Nguồn: Theo Đất Việt
Vũ Lan
(Doanh nghiệp) - Nếu bắt nền kinh tế phải dựa vào một ngành thép lạc hậu, trì trệ, không dám thay đổi thì sẽ là cực kỳ nguy hiểm.
Đất nước không thể chờ thêm được nữa!
PV:- Canada đang xem xét kiện thép VN bán phá giá, trong khi 70-80% sản phẩm thép VN là nhập khẩu về gia công, nghĩa là gia công còn không xong hay nói cách khác là ưu đãi cho nước ngoài vào gia công. Vậy chúng ta phải hiểu thực trạng này thế nào, thưa ông?
T.S Trần Đình Thiên:- Thực chất, nội lực của ngành thép đang đứng trước nhiều thách thức. Nói một cách thật sự nghiệt ngã, năng lực lớn nhất của ngành thép hiện nay có lẽ là năng lực nhập khẩu nguyên liệu về rồi gia công làm thép xây dựng.
Ngay cả thế mạnh của thép VN là thép xây dựng thì chất lượng cũng không cao. Bằng chứng là những công trình quan trọng, như làm cầu hay đóng tàu thì chủ đầu tư cũng không lựa chọn thép trong nước. Nếu đánh giá thực sự nghiêm khắc thì chất lượng thép của chúng ta cơ bản chỉ phù hợp cho phân khúc làm nhà ở cấp thấp.
| ||
|
Trong khi đó, ngành thép vẫn được coi là ngành công nghiệp quan trọng hang đầu trong nền kinh tế quốc dân, là nguồn cung ứng vật tư chiến lược không thể thiếu cho các ngành công nghiệp, xây dựng và quốc phòng. Đặc biệt, với mục tiêu phấn đấu của đất nước đến năm 2020 “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” thì ngành thép càng trở nên quan trọng trong sự nghiệp CNH – HĐH.
Như vậy, thép là ngành công nghiệp nền tảng, sản xuất tư liệu sản xuất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Nhưng nếu bắt nền kinh tế phải dựa vào một ngành thép có nền công nghệ lạc hậu, trì trệ, ít chịu thay đổi, không dám thay đổi thì sẽ là cực kỳ nguy hiểm.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là: vì sao chúng ta phải bảo hộ cho một ngành thép trong tình trạng như vậy? Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ một ngành thép với năng lực không thể cạnh tranh, cơ cấu đơn điệu như vậy có lẽ là bất lực, là không thể. Và ngành thép sẽ đóng vai trò gì trong việc phát triển nền kinh tế đang có kỳ vọng phát triển một số ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, thậm chí còn hơn thế nữa? Liệu nền kinh tế đó có thể chờ đợi, trông mong được gì với một ngành công nghiệp thép như thế này không?
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng Việt Nam đang xúc tiến ký kết Hiệp định thương mại tự do với liên minh 3 nước gồm Nga, Belarus, Kazakhstan với ưu đãi thuế suất nhập khẩu 0%. Ngoài ra, còn TPP, Hiệp định Thương mại Tự do với EU, với Hàn Quốc đang được thúc đẩy rất mạnh để ký kết sơm. Rồi Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng sẽ hoàn tất thủ tục thành lập vào năm 2015. Tất cả những tuyến hội nhập – tôi gọi là đẳng cấp cao - này vừa tạo ra những cơ hội cực kỳ lớn, nhưng vì thế, cũng mang đến những thách thức ghê gớm, nhiều yêu cầu sẽ khắt khe hơn cả về cơ hội và chất lượng sản phẩm.
Câu chuyện hội nhập sớm muộn sẽ xảy ra, và khi đó thuế xuất nhập khẩu giảm xuống, tiến rất nhanh tới mức 0%. Đến lúc đó bản thân ngành thép sẽ lấy gì để cạnh tranh với cơ cấu sản phẩm chất lượng thấp, giá lại cao? Câu hỏi này không thể né tránh được, không thể trì hoãn trả lời được. Đúng hơn là không thể cứ "xin lùi lại" như lâu nay được.
Hội nhập hiện nay không phải chờ đợi cả một lộ trình kéo dài trong cả 15-20 năm. Ngày nay, từ bàn đàm phán Hội nhập đến Hội nhập thực tế thời gian rút ngắn nhiều, nhiều khi chỉ trong vài năm. Ví dụ như khi tham gia TTP, lộ trình thực hiện giảm thuế XNK bằng 0 của 85-90% sản phẩm chỉ kéo dài vài ba năm. Nhưng ngành thép VN cứ kéo dài mãi thời gian bảo hộ, tức là cứ thấy cạnh tranh là muốn "lùi" như vậy thì sẽ phải hội nhập thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Thông điệp của Chính phủ là rõ ràng: chấp nhận hội nhập nghĩa là phải chấp nhận thay đổi thể chế, thay đổi “luật chơi”, tiến tới mở cửa tự do hóa nhanh chứ không phải theo cách đàm phán hội nhập thì tích cực nhưng lại muốn hội nhập thực tế thật chậm, càng kéo dài thời gian thực hiện các cam kết tự do hóa càng tốt.
Các hiệp định thương mại tự do là cách để tiến tới thị trường thế giới nhanh hơn. Nhưng lâu nay chúng ta đàm phán để vào sân chơi lớn cạnh tranh minh bạch nhưng khi vào rồi, lại cố gắng đàm phán thực thi thật chậm, kéo dài thời gian "giảm thuế quan" thật lâu.
Tôi xin nói rằng, không phải bây giờ câu chuyện hội nhập mới được đặt ra với ngành thép. Bản thân ngành thép đã được cảnh báo vấn đề này ít nhất cũng từ 20 năm trước. Ngành thép đã có khá nhiều thời gian để chuẩn bị, khởi động cho công cuộc cạnh tranh quốc tế. Nhưng có vẻ ngành thép rất chậm thay đổi, ít nỗ lực vượt lên năng lực và đẳng cấp cao hơn trong thứ bậc cạnh tranh quốc tế.
Đất nước không thể chờ đợi thêm được nữa. Nền kinh tế không thể tiếp tục chịu thiệt để lựa chọn một chính sách chỉ có lợi cho ngành thép mà khiến cả nền kinh tế phải chịu thiệt, thiệt cả về chất lượng và thiệt cả về giá cả.
Ngành thép phải suy nghĩ. Hay ngành thép vẫn còn đang giữ tư duy ỉ lại, dựa vào bảo hộ để "sống và chiến đấu”, để lớn lên của 20 năm trước?. Hai mươi năm được bảo hộ, bao bọc và 20 năm ngành thép không chịu thay đổi, không muốn thay đổi, liệu bây giờ với cách đó có thay đổi được không? Lý thuyết và kinh nghiệm đều không xác nhận điều này. Lịch sử 20 năm qua của chính ngành thép Việt Nam cho thấy, càng bảo hộ ngành thép càng không muốn thay đổi, càng khó thay đổi và khó nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu vậy có nên tiếp tục bảo hộ ngành thép không? Nếu không bảo hộ thì ngành thép sẽ ra sao đây?
Tôi cho rằng, chính sách duy nhất khiến ngành thép thay đổi là buộc phải mở cửa để ngành thép tự cạnh tranh. Giữa cái lợi chung của cả đất nước và cái lợi của ngành thép chúng ta sẽ phải lựa chọn.
Chúng ta sẽ coi như 20 năm vừa qua cả nước chờ đợi ngành thép chuẩn bị năng lực và bây giờ ngành thép phải "chiến đấu" thực sự. Trên thương trường đó ngành thép phải chấp nhận đương đầu với những khó khăn.
Tôi không nói mở cửa sẽ giết chết ngành thép. Sẽ có những DN thép nhờ đó mà sống khỏe và tiến vượt lên. Nhưng cũng có những DN sẽ chết. Vì trên thị trường thép, có những phân khúc thị trường mà nếu DN Việt biết tận dụng thì sẽ biến nó thành cơ hội. Nhưng sẽ có những phân khúc cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là thép tốt, thép chất lượng cao. Tôi nghĩ DN Việt cũng có thể làm được nếu họ chịu làm thật và không ngồi chờ bao cấp.
PV:- Là ngành được bảo hộ từ nhiều năm nay, các DN sản xuất thép được hưởng lợi nhiều từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Thời gian qua tuy có khó khăn nhưng ngành thép vẫn có tăng trưởng. Vậy thì phải lý giải lời "than khó" của ngành thép này thế nào mới đúng, thưa ông?
T.S Trần Đình Thiên: - Về mặt logic ngành thép than khó là hoàn toàn dễ hiểu. Khi mà nội lực không có, năng lực chủ yếu đi nhập rồi gia công... thuế quan sắp giảm bằng 0 thì đúng là khó thật rồi.
Nhưng trên quan điểm, khó mà không vươn lên, sản phẩm không cải thiện, chất lượng thấp, giá thành cao vậy mà chỉ ngồi chờ để được bảo hộ thì cứ kêu đi, để rồi “hi sinh” thôi. Nếu cứ mãi loanh quanh không chịu cải tiến về mặt công nghệ, chấp nhận thị trường phân khúc thấp, lười thay đổi, cố bám vào đẳng cấp thấp không có liên kết, kết nối với thị trường thế giới thì đương nhiên sẽ phải chấp nhận hi sinh.
Thị trường là vậy, cạnh tranh là vậy. Khó thì phải kêu. Kêu là đúng nhưng chỉ kêu không thì chết cũng đúng, mà còn đúng hơn. Vì không làm mà chỉ kêu trong khi thị trường không cần kêu mà cần phải làm. Thị trường ở đây tôi nói là thị trường công nghệ, thiết bị, nguyên liệu…. khi tiến tới toàn cầu hóa ngành thép phải nối được với doanh nghiệp nước ngoài, tạo thành một chuỗi liên kết mà ngành thép Việt Nam có thể cung ứng được một số sản phẩm đầu vào cho chuỗi liên kết đó.
Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm thép của VN đang ở đẳng cấp thấp nên không thể kết nối được v?i chuỗi liên kết nào của thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không chịu thay đổi, cải thiện chất lượng ngành thép khó có thể hội nhập, không thể cạnh tranh phát triển được.
Mặc dù vậy, tôi biết có nhiều doanh nghiệp thép tư nhân Việt Nam họ đã làm được, có thể làm được. Do họ nhận thức đúng bản chất thực sự của cuộc chơi là không dựa dẫm, không o bế, bao bọc. Vấn đề ở đây là phải chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh chứ không phải bảo hộ.
Tôi cũng không cho rằng nhà nước ta sẽ tiếp tục có ưu đãi riêng cho ngành thép. Chính phủ không thể có một chính sách vì ngành thép mà chấp nhận để cả nền kinh tế chịu thiệt về mặt chiến lược. Nếu cứ tiếp tục như thế, nền kinh tế VN sẽ chỉ đi xuống.
Cũng cần thấy rằng, thép có nhiều chủng loại, nhiều sản phẩm, nhiều phân khúc. VN có điều kiện lựa chọn từng phân khúc thế mạnh mà phát triển. Tôi nghĩ, đừng sợ cạnh tranh, khi vào cạnh tranh thị trường sẽ buộc chúng ta phải thay đổi.
Làm lợi cho nước ngoài, VN gánh hậu quả
PV:- Thép Việt chủ yếu do dòng vốn FDI tạo nên và họ đã hưởng đủ các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư ngoại, việc giảm thuế XNK 0%, ngành thép sẽ được nhập nguyên vật liệu giá rẻ, lại bán giá cạnh tranh. Các chuyên gia đã nói nhiều, ngành thép trong nước thực chất là đi gia công. Nhưng các nhà máy liên doanh khiến cho VN thậm chí còn ko nhận được hoàn toàn cái việc gia công đó (hợp tác với Ấn, Mỹ, Tiệp...). Nghĩa là chỉ có nhận rác thải của quá trình này một cách trọn vẹn. Như vậy ngành thép đang hưởng lợi, nhà nước và người tiêu dùng mới bị thiệt. Vậy ngành thép kêu khó, kêu lỗ liên tục đang phản ánh điều gì, thưa ông?
T.S Trần Đình Thiên: - Ở đây có hai vấn đề:
Thứ nhất, khi chúng ta mở cửa thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất thép nhưng chính sách của chúng ta lại không quan tâm nhiều tới cơ cấu sản phẩm thép của các doanh nghiệp này mà chỉ xem xét trên phương diện thu hút lao động, tạo công ăn việc làm, đóng góp GDP.
Vì thế, thời kỳ vừa qua, ta thu hút FDI sản xuất thép ồ ạt, đến mức gần như trở thành trung tâm sản xuất thép toàn cầu – nhưng chủ yếu sản xuất thép đẳng cấp không cao. Đáng lẽ chỉ ưu tiên phát triển thép chất lượng cao, theo cơ cấu, theo chuỗi, thép phải vực được ngành sản xuất cơ khí, sản phẩm xuất khẩu đem lại giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp của mình. Nhưng chúng ta lại không làm như vậy.
Vì sao tôi nói vậy, vì khi thu hút FDI, nhiều doanh nghiệp thép nước ngoài này mang công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm. Hơn nữa, công nghệ thấp kéo theo việc sử dụng điện tốn kém, tiêu hao năng lượng cao… gây thiệt hại lớn tới tổng thể nguồn lực quốc gia. Nghĩa là nó đang gây bất lợi cho cả ngành thép nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, ngành thép đã được thế giới cảnh báo nhiều, nhiều nước hiện đại đã từ bỏ phát triển ngành thép còn VN chúng ta lại đứng ra hứng vào. Hầu hết ngành thép không còn phát triển ở các nước phát triển. Một phần do những báo động về ô nhiễm môi trường, một phần các DN phải chi trả tiền phí môi trường quá lớn.
Trong khi, đầu tư vào VN bên cạnh các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai các DN này hầu như không phải chịu phí môi trường do các quy định về tiêu chuẩn môi trường ở VN quá dễ dãi. Chính những điều này đã mang lại cho họ một nguồn lợi đáng kể còn chúng ta phải hứng lấy hậu quả.
Do đó, chúng ta phải có những thay đổi trong chính sách thu hút FDI, phải đòi hỏi công nghệ cao, tránh bị ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phải xây dựng cơ cấu sản phẩm để thu hút đầu tư.
PV:- Chỉ còn mấy ngày nữa là Việt Nam bước vào bàn đàm phán Hiệp định TTP tại Hà Nội và các điều khoản của WTO về dỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng sắp phải thực hiện, một sân chơi công bằng minh bạch không chỉ cho ngành thép, dù muốn hay không cũng sẽ xuất hiện. Theo ông, ngành thép VN phải làm gì để có thể tồn được tại trong sân chơi mới này?
TS Trần Đình Thiên: TTP có lẽ ít quan hệ trực tiếp với ngành thép VN hơn so với ngành khác. Tuy nhiên cũng có những tác động mạnh. Việc tham gia TTP sẽ kích thích một số ngành như cơ khí, khiến nhu cầu về thép tăng lên. Như vậy, nó sẽ lan tỏa tới chuỗi sản xuất gắn với thép. Tôi lấy ví dụ như sản xuất ô tô của Nhật ở Việt Nam chẳng hạn, khi đó, họ sẽ đặt ra yêu cầu phải sản xuất thép chất lượng cao. Ngành đóng tàu cũng vậy.
Lúc đó, buộc chúng ta phải đưa ra một chiến lược phát triển cho ngành thép nói chung chứ không phải chỉ cho DN sản xuất thép mang quốc tịch VN. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi thế nào để tiến nhanh trên nấc thang công nghệ ngành thép, lựa chọn phân khúc sản phẩm nào được coi là thế mạnh để phát triển...?
Tôi cho rằng, vấn đề này chắc chắn sẽ được đặt ra rất nhanh thôi, và cách tiếp cận thị trường sẽ quyết định. Bây giờ chúng ta chưa biết thị trường lựa chọn VN đóng vai trò gì trong nền kinh tế thế giới. Có thể là tiếp quản một ngành ô tô, hay đóng tàu biển.
Tôi nghĩ VN có điều kiện và năng lực để phát triển ngành đóng tàu biển. VN có đường biển dài, nhiều cảng tốt, có tiềm năng tăng trưởng, lại đi sau, v.v. Không phải nước nào cũng có lợi thế như vậy. Nếu vậy thì chúng ta phải có bước đi và sự chuẩn bị, đặc biệt khi chúng ta có được những đối tác chiến lược có nền công nghiệp cơ khi hàng đầu thế giới nhu Nhật bản, Hàn Quốc.
Tất nhiên, để làm được như vậy, bản thân ngành thép cũng phải thay đổi thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc công nghệ và cấu trúc ngành nghề.
PV:- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!