20 septembre 2014

Việt Nam sáng tạo kém Lào:Thay đổi hay... ngả mũ nhận thua?

Nguồn: Theo Đất Việt
 
(Doanh nghiệp) - Tương lai mất cạnh tranh của Việt Nam ngày càng rõ rệt do bản thân Việt Nam làm mình kém đi trong khi các đối tác xung quanh đang nổi lên.
Ths Bùi Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới nêu quan điểm trước những thông tin liên quan đến báo cáo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) cho thấy, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan về Chỉ số Năng suất Sáng tạo.

Việt Nam thua Lào vì…
PV: - Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố báo cáo Chỉ số Năng suất Sáng tạo (CPI) của 22 nền kinh tế châu Á, Mỹ và Phần Lan. Chỉ số CPI được tính dựa trên 36 chỉ số “đầu vào” như nền kinh tế đó có bao nhiêu trường đại học được xếp trong danh sách 500 trường hàng đầu thế giới, tỷ lệ đô thị hóa, chi phí cho hoạt động nghiên cứu phát triển, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng, quan liêu… 8 chỉ số “đầu ra” gồm số bằng sáng chế được phát minh, giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp, số sách và phim ảnh được sản xuất…
Theo nghiên cứu của EIU, Việt Nam đạt mức trung bình về “đầu vào” nói chung nhưng yếu về “đầu ra", đặc biệt tính riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6, sau Lào, Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Ông có bất ngờ trước kết quả này không và vì sao? Liệu ông có thể lý giải, vì sao Lào, một nước vốn bị coi là nghèo và kém phát triển ở Đông Nam Á lại có được kết quả nổi bật đến như vậy?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Gần đây một số nước như Lào, Campuchia thay đổi nên có thể điểm số của họ cao hơn. Song ý nghĩa của con số này không lớn, chỉ mang tính chất tham khảo vì bản thân nó được tính ra bởi hàng loạt con số mà độ thuyết phục, chính xác chưa cao.
Nó giống như chỉ số đánh giá về độ hạnh phúc của con người, từng quốc gia cho thấy Việt Nam có chỉ số này rất cao nhưng người Việt Nam lại không cảm nhận được điều đó. Vì có thể những nhà nghiên cứu đánh giá theo tiêu chuẩn của họ mà người Việt Nam cảm thấy không hài lòng nhưng họ lại cho điểm cao.
Trong các chỉ số “đầu vào”, bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được đánh giá ở mức thấp do nạn ăn cắp quá nhiều. Khi so sánh với Lào, ở Lào không có tình trạng này trong khi Việt Nam sử dụng nhiều hàng nhái, túi xách, quần áo… trong khi hàng tại Lào chủ yếu là tự cung tự cấp, tự may để sử dụng.
Về vấn đề tham nhũng, quan liêu có thể 2 nước bằng nhau vì Lào cũng tham nhũng nhưng mức độ tham nhũng quan liêu của Việt Nam có thể nhiều hơn chút ít. Chính những lý do này có thể khiến cho “đầu vào” của Việt Nam thấp hơn so với Lào.
Còn về những chỉ số “đầu ra” trong đó có giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, là nước xuất khẩu hàng đầu nhiều mặt hàng nhưng sự thay đổi chưa nhiều nhưng Lào chỉ có một vài công ty vào đầu tư, mở rộng sản xuất, nông nghiệp bé nhưng chế biến được rất nhiều. Như vậy tỷ lệ nông nghiệp chế biến trên tổng nông nghiệp lớn hơn so với Việt Nam.

Giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn khi so sánh với Lào
Điều đó có nghĩa, chưa chắc chuyện này đã phản ánh điều gì quá lo ngại, chỉ khi các chỉ số như quan liêu, tham nhũng tách riêng hoặc cảnh báo cụ thể môi trường đầu tư sẽ bắn thông điệp vào các doanh nghiệp, có thể là những tham khảo để doanh nghiệp loại Việt Nam ra khỏi danh mục đầu tư.
PV: - Cách đây không lâu, khảo sát từ VCCI - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư của Việt Nam so sánh với Lào Campuchia đã cho kết quả, các nhà đầu tư nước ngoài cũng xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn Lào, Campuchia.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, sự tụt hậu này bắt nguồn từ “thói quen ăn sẵn bán đào”, sự chủ động lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc của Việt Nam. Ông có đồng tình với ý kiến này không và vì sao?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Kết quả khảo sát về môi trường đầu tư của Việt Nam so sánh với Lào, Campuchia cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn Lào, Campuchia là đúng vì Lào, Campuchia mới trong khi Việt Nam có mấy chục năm, hệ thống ăn sâu bám rễ nếu không được thay đổi ngay từ đầu thì dứt khoát sẽ cao hơn.
Còn nếu nói sự tụt hậu do “thói quen ăn sẵn bán đào” cũng không phải, nó do chính sách của Việt Nam hoặc do cấu trúc kinh tế liên quan đến nhiều vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, mang nặng tư tưởng doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo trong khi hệ thống được hưởng nhiều làm ra ít nhưng không bị trừng phạt…
Việt Nam đang kém dần
PV: - Sự vươn lên của Lào và Campuchia trong những bảng đánh giá khách quan và trung lập này liệu có là cảnh báo đỏ cho Việt Nam, đặc biệt khi hiện tại nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa một phần lớn vào FDI (đầu tư trực tiếp, xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp FDI)?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Việt Nam phải tự xem xét thậm chí không chỉ Lào, Campuchia mà Myanmar mới gia nhập vào hệ thống phát triển nhưng tốc độ sức hút cao, Việt Nam phải lưu ý vì các lợi thế của Việt Nam đang bị cạnh tranh thậm chí mất dần nếu không thay đổi.
Người ta đánh giá sức cạnh tranh các nước gần Việt Nam nổi lên, Việt Nam không thay đổi tức là môi trường của Việt Nam kém dần, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sáng nơi khác vì vậy phải có sự cải tiến về hành chính luật pháp, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng…
Cơ sở hạ tầng của nhiều nước chưa quá tải nên trong khi Việt Nam phát triển nhiều, phát triển lâu nên giờ tình trạng quá tải khiến việc vận chuyển hàng hóa mất thời gian quá lâu dẫn đến chi phí lớn, tham nhũng trên đường nhiều cũng đội chi phí lên cao người ta sẽ tính toán di chuyển sang chỗ khác. Lao động mang tiếng nhiều nhưng lao động sử dụng được ít, nếu muốn sử dụng phải bỏ tiền ra để huấn luyện và đào tạo cũng khiến chi phí tăng… Tất cả phải được thay đổi để làm sao cho lao động tốt, môi trường kinh doanh tốt, cơ sở hạ tầng tốt mới giữ được chân các nhà đầu tư.


Người Việt Nam vẫn thích ăn sổi, không thích sáng tạo trong sản xuất

Tôi được biết, cơ sở hạ tầng của Campuchia tốt hơn nhiều so với Việt Nam, lượng ô tô cũng chưa nhiều, không có hiện tượng đường lún nứt, ổ gà, ổ voi chưa kể trên đường tình trạng cảnh sát dừng xe, chặn xe không có.
PV: - Tương lai mất cạnh tranh về môi trường đầu tư (do sự vươn lên của các nước láng giềng, dư địa trục lợi từ chính sách ưu đãi đầu tư không còn…) có còn xa với Việt Nam hay không? Nếu điều đó xảy ra thì diện mạo của nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao, khi mà tới thời điểm này, năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam bị đánh giá là không làm nổi một cái ốc vít, còn nền nông nghiệp khiến người nông dân thua thiệt mà phải bỏ ruộng?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Có những doanh nghiệp nước ngoài vừa và nhỏ, ở Việt Nam có thể không là gì nhưng sang kia thì được ưu đãi hơn. Rõ ràng có những đối tác cạnh tranh đang nổi lên nên phải lưu ý điều đó và rõ ràng chưa mất hẳn nhưng có dấu hiệu đang kém đi và kém đi nhanh chóng theo nghĩa bản thân mình làm cho nó kém hấp dẫn, thứ 2 là các đối tác xung quanh đang nổi lên nên tốc độ xuống dốc có vẻ nhanh lên. Nên phải có thay đổi tích cực, căn bản mới có thể thay đổi được cục diện.
Dư địa trục lợi từ chính sách ưu đãi đầu tư không còn, sẽ bị đe dọa khi dòng FDI bị phân tán, không tập trung vào Việt Nam. Nhưng diện mạo của nền kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều vấn đề như cấu trúc nền kinh tế hiện nay, vấn đề nợ xấu, bất động sản, ngân hàng trì trệ. Vấn đề môi trường đầu tư ảnh hưởng FDI là một khía cạnh nhưng cái chính là vấn đề cấu trúc kinh tế, các vấn đề bất động sản, nợ xấu, doanh nghiệp nhà nước… những điều này sẽ không có gì thay đổi đến năm 2016.
PV: - Thực chất, thời điểm mà Việt Nam phải hội nhập đầy đủ vào WTO sắp cận kề. Lối thoát cho những nền kinh tế nhỏ trước áp lực này là như thế nào, thưa ông? Nhìn vào đó, Việt Nam có lợi thế hơn Lào hay Campuchia hay không, hay chính chúng ta rồi sẽ phải ngả mũ trước hai nền kinh tế vốn bị coi là yếu kém hơn này?
Ths Bùi Ngọc Sơn: - Việt Nam phải tự cải cách, nâng cấp mình. Theo đó có 2 cách thức, một là chưa đủ năng lực và không muốn thay đổi nhưng lại gia nhập vào thế giới để lấy áp lực đó thay đổi mình, cách thứ 2 là tự thay đổi để gia nhập vào cuộc chơi. Cách thứ 2 tốt hơn việc tự tạo sức ép để thay đổi, vì như vậy sẽ phát sinh vấn đề cầu xin sự thông cảm. Trung Quốc chơi bài thứ 2, thay đổi để tham gia vào cuộc chơi của thế giới.
Còn lợi thế, Việt Nam có tiềm năng quy mô dân số, thị trường mà các nước khác có thể không có, có vị trí thuận lợi, đường biển giao thông, các trung tâm tài chính giao dịch phát triển hơn, so với Trung Quốc lao động rẻ hơn nhiều, vấn đề giáo dục có vẻ hơn Lào, Campuchia nhưng lại dạy những điều không áp dụng vào thực tiễn.
Chỉ số IQ của người Việt cao hơn so với nhiều nước nhưng cũng không để làm gì, IQ xét về xử lý của bộ não nhưng xử lý cái gì lại là chuyện khác, Việt Nam có tiềm năng nhưng không đi vào thực tế.
Thêm nữa, người Việt Nam vẫn thích ăn sổi, không thích sáng tạo trong sản xuất đến giờ cái lược, cái kim, sợi chỉ cũng nhập từ Trung Quốc. Theo tôi, những phát minh sáng chế, thay vì tặng bằng khen, phải có quỹ bằng tiền mặt để trao tặng, lúc bấy giờ họ mới mở thêm các phòng thí nghiệm tìm tòi sản phẩm mới sử dụng được, bán được. Việc này bắt nguồn từ chính cơ chế, người tài hoặc làm ra không ai khen, không ai trả tiền cho họ, không phải tự nhiên phương Tây coi trọng luật bản quyền vì sự sáng tạo là sự dẫn dắt, dẫn đến sự đổi mới cho nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!