhận thức, năng lực bên trong.

Câu chuyện tìm kiếm thị trường thay thế không chỉ là Việt Nam sẽ hướng sang các nước khác. Nhưng vấn đề ở đây không đơn thuần là như vậy mà có chuyện dùng kinh tế để áp đặt phi kinh tế.

Vấn đề ở đây là trong 3 thập kỷ vừa qua đất nước chúng ta tăng trưởng với mô hình xấu và đổi mới khập khiễng nên nền kinh tế của ta sờ đâu cũng thấy yếu. Chính vì thế 'sức đề kháng' của nền kinh tế rất kém mỗi khi có bất cứ một sự tác động nào đó.

Cho nên có thể nói cái đáng lo đó là năng lực trí tuệ, năng lực nhận biết, lệ thuộc trước tiên lớn nhất là sự lệ thuộc về nhận thức.

Sự lệ thuộc này nó mới chi phối hành vi của con người chứ không chỉ đơn giản là lợi ích của quốc gia. Bài toán này gỡ mới khó.

Còn nếu chỉ đơn giản dùng những thủ đoạn xoàng xĩnh trong kinh tế thì cũng sẽ có biện pháp thay thế nhưng vì chúng ta lệ thuộc về nhận thức nên cách thức giải quyết mối quan hệ trong kinh tế luôn vướng.

Câu chuyện chủ quyền tư duy ở đây cần được đề cập. Chúng ta đang bị lệ thuộc về không gian. Muốn thoát khỏi thì phải nâng cao trình độ công nghệ của mình lên.

Lo lắng nhất là tư duy về phát triển để độc lập về kinh tế, không có năng lực để chi phối hoặc ít nhất phản ứng nhanh với những sự cố gặp phải.


Cũng vì lệ thuộc thị trường Trung Quốc, không ít lần trái cây của Việt Nam trở thành món ăn cho gia súc

 
PV: - Trong những tháng vừa qua, theo quan sát của ông, doanh nghiệp thuộc khu vực nào, sản xuất ngành hàng nào nỗ lực hơn cả trong việc giảm phụ thuộc nói trên? Đó có phải là một lối thoát mà Việt Nam cần nhìn vào đó để điều chỉnh đường hướng, chính sách kinh tế hay không và cụ thể như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Lê Cao Đoàn: - Tôi chưa thể đưa ra nhận định này, song như tôi nói ở trên việc mở rộng, tìm kiếm thị trường là câu chuyện tất yếu của một nền kinh tế.

Nhưng tôi muốn nhắc lại để làm được điều này thì nâng cao năng lực của quốc gia rất quan trọng. Từ năng lực kinh tế đến năng lực của các phản ứng luôn có liên hệ với nhau.

Nếu anh mạnh mẽ, độc lập thì không dễ gì bị ai gây sức ép. Cho nên tìm lối thoát cả về nhận thức lẫn kinh tế là việc cần thiết và đương nhiên phải làm.

Xin trân trọng cảm ơn ông đã tham gia cuộc đối thoại này!