Nguồn: Theo VNN
Duy Chiến thực hiện/ Vnn
"Nếu chịu làm, nếu thực sự vì Tổ quốc, nhân dân VN thì đi tìm lời giải này không khó. Không cần đi đâu xa, hãy qua Campuchia, Myanmar sẽ thấy" - ông Nguyễn Minh Nhị chia sẻ.
Người lãnh đạo đừng chỉ thích "màu hồng
Thưa ông, nhiều cách làm mang tính đột phá của ông thời còn là lãnh đạo ở An Giang đã được lắng nghe, vận dụng vào các chủ trương, chính sách như Chương trình 327 hay Nghị định 36 ban hành mới đây. Ông cảm nhận ra sao về những chính sách này khi đi vào thực tế?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Chương trình 327 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước là cách làm và vận dụng của An Giang trong hoàn cảnh mới, lúc đó đã rất thành công và đem lại hiệu quả cao.
Nhưng tiếc rằng khi Trung ương về nghiên cứu, xem xét và vận dụng thành chính sách quốc gia thì có nhiều cái đã bị lạc hậu, không phát huy được hiệu quả như An Giang đã làm.
Còn việc quản lý giống và nuôi cá tra, cá ba sa, tôi đã sớm nhận ra nguy hại và đã lên tiếng kiến nghị ngay lúc đó, tức hơn 10 năm rồi. Song lúc ấy chẳng ai nghe cả, có người còn cười tôi là "chẳng hiểu gì về cơ chế thị trường!". Tôi nói: "Anh bảo cơ chế thị trường là tự do tự phát là hoàn toàn sai. Nhà nước phải có vai trò quản lý trong đó. Mỹ và châu Âu, Nhật cũng vậy".
Nghị định 36 [1] để quy hoạch và quản lý cá basa ra đời là rất đáng quý, nhưng nếu sớm hơn, không đợi đến giờ khi loài cá này đang lâm nguy thì chúng ta đã giảm bớt được mất mát, thiệt hại.
Tại sao hồi đó ông được mời ra làm lãnh đạo tại Bộ NN&PTNT mà ông lại từ chối, trong khi ông được đánh giá là rất am hiểu và sắc sảo về NN&PTNT, đã có nhiều cách làm tốt, hiệu quả cao cho NN?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tính tôi bộc trực, thẳng thắn, ăn nói như kiểu của tôi ra đó là "trói chân trói tay" ngay! Còn không thì lại phải im lặng hoặc biết nói cho "dễ nghe".
Tôi nhớ chú Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) mới lên làm Thủ tướng đã có cuộc họp Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh ở dinh Thống Nhất. Mới mở màn, chú Sáu trách cứ, phê bình gay gắt lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL hay ăn nhậu, ảnh hưởng đến công việc.
Tôi lập tức có ý kiến, rằng ăn nhậu thì cũng có, nhưng không đến nỗi bỏ bê công việc như Thủ tướng nói. Và càng không để lại hậu quả quá nghiêm trọng so với một số chính sách, chủ trương lớn sai, cần phải làm rõ để xử lý.
Ban đầu chú Sáu giận lắm, nhưng sau đó chú lại rất quý và thích tính bộc trực, nói thẳng dân dã, có sao nói vậy của tôi. Nhiều lần tôi ra Hà Nội chú đều gặp, hoặc chú vào miền Nam công tác đều gọi tôi, hỏi chuyện và tham khảo ý kiến.
Lãnh đạo giỏi, có tâm, có tầm là phải biết lắng nghe sự thật, dù nó có thể rất đau lòng, phũ phàng, khó chịu, nói chung là rất "nghịch nhĩ". Nhưng phải nghe được sự thật thì mới giải quyết, xử lý được, thay vì khỏa lấp bằng những thành tích, con số màu hồng. Làm lãnh đạo mà cứ thích nghe những lời ngon ngọt, ngọt ngào thì dân chết!
Chính vì chỉ thích nghe những con số màu hồng mà nhiều hệ quả tai hại không được xử lý kịp thời, cứ để chồng chất lên nhau khiến nhiều vấn đề càng trở nên phức tạp, chẳng biết đầu mối ở đâu mà gỡ.
| ||
Nếu ta nhắm mắt, thiên hạ sẽ vượt qua
- Ông từng có thời gian dài làm lãnh đạo ở địa phương, đã cọ xát nhiều với thực tiễn và công tác quản lý, va chạm với nhiều cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, ông có nhìn nhận gì về một số hiện trạng, bất cập hiện nay?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi đã nhiều lần nói cách quản lý của chúng ta rất "ngây thơ", rất khó gọi tên. Nhiều cái tệ của ta không giống ai, nên không biết gọi là gì, cứ hay gom vào chữ "bất cập" là vậy!
Trong công tác quản lý, phong cách làm việc của bộ máy chúng ta vẫn còn những đặc tính tiểu nông, như tính "làm biếng". Trời lạnh không đi ra ruộng mà cứ trùm chăn ở nhà nằm cho ấm, vì vậy nhiều công việc chẳng làm tới nơi tới chốn.
Cái nguy hiểm nữa là trong quá trình làm ăn với người hàng xóm, một số cán bộ của ta càng thêm làm biếng, vì lấy lợi ích cá nhân làm đầu, bất chấp lợi ích quốc gia. Tôi đã tìm hiểu và biết, làm ăn với "nước lạ" có mấy cái "lợi" cho cán bộ như thế này: Thứ nhất, dễ ăn hối lộ, mà họ lại chủ động cho "ăn", chưa đòi hỏi họ đã cho. Thứ hai, chất lượng như thế nào cũng được, nếu có vấn đề gì thì lại giải quyết bằng "hối lộ" ngược! Cách làm này đang có chiều hướng phổ biến hơn, rất nguy hiểm.
Tôi đã làm việc với nhiều đối tác ở nhiều quốc gia khác, tôi nhận thấy làm việc với Nhật, với Hàn Quốc và châu Âu rất khó.
Nhưng làm được thì rất có lợi cho đất nước và qua đó ta cũng trưởng thành lên.
Hiện đang có nhiều lo lắng, băn khoăn rằng chúng ta đang trì trệ, chậm chạp trong khi nhiều nước, ngay cả các láng giềng đang phát triển nhanh, "qua mặt" ta. Ông thấy sao về điều này?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Tôi nhớ hoài và thấy rất xấu hổ khi làm việc với một tỉnh phó của một tỉnh bên Campuchia. Ông ấy nhẹ nhàng góp ý như thế này: "Các anh phải giáo dục nhân dân của các anh có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Ai mà cứ bắt sạch cá non, cá mang trứng, xuyệc điện (chích cá bằng điện - ) hủy diệt để vét sạch từ con nhỏ đến con to thì mai này chẳng còn gì để ăn nữa đâu!".
Bên Campuchia họ nghiêm lắm, tình trạng hủy diệt như ở ta là họ trị ngay, nên gần như không còn nữa nạn đánh bắt, khai thác hủy diệt như bên ta. Ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường ngày càng tốt. Còn ta ngày càng tệ, gần như bất lực không ngăn chặn được.
Tôi đã nhiều lần nói, Nhà nước khó mà ngăn chặn, bắt phạt cho hết nếu nhân dân không ý thức được. Hầu hết đều sẵn sàng vì lợi ích trước mắt mà bất kể tất cả. Cái quan trọng nhất là phải giúp nhân dân ý thức rõ điều đó. Song như tôi đã nói ở phần trước, chính chúng ta đã cắt mất sợi dây linh thiêng nối liền người nông dân với đất đai, vô tình tước bỏ trách nhiệm, bổn phận của họ với mảnh đất và môi trường sống của họ.
Cả xã hội ta hiện nay, từ người dân đến cán bộ, đều có không ít người mang tâm lý chụp giật, ngắn hạn, coi lợi ích cá nhân là hàng đầu. Với tình trạng đó, chúng ta khó mà có những phát triển mang tính chiến lược.
Tôi nghĩ, cần phải tỉnh táo nghiệm lại và phải làm lại một cách căn cơ, bắt đầu từ gốc rễ của mọi vấn đề. Nếu không, cứ như hiện nay, chạy theo giải quyết phần ngọn mà gốc rễ bị sai thì không thể xử lý được gì cả, mà cái xấu, cá tệ, cái dở ngày một phát triển, lấn chiếm.
Tại sao ta không xem, nghiên cứu các nước xung quanh và tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Vì sao họ phát triển nhanh được còn ta cứ trì trệ? Cái gì đang cản trở chúng ta thoát ra?". Nếu chịu làm, nếu thực sự vì Tổ quốc Việt Nam, vì nhân dân Việt Nam thì đi tìm lời giải này không khó. Không cần đi đâu xa, hãy qua Campuchia, Myanmar sẽ thấy.
Myanmar là nơi đáng để chúng ta nghiền ngẫm suy nghĩ lại mình. Họ từ chỗ khép kín, đã chuẩn bị để mở cửa, hội nhập với thế giới, thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề trì trệ cũ một cách căn cơ, bài bản. Họ đang có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt, tới nơi tới chốn để "vượt lên chính mình".
Phải thay đổi từ gốc của mọi vấn đề! Quản lý và điều hành đất nước cũng sẽ bất lực nếu những sai lầm, ngộ nhận từ gốc không được thay đổi. Nếu không, cứ nhắm mắt hoài thì thiên hạ sẽ vượt qua, còn chúng ta lại ngày càng tụt hậu...