Nguyễn Thị Từ Huy
"Václav Havel ra tù rồi lên làm tổng thống, Nelson Madela ra tù cũng lên làm tổng thống, Aung San Suu Kyi sau khi được tự do cũng tham gia vào chính phủ. Trước đây ở Việt Nam những người cách mạng vào tù, khi ra tù họ trở thành anh hùng. Còn các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam hiện nay sau khi ra tù thì trong con mắt của đa số trí thức và dân chúng, họ vẫn là tội phạm, chỉ bởi nhà nước coi họ là tội phạm."
Khi tìm hiểu về một số nhân vật đã
thành công trong việc giúp cho dân tộc của họ thoát khỏi sự thống trị của chế
độ phân biệt chủng tộc, chế độ độc tài hay toàn trị, tôi rút ra nhận xét sau
đây:
Nelson Madela, Václav Havel, Aung San Suu Kyi… đều là những
người rất quyết liệt, rõ ràng trong tư tưởng và hành động, đi tận cùng lý tưởng
của mình, chấp nhận tù đày, hy sinh chứ không chịu thỏa hiệp ; giữa phát
ngôn và hành động rất thống nhất, họ nói điều họ nghĩ, và làm điều họ nói. Thậm
chí họ có thể bước thẳng tới họng súng không một chút chần chừ.
Họ không có một trường đại học nào, một viện nghiên cứu nào,
một tờ báo nào, một công ty nào… cần phải giữ cho bằng được, mà để giữ được thì
phải hợp tác (hợp tác cũng có nghĩa là phải nhượng bộ) nên hệ quả là (dù muốn
hay không) phải làm thành một phần của chính quyền. (Nói đúng ra thì Havel từng
tham gia điều hành một tờ tạp chí văn học, nhưng ông ấy thà để cho nó bị bóp
chết chứ không chịu thỏa hiệp với Hội nhà văn Tiệp Khắc, bởi ông hiểu rằng để
giữ cho tờ tạp chí được sống thì tự do phải chết, sự thật phải chết). Không.
Những người đó chẳng có gì để giữ cho riêng mình, nên đã không hề thỏa hiệp với
chính quyền ; nên họ có thể cứng rắn, kiên định và cống hiến trọn vẹn cho
toàn bộ dân tộc của họ, vì thế có thể làm thay đổi số phận dân tộc của họ.
Mặt khác, phải thấy rằng họ thành công vì được rất nhiều
người ủng hộ, rất nhiều người trong xã hội đấu tranh cùng họ và hy sinh cùng
họ.
Ta thử làm một giả định : nếu họ ở Việt Nam thì sẽ thế
nào ? Căn cứ vào thực tế hiện nay thì có thể thấy họ sẽ bị đa số trí thức
và người dân coi là quá cực đoan. Và viễn cảnh dễ nhận thấy là người ta sẽ
không ủng hộ họ và không hợp tác với họ. Chẳng hạn, nếu Aung San Suu Kyi là người
Việt Nam, và hoạt động chính trị ở Việt Nam, bà sẽ khó mà nhận được sự ủng hộ
của đa số trí thức và dân chúng như là bà đã nhận được ở Miến Điện. Sẽ không có
cảnh một đoàn giáo sư và sinh viên đại học đến tìm bà để đề nghị bà ở lại hoạt
động cho đất nước, có nghĩa là họ sẽ cùng đấu tranh với bà và chấp nhận hy sinh
cùng bà. Điều tương tự không thể xảy ra ở Việt Nam, tại thời điểm này. Trái
lại, hầu hết giảng viên đại học Việt Nam sẽ khuyên bà nên trở về Anh mà sống
yên vui với chồng con, họ sẽ khuyên bà « đi đi », « đừng ở
lại », vì « Hà Nội không vội được đâu », vì « cái nước mình
nó thế », phải từ từ thôi (dẫu đã từ từ gần một thế kỷ nay rồi nhưng vẫn
phải từ từ) và cuối cùng là vì bà quá cực đoan, không chịu thỏa hiệp nên không
làm được gì đâu (!!!).
Vậy đó, lý do khiến cho các lãnh tụ dân chủ được nêu trên
đây và dân tộc họ thành công trong việc thoát khỏi vòng nô lệ của các chế độ
độc tài hay toàn trị lại trở thành lý do khiến họ sẽ không được đa số dân chúng
ở Việt Nam ủng hộ, nếu họ hoạt động ở Việt Nam.
Đấy cũng là lý do khiến cho các nhà hoạt động dân chủ Việt
Nam không được (hay chưa được) đa số những người làm công việc trí thức và đa
số dân chúng (tôi phải nhắc lại từ « đa số » này) ủng hộ. Việt Nam
không thiếu những người quyết liệt, dám hy sinh, có thể nêu một vài cái tên làm
ví dụ như Trần Độ, Trần Xuân Bách ; những người bị tù đầy như Nguyễn Đan
Quế, Lê Công Định... Nhưng họ bị cô lập bởi những người xung quanh, bị tẩy
chay, bị « bỏ rơi ». Và để khỏi phải áy náy thì người ta cho rằng đấy
là lỗi của họ, rằng « họ quá cực đoan », vì thế lảng tránh họ chẳng
có gì là xấu. Thậm chí một người chỉ bộc lộ chính kiến một cách ôn hòa bằng
cách viết một số bài ít nhiều mang tính chỉ trích còn bị xem là cực đoan thì
thử hỏi làm sao những người quyết liệt đến mức hy sinh tất cả mọi thứ như các
nhà bất đồng chính kiến từng tù tội lại không bị xem là quá cực đoan ?
Ý nghĩa của từ « cực đoan » này dĩ nhiên cũng cần
được phân định một cách rõ ràng, ở đây chỉ nêu lên một khía cạnh : khi mà
sự quyết liệt, sự lựa chọn rõ ràng, ý chí sống trong sự thật (các phẩm chất cần
có của thái độ dân chủ, và của những người đấu tranh cho dân chủ) bị xem là cực
đoan, thì cũng có nghĩa là các phẩm chất ưu tú bị nhìn như là nhược điểm. Nếu
« cực đoan » là nhược điểm, thì có nghĩa là « không cực
đoan » mới là ưu điểm. Lập luận sẽ là : « chúng tôi không xấu,
mà chúng tôi không cực đoan thôi, vì thế chúng tôi mới tồn tại được trong xã
hội này. Vì các ông/bà cực đoan nên các ông bà mới phải vào tù, các ông/bà mới
bị đối xử bất công, vậy các ông/bà phải tự chịu lấy một mình, không trách chúng
tôi được ». Với lập luận này thì lương tâm có thể dễ dàng ngủ yên, để mặc
cho cái xấu hoành hành và cái tốt bị vùi dập.
Václav Havel ra tù rồi lên làm tổng thống, Nelson Madela ra
tù cũng lên làm tổng thống, Aung San Suu Kyi sau khi được tự do cũng tham gia
vào chính phủ. Trước đây ở Việt Nam những người cách mạng vào tù, khi ra tù họ
trở thành anh hùng. Còn các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam hiện nay sau
khi ra tù thì trong con mắt của đa số trí thức và dân chúng, họ vẫn là tội
phạm, chỉ bởi nhà nước coi họ là tội phạm. Vì thế nên không những không ủng hộ
họ mà đa số người dân còn lảng tránh họ, và không có tổ chức nào dám nhận họ
vào làm việc như một người bình thường. Có nghĩa là những người bất đồng chính
kiến ở Việt Nam, khi ra tù, không còn có khả năng tập hợp và ảnh hưởng tới công
chúng nữa. Cũng có nghĩa là họ bị vô hiệu hóa về phương diện hoạt động xã hội.
Tại thời điểm hiện tại này, không một người bất đồng chính kiến nào có thể mơ tưởng
một vị thế như Havel từng có, hay Aung San Suu Kyi đang có. Một vị thế như vậy
chỉ có thể có được khi phần lớn dân chúng trong xã hội ủng hộ họ, hy sinh cùng
họ, và đi cùng con đường với họ. (Dĩ nhiên, cũng có những lý do thuộc về chủ
quan của những người bất đồng chính kiến, nhưng vấn đề này cần được mổ xẻ vào
lúc khác.)
Bi kịch của những người bất đồng chính kiến Việt Nam cũng
chính là bi kịch của cả đất nước. Bởi nếu họ không được số đông ủng hộ, thì
cũng sẽ không có ngày đất nước thoát khỏi vòng kìm kẹp của hệ thống toàn trị,
cũng có nghĩa là không thể phát triển được, và nếu không phát triển được thì
nguy cơ mất nước sẽ trở thành hiện thực mất nước.
Trong bài này, tôi đưa ra một nguyên nhân để lý giải cho
hiện tượng vừa nêu ở trên (trong khi luôn ý thức được rằng có nhiều nguyên nhân
khác nữa) : các nhà bất đồng chính kiến không/chưa được ủng hộ rộng rãi,
lý tưởng tự do dân chủ không/chưa được ủng hộ rộng rãi ở Việt Nam, vì người ta
ai cũng còn những thứ « phải giữ ».
Hiện nay, đa số mọi người lập luận rằng, tôi còn việc nọ hay
việc kia phải làm (phải điều hành một cơ quan, một tổ chức…), tôi còn cái ghế
giáo sư phải giữ, tôi còn cái chức trưởng khoa phải giữ, tôi còn cái chức hiệu
trưởng hay viện trưởng phải giữ, con tôi còn có một công ty, cháu tôi có một
nhà máy…, nên tôi phải thỏa hiệp, phải chấp nhận mọi thứ tệ nạn, nên tôi chưa
thể ra khỏi đảng, tôi chưa thể nào tham gia cùng các bạn (chống Tàu, các hoạt
động ngăn chặn các tệ nạn xã hội, ngăn chặn các chính sách sai lầm của chính
phủ, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ công lý, phát triển đất nước…). Nếu ai cũng có
cái gì đó để giữ, và ai cũng không thể làm gì được, vậy thì ai sẽ làm
đây ?
Vậy đó, hầu như rất ít người chấp nhận hy sinh chút ít quyền
lợi cá nhân để làm những việc vì quyền lợi chung của cộng đồng. Có những người
như vậy, nhưng hiện đang rất ít.
Trái lại, có một bộ phận không nhỏ những người hiểu biết, có
một chút lương tâm, khi nhìn thấy những nguy cơ tồi tệ của xã hội hiện tại,
muốn làm việc gì đó để ngăn chặn những nguy cơ đó. Nhưng vì họ luôn có cái gì
để giữ cho họ, nên họ chỉ lựa chọn những giải pháp an toàn, những giải pháp cho
phép họ bộc lộ một thái độ, nhưng không làm ảnh hưởng đến thứ mà họ đang có. Đó
là phát biểu vài lời trong các hội nghị, hội thảo, tọa đàm mà nội dung của chúng
chẳng có cách nào đi vào thực tiễn của cuộc sống ; hoặc viết thư ngỏ, kiến
nghị. Điều đó giải thích sự bùng nổ của các kiến nghị, tuyên bố, kêu gọi… mấy
năm gần đây. Nhưng các hình thức đó chưa bao giờ có hiệu quả, chưa bao giờ đạt
được một kết quả cụ thể nào. Và căn cứ vào tình trạng hiện nay thì hình thức đó
sẽ chẳng có hiệu quả. Dù bản thân tôi cũng thường tham gia ký kiến nghị, nhưng
tôi phải thừa nhận sự thật đó, sự thật thì phải thừa nhận thôi. Ai viết kiến
nghị thì cứ viết, còn ai làm thì cứ làm, chẳng thèm đếm xỉa đến kiến nghị,
tuyên bố hay tuyên cáo, tất cả đều bị xếp xó hết.
Không có hiệu quả, bởi vì, nếu như vào một thời điểm nhất
định nào đó, viết và ký kiến nghị có thể xem là một hành động, có tác động thức
tỉnh và nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân, thì lúc này, viết và ký
kiến nghị, tuyên bố... không còn là một hành động nữa, vì tính chất vô hiệu quả
của nó. Như tất cả mọi người đều thấy, gộp tất cả các kiến nghị từ trước tới
giờ cũng không thể nào có được tác động, cả đối với chính quyền lẫn đối với dân
chúng, bằng một chuyến đi xe máy của chị Bùi Thị Minh Hằng, hay sự ra đời của
Văn đoàn độc lập hoặc Hội nhà báo độc lập. Dĩ nhiên, nói như vậy thì hơi quá
cực đoan, nhưng quả thực, kiến nghị giờ đây chỉ còn có tác dụng an thần đối với
người viết và người ký mà thôi, khiến cho họ cảm thấy là họ cũng đang làm việc
gì đó. Nhưng đã đến lúc phải thấy rằng giờ đây ký kiến nghị nghĩa là không làm
gì cả, chẳng có cái giá nào phải trả và cũng không còn âm vang nữa, chẳng có
bao nhiêu tác động. Trái lại, sau kiến nghị, sự việc còn có thể trở nên trầm
trọng hơn, tồi tệ hơn. (Xin đọc loạt bài « Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay
đổi thiệt? » và « Hiến pháp vi hiến » của Hoàng Xuân Phú để thấy
được chính quyền đã thể hiện cho các công dân viết và ký kiến nghị về hiến pháp
-trong đó có tôi- thấy rằng quyền lực của chính quyền mạnh như thế nào và thấy
được sự khinh bỉ của chính quyền dành cho họ như thế nào.)
Nếu muốn thay đổi nhận thức dân chúng, thì những người viết
kiến nghị có thể viết các bài phân tích thấu đáo cho dân chúng hiểu, và đối
tượng hướng tới là dân chúng. Còn với chính quyền, phải có phương thức khác
(dứt khoát hơn, rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn), nếu muốn có hiệu
quả. Nhưng có vẻ như những người chủ trương kiến nghị chưa sẵn sàng cho những
phương thức hành động khác, phải chăng là bởi chính họ cũng còn những thứ
« phải giữ ».
Vấn đề là ở chỗ: nếu ngay cả những người hiểu biết, tạm
cho là có ý thức trách nhiệm, còn không thể từ bỏ vài quyền lợi nhỏ mọn mà mình
đang có (và để có được những quyền lợi đó phải chấp nhận nhập nhèm, thiếu minh
bạch trong công việc, tiếp tay cho bộ máy tham nhũng, và nhìn chung là chọn
thái độ thỏa hiệp với mọi tệ nạn trong cuộc sống, chấp nhận mọi quyết định sai
trái của chính quyền), thì hỏi làm sao mà các lãnh đạo hiện hành, nhờ sự đảm
bảo của đảng độc tài nên được ngồi trên núi vàng, chi phối và hưởng lợi từ toàn
bộ lợi ích khổng lồ của quốc gia, lại có thể từ bỏ vị trí của họ, từ bỏ đảng
của họ được ?
Đó là một logic thống nhất từ trên xuống dưới hiện nay.
(Còn tiếp)
Paris, 3/9/2014
Nguồn : nguyenthituhuy's blog