21 septembre 2014

Mỹ cần một đối tác mạnh chống lại Trung Quốc ở Biển Đông

Nguồn: Theo Blog Đào Hiếu
 
 
THẾ ANH
 
Đang có những chỉ dấu chứng tỏ quan hệ Việt-Mỹ ngày càng nống thắm hơn. Ảnh nguồn Flickr.com

Washington đang cần một đối tác mạnh để chống lại hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là tựa đề của một bài viết của nhà bình luận Paul Leaf đăng trên báo The Diplomat hôm thứ Năm vừa qua.

Tác giả bài báo lập luận rằng giữa lúc Hoa Kỳ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng và cùng lúc phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới, Washington đang cần những nước đối tác có sức mạnh, đặc biệt tại Á Châu, nơi mà các hành động xâm nhập của Trung Quốc đang đe dọa thay đổi hiện trạng khu vực.

Theo tác giả bài báo thì đó là lý do Hoa Kỳ nên hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, bởi vì làm như vậy không chỉ tăng sức mạnh cho Việt Nam và đưa Việt Nam xích lại gần Hoa Kỳ hơn, mà còn có thể cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, nếu như Hoa Kỳ đặt ra những điều kiện thích đáng trước khi bán các vũ khí ấy.

Lệnh cấm vũ khí sát thương đã được ban hành vào năm 1984 vì tình trạng nhân quyền tệ hại của nước này. Đến năm 1987, chính phủ của Tổng Thống Bush nới lỏng lệnh cấm đôi chút, và cho phép xuất khẩu một số vũ khí không sát thương cho Việt Nam. Mặc dù vậy, các hành động vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục tại Việt Nam, và sự thể này đã cầm chân Hoa Kỳ, không cho phép Washington xích lại gần hơn nữa với Hà nội.

Ông Paul Leaf lập luận rằng sự thay đổi trong môi trường an ninh đòi hỏi Mỹ phải tái xét việc hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Ông cho rằng giữa lúc Hoa Kỳ đang giảm chi phí quốc phòng, trong khi lại bị lôi kéo vào các cuộc xung đột mới ở Đông Âu và Trung Đông, Washington đang cần có những đối tác mạnh để tiếp tay đối phó với sự trỗi dậy không mấy hòa bình của Trung Quốc.

Nhà bình luận này nhận định rằng Trung Quốc là một mối đe dọa đang ngày càng tăng. Ngân sách quốc phòng của nước này là ngân sách lớn thứ nhì thế giới, và hầu như vượt qua mặt tổng chi phí quốc phòng gộp chung lại của 24 quốc gia ở Đông Nam Á.

Với ngân sách khổng lồ đó, Trung Quốc đã tài trợ cho một kho vũ khí đáng gờm để biểu dương lực lượng nhắm mục đích giới hạn sự tiếp cận của Hoa Kỳ đối với các vùng biển và không phận quanh khu vực.

Nhà bình luận này nêu bật những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam trong năm nay ở Biển Đông, nơi hai nước có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo và tranh giành những quyền lợi kể cả tài nguyên dầu khí và hải sản, và cũng là nơi có các tuyến hàng hải quốc tế hết sức quan trọng.

Đầu năm nay, Trung Quốc khởi sự đòi hỏi các tàu nước ngoài phải xin phép của Bắc Kinh trước khi đánh bắt cá trong một vùng biển chiếm tới 90% diện tích Biển Đông mà họ tuyên bố thuộc chủ quyền của họ. Thế rồi từ tháng Năm tới trung tuần tháng 7, Trung Quốc điều giàn khoan dầu nước sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đâm va tàu cá và tàu hải ngư Việt Nam, đâm chìm một chiếc tàu.

Ông Leaf cho rằng Hà nội có thể là một lực đối trọng chống lại Bắc Kinh. Ông nêu rằng Việt Nam có dân số đông thứ 13 thế giới, gần 100 triệu người, và có một lực lượng quân đội năng động lớn thứ 11 trên thế giới, và dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 17 trên thế giới trước năm 2025. Chi phí quốc phòng của Việt Nam, theo nhà bình luận này đã tăng vọt 130% từ năm 2003 tới năm 2012, khiến Việt Nam trở thành quốc gia thứ nhì- tính trên GDP- chi tiêu nhiều nhất vào lĩnh vực quốc phòng ở Đông Nam Á.

Theo ông, bằng cách hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hoa Kỳ có thể chống lại một cách hữu hiệu hơn quyết tâm của Trung Quốc bằng cách tăng sức mạnh cho Việt Nam, và thuyết phục Việt Nam xích lại gần Washington và các đối tác của Mỹ hơn. 

Ông Paul J. Leaf làm việc cho một tổ chức nghiên cứu, chuyên về các vấn đề quốc phòng. Ông là một nhà bình luận thường xuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ, và là một luật sư tại một công ty luật quốc tế.


Nguồn: BizLIVE